ĐÁNH BẠC BỊP THÌ PHẠM TỘI "ĐÁNH BẠC" HAY TỘI "LỪA ĐẢO CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN"? (CÔNG TY LUẬT UY TÍN TẠI TẠI TP HỒ CHÍ MINH, VIỆT NAM)

18/07/2024 - 213 lượt xem

ĐÁNH BẠC BỊP THÌ PHẠM TỘI "ĐÁNH BẠC" HAY TỘI "LỪA ĐẢO CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN"? 

(CÔNG TY LUẬT UY TÍN TẠI TẠI TP HỒ CHÍ MINH, VIỆT NAM)

 

Hiện nay, có nhiều hành vi lừa đảo người chơi đánh bạc để chiếm đoạt tài sản của họ. Tuy nhiên, vẫn có những thắc mắc xoay quanh vấn đề liệu hành vi này phạm vào tội đánh bạc hay tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Trong phạm vi bài viết dưới đây, Công ty Luật TNHH HT Legal VN xin cung cấp đến bạn đọc cũng như Quý khách hàng câu trả lời cho vấn đề liên quan đến thắc mắc đánh bạc bịp thì phạm tội đánh bạc hay tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

I. Cơ sở pháp lý

- Bộ luật Hình sự 2015 số 100/2015/QH13

II. Nội dung

1. Phạm tội đánh bạc?

Theo quy định tại Điều 321 Bộ luật Hình sự 2015 thì được xem là phạm tội đánh bạc khi thực hiện:

- Hành vi đánh bạc trái phép dưới bất kỳ hình thức nào được thua bằng tiền hay hay hiện vật trị giá từ 5.000.000 đồng trở lên; hoặc

- Hành vi đánh bạc trái phép dưới bất kỳ hình thức nào được thua bằng tiền hay hay hiện vật trị giá dưới 5.000.000 đồng nhưng:

+ Đã bị xử lý vi phạm hành chính về hành vi này trước kia hoặc hành vi tổ chức đánh bạc, gá bạc, hoặc

+ Đã bị kết án về tội này hoặc tội tổ chức đánh bạc, gá bạc nhưng chưa được xoá án tích mà còn vi phạm.

Chiếu theo quy định trên thì hành vi của tội đánh bạc là tất cả các hành vi đánh bạc trái phép, không giới hạn hình thức, phương thức hay thể lệ và phạm tội này khi đáp ứng thêm các điều kiện về giá trị tài sản dùng để đánh bạc và các điều kiện kèm theo (nếu có). 

2. Phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản?

Căn cứ theo Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015, để được xem là phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản khi thực hiện:

- Các hành vi bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng trở lên; hoặc

- Các hành vi bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau:

+ Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

+ Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội: Tội cướp tài sản, Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, Tội cưỡng đoạt tài sản, Tội cướp giật tài sản, Tội công nhiên chiếm đoạt tài sản, Tội trộm cắp tài sản, Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản và Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

+ Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

+ Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ.

Từ quy định trên có thể thấy rằng, pháp luật hiện hành không giới hạn các hành vi của loại tội này. Do đó, tất cả các hành vi gian dối, đưa ra thông tin không đúng sự thật nhằm làm cho đối tượng tin tưởng vào thông tin do mình cung cấp mà tự nguyện giao tài sản cho mình thì đều cấu thành thành tội phạm này khi đáp ứng đủ về giá trị tài sản cũng như các điều kiện kèm theo (nếu có).

3. Vậy hành vi đánh bài bịp phạm tội gì?

Hành vi đánh bài bịp được hiểu là hành vi của một hoặc một nhóm đối tượng dàn dựng ra một “vở kịch” với tình tiết:

Cho người chơi – nạn nhân một số tiền lớn bằng cách cho họ thắng liên tục ở những ván đầu nhằm đẩy cao sự ham muốn, thích thú của nạn nhân. Sau khi nhận thấy nạn nhân không thể dừng lại nhưng lại thiếu tiền để tiếp tục ván chơi, các đối tượng “đề xuất” nạn nhân ký vào tờ giấy vay tiền hoặc giấy cầm cố tài sản. Khi nạn nhân nhận thấy hành vi của mình thì các đối tượng ra sức yêu cầu nạn nhân nhanh chóng thanh toán số tiền đã vay theo giấy vay nợ, giấy đồng ý cầm cố tài sản đã ký, với lý do là nạn nhân đã tự nguyện vay tiền và đã có giấy vay nợ, có chữ ký nạn nhân nên nạn nhân không thể không thanh toán.

Hành vi trên mặc dù có hành vi đánh bạc nhưng thực ra là hành vi lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản. Cụ thể, các đối tượng đưa ra những thông tin sai lệch, không trung thực: đánh bạc ăn tiền sòng phẳng, không có gian lận; nạn nhân tin rằng đây chỉ là ván bài ăn tiền và sẵn sàng tham gia; cuối cùng, nạn nhân đã tự nguyện giao tài sản thông qua ký các giấy vay tiền hay giấy tờ thế chấp tài sản. Do đó, hành vi của nhóm đối tượng trên mặc dù có hành vi đánh bạc nhưng thực ra là “vở kịch” do các đối tượng dàn dựng, lên kế hoạch từ trước nhằm chiếm đoạt tài sản của nạn nhân. Như vậy, hành vi đánh bạc bịp sẽ phạm vào tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Trên đây là những chia sẻ từ Công ty Luật TNHH HT Legal VN xoay quanh vấn đề đánh bạc bịp thì phạm tội đánh bạc hay lừa đảo chiếm đoạt tài sản. 

 

Hân hạnh đón tiếp quý khách hàng theo địa chỉ sau:

Luật sư Nguyễn Thanh Trung hoặc CÔNG TY LUẬT TNHH HT LEGAL VN

VP1: 37/12 Hẻm 602 Điện Biên Phủ, P.22, quận Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh (Bên cạnh UBND phường 22)

VP2: 207B Nguyễn Phúc Chu, P.15, quận Tân Bình, Tp. Hồ Chí Minh

VP3: Số 5 Ngách 252/115, Phố Tây Sơn, P. Trung Liệt, quận Đống Đa, Tp. Hà Nội

Email: info@htlegalvn.com Hotline: 09 6161 4040 – 09 2222 4040

Hải Vân
Theo HT Legal VN