Bài viết thể hiện quan điểm riêng của Luật sư Nguyễn Thanh Trung | HT Legal VN
“Làm đúng quy trình không phải để phức tạp hóa mọi thứ, mà để chúng ta tôn trọng nhau – đúng vai, đúng vị trí.”
Trong quá trình hành nghề luật sư, tôi từng tiếp xúc với rất nhiều đơn vị, từ doanh nghiệp nhỏ đến các tổ chức tín dụng lớn. Phần lớn đều chuyên nghiệp và hiểu nguyên tắc làm việc qua người được ủy quyền.
Nhưng đôi khi vẫn có những tình huống buộc tôi phải lên tiếng – không phải để chỉ trích – mà để nhắc lại một nguyên tắc tưởng chừng như đơn giản, nhưng lại thường xuyên bị bỏ qua: Tôn trọng quy trình làm việc qua người đại diện hợp pháp.
1. Khi “người được ủy quyền” không hiểu vai trò của chính mình
Gần đây, một vài nhân sự của tổ chức tín dụng đã chủ động liên hệ và làm việc trực tiếp với thân chủ của tôi – mặc dù họ biết rõ người này đã có văn bản ủy quyền hợp pháp cho luật sư. Điều đáng nói là khi được nhắc nhở về nguyên tắc làm việc qua đại diện, bạn ấy lại phản ứng:
“Tại sao phải làm việc qua luật sư hay người được ủy quyền, em làm việc trực tiếp với khách hàng hay ai là việc của em?
Câu trả lời nằm ngay trong chính lập luận của bạn: bạn cũng đang làm việc theo sự ủy quyền của tổ chức tín dụng (nhận ủy quyền từ Tổng Giám đốc ngân hàng), vậy tại sao lại phủ nhận quyền đại diện của người khác? Không thể có hai chuẩn mực trong cùng một quy tắc: một cho mình và một cho người.
2. Ủy quyền không phải hình thức – đó là trách nhiệm pháp lý
Khi một khách hàng trao quyền đại diện cho luật sư, thì mọi giao tiếp, xử lý liên quan đến nghĩa vụ, khoản vay hay tranh chấp phải được thực hiện thông qua người đại diện, chưa nói đến pháp lý mà ít nhất là quy tắc làm việc chuyên nghiệp.
Việc cố tình làm việc riêng, né tránh người được ủy quyền, né tránh người này, người kia là vi phạm quy trình nghiệp vụ – thậm chí có thể dẫn đến hậu quả pháp lý nếu làm sai – làm thiếu hoặc gây hiểu lầm.
Điều này thể hiện khá rõ và chuẩn mực khi Luật sư hay Người được ủy quyền làm việc với: Tòa án, Viện Kiểm sát, Ủy ban nhân dân, Cơ quan thuế hoặc Cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác, tất cả đều rất tôn trọng và làm việc thông qua cơ chế ủy quyền, trừ một số thủ tuc, công việc buộc phải mời Người ủy quyền.
Tổ chức tín dụng càng lớn, nhân sự càng cần giữ mình ở vị trí chuẩn mực: làm đúng vai – nói đúng quyền – ứng xử đúng luật.
3. Tư duy nghề nghiệp thể hiện từ những điều nhỏ nhất
Tôi chưa từng chọn đối đầu, càng không chọn “chơi chữ” trong công việc. Nhưng khi nguyên tắc bị đảo ngược, vai trò người đại diện bị xem nhẹ, thì cần có một sự nhắc lại:
Luật sư không có quyền ép ai – nhưng có nghĩa vụ giữ đúng những gì đã được pháp luật quy định và tôn trọng lẽ công bằng.
Việc tôn trọng người được ủy quyền – cũng chính là cách bạn bảo vệ chính mình và tổ chức của bạn. Đó là sự chuyên nghiệp, không phải thủ tục hành chính hay điều gì khiến chúng ta khó chịu.
Nghề luật sư hay nghề nghiệp nào đều phải đặt chữ “nghiêm túc” làm nền.
Sự khác biệt giữa một giao dịch thành công hay rắc rối pháp lý đôi khi chỉ nằm ở một thái độ: có tôn trọng quy trình hay không. Làm việc nghiêm túc, đúng người – đúng vai – đúng trách nhiệm, là cách duy nhất để giữ uy tín cho chính mình và cho cả tổ chức.
Luật sư là người đứng giữa, không đứng về phía nào, ngoài giữ chuẩn pháp lý, công bằng và sự thật.
Công ty Luật TNHH HT Legal VN
*Đồng hành pháp lý – Chuyên sâu, tận tâm, hiệu quả*
Hân hạnh đón tiếp quý khách hàng theo địa chỉ sau:
Luật sư Nguyễn Thanh Trung hoặc CÔNG TY LUẬT TNHH HT LEGAL VN
VP1: 12 Hẻm 602/37 Điện Biên Phủ, phường Thạnh Mỹ Tây, TP. Hồ Chí Minh
VP2: 207B Nguyễn Phúc Chu, phường Tân Sơn, TP. Hồ Chí Minh
VP3: 5 Ngách 252/115 phố Tây Sơn, phường Đống Đa, TP. Hà Nội
Email: info@htlegalvn.com Hotline: 09 6161 4040 – 09 4517 4040
Không có bình luận