ĐI XE ĐẠP/XE ĐẠP ĐIỆN SAU KHI UỐNG RƯỢU, BIA CÓ BỊ XỬ PHẠT KHÔNG? (CÔNG TY LUẬT UY TÍN TẠI TP. HỒ CHÍ MINH)

11/09/2024 - 100 lượt xem

Điều 8 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định: “1. Phạt tiền từ 80.000 đồng đến 100.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây: q) Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở.

ĐI XE ĐẠP/XE ĐẠP ĐIỆN SAU KHI UỐNG RƯỢU, BIA CÓ BỊ XỬ PHẠT KHÔNG?

(CÔNG TY LUẬT UY TÍN TẠI TP. HỒ CHÍ MINH, VIỆT NAM)

 

Vi phạm về nồng độ cồn khi tham gia giao thông là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn giao thông, gây ra hậu quả nghiêm trọng về người lẫn tài sản. Nhiều người, vì muốn né tránh việc bị xử phạt và đảm bảo an toàn hơn sau khi sử dụng rượu bia, đã lựa chọn di chuyển bằng xe đạp hoặc xe đạp điện.

Tuy nhiên, liệu hành vi này có thực sự an toàn và có bị xử phạt hay không? Công ty Luật TNHH HT Legal VN xin chia sẻ đến quý bạn đọc bài viết sau đây: Pháp luật có xử phạt về việc đi xe đạp sau khi uống rượu, bia không?

I. Cơ sở pháp lý

- Luật Giao thông đường bộ số 23/2008/QH12;

- Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.

II. Nội dung

1. Điều khiển xe đạp/xe đạp điện khi có nồng độ cồn có bị xử phạt không? Mức phạt như thế nào?

Nhiều người lầm tưởng rằng, uống rượu bia xong đi xe đạp/xe đạp điện sẽ không bị phạt. Thực ra cũng được xem là hành vi uống rượu bia lái xe, người đi xe đạp khi tham gia giao thông mà có sử dụng rượu, bia thì sẽ tùy vào mức nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở để xác định mức xử phạt hành chính. Cụ thể khoản 19 Điều 3 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định như sau:

“Phương tiện giao thông thô sơ đường bộ (sau đây gọi là xe thô sơ) gồm xe đạp (kể cả xe đạp máy), xe xích lô, xe lăn dùng cho người khuyết tật, xe súc vật kéo và các loại xe tương tự.”

Điều 8 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định:

“1. Phạt tiền từ 80.000 đồng đến 100.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:

...

q) Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở.

3. Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:

...

 e) Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở.

4. Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:

...

 c) Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở."

Như vậy, người điều khiển xe nói chung bao gồm người điều khiển xe đạp khi tham gia giao thông mà có sử dụng rượu, bia thì sẽ tùy vào mức nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở để xác định mức xử phạt hành chính. Mức xử phạt hành chính thấp nhất đối với hành vi điều khiển xe đạp sau khi uống rượu, bia sẽ là 80.000 đồng và mức xử phạt hành chính cao nhất sẽ là 600.000 đồng. 

Tuy trường hợp người đi xe đạp sau khi uống rượu, bia ít khi bị để ý và xử phạt. Tuy nhiên mọi người vẫn cần lưu ý và bảo vệ sức khoẻ của chính bản thân và người khác khi tham gia giao thông.

 

2. Những lỗi khi đi xe đạp, người điều khiển cần lưu ý

Căn cứ vào Điều 8 Nghị định 100/2019/NĐ-CP có quy định cụ thể về xử phạt người điều khiển xe đạp, xe đạp máy (kể cả xe đạp điện) khi vi phạm, và được tóm tắt như sau: 

- Phạt tiền từ 80.000 đồng đến 100.000 đồng đối với các hành vi sau:

+ Đi sai phần đường, dừng xe đột ngột, không báo hiệu chuyển hướng, vi phạm biển báo, vượt trái phép, … 

+ Dừng đỗ xe sai quy định, lái xe dàn hàng ngang, sử dụng điện thoại khi lái xe, … 

+ Chở quá số người quy định, xếp hàng hóa không an toàn, vượt quá giới hạn, … 

- Phạt tiền từ 100.000 – 200.000 đồng, khi vi phạm một trong các trường hợp: 

+ Buông cả hai tay khi lái xe, chuyển hướng đột ngột trước đầu xe khác; 

+ Không chấp hành hiệu lệnh của cảnh sát giao thông, bám, kéo, đẩy xe khác, … 

+ Dùng chân lái xe, không nhường đường cho xe xin vượt/xe ưu tiên, … 

- Phạt tiền từ 300.000 – 400.000 đồng, đối với: 

+ Lạng lách, đánh võng, đuổi nhau trên đường, đi bằng một bánh, … 

+ Đi vào khu vực cấm, đi ngược chiều. 

- Phạt tiền từ 400.000 – 600.000 đồng, khi: 

+ Đi xe đạp vào cao tốc;

+ Gây tai nạn nhưng bỏ trốn. 

Trong bối cảnh áp lực giao thông ngày càng nặng nề như hiện nay, việc chấn chỉnh ý thức, xây dựng văn hóa giao thông trong người dân là điều kiện rất quan trọng để giảm số vụ tai nạn giao thông, số người bị chết và số người bị thương khi tham gia giao thông. Việc không điều khiển phương tiện khi đã sử dụng rượu, bia không chỉ thể hiện nét đẹp trong văn hóa giao thông, tinh thần thượng tôn pháp luật mà trên hết chính là tự bảo vệ an toàn tính mạng, sức khỏe cho bản thân mình và những người tham gia giao thông khác. Vì vậy, khi mọi người tham gia giao thông, bất kể sử dụng phương tiện gì, đều có trách nhiệm tuân thủ luật lệ giao thông để đảm bảo an toàn cho bản thân, gia đình và cộng đồng.

 

Trên đây là bài viết về vấn đề “Đi xe đạp sau khi uống rượu, bia có bị xử phạt không?” Công ty Luật TNHH HT Legal VN sẵn sàng cung cấp các dịch vụ tư vấn về pháp lý cho cá nhân và tổ chức. Để được hỗ trợ và tư vấn chi tiết, vui lòng liên hệ:

Luật sư Nguyễn Thanh Trung hoặc CÔNG TY LUẬT TNHH HT LEGAL VN

VP1: 37/12 Hẻm 602 Điện Biên Phủ, P.22, quận Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh (Bên cạnh UBND phường 22)

VP2: 207B Nguyễn Phúc Chu, P.15, quận Tân Bình, Tp. Hồ Chí Minh

VP3: Số 5 Ngách 252/115, Phố Tây Sơn, P. Trung Liệt, quận Đống Đa, Tp. Hà Nội

Email: info@htlegalvn.com       Hotline: 09 6161 4040 – 09 4517 4040

Thu Hằng
Theo HT Legal VN