CÔNG NHẬN VĂN BẰNG NƯỚC NGOÀI
(CÔNG TY LUẬT UY TÍN TẠI TP. HỒ CHÍ MINH, VIỆT NAM)
Pháp luật Việt Nam hiện nay không có quy định bắt buộc về việc công nhận văn bằng nước ngoài, đây là quy trình thực hiện theo nhu cầu của người có văn bằng, của cơ quan quản lý về nhân sự hoặc đơn vị quản lý lao động khi được sự đồng ý của người có văn bằng nhằm xác định và công nhận trình độ học vấn của người có văn bằng dựa trên hệ thống giáo dục của quốc gia nơi cơ sở giáo dục đó hoạt động.
Quá trình này nhằm đảm bảo tính hợp pháp của văn bằng nước ngoài và xem xét mức độ tương đương với trình độ đào tạo theo Khung trình độ Quốc gia Việt Nam. Nhờ vào việc công nhận văn bằng nước ngoài, các cá nhân có bằng cấp nước ngoài sẽ có nhiều cơ hội hơn trong việc tiếp cận với thị trường lao động trong nước, ngoài ra các cá nhân còn có thể nâng cao khả năng tham gia vào nhiều hoạt động học tập, nghề nghiệp tại Việt Nam. Bên cạnh đó, trong thời kỳ hội nhập, mở rộng quan hệ quốc tế thì giáo dục là khía cạnh rất được chú trọng nên việc công nhận văn bằng là cần thiết để thúc đẩy sự nghiệp cá nhân cũng như góp phần vào sự phát triển về kinh tế, văn hóa xã hội Quốc gia.
Để giúp các cá nhân, tổ chức có nhu cầu công nhận văn bằng nước ngoài hiểu rõ hơn về công nhận văn bằng nước ngoài, Công ty Luật TNHH HT Legal VN xin được chia sẻ đến quý vị một vài thông tin cơ bản về quy định của Pháp luật Việt Nam trong việc công nhận văn bằng nước ngoài.
I. Cơ sở pháp lý:
- Luật Giáo dục 2019;
- Thông tư 164/2016/TT-BTC ngày 25 tháng 10 năm 2016 của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí xác minh giấy tờ, tài liệu để công nhận văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp cho người Việt Nam;
- Thông tư số 13/2021/TT-BGDĐT ngày 15 tháng 4 năm 2021 của Bộ Giáo dục và đào tạo quy định về điều kiện, trình tự, thủ tục, thẩm quyền công nhận văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp để sử dụng tại Việt Nam;
- Thông tư 07/2024/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung Điều 7 và thay thế phụ lục II, phụ lục III của thông tư số 13/2021/TT-BGDĐT.
II Nội dung:
1. Các trường hợp văn bằng nước ngoài được công nhận sử dụng tại Việt Nam:
Luật Giáo dục 2019 quy định về Công nhận văn bằng nước ngoài tại Điều 109 cụ thể các trường hợp Văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp được công nhận để sử dụng tại Việt Nam như sau:
a) Văn bằng do cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục đại học ở nước ngoài cấp cho người học sau khi hoàn thành chương trình giáo dục bảo đảm chất lượng theo quy định của nước cấp bằng và được cơ quan có thẩm quyền về giáo dục của nước đó công nhận;
b) Văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài đang hoạt động hợp pháp tại nước khác nơi cơ sở giáo dục đặt trụ sở chính cấp cho người học, được cơ quan có thẩm quyền về giáo dục của 02 nước cho phép mở phân hiệu hoặc thực hiện hợp tác, liên kết đào tạo và đáp ứng quy định tại điểm a khoản này;
c) Văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài hoạt động hợp pháp tại Việt Nam cấp, thực hiện hoạt động giáo dục theo quy định về hợp tác, đầu tư về giáo dục do Chính phủ ban hành, theo phê duyệt của cơ quan có thẩm quyền và đáp ứng quy định tại điểm a khoản này.
2. Điều kiện công nhận văn bằng:
Các văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp được công nhận để sử dụng tại Việt Nam cần đáp ứng điều kiện theo quy định pháp luật. Tại Điều 4 Thông tư số 13/2021/TT-BGDĐT quy định về điều kiện công nhận văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp để sử dụng tại Việt Nam như sau:
1. Văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp cho người học được công nhận khi chương trình giáo dục có thời gian học, nghiên cứu phù hợp với Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân của Việt Nam và đáp ứng một trong hai điều kiện sau:
a) Chương trình giáo dục được tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục của nước nơi cơ sở giáo dục nước ngoài đặt trụ sở chính kiểm định chất lượng tương ứng với hình thức đào tạo;
b) Cơ sở giáo dục nước ngoài được cơ quan có thẩm quyền về giáo dục của nước nơi cơ sở giáo dục đặt trụ sở chính cho phép đào tạo, cấp bằng hoặc đã được tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục của nước nơi cơ sở giáo dục nước ngoài đặt trụ sở chính kiểm định chất lượng.
2. Văn bằng được cấp bởi cơ sở giáo dục nước ngoài đang hoạt động tại nước khác nơi cơ sở giáo dục đặt trụ sở chính (bao gồm cả Việt Nam) được công nhận khi cơ sở giáo dục đó được cơ quan có thẩm quyền về giáo dục của hai nước cho phép mở phân hiệu, cho phép đào tạo hoặc phê duyệt việc hợp tác, liên kết đào tạo; thực hiện hoạt động đào tạo theo giấy phép đồng thời đáp ứng quy định tại khoản 1 Điều này.
3. Văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp cho người học theo hình thức đào tạo trực tuyến, đào tạo trực tiếp kết hợp trực tuyến được công nhận khi đáp ứng quy định tại điểm a khoản 1 Điều này và một trong hai điều kiện sau:
a) Chương trình đào tạo được Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp phép đào tạo tại Việt Nam khi người học lưu trú và học tập tại Việt Nam;
b) Chương trình đào tạo được cơ quan có thẩm quyền về giáo dục của nước nơi tổ chức đào tạo cấp phép khi người học lưu trú và học tập tại nước đó.
3. Hồ sơ, trình tự công nhận văn bằng:
Theo quy định tại Điều 1 Thông tư 07/2024/TT-BGDĐT: Sửa đổi, bổ sung Điều 7 và thay thế Phụ lục II, Phụ lục III của Thông tư số 13/2021/TT-BGDĐT như sau:
Người đề nghị công nhận văn bằng cung cấp các thông tin về văn bằng quy định tại Phụ lục I Thông tư này và tải hồ sơ lên Cổng dịch vụ công trực tuyến của Bộ Giáo dục và Đào tạo hoặc Sở Giáo dục và Đào tạo (sau đây gọi chung là cơ quan có thẩm quyền công nhận văn bằng) và thực hiện thanh toán lệ phí theo quy định.
- Hồ sơ bao gồm:
a) Bản sao văn bằng hoặc bản sao từ sổ gốc cấp văn bằng đề nghị công nhận kèm theo bản công chứng dịch sang tiếng Việt;
b) Bản sao phụ lục văn bằng hoặc bảng kết quả học tập kèm theo bản công chứng dịch sang tiếng Việt;
c) Bản sao công chứng văn bằng, chứng chỉ có liên quan trực tiếp (nếu có);
d) Minh chứng thời gian học ở nước ngoài (nếu có): Quyết định cử đi học và tiếp nhận của đơn vị quản lý lao động; hộ chiếu, các trang thị thực có visa, dấu xuất nhập cảnh phù hợp với thời gian du học hoặc giấy tờ minh chứng khác;
đ) Văn bản ủy quyền xác minh thông tin về văn bằng (nếu đơn vị xác thực yêu cầu).
- Việc tải hồ sơ lên Cổng dịch vụ công trực tuyến như sau:
a) Trường hợp người đề nghị công nhận văn bằng có thông tin, minh chứng để xác thực trực tiếp từ cơ sở giáo dục cấp bằng hoặc cơ quan có thẩm quyền xác thực thì cung cấp thông tin, minh chứng để xác thực trực tiếp cho cơ quan có thẩm quyền công nhận văn bằng đồng thời tải lên cổng dịch vụ công trực tuyến: bản quét (scan) các thành phần hồ sơ quy định tại điểm a, điểm b khoản 2 Điều này (không cần chứng thực bản sao điện tử từ bản chính); chứng thực bản sao điện tử từ bản chính các thành phần hồ sơ quy định tại điểm c, điểm d khoản 2 Điều này;
b) Trường hợp người đề nghị công nhận văn bằng không có thông tin, minh chứng để xác thực trực tiếp thì thực hiện chứng thực bản sao điện tử từ bản chính các hồ sơ quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 2 Điều này, kèm theo văn bản ủy quyền xác minh thông tin về văn bằng (nếu đơn vị xác thực yêu cầu) và tải lên cổng dịch vụ công trực tuyến;
c) Trường hợp không tải hồ sơ lên cổng dịch vụ công trực tuyến, người đề nghị công nhận văn bằng nộp trực tiếp hoặc gửi qua dịch vụ bưu chính đến cơ quan có thẩm quyền công nhận văn bằng các hồ sơ quy định tại khoản 2 Điều này.
4. Quy trình thực hiện và thẩm quyền công nhận văn bằng:
Cục quản lý chất lượng trung tâm công nhận văn bằng hướng dẫn quy trình công nhận văn bằng do cơ sở giáo dục cấp để sử dụng tại Việt Nam gồm 5 bước sau:
Bước 1: Khai tờ khai điện tử
Bước 2: Chuẩn bị hồ sơ
Bước 3: Nộp lệ phí
Bước 4: Nộp hồ sơ bản giấy, có thể nộp qua đường bưu điện hoặc nộp trực tiếp tại Trung tâm công nhận văn bằng
Bước 5: Nhận kết quả
5. Thẩm quyền công nhận văn bằng.
Điều 6 Thông tư 13/2021/TT-BGDĐT quy định về thẩm quyền công nhận văn bằng như sau:
- Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo công nhận bằng tốt nghiệp trung học cơ sở, bằng tốt nghiệp trung học phổ thông, giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông.
- Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận bằng cử nhân, bằng thạc sĩ, bằng tiến sĩ và văn bằng trình độ tương đương.
- Trường hợp hủy bỏ kết quả công nhận văn bằng: Thủ trưởng cơ quan có thẩm quyền công nhận văn bằng ra quyết định hủy bỏ kết quả công nhận văn bằng và thu hồi giấy công nhận trong đó nêu rõ lý do hủy bỏ, thu hồi.
6. Thời hạn trả kết quả và mức phí xác minh giấy tờ, tài liệu công nhận văn bằng nước ngoài
- Về thời hạn trả kết quả: Theo khoản 4 Điều 1 Thông tư 07/2024/TT-BGDĐT thời hạn trả kết quả công nhận văn bằng nước ngoài từ 20-45 ngày làm việc tùy theo trường hợp cần xác minh thông tin về văn bằng từ cơ sở giáo dục nước ngoài hoặc đơn vị xác thực nước ngoài. Kết quả công nhận văn bằng được ghi trên giấy công nhận theo mẫu tại Phụ lục II và Phụ lục III Thông tư này.
- Về mức thu phí: Mức thu phí xác minh giấy tờ, tài liệu để công nhận văn bằng được quy định tại Điều 4 Thông tư 164/2016/TT-BTC như sau:
1. Xác minh để công nhận văn bằng của người Việt Nam do cơ sở giáo dục nước ngoài đang hoạt động hợp pháp tại Việt Nam cấp (bao gồm cả chương trình liên kết đào tạo giữa cơ sở giáo dục Việt Nam và cơ sở giáo dục nước ngoài do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp bằng) là 250.000 đồng/văn bằng;
2. Xác minh để công nhận văn bằng của người Việt Nam do cơ sở giáo dục nước ngoài hợp pháp cấp sau khi hoàn thành chương trình đào tạo ở nước ngoài là 500.000 đồng/văn bằng.
7. Hủy bỏ kết quả công nhận văn bằng
Trường hợp xác minh được văn bằng không hợp pháp hoặc hồ sơ đề nghị công nhận văn bằng không trung thực, kết quả công nhận văn bằng bị hủy bỏ (căn cứ theo Điều 8.1 TT13/2021/TT-BGDĐT) Quyết định hủy bỏ kết quả công nhận văn bằng và thu hồi giấy công nhận được đăng tải trên cổng thông tin điện tử của cơ quan có thẩm quyền công nhận văn bằng, được gửi đến người có văn bằng bị hủy bỏ kết quả công nhận, cơ quan kiểm tra phát hiện sai phạm (nếu có), cơ quan người có văn bằng bị hủy bỏ kết quả công nhận đang công tác (nếu có) và các cơ quan, tổ chức có liên quan (theo Điều 8.3 TT13/2021/TT-BGDĐT). Người có thẩm quyền hủy bỏ kết quả công nhận văn bằng đó chính là Thủ trưởng cơ quan có thẩm quyền công nhận văn bằng ra quyết định hủy bỏ kết quả công nhận văn bằng và thu hồi giấy công nhận trong đó nêu rõ lý do hủy bỏ, thu hồi (căn cứ theo Điều 8.2 TT13/2021/TT-BGDĐT).
Trên đây là chia sẻ của Công ty Luật TNHH HT Legal VN về các thông tin cơ bản liên quan đến Công nhận văn bằng. Hy vọng thông qua bài viết có thể giúp cho các bạn đọc và quý khách hàng hiểu rõ hơn về các quy định pháp luật liên quan đến vấn đề trên. Mọi thắc mắc hoặc có nhu cầu sử dụng dịch vụ pháp lý xin liên hệ Công ty Luật TNHH HT Legal VN theo địa chỉ sau:
Luật sư Nguyễn Thanh Trung hoặc CÔNG TY LUẬT TNHH HT LEGAL VN
VP1: 37/12 Hẻm 602 Điện Biên Phủ, P.22, quận Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh (Bên cạnh UBND phường 22)
VP2: 207B Nguyễn Phúc Chu, P.15, quận Tân Bình, Tp. Hồ Chí Minh
VP3: Số 5 Ngách 252/115, Phố Tây Sơn, P. Trung Liệt, quận Đống Đa, Tp. Hà Nội
Email: [email protected] Hotline: 09 6161 4040 – 09 2222 4040