QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT VỀ HỢP ĐỒNG ĐẶT CỌC (CÔNG TY LUẬT TẠI QUẬN BÌNH THẠNH, TÂN BÌNH TP. HỒ CHÍ MINH)

31/08/2022 - 1237 lượt xem

QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT VỀ HỢP ĐỒNG ĐẶT CỌC

- Căn cứ theo Khoản 1 Điều 328 Bộ luật Dân sự 2015 quy định:

“Đặt cọc là việc một bên (sau đây gọi là bên đặt cọc) giao cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận đặt cọc) một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc vật có giá trị khác (sau đây gọi chung là tài sản đặt cọc) trong một thời hạn để bảo đảm giao kết hoặc thực hiện hợp đồng.”

- Trước khi giao kết hợp đồng, các bên cần phải thỏa thuận, đàm phán về nội dung cơ bản của hợp đồng để chuẩn bị cho việc giao kết hợp đồng. Tuy nhiên có những trường hợp, do nguyên nhân chủ quan hoặc khách quan mà một bên không giao kết hợp đồng. Để bảo đảm cho việc giao kết hợp đồng được thực hiện, các bên thỏa thuận xác lập đặt cọc. Ngoài ra, trong quan hệ hợp đồng song vụ, các bên đều có quyền và nghĩa vụ đối với nhau, nếu một bên vi phạm nghĩa vụ thì có thể gây thiệt hại cho bên kia, cho nên các bên có thể thỏa thuận đặt cọc để bảo đảm cho việc thực hiện đúng nghĩa vụ.

- Tài sản đặt cọc là tiền, kim khí, đá quý hoặc vật có giá trị khác. Vì trong quan hệ đặt cọc thì bên đặt cọc phải giao tài sản cho bên nhận đặt cọc nên tài sản đặt cọc phải là những loại tài sản dễ dàng chuyển giao, bảo quản.

- Thông thường đặt cọc bảo đảm cho việc giao kết hợp đồng, cho nên sau khi các bên giao kết hợp đồng thì đặt cọc chấm dứt và tài sản đặt cọc có thể trở thành tài sản thanh toán hợp đồng. Đặt cọc cũng có thể chỉ bảo đảm cho thực hiện hợp đồng nếu sau khi giao kết hợp đồng các bên mới thỏa thuận về đặt cọc. Ngoài ra, các bên có thể thỏa thuận đặt cọc bảo đảm cho việc giao kết và thực hiện hợp đồng.

Sau đây Công ty Luật HT Legal Vn xin chia sẻ những quy định hợp đồng đặt cọc như sau:

1. Mục đích của hợp đồng đặt cọc

Căn cứ theo Điều 128 Bộ luật dân sự 2015 quy định:

“Mục đích của giao dịch dân sự là lợi ích mà chủ thể mong muốn đạt được khi xác lập giao dịch đó.”

Theo đó thứ nhất về mục đích hợp đồng đặt cọc được đặt ra có thể nhằm thực hiện một trong hai mục đích sau:

- Nhằm đảm bảo giao kết một hợp đồng dân sự khác

- Nhằm thực hiện một hợp đồng dân sự đã giao kết đúng với thỏa thuận.

2. Những nội dung cơ bản của một hợp đồng đặt cọc

Hợp đồng đặt cọc bắt buộc phải có những nội dung sau:

Căn cứ theo Khoản 2 Điều 398 Bộ luật Dân sự 2015 quy định nội dung của hợp đồng bao gồm:

“ - Đối tượng của hợp đồng;

  - Số lượng, chất lượng;

  - Giá, phương thức thanh toán;

  - Thời hạn, địa điểm, phương thức thực hiện hợp đồng;

  - Quyền, nghĩa vụ của các bên;

  - Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng;

  - Phương thức giải quyết tranh chấp.”

Ngoài những nội dung cơ bản của hợp đồng trên thì trong hợp đồng đặt cọc phải có được: Thông tin của bên đặt cọc, bên nhận đặt cọc; Tài sản đặt cọc; Mục đích đặt cọc; chữ ký của hai bên.

3. Hình thức của hợp đồng đặt cọc

Tại Điều 119 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về hình thức của giao dịch dân sự như sau:

“1. Giao dịch dân sự được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể.

Giao dịch dân sự thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử được coi là giao dịch bằng văn bản.

2. Trường hợp luật quy định giao dịch dân sự phải được thể hiện bằng văn bản có công chứng, chứng thực, đăng ký thì phải tuân theo quy định đó.”

- Thực tế theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015 về đặt cọc thì không đề cập tới việc hình thức của hợp đồng đặt cọc mua bán như thế nào, chỉ cần đảm bảo đúng mục đích và nội dung đã thỏa thuận. Do đó, nếu có thành lập văn bản mà không có công chứng, chứng thực, không có người làm chứng thì vẫn hợp pháp. Tuy nhiên, dựa theo nguyên tắc đặt cọc để đảm bảo thực hiện một nghĩa vụ, phòng trừ trường hợp nếu có tranh chấp xảy ra thì pháp luật cũng khuyến khích các bên có hình thức xác lập để pháp luật dễ nhận biết và dễ dàng xử lý.

- Theo đó, các bên nên thỏa thuận lập thành văn bản, hoặc là có người làm chứng ký nhận trong hợp đồng đặt cọc mua bán nhà đất, hoặc phải có công chứng, chứng thực của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

=> Như vậy, hợp đồng đặt cọc là loại hợp đồng đơn giản, hầu như bằng hình thức nào cũng được, nhưng để làm cơ sở chứng minh, thì tốt nhất nên lập văn bản, có người làm chứng và cơ sở vững chắc nhất là có công chứng, chứng thực.

4. Điều kiện có hiệu lực của hợp đồng đặt cọc

Hợp đồng đặt cọc mua bán đất cũng là một giao dịch dân sự, bởi ở đó thể hiện sự thỏa thuận của các bên: bên đặt cọc – bên nhận đặt cọc, vì vậy để hợp đồng này có giá trị pháp lý cũng cần phải đáp ứng những điều kiện theo Điều 117 Bộ luật Dân sự 2015 quy định:

“1. Giao dịch dân sự có hiệu lực khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập;

b) Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện;

c) Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.

2. Hình thức của giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự trong trường hợp luật có quy định.”

Trên đây là nội dung phân tích về quy định hợp đồng đặt cọc, để được tư vấn về các vấn đề pháp lý thường xuyên gặp phải, vui lòng liên hệ:

CÔNG TY LUẬT TNHH HT LEGAL VN

VP1: 207B Nguyễn Phúc Chu, P.15, quận Tân Bình, Tp. Hồ Chí Minh

VP2: 37/12 Hẻm 602 Điện Biên Phủ, P.22, quận Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh (Bên cạnh UBND phường 22)

Email: info@htlegalvn.com Hotline: 09 6161 4040 – 09 4517 4040

Như Quỳnh
Theo HT Legal VN