GIẢM TRỪ GIA CẢNH TRONG THUẾ THU NHẬP CÁ NHÂN VÀ CÁCH ĐĂNG KÝ NGƯỜI PHỤ THUỘC ĐỂ GIẢM TRỪ GIA CẢNH (CÔNG TY LUẬT UY TÍN TẠI TP HỒ CHÍ MINH, VIỆT NAM)

12/09/2024 - 329 lượt xem

Giảm trừ gia cảnh là số tiền được trừ vào thu nhập chịu thuế trước khi tính thuế đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công của đối tượng nộp thuế là cá nhân cư trú. Giảm trừ gia cảnh gồm hai phần sau đây: a) Mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng (132 triệu đồng/năm); b) Mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng.

GIẢM TRỪ GIA CẢNH TRONG THUẾ THU NHẬP CÁ NHÂN VÀ CÁCH ĐĂNG KÝ NGƯỜI PHỤ THUỘC ĐỂ GIẢM TRỪ GIA CẢNH

 (CÔNG TY LUẬT UY TÍN TẠI TP HỒ CHÍ MINH, VIỆT NAM)

 

Công ty Luật TNHH HT Legal VN xin gửi đến quý khách bài viết sau đây về cách đăng ký người phụ thuộc để giảm trừ gia cảnh.

I. Cơ sở pháp lý

- Luật Thuế Thu nhập cá nhân 2007 sửa đổi, bổ sung năm 2012, 2014;

- Thông tư 105/2020/TT-BTC hướng dẫn về đăng ký thuế;

- Thông tư số 111/2013/TT-BTC hướng dẫn Luật Thuế thu nhập cá nhân;

II. Nội dung

1. Giảm trừ gia cảnh là gì?

Đối với những cá nhân đã và đang đi làm, có lẽ khái niệm này không còn quá xa lạ. Tuy nhiên nó vẫn còn khá mới với những bạn trẻ chưa đi làm, chưa được tiếp xúc với các khoản thuế thu nhập phải đóng, vậy thì giảm trừ gia cảnh là gì? Căn cứ theo quy định tại Điều 19 Luật Thuế Thu nhập cá nhân hiện hành:

Giảm trừ gia cảnh là số tiền được trừ vào thu nhập chịu thuế trước khi tính thuế đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công của đối tượng nộp thuế là cá nhân cư trú.

Giảm trừ gia cảnh gồm hai phần sau đây:

a) Mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng (132 triệu đồng/năm);

b) Mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng.

Như vậy, đối với khoản thu nhập có được từ tiền lương, tiền công, mỗi cá nhân ngoài được giảm trừ đi mức giảm trừ đi mức thu nhập chịu thuế đối với bản thân họ (11 triệu đồng/tháng) trước khi tính thuế, nếu họ có đăng ký người phụ thuộc thì mỗi người phụ thuộc được giảm trừ 4,4 triệu đồng/tháng.

Lưu ý: Mỗi người phụ thuộc chỉ được tính giảm trừ một lần vào một đối tượng nộp thuế. Nghĩa là không thể đăng ký cùng một người phụ thuộc cho hai người nộp thuế khác nhau. Nhưng một người nộp thuế thì có thể đăng ký không giới hạn số người phụ thuộc, miễn là người phụ thuộc đó chưa được đăng ký với đối tượng nộp thuế khác trước đó.

 

2. Đối tượng nào được pháp luật quy định là người phụ thuộc

Người phụ thuộc là người mà người nộp thuế có trách nhiệm nuôi dưỡng, bao gồm:

a) Con chưa thành niên; con bị tàn tật, không có khả năng lao động;

b) Các cá nhân không có thu nhập hoặc có thu nhập không vượt quá mức quy định, bao gồm:

- Con thành niên đang học đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp hoặc học nghề;

- Vợ hoặc chồng không có khả năng lao động;

- Bố, mẹ đã hết tuổi lao động hoặc không có khả năng lao động;

- Những người khác không nơi nương tựa mà người nộp thuế phải trực tiếp nuôi dưỡng.

Như vậy, phạm vi đối tượng được pháp luật quy định có thể trở thành người phụ thuộc của một người nộp thuế là khá rộng.

Lưu ý: Khi những đối tượng trên phát sinh thu nhập như: Con thành niên đang học đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp... nhưng có thể tự mình kiếm ra thu nhập thì lúc này họ không còn được xem là người phụ thuộc để cá nhân nộp thuế được giảm trừ gia cảnh nữa.

 

3. Cách đăng ký người phụ thuộc để giảm trừ gia cảnh

Người nộp thuế có người phụ thuộc cần thực hiện đăng ký giảm trừ người phụ thuộc để được hưởng các ưu đãi về thuế và góp phần thực hiện tốt nghĩa vụ đối với gia đình và xã hội. Cách thức đăng ký người phụ thuộc để giảm trừ gia cảnh được quy định tại khoản 10 Điều 7 Thông tư 105/2020/TT-BTC hướng dẫn về đăng ký thuế, cụ thể:

a) Trường hợp cá nhân có ủy quyền cho cơ quan chi trả thu nhập đăng ký thuế cho người phụ thuộc thì nộp hồ sơ đăng ký thuế tại cơ quan chi trả thu nhập.

Hồ sơ đăng ký thuế của người phụ thuộc gồm: 

- Văn bản ủy quyền

- Giấy tờ của người phụ thuộc (bản sao Thẻ căn cước công dân hoặc bản sao Giấy chứng minh nhân dân còn hiệu lực đối với người phụ thuộc có quốc tịch Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên; bản sao Giấy khai sinh hoặc bản sao Hộ chiếu còn hiệu lực đối với người phụ thuộc có quốc tịch Việt Nam dưới 14 tuổi; bản sao Hộ chiếu đối với người phụ thuộc là người có quốc tịch nước ngoài hoặc người có quốc tịch Việt Nam sinh sống tại nước ngoài).

- Cơ quan chi trả thu nhập tổng hợp và gửi Tờ khai đăng ký thuế mẫu số 20-ĐK-TH-TCT ban hành kèm theo Thông tư số 105/2020/TT-BTC gửi cơ quan thuế quản lý trực tiếp cơ quan chi trả thu nhập.

b) Trường hợp cá nhân không ủy quyền cho cơ quan chi trả thu nhập đăng ký thuế cho người phụ thuộc, nộp hồ sơ đăng ký thuế cho cơ quan thuế tương ứng theo quy định tại Khoản 9 Điều 7 Thông tư số 105/2020/TT-BTC. Hồ sơ đăng ký thuế gồm:

- Tờ khai đăng ký thuế mẫu số 20-ĐK-TCT ban hành kèm theo Thông tư số 105/2020/TT-BTC;

- Bản sao Thẻ căn cước công dân hoặc bản sao Giấy chứng minh nhân dân còn hiệu lực đối với người phụ thuộc có quốc tịch Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên; bản sao Giấy khai sinh hoặc Hộ chiếu còn hiệu lực đối với người phụ thuộc có quốc tịch Việt Nam dưới 14 tuổi; bản sao Hộ chiếu còn hiệu lực đối với người phụ thuộc là người có quốc tịch nước ngoài hoặc người có quốc tịch Việt Nam sinh sống tại nước ngoài.

 

4. Giảm trừ người phụ thuộc được tính từ thời điểm người nộp thuế đăng ký giảm trừ người phụ thuộc và khi quyết toán thuế thì được tính từ thời điểm phát sinh nghĩa vụ nuôi dưỡng. 

- Theo tiết c.2.2 điểm c khoản 1 Điều 9 Thông tư số 111/2013/TT-BTC hướng dẫn Luật Thuế thu nhập cá nhân:

“Khi người nộp thuế đăng ký giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc sẽ được cơ quan thuế cấp mã số thuế cho người phụ thuộc và được tạm tính giảm trừ gia cảnh trong năm kể từ khi đăng ký. Đối với người phụ thuộc đã được đăng ký giảm trừ gia cảnh trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành (Ngày 01/10/2013) thì tiếp tục được giảm trừ gia cảnh cho đến khi được cấp mã số thuế.”

Vậy trong năm người nộp thuế đăng ký giảm trừ người phụ thuộc từ thời điểm nào thì được tính giảm trừ gia cảnh từ thời điểm đó.

- Tại tiết c.2.3 điểm c khoản 1 Điều 9 Thông tư số 111/2013/TT-BTC hướng dẫn Luật Thuế thu nhập cá nhân:

“Trường hợp người nộp thuế chưa tính giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc trong năm tính thuế thì được tính giảm trừ cho người phụ thuộc kể từ tháng phát sinh nghĩa vụ nuôi dưỡng khi người nộp thuế thực hiện quyết toán thuế và có đăng ký giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc. Riêng đối với người phụ thuộc khác theo hướng dẫn tại tiết d.4, điểm d, khoản 1 Điều 9, thời hạn đăng ký giảm trừ gia cảnh chậm nhất là ngày 31 tháng 12 của năm tính thuế, quá thời hạn nêu trên thì không được tính giảm trừ gia cảnh cho năm tính thuế đó.”

Khi quyết toán thuế năm, người nộp thuế sẽ được tính lại giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc từ thời điểm phát sinh nghĩa vụ nuôi dưỡng.

Ví dụ:

Ông A đăng ký Giảm trừ người phụ thuộc cho con gái mình vào ngày 1 tháng 6 năm 2024. Thu nhập chịu thuế của ông A trong năm 2024 là 600 triệu đồng.

Như vậy, từ ngày 1 tháng 6 năm 2024, ông A sẽ được giảm trừ thu nhập chịu thuế.

Khi quyết toán thuế thu nhập cá nhân năm 2024, ông A sẽ được tính lại giảm trừ gia cảnh cho con gái mình từ ngày 1 tháng 1 năm 2024 (thời điểm phát sinh nghĩa vụ nuôi dưỡng).

Trên đây là bài viết về vấn đề “Giảm trừ gia cảnh trong thuế thu nhập cá nhân và cách đăng ký người phụ thuộc để giảm trừ gia cảnh” Công ty Luật TNHH HT Legal VN sẵn sàng cung cấp các dịch vụ tư vấn về pháp lý cho cá nhân và tổ chức. 

 

Hân hạnh đón tiếp quý khách hàng theo địa chỉ sau:

Luật sư Nguyễn Thanh Trung hoặc CÔNG TY LUẬT TNHH HT LEGAL VN

VP1: 37/12 Hẻm 602 Điện Biên Phủ, P.22, quận Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh (Bên cạnh UBND phường 22)

VP2: 207B Nguyễn Phúc Chu, P.15, quận Tân Bình, Tp. Hồ Chí Minh

VP3: Số 5 Ngách 252/115, Phố Tây Sơn, P. Trung Liệt, quận Đống Đa, Tp. Hà Nội

Email: [email protected] Hotline: 09 6161 4040 – 09 2222 4040

Thu Hằng
Theo HT Legal VN