Hiện nay, tệ nạn xã hội ngày càng diễn biến phức tạp đe dọa cuộc sống bình yên của người dân, kèm theo vô số tội phạm diễn ra ngày càng nhiều. Việc điều tra vụ án hình sự càng trở nên quan trọng và có ý nghĩa vô cùng to lớn. Tuy nhiên, hành vi của Điều tra viên trong quá trình điều tra cần dựa trên những căn cứ được pháp luật quy định nhằm mục đích thực hiện việc thu thập chứng cứ một cách hiệu quả. Vậy khi hành vi điều tra của điều tra viên có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì có được quyền khiếu nại hay không? Mẫu đơn khiếu nại như thế nào? Sau đây, Công ty Luật TNHH HT Legal VN sẽ phân tích về vấn đề này.
- Cơ sở pháp lý:
1. Luật Khiếu nại 2011;
2. Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự 2015;
3. Nghị định 124/2020/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2020 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Khiếu nại.
- Nội dung:
1. Điều tra viên là gì?
Căn cứ Điều 45 Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự 2015, Điều tra viên là người được bổ nhiệm để làm nhiệm vụ Điều tra hình sự. Điều tra viên gồm có các ngạch sau đây:
- Điều tra viên sơ cấp;
- Điều tra viên trung cấp;
- Điều tra viên cao cấp.
Hoạt động của Điều tra viên trong quá trình điều tra:
Điều tra là hoạt động thu thập tin, tài liệu, tình hình… phản ánh sự thật về một tổ chức, con người, sự việc, hiện tượng hoặc mục tiêu, địa bàn, lĩnh vực phục vụ nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự. Trong lĩnh vực phòng, chống tội phạm, điều tra là hoạt động khám phá, phát hiện tội phạm. Được tiến hành dưới nhiều hình thức: Trực tiếp hoặc gián tiếp; công khai hoặc bí mật; trên phạm vi rộng (diện) hay hẹp (điểm).
Ví dụ: Khám nghiệm hiện trường, khai quật tử thi, khám nghiệm tử thi, xem xét dấu vết trên thân thể, khám xét (người, chổ ở, nơi làm việc, địa điểm, phương tiện), thu giữ, tạm giữ (thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm, dữ liệu điện tử), kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản, ….
2. Nhiệm vụ và quyền hạn của Điều tra viên.
Căn cứ Điều 53 Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự 2015 quy định Nhiệm vụ, quyền hạn của Điều tra viên:
- Điều tra viên được tiến hành các hoạt động kiểm tra, xác minh và các hoạt động Điều tra thuộc thẩm quyền của Cơ quan Điều tra theo sự phân công của Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan Điều tra.
- Điều tra viên thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự khi được phân công giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và Điều tra vụ án hình sự.
- Điều tra viên có trách nhiệm sau đây:
+ Áp dụng các biện pháp theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự và pháp luật khác có liên quan để Điều tra, xác định sự thật vụ án một cách khách quan, toàn diện, đầy đủ;
+ Tuân theo pháp luật và chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan Điều tra;
+ Từ chối tiến hành tố tụng hoặc bị thay đổi trong các trường hợp do Bộ luật tố tụng hình sự quy định;
+ Chấp hành quy định của pháp luật về những việc cán bộ, công chức hoặc cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang nhân dân không được làm.
- Điều tra viên chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan Điều tra về hành vi, quyết định của mình.
Bên cạnh đó, Những việc Điều tra viên không được làm theo quy định tại Điều 54 Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự 2015:
- Những việc mà pháp luật quy định cán bộ, công chức hoặc cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang nhân dân không được làm.
- Tư vấn cho người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, đương sự hoặc người tham gia tố tụng khác làm cho việc giải quyết vụ án, vụ việc không đúng quy định của pháp luật.
- Can thiệp vào việc giải quyết vụ án, vụ việc hoặc lợi dụng ảnh hưởng của mình tác động đến người có trách nhiệm giải quyết vụ án, vụ việc.
- Đưa hồ sơ, tài liệu vụ án, vụ việc ra khỏi cơ quan nếu không vì nhiệm vụ được giao hoặc không được sự đồng ý của người có thẩm quyền.
- Tiếp bị can, bị cáo, đương sự hoặc người tham gia tố tụng khác trong vụ án, vụ việc mà mình có thẩm quyền giải quyết ngoài nơi quy định.
3. Khiếu nại hành vi điều tra của Điều tra viên trong quá trình điều tra.
Căn cứ Khoản 1 Điều 2 Luật Khiếu nại 2011, Khiếu nại là việc công dân, cơ quan, tổ chức theo thủ tục do Luật Khiếu nại quy định, đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước khi có căn cứ cho rằng quyết định hoặc hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
Hành vi hành chính là hành vi của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước thực hiện hoặc không thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo quy định của pháp luật.
Như vậy, công dân, cơ quan, tổ chức được quyền khiếu nại hành vi điều tra của Điều tra viên trong quá trình điều tra.
Thời hiệu khiếu nại là 90 ngày, kể từ ngày biết được hành vi hành chính Căn cứ Điều 9 Luật Khiếu nại 2011. Trường hợp người khiếu nại không thực hiện được quyền khiếu nại theo đúng thời hiệu vì ốm đau, thiên tai, địch họa, đi công tác, học tập ở nơi xa hoặc vì những trở ngại khách quan khác thì thời gian có trở ngại đó không tính vào thời hiệu khiếu nại.
4. Nội dung cần có trong đơn khiếu nại hành vi điều tra của Điều tra viên trong quá trình điều tra.
Căn cứ Nghị định 124/2020/NĐ-CP, Đơn khiếu nại hành vi điều tra của Điều tra viên trong quá trình điều tra cần có những nội dung chủ yếu sau:
- Ngày, tháng, năm khiếu nại;
- Tên, địa chỉ của người khiếu nại;
- Tên, địa chỉ của cơ quan, tổ chức, cá nhân bị khiếu nại;
- Nội dung, lý do khiếu nại, tài liệu liên quan đến nội dung khiếu nại;
- Yêu cầu giải quyết của người khiếu nại.
Đơn khiếu nại phải do người khiếu nại ký tên.
Sau đây, Công ty Luật TNHH HT Legal VN cung cấp cho Quý Khách hàng mẫu đơn khiếu nại hành vi điều tra của Điều tra viên trong quá trình điều tra: Xem tại đây.
Để được tư vấn pháp lý về các vấn đề khiếu nại, quy trình thủ tục khiếu nại và các vấn đề pháp lý liên quan, vui lòng liên hệ:
CÔNG TY LUẬT TNHH HT LEGAL VN
VP1: 37/12 hẻm 602 Điện Biên Phủ, P.22, quận Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh (Cạnh UBND phường 22).
VP2: 207B Nguyễn Phúc Chu, P.15, quận Tân Bình, Tp. Hồ Chí Minh
Email: info@htlegalvn.com Hotline: 09 6161 4040 - 09 4517 4040