Mọi người có quyền khiếu nại, tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền về những việc làm trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Điều này đã được ghi nhận rõ trong Hiến pháp 2013. Tuy nhiên vấn đề khiếu nại như thế nào? Vậy những quyết định hành chính / quyết định xử phạt hành chính của cơ quan có thẩm quyền được khiếu nại như thế nào? Mẫu đơn khiếu nại ra sao. Sau đây, Công ty Luật TNHH HT Legal VN sẽ phân tích về vấn đề này.
- Cơ sở pháp lý:
1. Luật Khiếu nại 2011;
2. Luật Tố tụng Hành chính 2015, sửa đổi bổ sung 2019;
3. Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, sửa đổi bổ sung 2020;
4. Nghị định 124/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Khiếu nại.
- Nội dung:
1. Khiếu nại là gì?
Căn cứ Khoản 1 Điều 2 Luật Khiếu nại 2011, Khiếu nại là việc công dân, cơ quan, tổ chức hoặc cán bộ, công chức theo thủ tục do Luật Khiếu nại quy định, đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước hoặc quyết định kỷ luật cán bộ, công chức khi có căn cứ cho rằng quyết định hoặc hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
2. Có được khiếu nại các quyết định hành chính / quyết định xử phạt vi phạm hành chính?
Quyết định hành chính là văn bản do cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan, tổ chức được giao thực hiện quản lý hành chính nhà nước ban hành hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan, tổ chức đó ban hành quyết định về vấn đề cụ thể trong hoạt động quản lý hành chính được áp dụng một lần đối với một hoặc một số đối tượng cụ thể.
Căn cứ Điều 327 Luật Tố tụng Hành chính 2015, sửa đổi bổ sung 2019, Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền khiếu nại quyết định, hành vi trong tố tụng hành chính của cơ quan, người tiến hành tố tụng hành chính khi có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Quyết định xử phạt hành chính là văn bản đưa ra các chế tài xử phạt cho những chủ thể có hành vi vi phạm quy định của pháp luật và ở trong mức độ phạt hành chính đối với những hành vi đó.
Căn cứ Điều 15 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, sửa đổi bổ sung 2020, Cá nhân, tổ chức bị xử lý vi phạm hành chính có quyền khiếu nại, khởi kiện đối với quyết định xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.
Như vậy, Khiếu nại quyết định hành chính / quyết định xử phạt hành chính là khiếu nại văn bản do cơ quan hành chính nhà nước hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước ban hành trong việc giải quyết một hoặc một số vấn đề trong hoạt động quản lý hành chính.
3. Thời hiệu khiếu nại quyết định hành chính / quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
Căn cứ Điều 9 Luật Khiếu nại 2011 Thời hiệu khiếu nại là 90 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định hành chính hoặc biết được quyết định hành chính, hành vi hành chính.
Trường hợp người khiếu nại không thực hiện được quyền khiếu nại theo đúng thời hiệu vì ốm đau, thiên tai, địch họa, đi công tác, học tập ở nơi xa hoặc vì những trở ngại khách quan khác thì thời gian có trở ngại đó không tính vào thời hiệu khiếu nại.
4. Những quyết định hành chính / quyết định xử phạt vi phạm hành chính không được thụ lý giải quyết khiếu nại.
Căn cứ Điều 11 Luật Khiếu Nại 2011, những trường hợp không được thụ lý giải quyết gồm:
Thứ nhất, Quyết định hành chính trong nội bộ cơ quan nhà nước để chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ, công vụ; quyết định hành chính trong chỉ đạo điều hành của cơ quan hành chính cấp trên với cơ quan hành chính cấp dưới; quyết định hành chính có chứa đựng các quy phạm pháp luật do cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền ban hành theo trình tự, thủ tục của pháp luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật; quyết định hành chính, thuộc phạm vi bí mật nhà nước trong các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, ngoại giao theo danh mục do Chính phủ quy định;
Thứ hai, Quyết định hành chính bị khiếu nại không liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khiếu nại;
Thứ ba, Người khiếu nại không có năng lực hành vi dân sự đầy đủ mà không có người đại diện hợp pháp;
Thứ tư, Người đại diện không hợp pháp thực hiện khiếu nại;
Thứ năm, Đơn khiếu nại không có chữ ký hoặc điểm chỉ của người khiếu nại;
Thứ sáu, Thời hiệu, thời hạn khiếu nại đã hết mà không có lý do chính đáng;
Thứ bảy, Khiếu nại đã có quyết định giải quyết khiếu nại lần hai;
Thứ tám, Có văn bản thông báo đình chỉ việc giải quyết khiếu nại mà sau 30 ngày người khiếu nại không tiếp tục khiếu nại;
Cuối cùng, Việc khiếu nại đã được Tòa án thụ lý hoặc đã được giải quyết bằng bản án, quyết định của Toà án, trừ quyết định đình chỉ giải quyết vụ án hành chính của Tòa án.
5. Nội dung cần có trong đơn khiếu nại quyết định hành chính / quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
Căn cứ Nghị định 124/2020/NĐ-CP, Đơn khiếu nại quyết định hành chính / quyết định xử phạt vi phạm hành chính cần có những nội dung chủ yếu sau:
- Ngày, tháng, năm khiếu nại;
- Tên, địa chỉ của người khiếu nại;
- Tên, địa chỉ của cơ quan, tổ chức, cá nhân bị khiếu nại;
- Nội dung, lý do khiếu nại, tài liệu liên quan đến nội dung khiếu nại;
- Yêu cầu giải quyết của người khiếu nại.
Đơn khiếu nại phải do người khiếu nại ký tên.
Sau đây, Công ty Luật TNHH HT Legal VN cung cấp cho Quý Khách hàng mẫu đơn khiếu nại quyết định hành chính / Quyết định xử phạt vi phạm hành chính: Xem tại đây.
Để được tư vấn pháp lý về các vấn đề khiếu nại, quy trình thủ tục khiếu nại quyết định hành chính / Quyết định xử phạt vi phạm hành chính và các vấn đề pháp lý liên quan, vui lòng liên hệ:
CÔNG TY LUẬT TNHH HT LEGAL VN
VP1: 37/12 hẻm 602 Điện Biên Phủ, P.22, quận Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh (Cạnh UBND phường 22).
VP2: 207B Nguyễn Phúc Chu, P.15, quận Tân Bình, Tp. Hồ Chí Minh
Email: info@htlegalvn.com Hotline: 09 6161 4040 - 09 4517 4040