4 VẤN ĐỀ QUAN TRỌNG CẦN LƯU Ý KHI XÁC LẬP HỢP ĐỒNG (CÔNG TY LUẬT TẠI QUẬN BÌNH THẠNH, TÂN BÌNH TP HỒ CHÍ MINH)

16/10/2022 - 859 lượt xem

4 VẤN ĐỀ QUAN TRỌNG CẦN LƯU Ý KHI XÁC LẬP HỢP ĐỒNG (CÔNG TY LUẬT TẠI QUẬN BÌNH THẠNH, TÂN BÌNH TP HỒ CHÍ MINH)

Trong nền kinh tế hiện nay, các giao dịch kinh tế của các cá nhân, tổ chức ngày càng diễn ra sôi động trên nhiều mặt của đời sống. Từ đây, hợp đồng xuất hiện với vai trò tất yếu là một cơ sở pháp lý để đảm bảo việc thực hiện các giao dịch này của các bên. Nhờ có các giao dịch, hợp đồng này mà nền kinh tế mới có thể vận hành và phát triển tốt. Sau đây, Công ty Luật HT Legal VN sẽ nêu ra những quy định cơ bản của pháp luật về hợp đồng.

- Cơ sở pháp lý:

+ Bộ luật dân sự 2015;

Nội dung:

1. Hợp đồng là gì?

Căn cứ Điều 385 Bộ luật dân sự, “Hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự”.

Hợp đồng là sự bày tỏ ý chí của chủ thể, nhưng khác với hành vi pháp lý đơn phương, hợp đồng đòi hỏi sự gặp gỡ về ý chí của ít nhất hai chủ thể. Trong quá trình đàm phán, thương thảo để ký kết hợp đồng, mỗi chủ thể đều có ý chí của mình. Khi ý chí của các bên có sự trùng hợp thì coi là có sự thoả thuận và hợp đồng được ký kết.

2. Chủ thể của hợp đồng

Căn cứ Bộ luật dân sự, chủ thể của hợp đồng là cá nhân, pháp nhân và các chủ thể khác được pháp luật dân sự quy định có năng lực pháp luật dân sự và năng lực hành vi dân sự.

a. Chủ thể là cá nhân

Năng lực pháp luật dân sự của cá nhân là cá nhân có quyền dân sự và nghĩa vụ dân sự, cụ thể:

- Quyền nhân thân không gắn với tài sản và quyền nhân thân gắn với tài sản;

- Quyền sở hữu, quyền thừa kế và quyền khác đối với tài sản;

- Quyền tham gia quan hệ dân sự và có nghĩa vụ phát sinh từ quan hệ đó.

Năng lực hành vi dân sự của cá nhân là khả năng của cá nhân bằng hành vi của mình xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự. Người từ đủ 18 tuổi là người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, trừ một số trường hợp: người mất năng lực hành vi dân sự, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức và làm chủ hành vi.

b. Chủ thể là pháp nhân

Năng lực pháp luật dân sự của pháp nhân là khả năng của pháp nhân có các quyền, nghĩa vụ dân sự.

Một tổ chức được công nhận là pháp nhân khi có đủ các điều kiện sau đây:

- Được thành lập theo quy định của Bộ luật này, luật khác có liên quan;

- Có cơ cấu tổ chức theo quy định tại Điều 83 của Bộ luật này;

- Có tài sản độc lập với cá nhân, pháp nhân khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình;

- Nhân danh mình tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập.

Năng lực hành vi của pháp nhân Bộ luật dân sự hiện hành không đề cập tới năng lực hành vi của pháp nhân vì khái niệm này khá trừu tượng do chính bản thân pháp nhân không thể tự xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ bằng chính hành vi của mình mà phải thông qua người đại diện theo pháp luật của pháp nhân.

3. Đối tượng của hợp đồng

Mỗi loại hợp đồng có những đối tượng khác nhau. Trong đó có một số hợp đồng thông dụng như sau: hợp đồng mua bán tài sản, hợp đồng trao đổi tài sản, hợp đồng tặng cho tài sản, hợp đồng vay tài sản,...

Đối tượng của hợp đồng mua bán tài sản phải thoả mãn những quy định của pháp luật về chế độ pháp lý của đối tượng trong giao dịch dân sự. Căn cứ Điều 431 Bộ luật dân sự quy định về đối tượng của hợp đồng mua bán:

- Tài sản được quy định tại Bộ luật này đều có thể là đối tượng của hợp đồng mua bán. Trường hợp theo quy định của luật, tài sản bị cấm hoặc bị hạn chế chuyển nhượng thì tài sản là đối tượng của hợp đồng mua bán phải phù hợp với các quy định đó.

- Tài sản bán thuộc sở hữu của người bán hoặc người bán có quyền bán.

Theo đó Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản. Tài sản là đối tượng của hợp đồng mua bán tài sản phải thỏa mãn các điều kiện sau:

- Phải là tài sản được phép giao dịch;

- Phải được xác định cụ thể. Nếu là vật thì phải xác định rõ thông qua số lượng, đặc điểm… Nếu là quyền tài sản thì phải có giấy tờ hoặc các bằng chứng khác chứng minh thuộc quyền sở hữu của bên bán;

- Không phải là tài sản đang bị tranh chấp về quyền sở hữu;

- Không phải là tài sản đang bị kê biên để thi hành án;

- Không phải là tài sản đang được dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác hoặc các bên có thỏa thuận khác;

- Nếu đối tượng của hợp đồng mua bán là tài sản hạn chế giao dịch thì việc mua bán phải tuân theo quy định của pháp luật về trình tự, thủ tục chuyển giao quyền sở hữu tài sản đó.

4. Hình thức của hợp đồng

Những điều khoản mà các bên đã cam kết thoả thuận phải được thể hiện ra bên ngoài bằng một hình thức nhất định. Nói cách khác, hình thức của hợp đồng là phương tiện để ghi nhận nội dung mà các chủ thể đã xác định. Tuỳ thuộc vào nội dung, tính chất của hợp đồng cũng như sự tin tưởng giữa các bên mà hợp đồng có thể tồn tại dưới những hình thức phù hợp với từng trường hợp cụ thể.  

Căn cứ Điều 119 Bộ luật dân sự quy định về hình thức của hợp đồng:

“1. Giao dịch dân sự được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể.

Giao dịch dân sự thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử được coi là giao dịch bằng văn bản.

2. Trường hợp luật quy định giao dịch dân sự phải được thể hiện bằng văn bản có công chứng, chứng thực, đăng ký thì phải tuân theo quy định đó.”

a. Hình thức lời nói (miệng)

Đối với hình thức này, các bên chỉ cần thoả thuận hợp đồng với nhau thông qua lời nói hoặc mặc nhiên thực hiện các hành vi nhất định đã thoả thuận. Hình thức này thường được áp dụng đối với các bên đã có sự tin tưởng lẫn nhau (bạn bè), hoặc đối với những hợp đồng được thực hiện và chấm dứt ngay sau khi giao kết.

b. Hình thức văn bản

Các bên giao kết hợp đồng dưới hình thức văn bản nhằm nâng cao độ xác thực về các nội dung đã cam kết. Trong văn bản này, các bên phải ghi đầy đủ những nội dung cơ bản của hợp đồng và cùng kí tên xác nhận. Khi có tranh chấp xảy ra, hợp đồng được giao kết bằng văn bản tạo ra chứng cứ pháp lí chắc chắn hơn so với hợp đồng dưới hình thức lời nói.

c. Hình thức có công chứng, chứng thực, đăng ký

Đây là hình thức giao kết hợp đồng có giá trị chứng cứ cao nhất. Đối với những hợp đồng có tính chất phức tạp, dễ xảy ra tranh chấp và đối tượng của hợp đồng là những tài sản Nhà nước cần phải quản lý, kiểm soát khi chúng được dịch chuyển giữa các chủ thể thì các bên giao kết hợp đồng phải lập thành văn bản có công chứng, chứng thực. Đối với những hợp đồng mà pháp luật không yêu cầu có công chứng, chứng thực, đăng ký thì các bên vẫn có thể chọn hình thức này để đảm bảo quyền lợi của mình khi giao kết hợp đồng.

5. Nội dung hợp đồng

Hợp đồng là một loại giao dịch dân sự phải được xác lập theo các điều kiện về nội dung và điều kiện về hình thức do pháp luật quy định để ràng buộc các giao dịch. Căn cứ Điều 117 Bộ luật dân sự về điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự:

- Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập;

- Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện;

- Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.

- Hình thức của giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự trong trường hợp luật có quy định.

Các điều kiện nội dung về xác lập giao dịch bao gồm: năng lực hành vi, sự ưng thuận và mục đích giao dịch không trái luật, không trái đạo đức xã hội.

Bên cạnh đó, hợp đồng còn phải tuân thủ các quy tắc được quy định tại Khoản 2, 3 và 4 Điều 3 Bộ luật dân sự về các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự:

- Cá nhân, pháp nhân xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình trên cơ sở tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận. Mọi cam kết, thỏa thuận không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội có hiệu lực thực hiện đối với các bên và phải được chủ thể khác tôn trọng.

- Cá nhân, pháp nhân phải xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình một cách thiện chí, trung thực.

- Việc xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự không được xâm phạm đến lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác.

- Cá nhân, pháp nhân phải tự chịu trách nhiệm về việc không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ dân sự.

Trên đây là những nội dung chia sẻ của Công ty Luật HT Legal VN về 4 vấn đề quan trọng cần lưu ý khi xác lập hợp đồng. Để được tư vấn rõ hơn về vấn đề này và các vấn đề pháp lý có liên quan, vui lòng liên hệ:

CÔNG TY LUẬT TNHH HT LEGAL VN

VP1: 207B Nguyễn Phúc Chu, P.15, quận Tân Bình, Tp. Hồ Chí Minh

VP2: 37/12 Hẻm 602 Điện Biên Phủ, P.22, quận Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh (Bên cạnh UBND phường 22)

Email: info@htlegalvn.com                           Hotline: 09 6161 4040 – 09 4517 4040

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Như Quỳnh
Theo HT Legal VN