BIỆN PHÁP PHÒNG VỆ CỦA DOANH NGHIỆP KHI PHÁT HIỆN SẢN PHẨM BỊ LÀM GIẢ, LÀM NHÁI (CÔNG TY LUẬT UY TÍN TẠI QUẬN BÌNH THẠNH, TÂN BÌNH TP HỒ CHÍ MINH)

17/11/2022 - 1151 lượt xem

BIỆN PHÁP PHÒNG VỆ CỦA DOANH NGHIỆP KHI PHÁT HIỆN SẢN PHẨM BỊ LÀM GIẢ, LÀM NHÁI (CÔNG TY LUẬT UY TÍN TẠI QUẬN BÌNH THẠNH, TÂN BÌNH TP HỒ CHÍ MINH)

Tình trạng hàng giả, hàng nhái trà trộn vào thị trường nước ta với xu hướng gia tăng luôn là một vấn đề gây nhức nhối của xã hội. Các doanh nghiệp cần tích cực tham gia vào công tác phòng chống hàng giả, hàng nhái và chủ động đề ra những biện pháp cần thực hiện ngay khi phát hiện sản phẩm của mình bị làm giả, làm nhái để nhanh chóng phối hợp với cơ quan chức năng và bảo đảm lợi ích của mình. Sau đây, Công ty Luật HT Legal VN sẽ chia sẻ về Biện pháp phòng vệ của doanh nghiệp khi phát hiện sản phẩm bị làm giả, làm nhái.

Căn cứ pháp lý:

+ Luật Sở hữu trí tuệ 2005

+ Bộ luật Hình sự 2015

+ Nghị định 98/2020/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Nội dung:

1. Hàng giả là gì?

Khoản 7 Điều 3 Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định về hàng giả bao gồm:

- Hàng hóa có giá trị sử dụng, công dụng không đúng với nguồn gốc bản chất tự nhiên, tên gọi của hàng hóa; hàng hóa không có giá trị sử dụng, công dụng hoặc có giá trị sử dụng, công dụng không đúng so với giá trị sử dụng, công dụng đã công bố hoặc đăng ký;

- Hàng hóa có ít nhất một trong các chỉ tiêu chất lượng hoặc đặc tính kỹ thuật cơ bản hoặc định lượng chất chính tạo nên giá trị sử dụng, công dụng của hàng hóa chỉ đạt mức từ 70% trở xuống so với mức tối thiểu quy định tại quy chuẩn kỹ thuật hoặc tiêu chuẩn chất lượng đã đăng ký, công bố áp dụng hoặc ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa;

- Thuốc giả theo quy định tại khoản 33 Điều 2 của Luật Dược năm 2016 và dược liệu giả theo quy định tại khoản 34 Điều 2 của Luật Dược năm 2016;

- Thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật không có hoạt chất; không có đủ loại hoạt chất đã đăng ký; có hoạt chất khác với hoạt chất ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa; có ít nhất một trong các hàm lượng hoạt chất chỉ đạt từ 70% trở xuống so với mức tối thiểu quy định tại quy chuẩn kỹ thuật hoặc tiêu chuẩn chất lượng đã đăng ký, công bố áp dụng;

- Hàng hóa có nhãn hàng hóa hoặc bao bì hàng hóa ghi chỉ dẫn giả mạo tên, địa chỉ tổ chức, cá nhân sản xuất hoặc nhập khẩu, phân phối hàng hóa; giả mạo mã số đăng ký lưu hành, mã số công bố, mã số mã vạch của hàng hóa hoặc giả mạo bao bì hàng hóa của tổ chức, cá nhân khác; giả mạo về nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa hoặc nơi sản xuất, đóng gói, lắp ráp hàng hóa;

- Tem, nhãn, bao bì hàng hóa giả.

2. Doanh nghiệp cần làm gì để phòng chống sản phẩm bị làm giả?

a. Đăng ký bảo vệ nhãn hiệu

Để ngăn các đối tượng ăn cắp trái phép sản phẩm thì các doanh nghiệp cần nhanh chóng thực hiện các thủ tục pháp lý để bảo vệ thương hiệu bằng việc xác lập quyền sở hữu đối với nhãn hiệu, kiểu dáng thông qua đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, bảo hộ sáng chế, xác lập quyền tác giả trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam hay trong phạm vi vùng hoặc lãnh thổ nào đó. Doanh nghiệp không chỉ đăng ký ở khu vực pháp lý hoạt động chính của doanh nghiệp, mà còn ở các thị trường hoặc quốc gia khác –  nơi mà doanh nghiệp đang hướng tới và có nhiều khả năng bị làm giả.

b. Sử dụng công nghệ chống giả trên bao bì

Nhiều doanh nghiệp thường sử dụng công nghệ chống giả trên bao bi để phân biệt sản phẩm chính hãng với sản phẩm bị làm giả. Họ thường tạo ra những thiết kế khác biệt hoặc sử dụng các tính năng, đóng gói sản phẩm đặc biệt để có thể dễ dàng phát hiện sản phẩm nhái.

Hiện nay, công nghệ chống giả phát triển hơn, nhiều doanh nghiệp cũng đã thay đổi phương thức chống giả trên bao bì như sử dụng tem xác thực điện tử hoặc bộ Tem chống giả do Bộ Công an cung cấp. Với tem xác thực điện tử, mỗi sản phẩm sẽ được cấp một mã QR in trực tiếp lên bao bì sản phẩm hoặc một mã số duy nhất và sẽ được phủ cào nhằm tránh hiện tượng bị làm giả.

c. Chọn các đại lý phân phối uy tín và niêm yết công khai thông tin về các đại lý phân phối trên website

Cung cấp cho người tiêu dùng thông tin chi tiết về các đại lý phân phối sản phẩm chính hãng giúp ngăn chặn việc trà trộn hàng thật với hàng giả và người tiêu dùng biết được các đại lý được phân phối chính thức sản phẩm của doanh nghiệp.

d. Phối hợp cơ quan chức năng, tạo cơ chế để giám sát thị trường

Để loại bỏ hàng giả và bắt giữ các đối tượng sản xuất hàng giả trái phép thì các doanh nghiệp cần có sự phối hợp cùng cơ quan chức năng; giúp cơ quan chức năng hiểu rõ các sản phẩm chính hãng và sự khác biệt giữa sản phẩm giả và thật. Nhờ vậy, khi khảo sát thị trường lực lượng chức năng có thể nhanh chóng phát hiện các sản phẩm có yếu tố giả mạo và có các kế hoạch triệt phá.

3. Biện pháp phòng vệ của doanh nghiệp khi phát hiện hàng giả

Sau khi thực hiện các biện pháp trên để phòng chống việc sản phẩm của doanh nghiệp mình bị làm giả mà vẫn xuất hiện các sản phẩm giả mạo ngoài thị trường, thì doanh nghiệp cần nhanh chóng thực hiện những biện pháp phòng vệ sau để bảo vệ quyền lợi của mình cũng như người tiêu dùng:

a. Điều tra thông tin

Khi phát hiện có sản phẩm của mình bị làm giả trên thị trường, doanh nghiệp cần tiến hành điều tra thông tin chi tiết về nơi cung cấp hàng giả, cơ sở sản xuất, chủ sở hữu,... Quá trình điều tra thông tin trong quá trình xử lý đối với nơi sản xuất hàng giả là vô cùng quan trọng. Tại thời điểm ban đầu, trước khi thông báo với cơ quan chức năng, doanh nghiệp nên là người tự theo dõi, thu thập và điều tra sản phẩm đang bị làm giả vì chỉ có chính doanh nghiệp mới hiểu rõ nguồn sản phẩm được sản xuất, phân phối và lưu thông tại thị trường như thế nào; các dấu hiệu và đặc trưng của sản phẩm để phân biệt hàng thật và hàng giả.

Giai đoạn điều tra và thu thập thông tin thường sẽ mất khá nhiều thời gian và cần sự kiên nhẫn bởi mục đích là để tìm ra nhà sản xuất, nhà phân phối để từ đó chủ sở hữu lên kế hoạch xử lý. Có nhiều cách thức điều tra thông tin khác nhau như điều tra từ những người bán lẻ, đại lý phân phối, các kênh bán hàng online để khoanh vùng điều tra. Giai đoạn này, doanh nghiệp có thể nhờ đến sự trợ giúp của luật sư để tiến trình điều tra có thể diễn ra nhanh chóng và có căn cứ pháp lý rõ ràng hơn sau này. Luật sư có thể hỗ trợ doanh nghiệp điều tra, thu thập chứng cứ và lập vi bằng theo quy định của pháp luật để làm chứng cứ khởi kiện sau này.

Quá trình điều tra và theo dõi là yếu tố quyết định bởi doanh nghiệp cần nắm bắt được chính xác thời điểm nhà sản xuất tiến hành vận chuyển lô hàng khỏi xưởng sản xuất hoặc thời điểm lô hàng sẽ được nhập khẩu đối với hàng giả được gửi từ nước ngoài về. Khi đã lựa chọn chính xác thời điểm, doanh nghiệp phối hợp cùng luật sư tiến hành các thủ tục cần thiết để cơ quan nhà nước phối hợp kiểm tra và tạm giữ lô hàng.

b. Báo ngay với các cơ quan chức năng

Sau khi đã tiến hành điều tra đầy đủ những thông tin cần thiết, doanh nghiệp cần ngay lập tức tiến hành báo ngay với các cơ quan chức năng về tội sản xuất, buôn bán hàng giả và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Doanh nghiệp có thể liên hệ đến số điện thoại đường dây nóng của Tổng cục quản lý thị trường1900.888.655 để tố giác về các hành vi, như: Kinh doanh hàng hóa nhập lậu; Sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ; Hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; vi phạm pháp luật về chất lượng, đo lường, giá, an toàn thực phẩm; vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các hành vi gian lận thương mại theo quy định pháp luật.

c. Thông báo đến người tiêu dùng

Để hạn chế việc người tiêu dùng tiếp tục mua và sử dụng các sản phẩm bị làm giả, doanh nghiệp cần nhanh chóng gửi thông báo đến người tiêu dùng những thông tin về những sản phẩm của doanh nghiệp bị giả mạo. Cùng với đó, doanh nghiệp cũng cần cung cấp cho khách hàng những bài viết phân biệt hàng giả và hàng thật để người tiêu dùng nắm rõ khi mua hàng trên thị trường.

4. Quy định xử phạt hành chính

Điều 14 Nghị Định 98/2020/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng về “Hành vi buôn bán hàng giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa” quy định như sau:

a. Đối với hành vi sản xuất hàng giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa quy định tại điểm đ và e khoản 8 Điều 3 Nghị định này, mức phạt tiền như sau:

- Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị dưới 3.000.000 đồng;

- Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ 3.000.000 đồng đến dưới 5.000.000 đồng;

- Phạt tiền từ 8.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ 5.000.000 đồng đến dưới 10.000.000 đồng;

- Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ 10.000.000 đồng đến dưới 20.000.000 đồng;

- Phạt tiền từ 25.000.000 đồng đến 35.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ 20.000.000 đồng đến dưới 30.000.000 đồng;

- Phạt tiền từ 35.000.000 đồng đến 45.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ 30.000.000 đồng trở lên mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

b. Phạt tiền gấp hai lần các mức tiền phạt quy định tại khoản 1 Điều này đối với một trong các trường hợp hàng giả sau đây:

- Là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh cho người mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự;

- Là thức ăn chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, giống vật nuôi mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự;

- Là phụ gia thực phẩm, chất bảo quản thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, chất tẩy rửa, diệt côn trùng, trang thiết bị y tế, xi măng, sắt thép xây dựng, mũ bảo hiểm.

c. Hình thức xử phạt bổ sung:

- Tịch thu tang vật vi phạm đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này;

- Tịch thu phương tiện là công cụ, máy móc và vật khác được sử dụng để sản xuất hàng giả đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này;

- Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề từ 03 tháng đến 06 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm;

- Đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất vi phạm từ 03 tháng đến 06 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này.

d. Biện pháp khắc phục hậu quả:

- Buộc loại bỏ yếu tố vi phạm trên nhãn, bao bì hàng giả đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này;

- Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại Điều này;

- Buộc thu hồi loại bỏ yếu tố vi phạm trên nhãn, bao bì hàng giả đang lưu thông trên thị trường đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này.

5. Quy định xử lý hình sự

Tội sản xuất buôn bán hàng giả xâm phạm đến tính trung thực, sự hoạt động đúng đắn của các chủ thể sản xuất kinh doanh, đồng thời xâm phạm đến lợi ích của người tiêu dùng. Tội sản xuất, buôn bán hàng giả được thực hiện do lỗi cố ý trực tiếp (người phạm tội biết rõ hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả của mình là nguy hiểm cho xã hội nhưng với động cơ vụ lợi nên vẫn thực hiện).

Người sản xuất, buôn bán hàng giả, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự theo 3 khung hình phạt tương đương với từng mức độ khác nhau quy định tại Điều 193 Bộ luật Hình sự 2015 về tội sản xuất, buôn bán hàng giả.

Trên đây là những nội dung chia sẻ của Công ty Luật TNHH HT Legal VN về Biện pháp phòng vệ của doanh nghiệp khi phát hiện sản phẩm bị làm giả, làm nhái. Để được hiểu rõ hơn về vấn đề này, vui lòng liên hệ:

CÔNG TY LUẬT TNHH HT LEGAL VN

VP1: 37/12 Hẻm 602 Điện Biên Phủ, P.22, quận Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh (Cạnh UBND phường 22).

VP2: 207B Nguyễn Phúc Chu, P.15, quận Tân Bình, Tp. Hồ Chí Minh.

Email: info@htlegalvn.com          Hotline: 09 6161 4040 - 09 4517 4040

 

 

 

 

 

 

 

Như Quỳnh
Theo HT Legal VN