Tranh chấp dân sự là những mâu thuẫn, xung đột xảy ra giữa các chủ thể trong các quan hệ về nhân thân hoặc tài sản được pháp luật dân sự quy định. Có thể thấy, các loại tranh chấp dân sự thường gặp như tranh chấp quyền sở hữu, vay tài sản, đầu tư… Vậy khi tham gia tranh chấp vụ án dân sự cần phải chuẩn bị khoản phí nào? Sau đây, Công ty Luật TNHH HT Legal VN sẽ phân tích về vấn đề này.
- Cơ sở pháp lý:
1. Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015;
2. Nghị quyết 326/2016 /UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc Hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án (gọi tắt là Nghị quyết 326/2016 /UBTVQH14);
3. Luật Thi hành án dân sự 2008, sửa đổi bổ sung 2014 (gọi tắt là Luật Thi hành án dân sự);
4. Thông tư 216/2016/TT-BTC ngày 10/11/2016 của Bộ Tài Chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thi hành án dân sự (gọi tắt là Thông tư 216/2016/TT-BTC).
- Nội dung:
1. Án phí.
Án phí là Khoản chi phí về xét xử một vụ án mà đương sự phải nộp trong mỗi vụ án do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định.
Căn cứ Điều 24 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14, Các loại án phí trong vụ án dân sự bao gồm:
- Án phí dân sự sơ thẩm đối với vụ án dân sự không có giá ngạch. Vụ án dân sự không có giá ngạch là vụ án mà trong đó yêu cầu của đương sự không phải là một số tiền hoặc không thể xác định được giá trị bằng một số tiền cụ thể.
+ Đối với tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, lao động thì án phí không có giá ngạch là: 300.000 đồng.
+ Đối với tranh chấp về kinh doanh thương mại thì án phí không có giá ngạch là: 3.000.000 đồng
- Án phí dân sự sơ thẩm đối với vụ án dân sự có giá ngạch. Vụ án dân sự có giá ngạch là vụ án mà trong đó yêu cầu của đương sự là một số tiền hoặc là tài sản có thể xác định được bằng một số tiền cụ thể. Đối với tranh chấp từ 6.000.000 đồng trở xuống thì án phí là: 300.000 đồng; đối với tranh chấp từ 6.000.000 đồng đến 400.000.000 đồng thì án phí là 5%. Từ 400.000.000 đồng trở lên thì tính theo danh mục án phí Tòa án kèm theo Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14.
- Án phí dân sự phúc thẩm: Đối với vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình, lao động là: 300.000 đồng; đối với vụ án kinh doanh thương mại là: 2.000.000 đồng.
Danh mục án phí được quy định cụ thể tại Mục II Danh mục Án phí, lệ phí tòa án ban hành kèm theo Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14.
Trước khi một vụ án đưa ra xét xử, Nguyên đơn; bị đơn có yêu cầu phản tố đối với nguyên đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập trong vụ án dân sự theo quy định tại Điều 146 Bộ luật tố tụng dân sự, phải nộp tiền tạm ứng án phí sơ thẩm, người kháng cáo theo thủ tục phúc thẩm phải nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm, trừ trường hợp được miễn hoặc không phải nộp tiền tạm ứng án phí.
a. Mức tạm ứng án phí dân sự được tính như sau: Căn cứ Khoản 2 Điều 7 Nghị quyết 326/2016 /UBTVQH14:
- Mức tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm trong vụ án dân sự không có giá ngạch bằng mức án phí dân sự sơ thẩm không có giá ngạch.
- Mức tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm trong vụ án dân sự có giá ngạch bằng 50% mức án phí dân sự sơ thẩm có giá ngạch mà Tòa án dự tính theo giá trị tài sản có tranh chấp do đương sự yêu cầu giải quyết nhưng tối thiểu không thấp hơn mức án phí dân sự sơ thẩm trong vụ án dân sự không có giá ngạch.
- Mức tạm ứng án phí dân sự phúc thẩm trong vụ án dân sự bằng mức án phí dân sự phúc thẩm.
Bên cạnh đó, Đối với vụ án dân sự, kinh doanh, thương mại được giải quyết theo thủ tục rút gọn thì mức tạm ứng án phí bằng 50% mức tạm ứng án phí quy định ở trên.
b. Giá tài sản làm cơ sở thu tạm ứng án phí
Căn cứ Điều 8 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14, Giá tài sản làm cơ sở thu tạm ứng án phí được ưu tiên áp dụng theo thứ tự từ điểm a đến điểm đ như sau:
a) Giá do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định;
b) Giá do doanh nghiệp thẩm định giá cung cấp;
c) Giá trên tài liệu gửi kèm hồ sơ giải quyết vụ án;
d) Giá thị trường tại thời điểm và địa điểm xác định giá tài sản;
Trường hợp không thể căn cứ vào các điểm trên để xác định giá trị tài sản tranh chấp thì Tòa án gửi văn bản đề nghị cơ quan tài chính cùng cấp có ý kiến về việc xác định giá tài sản. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị, cơ quan tài chính phải có ý kiến trả lời về việc xác định giá trị tài sản. Hết thời hạn này mà Tòa án không nhận được văn bản trả lời của cơ quan tài chính cùng cấp thì Tòa án ấn định mức tạm ứng án phí.
Trường hợp một trong các cơ sở quy định như trên đã xác định được giá trị tài sản để tính tiền tạm ứng án phí thì không xem xét đến các cơ sở tiếp theo.
c. Các trường hợp không phải nộp tiền tạm ứng án phí: Căn cứ Điều 11 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14, Những trường hợp sau đây không phải nộp tiền tạm ứng án phí:
- Người khiếu kiện về danh sách cử tri bầu cử đại biểu Quốc hội, danh sách cử tri bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân, danh sách cử tri trưng cầu ý dân;
- Cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện vụ án dân sự hoặc kháng cáo bản án, quyết định chưa có hiệu lực pháp luật của Tòa án để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người khác, lợi ích công cộng, lợi ích nhà nước theo quy định tại Điều 187 của Bộ luật Tố tụng Dân sự, trừ trường hợp doanh nghiệp nhà nước khởi kiện liên quan đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp;
- Ngân hàng chính sách xã hội khởi kiện vụ án hoặc kháng cáo bản án, quyết định chưa có hiệu lực pháp luật của Tòa án để thu hồi nợ vay trong trường hợp Ngân hàng chính sách xã hội cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác;
- Viện kiểm sát kháng nghị bản án, quyết định của Tòa án theo thủ tục phúc thẩm;
- Người bào chữa của bị cáo là người dưới 18 tuổi hoặc là người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất;
- Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự là người dưới 18 tuổi hoặc người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất;
- Các trường hợp khác không phải nộp tiền tạm ứng án phí mà pháp luật có quy định.
Các trường hợp được miễn tiền tạm ứng án phí: Căn cứ Điều 12 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14, Những trường hợp sau đây được miễn nộp tiền tạm ứng án phí:
- Người lao động khởi kiện đòi tiền lương, trợ cấp mất việc làm, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, tiền bồi thường về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; giải quyết những vấn đề bồi thường thiệt hại hoặc vì bị sa thải, chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật;
- Người yêu cầu cấp dưỡng, xin xác định cha, mẹ cho con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự;
- Người khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính trong việc áp dụng hoặc thi hành biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn;
- Người yêu cầu bồi thường về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín;
- Trẻ em; cá nhân thuộc hộ nghèo, cận nghèo; người cao tuổi; người khuyết tật; người có công với cách mạng; đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; thân nhân liệt sĩ được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận gia đình liệt sĩ.
2. Tiền chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ.
Căn cứ Khoản 2 Điều 155 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015, Chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ là số tiền cần thiết và hợp lý phải chi trả cho việc xem xét, thẩm định tại chỗ căn cứ vào quy định của pháp luật.
Trước khi Tòa án tiến hành xem xét, thẩm định tại chỗ, Người yêu cầu Tòa án xem xét, thẩm định tại chỗ phải nộp tiền tạm ứng chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ theo yêu cầu của Tòa án, trong trường hợp Tòa án xét thấy cần thiết và quyết định xem xét, thẩm định tại chỗ thì nguyên đơn, người yêu cầu giải quyết việc dân sự, người kháng cáo theo thủ tục phúc thẩm phải nộp tiền tạm ứng chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ.
Nghĩa vụ chịu chi phí xem xét thẩm định tại chỗ được tính theo các căn cứ quy định tại Điều 157 của Bộ luật tố tụng dân sự 2015. Theo nguyên tắc cơ bản nếu yêu cầu không được chấp nhận thì phải chịu chi phí này.
3. Chi phí định giá tài sản.
Căn cứ Khoản 2 Điều 163 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015, Chi phí định giá tài sản là số tiền cần thiết và hợp lý phải chi trả cho công việc định giá tài sản và do Hội đồng định giá tính căn cứ vào quy định của pháp luật.
Trường hợp các bên đương sự không có thỏa thuận khác hoặc pháp luật không có quy định khác, trước khi tiến hành việc định giá tài sản theo quyết định của Tòa án, những chủ thể được quy định tại Điều 164 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 nộp tiền tạm ứng chi phí định giá tài sản “là số tiền mà Hội đồng định giá tạm tính để tiến hành việc định giá tài sản” gồm:
- Người yêu cầu định giá tài sản.
- Trường hợp các bên đương sự không thống nhất được về giá và cùng yêu cầu Tòa án định giá tài sản thì mỗi bên đương sự phải nộp một nửa tiền tạm ứng chi phí định giá tài sản. Trường hợp có nhiều đương sự, thì các bên đương sự cùng phải nộp tiền tạm ứng chi phí định giá tài sản theo mức mà Tòa án quyết định.
- Đối với trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 104 của Bộ luật Tố tụng Dân sự về các trường hợp Tòa án ra quyết định định giá tài sản và thành lập Hội đồng định giá thì nguyên đơn, người kháng cáo phải nộp tiền tạm ứng chi phí định giá tài sản.
4. Tiền định giá lại tài sản (nếu có).
Căn cứ Khoản 5 Điều 104 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015, Việc định giá lại tài sản được thực hiện trong trường hợp có căn cứ cho rằng kết quả định giá lần đầu không chính xác hoặc không phù hợp với giá thị trường nơi có tài sản định giá tại thời điểm giải quyết vụ án dân sự.
5. Chi phí Ủy thác tư pháp (đối với vụ án có yếu tố nước ngoài).
Căn cứ Khoản 1 Điều 151 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015, Chi phí ủy thác tư pháp ra nước ngoài là số tiền cần thiết và hợp lý phải chi trả cho việc thực hiện ủy thác tư pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam và của nước được yêu cầu ủy thác tư pháp.
Trước khi thực hiện ủy thác tư pháp theo quy định của pháp luật, những chủ thể được quy định tại Điều 154 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 phải nộp tiền tạm ứng chi phí ủy thác tư pháp ra nước ngoài “là số tiền mà Tòa án tạm tính để chi trả cho việc ủy thác tư pháp khi tiến hành thu thập, cung cấp chứng cứ, tống đạt giấy tờ, hồ sơ, tài liệu, triệu tập người làm chứng, người giám định và các yêu cầu tương trợ tư pháp có liên quan đến việc giải quyết vụ việc dân sự.” gồm:
- Nguyên đơn, người kháng cáo theo thủ tục phúc thẩm hoặc đương sự khác trong vụ án phải nộp tiền tạm ứng chi phí ủy thác tư pháp ra nước ngoài khi yêu cầu của họ làm phát sinh việc ủy thác tư pháp ra nước ngoài.
- Người yêu cầu Tòa án giải quyết việc dân sự, người kháng cáo theo thủ tục phúc thẩm hoặc đương sự khác trong việc dân sự phải nộp tiền tạm ứng chi phí ủy thác tư pháp ra nước ngoài khi yêu cầu của họ làm phát sinh việc ủy thác tư pháp ra nước ngoài.
7. Phí thi hành án.
Căn cứ Khoản 7 Điều 3 Luật Thi hành án dân sự, Phí thi hành án là khoản tiền mà người được thi hành án phải nộp khi nhận được tiền, tài sản theo bản án, quyết định.
Mức thu phí thi hành án dân sự: Căn cứ Điều 4 Thông tư 216/2016/TT-BTC, Mức thu phí thi hành án dân sự được tính như sau:
Số tiền, tài sản thực nhận |
Mức phí thi hành án dân sự |
Trên hai lần mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang do Nhà nước quy định đến 5.000.000.000 đồng.
|
3% số tiền, giá trị tài sản thực nhận |
Từ trên 5.000.000.000 đồng đến 7.000.000.000 đồng |
150.000.000 đồng cộng với 2% của số tiền, giá trị tài sản thực nhận vượt quá 5.000.000.000 đồng |
Từ trên 7.000.000.000 đồng đến 10.000.000.000 đồng |
190.000.000 đồng cộng với 1% số tiền, giá trị tài sản thực nhận vượt quá 7.000.000.000 đồng |
Từ trên 10.000.000.000 đồng đến 15.000.000.000 đồng |
220.000.000 đồng cộng 0,5% số tiền, giá trị tài sản thực nhận vượt quá 10.000.000.000 đồng |
Trên 15.000.000.000 đồng |
245.000.000 đồng cộng với 0,01% của số tiền, giá trị tài sản thực nhận vượt quá 15.000.000.000 đồng |
- Vụ việc chia tải sản chung, chia thừa kế; chia tài sản trong ly hôn; vụ việc mà các bên vừa có quyền, vừa có nghĩa vụ đối với tài sản thi hành án (chỉ cần một trong các bên có yêu cầu thi hành án), thì người được cơ quan thi hành án dân sự giao tiền, tài sản thi hành án phải nộp phí thi hành án dân sự tương ứng với giá trị tiền, tài sản thực nhận.
Ví dụ: Tòa án xử ly hôn giữa ông A và bà B, trong phần chia tài sản ly hôn, bà B được nhận nhà trị giá là 500.000.000 đồng và phải thanh toán cho ông A 200.000.000 đồng. Trong trường hợp này, số phí thi hành án dân sự mà các bên phải nộp được tính trên giá trị tài sản thực nhận của từng người, Số phí thi hành án được tính cụ thể như sau:
- Ông A phải nộp là: 3% x 200.000.000 đồng = 6.000.000 đồng;
- Bà B phải nộp là: 3% x (500.000.000 đồng - 200.000.000 đồng) = 9.000.000 đồng.
- Đối với trường hợp nhiều người được nhận một tài sản cụ thể hoặc nhận chung một khoản tiền theo bản án, quyết định nhưng chỉ có một hoặc một số người có yêu cầu thi hành án mà Chấp hành viên đã tổ chức giao tài sản, khoản tiền đó cho người đã yêu cầu hoặc người đại diện của người đã có yêu cầu để quản lý thì người yêu cầu hoặc người đại diện đó phải nộp phí thi hành án dân sự tính trên toàn bộ giá trị tiền, tài sản thực nhận theo mức quy định tại Khoản 1 Điều 4 Thông tư 216/2016/TT-BTC.
- Đối với trường hợp cơ quan thi hành án dân sự đã ra quyết định thi hành án nhưng chưa ra quyết định cưỡng chế thi hành án hoặc đã ra quyết định cưỡng chế thi hành án nhưng chưa thực hiện việc cưỡng chế thi hành án mà đương sự tự giao, nhận tiền, tài sản cho nhau thì người được thi hành án phải nộp 1/3 mức phí thi hành án dân sự quy định tại khoản 1 Điều 4 Thông tư 216/2016/TT-BTC tính trên số tiền, tài sản thực nhận, trừ trường hợp quy định tại khoản 8 Điều 6 Thông tư 216/2016/TT-BTC.
- Trường hợp cơ quan thi hành án dân sự đã thu được tiền hoặc đã thực hiện việc cưỡng chế thi hành án thì người được thi hành án phải nộp 100% mức phí thi hành án dân sự theo quy định tại Khoản 1 Điều 4 Thông tư 216/2016/TT-BTC tính trên số tiền, tài sản thực nhận.
Trên đây là những nội dung chia sẻ của Công ty Luật TNHH HT Legal VN về Các khoản phí cần phải chuẩn bị khi tham gia tranh chấp vụ án dân sự. Để được tư vấn về vấn đề này hoặc những vấn đề liên quan, vui lòng liên hệ:
CÔNG TY LUẬT TNHH HT LEGAL VN
VP1: 37/12 Hẻm 602 Điện Biên Phủ, P.22, quận Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh (Cạnh UBND phường 22).
VP2: 207B Nguyễn Phúc Chu, P.15, quận Tân Bình, Tp. Hồ Chí Minh.
Email: info@htlegalvn.com Hotline: 09 6161 4040 - 09 4517 4040