Ngày 22/7/2025, Tòa án nhân dân Khu vực 16 – Tp. Hồ Chí Minh (trước đây là TAND Tp. Dĩ An, tỉnh Bình Dương) mở phiên sơ thẩm đối với ông Trần Quốc Tân – nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH SX-TM Đậu phộng Tân Tân, cùng vợ và em trai, về hai tội danh hình sự: Không chấp hành án” (Điều 380 BLHS 2015) Trốn thuế” (Điều 200 BLHS 2015).

Đây không chỉ là một vụ án hình sự thông thường. Nó là vụ án điển hình cho mối liên hệ ràng buộc giữa quản trị doanh nghiệptrách nhiệm pháp lý của người lãnh đạo – nơi mà mọi quyết định đều có thể trở thành ranh giới giữa hợp pháp và tội phạm.

Trong bài viết này, tôi không bàn sâu về quan điểm xét xử hay kết luận vụ án do không có điều kiện nghiên cứu, tiếp xúc trực tiếp hồ sơ, ngoài ra vụ việc vẫn đang trong quá trình giải quyết. Tôi hoàn toàn tin tưởng vào sự khách quan, công minh và đúng pháp luật của Hội đồng xét xử.

Ở đây, tôi xin chia sẻ một góc nhìn chuyên môn: pháp luật – khi đi đến giới hạn cuối cùng của trách nhiệm doanh nhân.

1. Diễn biến vụ án và dấu hiệu pháp lý

Theo cáo trạng, ông Tân và HĐQT bị tòa buộc thực hiện nghĩa vụ thi hành bản án liên quan đến quyền cổ phần của bà Nguyễn Thị Thanh. Tuy nhiên, sau khi bản án có hiệu lực, các bị cáo đã không thực hiện, bất chấp nhiều lần cưỡng chế, nhắc nhở. Lý do như “không nhớ”, “ủy quyền”, “nội bộ phức tạp” là không đủ sức loại trừ nghĩa vụ thi hành pháp luật.

Trong một diễn biến khác, cơ quan điều tra xác định từ năm 2015 đến 2022, ông Tân cho thuê kho xưởng với tổng thu nhập hơn 8,6 tỷ đồng, nhưng không xuất hóa đơn, không kê khai thuế, gây thất thu ngân sách gần 1,5 tỷ đồng tiền thuế GTGT.

Đây là hành vi có đủ yếu tố cấu thành tội trốn thuế, thể hiện sự cố ý, kéo dài và có hệ thống.

Tham khảo: Lời khai của cựu chủ tịch đậu phộng Tân Tân <https://vnexpress.net/loi-khai-cua-cuu-chu-tich-dau-phong-tan-tan-4917358.html

2. Phân tích pháp lý: Trách nhiệm cá nhân và giới hạn của pháp luật

2.1. Tội không chấp hành án – Điều 380 Bộ luật Hình sự 2015

Theo quy định, người nào có nghĩa vụ thi hành bản án nhưng cố ý không thực hiện sau khi đã được thông báo, nhắc nhở, cưỡng chế… thì phạm tội “không chấp hành án”.

Khung hình phạt cơ bản:

Khoản 1: Phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.

Khoản 2: Phạt tù từ 2 đến 5 năm nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây: a) Chống lại chấp hành viên hoặc người đang thi hành công vụ; b) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt; c) Tẩu tán tài sản.

Khoản 3: Người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

Trong vụ án này, hành vi được xác định là có tổ chức, diễn ra liên tục trong thời gian dài, vi phạm nghĩa vụ đã có hiệu lực thi hành, có thể đối mặt việc đủ yếu tố để truy cứu theo khoản 2.

2.2. Tội trốn thuế – Điều 200 Bộ luật Hình sự 2015

Tội trốn thuế được cấu thành bởi các yếu tố:

Khách quan: Không kê khai, không nộp thuế khi phát sinh nghĩa vụ.

Chủ quan: Có lỗi cố ý, với mục đích tránh nghĩa vụ thuế.

Hậu quả: Gây thất thu cho ngân sách nhà nước.

Khung hình phạt hiện hành:

Khoản 1: Phạt tiền từ 100 triệu đến 500 triệu đồng hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm nếu số thuế trốn từ 100 triệu – dưới 300 triệu đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trốn thuế hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội theo Điều 200 BLHS chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

Khoản 2: Phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 1.500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 03 năm Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây: a) Có tổ chức; b) Số tiền trốn thuế từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng; c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; d) Phạm tội 02 lần trở lên; đ) Tái phạm nguy hiểm.

Khoản 3: Phạt tiền từ 1.500.000.000 đồng đến 4.500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm khi phạm tội trốn thuế với số tiền 1.000.000.000 đồng trở lên

– Khoản 4: Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

– Khoản 5: Đối với Pháp nhân thương mại phạm tội

Trong trường hợp này, với thiệt hại gần 1,5 tỷ đồng, mức hình phạt có thể đối mặt theo khoản 3 Điều 200.

2.3. Tình tiết giảm nhẹ và thời hiệu

Theo Điều 51 Bộ luật Hình sự 2015, tình tiết như:

– Thành khẩn khai báo

– Tự nguyện khắc phục hậu quả

– Có hoàn cảnh khó khăn (tuổi cao, bệnh lý…)…

Có thể được xem xét giảm nhẹ hình phạt. Tuy nhiên, đây không phải là căn cứ loại trừ trách nhiệm hình sự.

Về thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, theo Điều 27 Bộ luật Hình sự 2015, với tội trốn thuế có khung hình phạt đến 7 năm tù, thời hiệu là 10 năm. Do đó, hành vi từ năm 2015 đến 2022 vẫn còn trong thời hiệu.

3. Góc nhìn doanh nghiệp: Quản trị không thể tách rời trách nhiệm pháp lý

Vụ án Tân Tân không chỉ là một vụ án pháp lý được quan tâm mà còn là một câu chuyện pháp lý điển hình cho trách nhiệm quản trị doanh nghiệp. Nó là lời cảnh tỉnh mạnh mẽ:

Một quyết định sai lệch trong nội bộ doanh nghiệp – nếu không được xử lý đúng trình tự pháp luật, không tuân thủ bản án – hoàn toàn có thể trở thành án hình sự.

Một vụ việc đơn thuần là vấn đề dân sự, kinh doanh thương mại nhưng nếu vượt qua giới hạn thì trở thành hành vi vi phạm pháp luật hình sự. Doanh nghiệp không thể hoạt động tách rời pháp luật. Càng là doanh nghiệp gia đình, càng dễ rơi vào cạm bẫy “quản trị theo cảm tính” – điều không thể bào chữa trước pháp luật.

Bài học rõ ràng:

Khi bản án dân sự có hiệu lực, không có chỗ cho trì hoãn hoặc viện dẫn lý do chủ quan. Chúng ta có quyền hành xử theo quyền, nghĩa vụ được pháp luật quy định nhưng chắc chắn không được vượt giới hạn.

Khi có thu nhập từ hoạt động cho thuê, dù là tài sản công ty hay cá nhân, nghĩa vụ thuế theo quy định pháp luật phải được thực hiện đầy đủ.

Người lãnh đạo không thể “ủy quyền” trách nhiệm chấp hành luật và trách nhiệm hình sự là của cá nhân và không thể chuyển giao. Nên đã là người quản lý thì phải am hiểu và chấp hành pháp luật.

4. Phòng bệnh hơn chữa bệnh: Làm gì để không bước qua ranh giới pháp lý?

Để tránh các rủi ro tương tự, doanh nghiệp cần:

– Tuân thủ phán quyết tòa án ngay sau khi có hiệu lực pháp luật;

– Có hệ thống quản lý thuế, hóa đơn minh bạch;

– Định kỳ kiểm toán và tư vấn pháp lý nội bộ, đặc biệt trong các giao dịch tài chính và quyền cổ đông;

– Xây dựng văn hóa tuân thủ pháp luật trong toàn bộ hệ thống quản trị, không chỉ ở cấp lãnh đạo.

5. Pháp luật là nền tảng – không phải tùy chọn

Dự kiến ngày 29/7/2025, tòa án sẽ đưa ra phán quyết cuối cùng. Nhưng thông điệp từ vụ án đã rất rõ ràng:

Người lãnh đạo càng cao, kỷ luật pháp lý càng nghiêm.

Pháp luật là trụ cột điều hành doanh nghiệp – không phải rào cản kinh doanh.

– Sự buông lỏng trách nhiệm không chỉ gây thiệt hại cho cổ đông, mà còn phá hủy toàn bộ giá trị doanh nghiệp và thiệt hại cả lợi ích hợp pháp của bản thân và gia đình.

– Luật pháp có thể khoan dung với người biết sửa sai. Nhưng không có sự tha thứ với những ai cố tình né tránh trách nhiệm.

Công ty Luật TNHH HT Legal VN

*Đồng hành pháp lý – Chuyên sâu, tận tâm, hiệu quả*

Hân hạnh đón tiếp quý khách hàng theo địa chỉ sau:

Luật sư Nguyễn Thanh Trung hoặc CÔNG TY LUẬT TNHH HT LEGAL VN

VP1: 12 Hẻm 602/37 Điện Biên Phủ, phường Thạnh Mỹ Tây, TP. Hồ Chí Minh

VP2: 207B Nguyễn Phúc Chu, phường Tân Sơn, TP. Hồ Chí Minh

VP3: 5 Ngách 252/115 phố Tây Sơn, phường Đống Đa, TP. Hà Nội

Email: info@htlegalvn.com              Hotline: 09 6161 4040 – 09 4517 4040

Không có bình luận

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *