Bài viết sau đây chia sẽ những tâm tư chân thành của Luật sư Nguyễn Thanh Trung hướng đến chủ trương nghề nghiệp pháp lý phải trung thực, đúng đắn, ngay chính và lâu dài, Luật sư Nguyễn Thanh Trung mong muốn chia sẻ và dần thay đổi quan điểm, thói quen sử dụng dịch vụ pháp lý thường xuyên cho người Việt Nam, việc sử dụng Luật sư và tham vấn Luật sư như một phương tiện, giải pháp tốt đẹp, tạo giá trị lâu dài chứ không phải một dịch vụ hay một phương thức để tốn kém chi phí.
Hoạt động nghề nghiệp Luật sư được nhiều năm dưới nhiều vị trí, chức danh khác nhau và đương nhiên không khác xa hai yếu tố quan trọng nhất là pháp luật và tiền bạc. Các yếu tố này khá phổ biến với hầu hết mọi người, quẩn quanh như dòng đời mưu sinh vậy.
Vốn bén duyên khá bền chặt với nghề, luôn yêu nghề Luật sư và cảm nhận nghề như đời vậy, duy chỉ có một điều mà tôi cảm nhận ít thay đổi hoặc đổi thay khá chậm, đó là tư duy hoặc lề lối suy nghĩ về việc sử dụng dịch vụ Luật sư của người Việt nói chung, cách riêng với những người kinh doanh.
Dù họ đã từng là Lãnh đạo cấp cao của Tập đoàn kinh doanh hoặc Lãnh đạo Ngân hàng hay là Doanh nhân gạo cội, thậm chí những người học cao như Bác sĩ, Cử nhân, Kỹ sư… đa số họ không có thói quen sử dụng dịch vụ Luật sư, rất ít vị coi Luật sư như một người bạn đồng hành thật sự.
Câu hỏi là tại sao bạn không quan tâm đến dịch vụ Luật sư? Sau nhiều suy ngẫm, mình cũng viết ra được kha khá lý do:
1. Có thể bạn nhận thấy lời khuyên hoặc tư vấn Luật sư không thật sự quan trọng, có cũng được, không có cũng được và quan trọng nhất là tại thời điểm hành vi đang thực hiện thì họ chưa thấy có điều gì cần đến Luật sư cả.
2. Bạn có nhiều mối quan hệ, quen biết và ngoại giao tốt quá rồi, cần gì Luật sư. Đôi khi sự tham gia của Luật sư vào vấn đề này sẽ càng thêm rắc rối và rườm rà
3. Bạn không có niềm tin với pháp luật hoặc cơ quan thi hành pháp luật và Luật sư cũng không đáng tin, chỉ tin chính mình và người thân mà thôi.
4. Bạn cảm thấy đủ giỏi, đủ năng lực và cả độ lèo lái để có thể xử lý bất kỳ vấn đề pháp lý nào, bạn cảm thấy chẳng có vấn đề gì rủi ro cho vấn đề, vị trí đang đảm trách.
5. Có thể Luật sư Việt Nam chưa thật sự chuyên nghiệp, chưa kể lại khá phức tạp, Luật sư/Công ty Luật cũng tùy năng lực, tùy loại người hoặc tùy tính cách và thật sự đắn đo để tín thác bí mật của các công việc kinh doanh, cuộc sống của mình cho Luật sư.
6. Lý do đơn giản là bạn thấy vấn đề hiện tại ổn và chưa thấy rủi ro gì đáng ngại.
7. Bạn thấy tiền có thể xử lý được tất cả, việc nào không giải quyết được bằng tiền thì sẽ được giải quyết bằng rất nhiều tiền chẳng hạn.
8. Bạn cảm thấy phí trả cho Luật sư cao quá, tự dưng bị mất tiền trong khi vấn đề chưa phát sinh gì. …
9. Bạn không muốn mất tiền trước khi bạn xác định được giá trị Luật sư đem lại phải tương xứng với đồng tiền bỏ ra. …
Quả thật, gặp làm việc, trao đổi và suy ngẫm, mình cảm giác nhiều người có suy nghĩ quan hệ giữa Luật sư và Khách hàng không phải là một mối quan hệ tương hỗ mà Luật sư như một gánh nặng nếu nhìn từ góc độ của người bỏ tiền thuê Luật sư, cảm giác Luật sư là kẻ hút máu hoặc luôn rình rập tìm lý do để lấy tiền khách hàng.
Thế nên, có một vị doanh nhân đùa rằng, Luật sư nào cũng khôn như Bác Sĩ khi chuẩn bị lên bàn mổ thì đưa cho một tờ giấy yêu cầu viết cam kết tự nguyện chịu mổ chứ không ai ép. Luật sư khi bảo vệ khách hàng cũng tương tự, lấy phí khách hàng nhưng yêu cầu khách hàng tự nguyện.
Tôi vẫn nhớ, thời điểm đầu Công ty Luật triển khai gói Luật sư doanh nghiệp và chốt những khách hàng đầu tiên liên quan đến dịch vụ tư vấn pháp luật thường xuyên. Một cảm giác như leo núi cao hoặc cõng đá tảng, để doanh nghiệp họ sử dụng dịch vụ pháp lý thường xuyên thì như “mò kim đáy bể” và khó khăn cực kỳ. Thật không dễ dàng để thay đổi một thói quen đã cố hữu!
Luật sư “chữa bệnh” & “phòng bệnh” hay có Luật sư chỉ thêm gánh nặng tài chính. Đúng là chỉ những người đã từng sử dụng dịch vụ pháp lý của Luật sư lúc họ phát sinh rủi ro hoặc vấn đề pháp lý thì mới trả lời được tường tận. Và ai cũng có thể xử lý được vấn đề pháp lý dù có chuyên môn hay không có chuyên môn về pháp luật nhưng vấn đề là ở kết quả cuối cùng hiệu quả sẽ như thế nào?
Luật sư tư vấn hoặc đồng hành trong vấn đề của khách hàng, trước hết là để “phòng bệnh” sau đó mới nói đến “chữa bệnh”. Một vấn đề khi có sự tham vấn của Luật sư thì có rất nhiều ưu điểm và đảm bảo tốt nhất quyền, lợi ích hợp pháp của khách hàng, cụ thể:
1. Luật sư có chuyên môn sẽ tư vấn cụ thể quyền, nghĩa vụ; giới hạn của những điều cấm của pháp luật và được làm những điều pháp luật cho phép;
2. Luật sư tư vấn và soạn thảo văn bản, tài liệu; dự liệu và chuẩn bị những cơ sở, căn cứ để tránh những rủi ro, quản trị rủi ro trong từng câu, chữ và tài liệu có liên quan;
3. Luật sư tư vấn và chuẩn bị kiến thức pháp lý hoặc tâm lý cơ bản cho vấn đề của khách hàng, vạch ra lộ trình để xử lý tình huống, vấn đề theo từng bước, từng thời điểm và từng mức độ. Xem xét toàn diện vấn đề nhằm mang lại sự chủ động tốt nhất cho khách hàng.
4. Luật sư chuyên nghiệp sẽ luôn chuẩn bị cho khách hàng (doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh) mọi phương án và giải pháp pháp lý để giải quyết vấn đề dù mức độ phức tạp đến đâu.
5. Luật sư đồng hành cùng khách hàng khi phát sinh tranh chấp, rủi ro và chủ động xử lý ngay từ giai đoạn đầu tiên đến giai đoạn cuối cùng.
6. Xét về chi phí, khi khách hàng thuê Luật sư thường xuyên thì đương nhiên sẽ tiết kiệm chi phí hơn rất nhiều và theo đó đảm bảo hơn nữa sự yên tâm và tín thác.
7. Xem xét góc độ toàn diện, thì phòng bệnh luôn hơn chữa bệnh nên Luật sư và khách hàng đồng hành thường xuyên là một giải pháp toàn diện. …
Ngoài ra, sẽ có vô vàng ích lợi cho thói quen sử dụng dịch vụ pháp lý thường xuyên của Luật sư mà trong phạm vi bài viết này tôi không thể chia sẻ hết.
Kinh nghiệm từ các nước phát triển và gần nhất là Nhật, Hàn, Singapore hay Trung Quốc phần nào cho ta thấy sự gắn kết hữu cơ của Luật sư với khách hàng và tầm quan trọng của Luật sư trong một quốc gia có nền tư pháp mạnh và kinh tế thịnh vượng. Sự thịnh vượng là điều tất cả chúng ta cùng hướng tới và tất nhiên phải đánh đổi nhiều thứ để có được nó.
Một hành trình lớn lao thường bắt đầu bằng một bước đi, chỉ cần thay đổi một thói quen cũ và xem Luật sư là bạn đồng hành, là để “phòng bệnh” và “chữa bệnh” thì chưa cần nói đến những cải cách lớn lao nhưng đã có thể tự tin nói rằng: Chúng ta đã chạm một tay vào hành trình lớn lao để đến sự thịnh vượng rồi.
Hy vọng bài viết này chia sẻ được một điều gì đó tốt đẹp đến quý khách hàng và những người bạn đồng hành thật sự của Luật sư chân chính.
Liên hệ chúng tôi:
Công ty Luật TNHH HT Legal VN
Trụ sở chính: 207B Nguyễn Phúc Chu, phường 15, quận Tân Bình, Tp.HCM
VP1: 37/12 Hẻm 602 Điện Biên Phủ, phường 22, quận Bình Thạnh, Tp.HCM
VP2: 5 Ngách 252/115 phố Tây Sơn, phường Trung Liệt, quận Đống Đa, Tp.HCM
Hotline: 0961614040 – 0901614040 - 0922224040