LUẬT SƯ VÀ QUYỀN, NGHĨA VỤ THEO LUẬT LUẬT SƯ (CÔNG TY LUẬT TẠI QUẬN BÌNH THẠNH, TÂN BÌNH TP. HỒ CHÍ MINH)

01/09/2022 - 1155 lượt xem

Hiện nay, chúng ta có thể hiểu với nhau rằng: Luật sư là một chức danh tư pháp độc lập, chỉ những người có đủ điều kiện hành nghề chuyên nghiệp theo quy định của pháp luật nhằm thực hiện việc tư vấn pháp luật, đại diện theo ủy quyền, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho cá nhân, tổ chức và nhà nước trước tòa án và thực hiện các dịch vụ pháp lý khác.

LUẬT SƯ: QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CỦA LUẬT SƯ THEO LUẬT LUẬT SƯ 

Hiện nay, chúng ta có thể hiểu với nhau rằng: Luật sư là một chức danh tư pháp độc lập, chỉ những người có đủ điều kiện hành nghề chuyên nghiệp theo quy định của pháp luật nhằm thực hiện việc tư vấn pháp luật, đại diện theo ủy quyền, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho cá nhân, tổ chức và nhà nước trước tòa án và thực hiện các dịch vụ pháp lý khác. Nghề luật sư ở Việt Nam trước hết là một nghề luật, trong đó các luật sư bằng kiến thức pháp luật của mình, độc lập thực hiện các hoạt động trong phạm vi hành nghề theo quy định của pháp luật và quy chế trách nhiệm nghề nghiệp, nhằm mục đích phụng sự công lý, góp phần bảo vệ pháp chế và xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam.

Vậy, khi đã trở thành luật sư thì có quyền và nghĩa vụ gì? Công ty Luật HT Legal VN sẽ giúp bạn giải đáp qua bài viết sau:

   1. Khái niệm

Theo Luật Luật sự 2015 thì Luật sư là người hành nghề liên quan đến lĩnh vực pháp luật khi có đủ tiêu chuẩn, điều kiện hành nghề theo quy định của pháp luật của mỗi quốc gia. Luật sư thực hiện dịch vụ pháp lý theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức (gọi chung là khách hàng). Luật sư cung cấp các dịch vụ pháp lý như: tư vấn pháp luật, soạn thảo văn bản, tổ chức đàm phán, thương lượng về các vấn đề pháp luật, và có thể đại diện cho thân chủ hoặc bảo vệ quyền lợi của thân chủ trước tòa án trong quá trình tiến hành tố tụng.

2. Quyền, nghĩa vụ của luật sư

Theo quy định tại Điều 21 Luật luật sư 2015

“1. Luật sư có các quyền sau đây:

a) Được pháp luật bảo đảm quyền hành nghề luật sư theo quy định của Luật này và quy định của pháp luật có liên quan;

b) Đại diện cho khách hàng theo quy định của pháp luật;

c) Hành nghề luật sư, lựa chọn hình thức hành nghề luật sư và hình thức tổ chức hành nghề luật sư theo quy định của Luật này;

d) Hành nghề luật sư trên toàn lãnh thổ Việt Nam;

đ) Hành nghề luật sư ở nước ngoài;

e) Các quyền khác theo quy định của Luật này.

2. Luật sư có các nghĩa vụ sau đây:

a) Tuân theo các nguyên tắc hành nghề luật sư quy định tại Điều 5 của Luật này;

b) Nghiêm chỉnh chấp hành nội quy và các quy định có liên quan trong quan hệ với các cơ quan tiến hành tố tụng; có thái độ hợp tác, tôn trọng người tiến hành tố tụng mà luật sư tiếp xúc khi hành nghề;

c) Tham gia tố tụng đầy đủ, kịp thời trong các vụ án do cơ quan tiến hành tố tụng yêu cầu;

d) Thực hiện trợ giúp pháp lý;

đ) Tham gia bồi dưỡng bắt buộc về chuyên môn, nghiệp vụ;

e) Các nghĩa vụ khác theo quy định của Luật này.”

3. Phân tích chi tiết về quyền và nghĩa vụ của Luật sư

3.1. Quyền của luật sư ở Việt Nam

(i) Thứ nhất, được pháp luật bảo đảm quyền hành nghề luật sư theo quy định của Luật Luật sư và quy định của pháp luật có liên quan. Ở đây, Luật sư được pháp luật đảm bảo quyền hành nghề, được tiến hành các hoạt động hành nghề hợp pháp. Nhà nước nghiêm cấm các cơ quan, tổ chức, cá nhân can thiệp trái pháp luật vào hoạt động hành nghề hợp pháp của luật sư.

(ii) Thứ hai, đại diện cho khách hàng theo quy định của pháp luật. Đây là quyền độc lập, đảm bảo cho luật sư quyền hành nghề được thuận lợi. Việc quy định quyền đại diện cho khách hàng đảm bảo cho luật sư khi đã xác lập quan hệ với khách hàng, theo phạm vi, nội dung và thời hạn trong Hợp đồng dịch vụ pháp lý được quyền nhân danh khách hàng thực hiện các dịch vụ pháp lý, đại diện cho khách hàng, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của khách hàng mà không cần phải thông qua thủ tục pháp lý ủy quyền theo quy định chung của pháp luật.

(iii) Thứ ba, hành nghề luật sư, lựa chọn hình thức hành nghề luật sư và hình thức tổ chức hành nghề luật sư theo quy định của Luật này. Ở đây, luật sự được tự do lựa chọn hình thức tổ chức hành nghề để hành nghề luật sư. Luật sư được lựa chọn mô hình: Văn phòng luật sư, công ty luật hay hành nghề với tư cách cá nhân.

(iv) Thứ tư, hành nghề luật sư trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Đây là quyền của luật sư theo địa phận lãnh thổ hành nghề. Luật sư không bị giới hạn bởi địa giới hành chính nơi đã đăng ký hoạt động. Mặc dù luật sư đăng ký hoạt động ở Sở Tư pháp của một tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nhưng có quyền hành nghề trên toàn lãnh thổ Việt Nam.

(v) Thứ năm, hành nghề luật sư ở nước ngoài. Ngoài quyền hành nghề Luật sư trên toàn lãnh thổ Việt Nam, luật sư có quyền hành nghề luật sư ở nước ngoài. Quy định này nhằm tạo cơ sở pháp lý cho luật sư, không gian hành nghề luật sư toàn cầu trong điều kiện hội nhập quốc tế của Việt Nam.

(vi) Thứ sáu, các quyền khác theo quy định của Luật Luật sư

3.2. Nghĩa vụ của luật sư ở Việt Nam

(i) Thứ nhất, tuân theo các nguyên tắc hành nghề luật sư quy định tại Điều 5 của Luật Luật sư, đó là tuân thủ Hiến pháp và pháp luật; tuân theo quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư, độc lập, trung thực, tôn trọng sự thật khách quan; sử dụng các biện pháp hợp pháp để bảo vệ tốt nhất quyền, lợi ích hợp pháp của khách hàng và chịu trách nhiệm trước pháp luật về hoạt động nghề nghiệp luật sư.

(ii) Thứ hai, nghiêm chỉnh chấp hành nội quy và các quy định có liên quan trong quan hệ với các cơ quan tiến hành tố tụng; có thái độ hợp tác, tôn trọng người tiến hành tố tụng mà luật sư tiếp xúc khi hành nghề,

(iii) Thứ ba, tham gia tố tụng đầy đủ, kịp thời trong các vụ án do cơ quan tiến hành tố tụng yêu cầu. Đây là nghĩa vụ của luật sư một mặt để cụ thể hóa việc thực hiện chức năng xã hội của luật sư trong bảo vệ công lý, mặt khác, đảm bảo cho tiến trình tiến hành tố tụng được diễn ra đúng thời hạn luật định.

(iv) Thứ tư, thực hiện trợ giúp pháp lý. Đây là nghĩa vụ của luật sư thực hiện trách nhiệm xã hội - nghề nghiệp của mình, giúp người được trợ giúp pháp lý bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của họ.

(v) Thứ năm, tham gia bồi dưỡng bắt buộc về chuyên môn, nghiệp vụ. Đây là nghĩa vụ của luật sư nhằm đảm bảo chất lượng dịch vụ pháp lý của cá nhân luật sư nói riêng, chất lượng dịch vụ pháp lý nói chung cho khách hàng.

(vi) Thứ sáu, các nghĩa vụ khác theo quy định của Luật Luật sư.

Trên đây là nội dung phân tích quyền và nghĩa vụ của Luật sư, để được tư vấn về các vấn đề pháp lý thường xuyên gặp phải, vui lòng liên hệ:

CÔNG TY LUẬT TNHH HT LEGAL VN

VP1: 207B Nguyễn Phúc Chu, P.15, quận Tân Bình, Tp. Hồ Chí Minh

VP2: 37/12 Hẻm 602 Điện Biên Phủ, P.22, quận Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh (Bên cạnh UBND phường 22)

Email: info@htlegalvn.com                                  Hotline: 09 6161 4040 – 09 4517 4040

 

Thủy Trúc
Theo HT Legal VN