LUẬT SƯ NGUYỄN THANH TRUNG CHIA SẺ VỀ TẬP SỰ NGHỀ LUẬT SƯ – ĐI TÌM NGƯỜI HƯỚNG DẪN CÓ TÂM (CÔNG TY LUẬT UY TÍN TẠI QUẬN BÌNH THẠNH, TÂN BÌNH TP. HỒ CHÍ MINH)

03/03/2023 - 3355 lượt xem

Luật sư Nguyễn Thanh Trung - Luật sư Điều hành Công ty Luật TNHH HT Legal VN chia sẻ về vấn đề thực tập sinh đi rèn luyện, học hỏi kỹ năng tại Công ty Luật và Văn Phòng Luật sư, làm sao để tìm được người hướng dẫn có tâm?

Bất cứ Cử Nhân Luật bước ra khỏi trường Đại học, đều thường mơ ước trở thành Luật sư chuyên nghiệp, khó khăn của bạn là phải trải qua một thời gian chập chững bước đi từ trải nghiệm nghề "thực tập sinh" với bao khát vọng và sự vùi dập vì bỡ ngỡ, rồi khi mới ra trường là làm việc với "2 không": Không kinh nghiệm, không kỹ năng và bị soi mói từng chút một để hoàn thiện mình và hoàn thiện nghề. Tiếp theo là trải qua những năm tháng "leo núi" của chương trình đào tạo nghề Luật sư. Sau đó, bạn phải tìm kiếm người hướng dẫn để trải qua thời gian tập sự Luật sư tại tổ chức hành nghề Luật sư thì mới đủ điều kiện tham gia kỳ kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư do Liên Đoàn Luật sư Việt Nam tổ chức.

Vậy, làm cách nào để tìm kiếm Công ty hay Văn phòng Luật sư uy tín, người Luật sư có tâm để có được thời gian thực tập hay tập sự chất lượng?

Với vai trò của một Người điều hành Công ty Luật đã trải nghiệm sâu sắc trong suốt quá trình hành nghề tư vấn pháp luật và trải qua nhiều công việc, chức vụ có liên quan đến pháp luật tại thị trường Việt Nam và Quốc tế, Luật sư Nguyễn Thanh Trung chia sẻ nhiều trăn trở đối với các bạn sinh viên luật, thực tập sinh, luật sư tập sự bắt đầu chập chững làm quen, học hỏi kỹ năng để bước vào nghề. Sau đây là bài viết chia sẻ những nội dung hữu ích này.

1. Bớt mơ mộng lại, hãy nhìn thực tế quy mô hoạt động của các Công ty Luật/Văn phòng Luật sư ở Việt Nam.

Đối với Tập sư Luật sư trẻ, sau khi hoàn thành khóa học đào tạo Luật sư, bạn tin tưởng với tấm bằng, kinh nghiệm, kỹ năng và sức trẻ sẽ tìm được người hướng dẫn có kinh nghiệm, hiểu biết và sẽ tận tâm chỉ vẽ mình học nghề thành tài.

Đối với sinh viên luật thì tự tin là có thừa khi cầm bảng điểm và sẵn sàng dấn thân xin làm thực tập sinh với ý tưởng táo bạo pha chút mơ mộng và nhiều hoài bão để bắt đầu làm việc như một luật sư thực thụ cho đến khi đụng thực tế từng vụ từng việc và từng nơi thực tập.

Tất cả các bạn đều có quyền mơ mộng và hy vọng rằng chúng ta may mắn, biết đâu sẽ xin vào tập sự Công ty Luật ở Trung tâm thành phố, bạn được ngồi làm việc tại Công ty Luật tầm cỡ trong một Tòa nhà chọc trời như: Bitexco hay Landmark 81 ...chẳng hạn. Hằng ngày, mình sẽ chìm đắm công việc trong máy tính, nhấm nháp ly cà phê, nhìn ra ô cửa kính lớn là cả một thành phố năng động trong tầm mắt, được tham gia nghiên cứu những vụ án lớn, tiếp xúc với Luật sư nổi tiếng, giỏi giang và những Doanh nhân thành đạt, Giám đốc, Chủ tịch Tập đoàn kinh tế lớn.

Có lẽ, đây là ước mơ không chỉ riêng một mình bạn mà là ước muốn của tất cả các Cử nhân Luật tương lai, khi lựa chọn học ngành Luật.

Tuy nhiên, những Công ty Luật có quy mô và môi trường chuyên nghiệp như bạn mơ ước chỉ đếm trên đầu ngón tay, tập trung ở 2 thành phố lớn Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Những Công ty này chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực tư vấn cho Doanh nghiệp nước ngoài, các Tập đoàn và các hoạt động khác liên quan đến kinh doanh thương mại đa quốc gia.

Còn lại, thực tế phần lớn các Công ty Luật/Văn phòng Luật sư ở Việt Nam thường hoạt động như một Doanh nghiệp tư nhân hoặc hơi hướng gia đình. Quy mô hoạt động chỉ vừa và nhỏ, mọi hoạt động, vận hành đều xoay quanh một hoặc một số Luật sư và người có vai trò quan trọng nhất là Luật sư Trưởng (thường là Luật sư điều hành hoặc Luật sư sáng lập viên chủ chốt). Sự lớn mạnh của Công ty Luật phụ thuộc vào vốn tự có dựa trên tài sản tích lũy, kinh nghiệm, kỹ năng và sự điều hành của Luật sư Trưởng.

Từ thực tế đó dẫn đến, khi đi tìm Công ty Luật/Văn phòng Luật sư để nộp đơn xin tập sự bạn thường sẽ bắt gặp những tổ chức luật sư nhỏ bé, Văn phòng diện tích chỉ có 20-30m2, đến chỗ để bạn ngồi cũng không có, thậm chí có Công ty Luật chẳng có tiếng tăm gì cả, không ai biết đến.

Có những Văn phòng Luật sư ở tỉnh hoặc thành phố lớn hoạt động cầm chừng, Văn phòng chỉ có mỗi một Luật sư, thậm chí có Văn phòng làm cả tuần còn không thấy Luật sư Trưởng ở đâu, vô tình mình lại rơi vào tình huống dở khóc, dở cười là trở thành người “giữ Chùa”. Bao nhiêu ước mơ, hoài bão, bao nhiêu dự định bỗng chốc tan thành mây khói bởi thực tế quá khác xa.

Bản thân tôi (Luật sư Nguyễn Thanh Trung) khi mới ra trường cũng đã từng trải qua hơn 1 năm dùi mài kinh sử mơ ước thành Luật sư giỏi, rồi phải chán nản nhìn cảnh thực tế trước mắt, không có việc làm cao cấp hoặc hội họp quan trọng với doanh nghiệp mà chỉ là những thủ tục thành lập công ty đơn giản hoặc phô tô tài liệu cho khách và ngồi chơi xơi nước, hoàn toàn bị động, rồi trượt dài trên những tiếng thở dài đầy vô vọng, nhưng cũng kịp được đánh thức và tìm ra con đường đi phù hợp với hoàn cảnh của mình. Nghĩ đến cảnh đó giờ vẫn còn thở dài đây!

2. Khi tìm Công ty Luật thực thụ để nộp hồ sơ – Quyết tâm không lãng phí thời gian tập sự nghề Luật sư.

Khi bạn quyết tâm đi trên con đường hành nghề pháp lý hoặc Luật sư thật sự, tôi khuyên bạn nên thực tế thì hơn, đừng mơ mộng nữa.

Bởi lẽ, Nghề Luật nói chung và Luật sư nói riêng phải là người sống thực tế nhất. Luật sư tồn tại được là nhờ kinh nghiệm thực tiễn dựa trên nền tảng lý luận sâu sắc về kiến thức pháp luật. Người Luật sư va chạm thực tiễn nhiều, kinh qua nhiều vụ việc, giống như Phi công tích lũy “giờ bay” vậy. Phi công không tích lũy đủ giờ bay, không thể và không dám bay xa được.

Nghề Luật sư cũng vậy, không ai nhờ Luật sư đi tìm điều luật cả, vì việc đó đã có “Google” rồi. Khách hàng tìm Luật sư bởi chính bản thân họ, người được tín nhiệm, được tin tưởng, người đưa ra những tư vấn “tận tâm”, người vận dụng được pháp luật vào đời sống chứ không phải người đọc điều luật sáo rỗng cho họ nghe.

Vậy, muốn trở thành Luật sư thì bạn phải nhất quyết không thể lãng phí thời gian thực tập hoặc tập sự luật sư tại những Văn phòng/Công ty Luật. Khi tìm kiếm được Công ty Luật nhỏ, không có tiếng tăm thì cứ bình tĩnh quan sát, không nên vội vàng quay đầu khi mới nhìn thấy Công ty Luật không như trong “mơ”, “không trong tưởng tượng” của mình. Vì thực tế, Công ty Luật lớn, có quy mô không nhiều, không đủ sức nhận số lượng sinh viên Luật ra trường ồ ạt như hiện nay và vấn đề là học được gì từ đó mới là vấn đề của bạn.

Khi đến phỏng vấn xin thực tập hoặc tập sự Luật sư, bạn nên lắng nghe Luật sư phỏng vấn nói gì, người Luật sư có kinh nghiệm sẽ không hứa hẹn, không nói những điều sáo rỗng, không khoe khoang kể về những vụ án lớn hay tiền bạc.

Luật sư có tầm nhìn sẽ hỏi bạn biết làm những gì, có chấp nhận khó khăn gian khổ được không? Có chịu được áp lực công việc không? Bạn có đồng ý làm những công việc không liên quan đến chuyên môn không? Đây cũng là những công việc bạn đều phải học, vì khi bạn trở thành Luật sư, bạn đứng ra mở Công ty Luật thì cũng phải có kinh nghiệm trong tất cả các lĩnh vực.

Người Luật sư có tâm muốn hướng dẫn bạn sẽ đưa ra lời khuyên lúc thích hợp, không cầm tay chỉ việc mà sẽ tạo điều kiện để bạn đi theo để lắng nghe, quan sát họ làm gì. Họ sẽ khuyến khích bạn tư duy Luật chứ không khuyến khích bạn sao chép lời nói, hành động của họ.

Thực tiễn nghề Luật sư ở Việt Nam, không phải người tốt nghiệp loại giỏi ở Trường Luật là người thành công mà người “thực tế”, người chấp nhận sự thật phũ phàng, người chấp nhận “dấn thân” vượt qua những trở ngại khó khăn với nghề, người dám xông pha bất cứ công việc gì từ việc nhỏ nhặt nhất mới là người sống được với nghề Luật sư. Có một người đã nói với tôi rằng, khi bạn mới ra trường, bạn vào Công ty luật làm việc thì phải làm tốt nhất mọi công việc, kể cả “Photocopy” mình cũng phải là người “phô tô giỏi nhất, nhanh nhất và ít hỏng giấy nhất”.

Nếu ngay cả việc photocopy bạn cũng hay mắc lỗi thì quyết tâm của bạn chỉ là lời sáo rỗng, nếu những việc nhỏ như việc đi nộp hồ sơ, đi công chứng, sao y hay báo phí khách hàng bạn ngại không làm, vì cho rằng đó là việc nhỏ, ai cũng làm được, không cần đến Luật sư tập sự thì ai giao cho bạn nghiên cứu hồ sơ của khách hàng.

Bạn đâu biết rằng những việc làm hành chính mặc dù là nhỏ nhặt nhưng lại phát sinh biết bao nhiêu là bất cập, bao nhiêu là sai sót mà không ai có thể dạy bạn trên sách vở được, mà chính những va vấp sẽ cho bạn kinh nghiệm.

3. Tập sư nghề Luật sư thì nên học việc như thế nào?

Lẽ đương nhiên muốn trở thành Luật sư thật thụ thì bạn sẽ không làm những việc lặt vặt, việc văn phòng hoài được. Luật sư Trưởng hoặc Người hướng dẫn sẽ giao cho bạn nghiên cứu những hồ sơ, vụ án mà Công ty đã từng làm, đang làm và sắp làm tùy theo sự quan sát và sắp xếp của Cấp Lãnh đạo.

Trước tiên, bạn nên quan sát Công ty luật mà bạn đang tập sự cách bố trí, sắp xếp hồ sơ tài liệu, lưu trữ tài liệu, photocopy, phương tiện liên lạc, cách thức tổ chức hội họp, cách bố trí không gian tiếp khách…

Luật sư Trưởng hoặc Người hướng dẫn sẽ giao cho bạn 1 vài vụ án Công ty đã làm và thắng kiện, để bạn nghiên cứu để học hỏi và đưa ra luận điểm của mình. Bạn nên chủ động xin phép nghiên cứu cả những hồ sơ thua kiện và những hồ sơ khác nữa. Từ đó tập trung nghiên cứu vì sao vụ án này Hội đồng xét xử lại bác lời bào chữa/bảo vệ của Luật sư, nếu là mình thì mình có làm khác được không.

Bạn phải tập viết những bài luận cứ, bài bào chữa bảo vệ cho bị cáo thì sẽ viết như thế nào, bảo vệ cho bị hại hoặc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thì mình sẽ đưa ra luận điểm ra sao. Sau đó, bạn sẽ nhờ người hướng dẫn góp ý, sửa chữa, chính những điểm Luật sư góp ý sửa chữa cho bạn là những kinh nghiệm quý báu nên bạn phải tập trung vào những điểm này để học hỏi từng chút một.

Tiếp đến bạn nên ghi chép lại (tốt nhất là có 1 cuốn sổ nhỏ) những chi tiết nhỏ nhất khi đi cùng Luật sư đi tiếp khách hàng, tư vấn cho khách hàng, đi liên hệ với cơ quan ban ngành để thu thập tài liệu chứng cứ, đi gặp nhân chứng hay đi đến Tòa án nghiên cứu hồ sơ và tham gia phiên tòa xét xử vụ án.

Mỗi ngày, mỗi tuần, mỗi tháng bạn tập sự tại Công ty Luật là những tháng ngày cực kỳ gian khó và ý nghĩa, là bước tiền đề quan trọng trước khi thành Luật sư. Bạn sẽ trở thành Luật sư thực thụ hay là Luật sư trên tờ chứng chỉ mà hoàn toàn không biết gì về nghiệp vụ Luật sư là do bạn quyết định. Công ty Luật TNHH HT Legal VN chúc những Luật sư tương lai sẽ luôn vững bước trên con đường đã chọn.

CÔNG TY LUẬT TNHH HT LEGAL VN

Trụ sở chính: 207B Nguyễn Phúc Chu, P.15, quận Tân Bình, Tp. Hồ Chí Minh

VP1: 37/12 hẻm 602 Điện Biên Phủ, P.22, quận Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh (Cạnh UBND phường 22).

VP2: 5 Ngách 252/115 phố Tây Sơn, P. Trung Liệt, Quận Đống Đa, Tp. Hà Nội

Email: info@htlegalvn.com     Hotline: 09 6161 4040 - 09 0161 4040 - 09 2222 4040

Luật sư Nguyễn Thanh Trung
Theo HT Legal VN