LUẬT SƯ VÀ XỬ LÝ VI PHẠM TRONG HOẠT ĐỘNG HÀNH NGHỀ (CÔNG TY LUẬT TẠI QUẬN BÌNH THẠNH, TÂN BÌNH TP HỒ CHÍ MINH)

02/09/2022 - 972 lượt xem

Lịch sử phát triển xã hội đã minh chứng rằng bất kỳ sự phát triển kinh tế cũng sẽ gắn liền với sự phát triển về mặt pháp luật và từ đó vị thế của Luật sư cũng ngày càng được coi trọng. Từ thực tế này, đòi hỏi Luật sư phải có sự am hiểu kiến thức pháp luật không chỉ ở Việt Nam mà còn là pháp luật nước ngoài. Phát triển là vậy tuy nhiên vẫn tồn tại một nghịch lý, nhu cầu về nhân sự Luật sư cao nhưng vẫn có những Luật sư bị đào thải khỏi thị trường việc làm một trong những nguyên nhân của việc này chính là vi phạm của Luật sư trong hoạt động hành nghề.

Trong quá trình xây dựng, phát triển và hội nhập quốc tế để thực hiện tốt chức năng xã hội nghề nghiệp của mình, nhằm góp phần bảo vệ công lý và đảm bảo xã hội công bằng, văn minh luôn đòi hỏi mỗi Luật sư – những người “hiệp sĩ công lý”, phải là người đi đầu trong việc ý thức tự giác tuân thủ pháp luật và quy tắc đạo đức nghề nghiệp. Tuy nhiên, thực trạng cho thấy có những Luật sư cố ý vi phạm chẳng hạn như Luật sư lợi dụng mạng xã hội với động cơ không tốt, không chính đáng, đăng tải những nội dung, bài viết, hình ảnh có nội dung trái với đạo đức xã hội, xâm phạm uy tín, danh dự của cá nhân, tổ chức khác.

Tại Điều 89 Luật luật sư 2006 sửa đổi, bổ sung năm 2012 quy định về xử lý vi phạm với Luật sư như sau: “Luật sư Việt Nam vi phạm quy định Luật này, ngoài việc bị xử lý kỷ luật thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm còn bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định pháp luật”.

1. Xử lý kỷ luật.

Luật sư vi phạm quy định của Luật này, Điều lệ, Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam và quy định của tổ chức xã hội – nghề nghiệp của luật sư thì tùy theo tính chất và mức độ vi phạm phải chịu một trong những các hình thức kỷ luật sau đây:

a) Khiển trách;

b) Cảnh cáo

c) Tạm đình chỉ tư cách thành viên Đoàn Luật sư từ sáu tháng đến hai mươi bốn tháng;

d) Xóa tên khỏi danh sách luật sư của Đoàn luật sư.

Việc xem xét quyết định kỷ luật luật sư thuộc thẩm quyền của Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư theo đề nghị của Hội đồng khen thưởng, kỷ luật của Đoàn luật sư (Điều 85 Luật luật sư 2006 sửa đổi, bổ sung năm 2012).

2. Xử lý hành chính.

Căn cứ Điều 6 Nghị định 110/2013/NĐ-CP ngày 24 tháng 09 năm 2013 quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã thì hành vi vi phạm quy định hoạt động hành nghề luật sư bị xử lý như sau:

2.1 Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng

- Không thông báo cho khách hàng về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm nghề nghiệp của mình trong việc thực hiện dịch vụ pháp lý cho khách hàng;

- Luật sư hành nghề với tư cách cá nhân không thực hiện việc đăng ký hành nghề với cơ quan có thẩm quyền trong trường hợp chuyển Đoàn luật sư.

2.2 Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng

- Luật sư hành nghề với tư cách cá nhân cung cấp dịch vụ pháp lý cho cơ quan, tổ chức, cá nhân khác ngoài cơ quan, tổ chức mình đã ký hợp đồng lao động, trừ trường hợp được cơ quan nhà nước yêu cầu hoặc tham gia tố tụng trong vụ án hình sự theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng và thực hiện trợ giúp pháp lý theo sự phân công của Đoàn luật sư mà luật sư là thành viên;

- Thành lập hoặc tham gia thành lập từ hai tổ chức hành nghề luật sư trở lên.

2.3 Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng

- Sửa chữa, tẩy xóa, làm sai lệch nội dung chứng chỉ hành nghề luật sư, giấy đăng ký hành nghề luật sư, giấy phép hành nghề luật sư tại Việt Nam, giấy chứng nhận về việc tham gia tố tụng, giấy chứng nhận người bào chữa;

- Luật sư hành nghề với tư cách cá nhân không đăng ký hành nghề tại cơ quan có thẩm quyền, trừ trường hợp quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều này;

- Luật sư nước ngoài hành nghề tại Việt Nam khi giấy phép hành nghề đã hết hạn;

- Cho người khác sử dụng chứng chỉ hành nghề luật sư, giấy đăng ký hành nghề luật sư hoặc giấy phép hành nghề luật sư tại Việt Nam để hành nghề luật sư.

2.4 Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng

- Luật sư hành nghề khi chưa được cấp giấy đăng ký hành nghề luật sư; chưa được cấp giấy phép hành nghề luật sư tại Việt Nam;

- Luật sư nước ngoài hoạt động không đúng hình thức, phạm vi hành nghề của luật sư nước ngoài tại Việt Nam;

- Sử dụng chứng chỉ hành nghề luật sư, giấy đăng ký hành nghề luật sư hoặc sử dụng giấy phép hành nghề luật sư tại Việt Nam của người khác để hành nghề luật sư;

- Sử dụng chứng chỉ hành nghề luật sư, giấy đăng ký hành nghề luật sư, giấy phép hành nghề luật sư tại Việt Nam, giấy chứng nhận về việc tham gia tố tụng, giấy chứng nhận người bào chữa giả.

2.5 Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng

- Làm giả chứng chỉ hành nghề luật sư, giấy đăng ký hành nghề luật sư, giấy phép hành nghề luật sư tại Việt Nam, giấy chứng nhận về việc tham gia tố tụng, giấy chứng nhận người bào chữa;

- Mạo danh luật sư để hành nghề luật sư dưới bất kỳ hình thức nào;

- Cố ý trì hoãn, kéo dài thời gian hoặc gây khó khăn, cản trở hoạt động của cơ quan nhà nước;

- Sách nhiễu, lừa dối khách hàng; nhận, đòi hỏi bất kỳ một khoản tiền, lợi ích vật chất khác ngoài khoản thù lao và chi phí đã thỏa thuận trong hợp đồng dịch vụ pháp lý;

- Hành nghề luật sư khi không có chứng chỉ hành nghề luật sư hoặc chưa gia nhập Đoàn luật sư;

- Luật sư nước ngoài hành nghề tại Việt Nam trong trường hợp không đủ điều kiện hành nghề.

2.6 Tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề luật sư, giấy đăng ký hành nghề luật sư hoặc giấy phép hành nghề luật sư tại Việt Nam từ 06 tháng đến 12 tháng

- Thực hiện dịch vụ pháp lý mà không ký hợp đồng bằng văn bản hoặc ký hợp đồng thiếu một trong các nội dung quy định tại Khoản 2 Điều 26 của Luật luật sư;

- Cung cấp dịch vụ pháp lý cho khách hàng có quyền lợi đối lập nhau trong cùng một vụ việc;

- Cố ý cung cấp tài liệu, vật chứng giả, sai sự thật;

- Xúi giục khách hàng khai sai sự thật hoặc xúi giục khách hàng khiếu nại, tố cáo trái pháp luật;

- Tiết lộ thông tin về vụ, việc, về khách hàng mà mình biết trong khi hành nghề, trừ trường hợp được khách hàng đồng ý bằng văn bản hoặc pháp luật có quy định khác;

- Móc nối, quan hệ với người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng, cán bộ, công chức khác để làm trái quy định của pháp luật.

2.7 Hình thức xử phạt bổ sung:

Tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề luật sư, giấy đăng ký hành nghề luật sư hoặc giấy phép hành nghề luật sư tại Việt Nam từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi quy định tại Khoản 2, Điểm d Khoản 3 Điều này.

2.8 Biện pháp khắc phục hậu quả:

- Hủy bỏ giấy tờ giả đối với hành vi quy định tại Điểm d Khoản 4, Điểm a Khoản 5 Điều này;

- Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi quy định tại Khoản 4, các Điểm a, b, d, đ và e Khoản 5, Điểm a và Điểm b Khoản 6 Điều này.

Ngoài ra, Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng có hiệu lực thi hành từ ngày 01/9/2022 thì Luật sư sẽ bị phạt từ 15-30 triệu đồng khi có các hành vi cố ý tố giác, báo tin về tội phạm sai sự thật làm ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan, người có thẩm quyền; lôi kéo, xúi giục, lừa dối, mua chuộc, đe dọa hoặc sử dụng vũ lực buộc người khác tố giác, báo tin về tội phạm sai sự thật. Pháp lệnh cũng quy định Luật sư có hành vi lừa dối, đe dọa, mua chuộc hoặc sử dụng vũ lực buộc người bị hại khai báo gian dối hoặc buộc người khác ra làm chứng gian dối cũng sẽ bị phạt từ 30-40 triệu đồng.

Trên đây là những quy định về các trường hợp xử lý vi phạm đối với Luật sư trong hoạt động hành nghề. Công ty Luật TNHH HT Legal VN luôn tuân thủ các quy định pháp luật, hoạt động dựa trên tinh thần thượng tôn pháp luật, củng cố và duy trì đạo đức nghề nghiệp, đạo đức xã hội ở tiêu chuẩn cao nhất. Trường hợp cần tư vấn pháp lý, vui lòng liên hệ:

CÔNG TY LUẬT TNHH HT LEGAL VN

Website: www.htlegalvn.com

VP1: 207B Nguyễn Phúc Chu, phường 15, quận Tân Bình, Tp. Hồ Chí Minh

VP2: 37/12 Hẻm 602 Điện Biên Phủ, phường 22, quận Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh

Email: info@htlegalvn.com     Hotline: 09 6161 4040 - 09 4517 4040

Quốc Hào
Theo HT Legal VN