I. NỢ XẤU NGÂN HÀNG LÀ GÌ?

Căn cứ pháp lý:

Theo khoản 5 Điều 3 Thông tư 31/2024/TT-NHNN (hiệu lực từ 01/7/2024):

“Nợ xấu (NPL) là nợ xấu đang hạch toán trong bảng cân đối kế toán (nợ xấu nội bảng), gồm nợ thuộc các nhóm 3, 4 và 5.”

Theo quy định tại khoản 1 Điều 10 Thông tư 31/2024/TT-NHNN: Ngân hàng, tổ chức tín dụng phi ngân hàng thực hiện phân loại nợ (trừ các khoản trả thay theo cam kết ngoại bảng) theo 05 nhóm như sau:

Phân loại nhóm nợ:

Nhóm

Định nghĩa & dấu hiệu nhận biết

1

Nợ đủ tiêu chuẩn: Trong hạn hoặc quá hạn dưới 10 ngày

2

Nợ cần chú ý: Quá hạn từ 10–90 ngày hoặc đã được điều chỉnh lần đầu

3

Nợ dưới tiêu chuẩn: Quá hạn từ 91–180 ngày hoặc đã được cơ cấu lần đầu

4

Nợ nghi ngờ: Quá hạn từ 181–360 ngày hoặc đã được cơ cấu lần thứ hai

5

Nợ có khả năng mất vốn: Quá hạn trên 360 ngày hoặc cơ cấu từ lần ba trở lên

Lưu ý: Nợ xấu chính thức là các khoản thuộc nhóm 3, 4 và 5.

II. HỆ LỤY PHÁP LÝ KHI BỊ XẾP VÀO NỢ XẤU

1. Ghi nhận trên hệ thống CIC:

Theo Điều 35 & 36 Thông tư 31/2024/TT-NHNN: Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời thông tin về nợ của khách hàng, nợ xấu và phối hợp với CIC, các tổ chức cung cấp dịch vụ thông tin tín dụng trong việc ghi nhận, theo dõi và cập nhật thông tin nợ xấu.

Thông tin nợ xấu được cập nhật trên CIC ảnh hưởng đến khả năng vay vốn trong tương lai – kể cả người thân có liên quan trong hồ sơ vay chung.

2. Trả lãi suất quá hạn cao:

Khoản 4, Điều 13 Thông tư 39/2016/TT-NHNN (Sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 06/2023/TT-NHNN) quy định:

” 4. Khi đến hạn thanh toán mà khách hàng không trả hoặc trả không đầy đủ nợ gốc và/hoặc lãi tiền vay theo thỏa thuận, thì khách hàng phải trả lãi tiền vay như sau:

a) Lãi trên nợ gốc theo lãi suất cho vay đã thỏa thuận tương ứng với thời hạn vay mà đến hạn chưa trả;

b) Trường hợp khách hàng không trả đúng hạn tiền lãi theo quy định tại điểm a khoản này, thì phải trả lãi chậm trả theo mức lãi suất do tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận nhưng không vượt quá 10%/năm tính trên số dư lãi chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả;

c) Trường hợp khoản nợ vay bị chuyển nợ quá hạn, thì khách hàng phải trả lãi trên dư nợ gốc bị quá hạn tương ứng với thời gian chậm trả, lãi suất áp dụng không vượt quá 150% lãi suất cho vay trong hạn tại thời điểm chuyển nợ quá hạn.”

3. Rủi ro bị kiện và xử lý tài sản bảo đảm:

Khi mất khả năng thanh toán nợ, không trả được nợ, ngân hàng có thể áp dụng các biện pháp:

– Khởi kiện ra tòa để yêu cầu thanh toán và xử lý tài sản bảo đảm;

– Yêu cầu thi hành án theo bản án hoặc quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự;

– Áp dụng các biện pháp thu giữ tài sản bảo đảm (nếu có thỏa thuận hợp pháp và phù hợp quy định pháp luật, dự kiến sẽ được áp dụng từ 15/10/2025 );

– Chuyển vụ việc sang cơ quan điều tra nếu có dấu hiệu hình sự.

Căn cứ áp dụng: Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15 và Luật số: 96/2025/QH15 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15 (đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 43/2024/QH15).

4. Quyền thu giữ tài sản bảo đảm của ngân hàng:

Theo Điều 198a Luật số: 96/2025/QH15 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15 (đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 43/2024/QH15) về Quyền thu giữ tài sản bảo đảm (dự kiến hiệu lực từ 15/10/2025):

“1. Bên bảo đảm, người đang giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu có nghĩa vụ giao tài sản bảo đảm kèm theo giấy tờ, hồ sơ pháp lý của tài sản bảo đảm cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ để xử lý theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo đảm hoặc trong văn bản khác (sau đây gọi là hợp đồng bảo đảm) và quy định của pháp luật về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ.

Trường hợp bên bảo đảm, người đang giữ tài sản bảo đảm không giao tài sản bảo đảm cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ để xử lý thì tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ được thu giữ tài sản bảo đảm theo quy định tại Điều này.

2. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ có quyền thu giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu khi đáp ứng các điều kiện sau đây:

a) Khi xảy ra trường hợp xử lý tài sản bảo đảm theo quy định tại Điều 299 của Bộ luật Dân sự;

b) Hợp đồng bảo đảm có thỏa thuận về việc bên bảo đảm đồng ý cho bên nhận bảo đảm có quyền thu giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu khi xảy ra trường hợp xử lý tài sản bảo đảm theo quy định của pháp luật về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ;

c) Biện pháp bảo đảm đã phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba theo quy định của pháp luật về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ;

d) Tài sản bảo đảm không phải là tài sản tranh chấp trong vụ án đã được thụ lý nhưng chưa được giải quyết hoặc đang được giải quyết tại Tòa án có thẩm quyền; không đang bị Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời; không đang bị kê biên hoặc áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án theo quy định của pháp luật; không thuộc trường hợp bị tạm đình chỉ xử lý theo quy định của pháp luật về phá sản;

đ) Tài sản bảo đảm được thu giữ phải đáp ứng điều kiện theo quy định của Chính phủ;

e) Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ đã thực hiện nghĩa vụ công khai thông tin theo quy định tại khoản 3 hoặc khoản 4 Điều này.”

III. CÁCH XÓA NỢ XẤU HỢP PHÁP

1. Thời gian lưu thông tin trên CIC:

Nhóm nợ

Thời gian lưu

Nhóm 2

12 tháng kể từ ngày tất toán

Nhóm 3–5

60 tháng kể từ ngày tất toán, không phát sinh nợ xấu mới

2. Thủ tục xác nhận xóa nợ:

– Đề nghị ngân hàng xác nhận trả nợ xong;

– Yêu cầu cập nhật thông tin lên CIC;

– Tuân thủ thời gian “thử thách” để không bị tái xếp hạng nợ xấu.

IV. CẬP NHẬT VĂN BẢN PHÁP LUẬT LIÊN QUAN

  • Thông tư 31/2024/TT-NHNN: Hiệu lực từ 01/7/2024 – thay thế toàn bộ Thông tư 11/2021/TT-NHNN.
  • Thông tư 39/2016/TT-NHNN (Sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 06/2023/TT-NHNN)
  • Luật Các tổ chức tín dụng 2024 (Luật số 32/2024/QH15): Có hiệu lực từ 01/7/2024; là nền tảng pháp lý cao nhất về xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm.
  • Luật số: 96/2025/QH15 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15 (đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 43/2024/QH15): Luật hóa quyền thu giữ tài sản bảo đảm của ngân hàng.

V. KHUYẾN NGHỊ VÀ HƯỚNG DẪN XỬ LÝ CỦA HT LEGAL VN

1. Khi có dấu hiệu mất khả năng thanh toán hoặc có khả năng bị áp dụng biện pháp thu giữ tài sản:

– Chủ động làm việc với ngân hàng ngay khi khó khăn tài chính xảy ra.

– Chủ động xin miễn giảm lãi, cơ cấu nợ, gia hạn nợ và các biện pháp tài chính khác

– Xem kỹ hợp đồng vay và điều kiện tài sản bảo đảm trước khi ký, cũng như trong suốt quá trình làm việc về nợ quá hạn với ngân hàng.

– Nếu có khả năng phát sinh tranh chấp, khởi kiện, thu giữ tài sản bảo đảm, cần luật sư chuyên sâu để hỗ trợ đúng luật – tránh mất quyền lợi hợp pháp, thêm tài sản vì thiếu hiểu biết.

2. Trường hợp tài sản đang bị thu giữ hoặc đang trong quá trình xử lý tài sản bảo đảm:

Khi tài sản bảo đảm đang hoặc đã bị ngân hàng thu giữ hoặc chuẩn bị đưa ra định giá, đấu giá, bên vay và bên thế chấp, bên bảo lãnh cần đặc biệt lưu ý:

– Kiểm tra điều kiện thu giữ có hợp pháp hay không

Việc thu giữ tài sản bảo đảm chỉ hợp pháp nếu đáp ứng đầy đủ các điều kiện tại Điều 198a Luật số 96/2025/QH15, cơ bản gồm nguyên tắc:

– Có thỏa thuận hợp pháp trong hợp đồng bảo đảm;

– Tài sản không thuộc diện tranh chấp, kê biên, áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời;

– Đã thực hiện công khai thông tin theo luật định.

– Nếu việc thu giữ không đúng quy định, người bị ảnh hưởng có quyền yêu cầu hủy bỏ, khởi kiện hoặc tố cáo hành vi trái pháp luật.

– Giám sát chặt chẽ quá trình định giá và đấu giá tài sản

– Tài sản bảo đảm phải được định giá đúng quy trình, minh bạch, theo Luật Giá và Luật Đấu giá tài sản.

– Yêu cầu công khai thông tin định giá, phương thức bán;

– Khiếu nại hoặc tố cáo nếu có dấu hiệu ép giá, thông đồng, không minh bạch;

– Yêu cầu định giá lại nếu có căn cứ.

– Thực tiễn, HT Legal VN thường xuyên đồng hành giám sát đấu giá và yêu cầu bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho khách hàng.

3. Khiếu nại, tố cáo hoặc khởi kiện để bảo vệ quyền lợi: Bên bị thu giữ tài sản có quyền:

– Khiếu nại đến tổ chức tín dụng hoặc tổ chức mua bán nợ;

– Tố cáo đến cơ quan điều tra nếu có dấu hiệu lợi dụng quyền hạn, cưỡng đoạt tài sản, thông đồng đấu giá;

– Khởi kiện dân sự tại Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu hủy kết quả đấu giá, hoặc bồi thường thiệt hại nếu quyền lợi bị xâm phạm.

4. Lưu ý đặc biệt đối với doanh nghiệp – nhất là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI)

Doanh nghiệp là bên vay sẽ chịu tác động pháp lý và thương mại nghiêm trọng nếu bị xử lý tài sản hoặc ghi nhận nợ xấu:

– Mất khả năng tiếp cận tín dụng và chuỗi cung ứng;

– Ảnh hưởng đến hồ sơ năng lực, đấu thầu, gọi vốn;

– Có thể bị điều chỉnh hoặc thu hồi giấy phép đầu tư nếu tài sản gắn với dự án FDI.

Với doanh nghiệp FDI, cần rà soát kỹ:

– Tài sản có thuộc danh mục đầu tư hạn chế không?

– Có liên quan đến điều kiện sở hữu nước ngoài không?

– Có cần thông báo hoặc xin điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư không?

Luật sư chuyên sâu trong lĩnh vực đầu tư – tín dụng – tài sản bảo đảm sẽ giúp doanh nghiệp đánh giá rủi ro toàn diện và đưa ra giải pháp pháp lý phù hợp trong từng trường hợp cụ thể.

HT Legal VN – Đồng hành pháp lý chuyên sâu từ xử lý nợ xấu đến thu giữ – đấu giá – khởi kiện.

VI. LUẬT SƯ CHUYÊN TƯ VẤN NỢ XẤU, THU GIỮ TÀI SẢN, XỬ LÝ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG TÍN DỤNG

CIC ghi nhận ra sao? Bao lâu mới được xóa nợ xấu? Quyền thu giữ tài sản của ngân hàng có gì mới từ 15/10/2025? Bị Nợ Xấu Ngân Hàng và Hoảng Loạn? Tài Sản Bị Ngân Hàng Thu Giữ – Làm Sao Để Bảo Vệ Quyền Lợi Hợp Pháp?…

HT Legla VN luôn hướng tới giải pháp đúng – hiệu quả – tín thác, đảm bảo quyền lợi tối đa cho doanh nghiệp và cá nhân trong mọi tình huống phức tạp liên quan đến tài sản và tín dụng. Mọi vướng mắc, yêu cầu tư vấn vui lòng liên hệ HT Legal VN để được tư vấn kịp thời, hiệu quả.

Luật sư Nguyễn Thanh Trung – Giám đốc điều hành HT Legal VN

Công ty Luật TNHH HT Legal VN

*Đồng hành pháp lý – Chuyên sâu, tận tâm, hiệu quả*

Hân hạnh đón tiếp quý khách hàng theo địa chỉ sau:

Luật sư Nguyễn Thanh Trung hoặc CÔNG TY LUẬT TNHH HT LEGAL VN

VP1: 12 Hẻm 602/37 Điện Biên Phủ, phường Thạnh Mỹ Tây, TP. Hồ Chí Minh

VP2: 207B Nguyễn Phúc Chu, phường Tân Sơn, TP. Hồ Chí Minh

VP3: 5 Ngách 252/115 phố Tây Sơn, phường Đống Đa, TP. Hà Nội

Email: info@htlegalvn.com            Hotline: 09 6161 4040 – 09 4517 4040

Không có bình luận

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *