“HÔI VÀNG” DO TÊN CƯỚP NÉM RA ĐƯỜNG, CÓ VI PHẠM PHÁP LUẬT KHÔNG?
“Hôi của” là một hành vi lấy cắp đồ của người khác do nhiều người thực hiện cùng lúc, xảy ra khi chủ tài sản không đủ khả năng bảo vệ tài sản của mình trước số đông nhiều người. Đây là một hành vi thể hiện vô cảm. Gần đây đang nóng lên sự việc “hôi vàng” do tên cướp ném ra đường. Tuy nhiên, nhiều người không biết rằng hành vi này có thể đối mặt đến các vấn đề pháp lý. Căn cứ theo quy định của pháp luật hiện hành thì tùy theo hoàn cảnh, mức độ mà người thực hiện hành vi có thể gánh chịu các trách nhiệm pháp lý.
Căn cứ pháp lý:
- Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017
- Nghị định 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ
Trong trường hợp này, vàng do đối tượng chiếm đoạt trái phép sau đó ném ra đường được xác định là vật chứng của vụ án hình sự, có ý nghĩa quan trọng trong việc giải quyết vụ án. Do đó, khi “lỡ” nhặt được vàng nên mang đến cơ quan công an, nơi đang điều tra vụ án trả lại nhằm phục vụ hoạt động điều tra của cơ quan công an, cũng như hoàn trả cho bị hại sau khi hoàn tất quá trình giải quyết vụ án.
Nếu người nào nhặt được vàng, khi cơ quan điều tra và người bị hại yêu cầu trả lại, nhưng cố tình không trả thì đây được xác định là hành vi chiếm giữ trái phép tài sản.
Hiện nay, chưa có văn bản quy phạm pháp luật quy định cụ thể như thế nào là hành vi chiếm giữ tài sản. Tuy nhiên, căn cứ vào hành vi thực tế, có thể hiểu: “Chiếm giữ trái phép tài sản là hành vi cố tình không trả lại tài sản mà mình có được cho chủ sở hữu/người quản lý hoặc không nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản do mình nhặt được, được giao nhầm… sau khi đã có yêu cầu nhận lại tài sản đó.”
Cụ thể hình thức thể hiện của hành vi chiếm giữ trái phép tài sản là:
- Không trả lại tài sản được giao nhầm cho chủ sở hữu tài sản, người quản lý hợp pháp tài sản đó mà chiếm hữu, sử dụng hoặc đã định đoạt về tài sản đó.
- Không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm về tài sản mà mình tìm được, bắt được… mà tiếp tục chiếm hữu, sử dụng hoặc đã định đoạt về tài sản đó. Cơ quan có trách nhiệm ở đây là công an hoặc chính quyền địa phương, nơi mà tài sản được tìm thấy, bắt được. Được xem là không trả lại hoặc không giao nộp khi mà người phạm tội đã quyết định định đoạt về tài sản đó (ví dụ như bán, tiêu dùng, tẩu tán hoặc thực hiện các hành vi khác làm mất khả năng trả lại hoặc giao nộp) hoặc từ chối việc trả lại, giao nộp
Trường hợp này, tên cướp chiếm đoạt tài sản của người khác là vàng, hành vi chiếm đoạt này bị nghiêm cấm vì đã xâm phạm đến khách thể là quyền sở hữu hợp pháp được pháp luật bảo vệ. Sau đó ném ra đường nên việc người dân nhặt, lấy vàng mà không trả lại cho chủ sở hữu là vi phạm pháp luật. Đây không phải là hành vi nhặt của rơi, chiếm hữu ngay tình. Đây là việc chiếm giữ tài sản người khác bất hợp pháp.
Như đã phân tích ở trên, vàng trong vụ việc này được được coi là vật chứng trong vụ án, do đó khi cơ quan có thông báo đề nghị trả lại vàng để phục vụ quá trình điều tra, trả lại tài sản cho chủ sở hữu. Lúc này, nếu cá nhân nhặt được vàng nhận được thông báo mà cố tình không trả thì theo quy định của pháp luật, tùy vào tính chất và mức độ hành vi có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Cụ thể như sau:
Về xử phạt vi phạm hành chính:
Căn cứ điểm đ Khoản 2 Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP:
2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
…
đ) Sử dụng, mua, bán, thế chấp, cầm cố trái phép hoặc chiếm giữ tài sản của người khác;
Vậy, hành vi chiếm giữ tài sản của người khác mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng. Đồng thời, theo điểm a, điểm b Khoản 4 Điều 15 Nghị định này thì người thực hiện hành vi còn bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả như buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hoặc buộc trả lại tài sản do chiếm giữ trái phép.
Về trách nhiệm hình sự:
Trong trường hợp tài sản chiếm giữ trái phép có giá trị từ 10.000.000 đồng trở lên thì người thực hiện hành vi có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội chiếm giữ trái phép tài sản theo quy định tại Điều 176 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017.
Điều 176. Tội chiếm giữ trái phép tài sản
1. Người nào cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản trị giá từ 10.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc dưới 10.000.000 đồng nhưng tài sản là di vật, cổ vật bị giao nhầm hoặc do mình tìm được, bắt được, sau khi chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc cơ quan có trách nhiệm yêu cầu được nhận lại tài sản đó theo quy định của pháp luật, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
2. Phạm tội chiếm giữ tài sản trị giá 200.000.000 đồng trở lên hoặc bảo vật quốc gia, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
Theo đó, đối tượng chiếm giữ trái phép – người nhặt được vàng có giá trị từ 10.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm; giá trị vàng bị chiếm giữ trị giá từ 200.000.000 đồng trở lên thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
Hoặc có thể phạm tội “Công nhiên chiếm đoạt tài sản” nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm, căn cứ tại Điều 172 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017, cụ thể như sau:
Điều 172. Tội công nhiên chiếm đoạt tài sản
1. Người nào công nhiên chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;
b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 173, 174, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
b) Hành hung để tẩu thoát;
c) Tái phạm nguy hiểm;
d) Chiếm đoạt tài sản là hàng cứu trợ;
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
c) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
c) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.
Đối với tội công nhiên chiếm đoạt tài sản thì cần xem xét giá trị tài sản chiếm đoạt, nếu trên 2.000.000 đồng thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, dưới 2.000.000 đồng thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này theo quy định tại điểm b Khoản 1 Điều 15 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP, cụ thể như sau:
“Điều 15. Vi phạm quy định về gây thiệt hại đến tài sản của tổ chức, cá nhân khác
1. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
b) Công nhiên chiếm đoạt tài sản;”
Như vậy, không được phép tự ý lấy làm tài sản, cụ thể là “hôi vàng” làm của riêng mà phải thông báo và giao nộp cho chính quyền địa phương. Việc không trả lại vàng sau khi đã nhặt được cho Cơ quan Công an để phục vụ điều tra, trả lại cho chủ sở hữu thì được coi là hành vi vi phạm pháp luật, nếu có đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình.
Mong rằng những chia sẻ trên đây của HT LEGAL VN sẽ giúp mọi người hiểu về vấn đề pháp lý của sự việc trên.
Để được tư vấn pháp luật về vấn đề của bạn, vui lòng liên hệ Công ty Luật HT Legal VN: info@htlegalvn.com hoặc hotline: 0961614040 - 0945174040