KHI BỊ MẤT GIẤY KHAI SINH THÌ NÊN LÀM GÌ? ĐĂNG KÍ LẠI GIẤY KHAI SINH NHƯ THẾ NÀO?
(CÔNG TY LUẬT UY TÍN TẠI TẠI TP HỒ CHÍ MINH, VIỆT NAM)
Giấy khai sinh là một trong những giấy tờ pháp lý quan trọng, đóng vai trò chứng minh nguồn gốc, nhân thân của một cá nhân từ khi mới sinh ra. Việc mất giấy khai sinh có thể gây ra nhiều bất tiện, đặc biệt là khi cần làm các thủ tục như đăng ký hộ khẩu, làm CMND/CCCD/hộ chiếu, việc học hành, khai di sản thừa kế và các thủ tục hành chính khác.
Vậy khi mất giấy khai sinh, người dân nên làm gì, đăng ký giấy khai sinh lại được không và thực hiện như thế nào? Đây là câu hỏi mà nhiều người quan tâm và cần tìm hiểu để có thể giải quyết nhanh chóng và đúng quy định pháp luật. Thông qua bài viết dưới đây Công ty Luật TNHH HT Legal VN xin chia sẻ đến quý khách hàng một số thông tin cơ bản về quy định của pháp luật liên quan đến vấn đề này.
I. Căn cứ pháp lý
- Luật Hộ tịch 2014 số 60/2014/QH13;
- Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15 tháng 11 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch.
II. Nội dung
Căn cứ theo quy định pháp luật hiện tại thì không có quy định nào về việc cấp lại bản chính Giấy khai sinh đã mất, theo đó khi bị mất Giấy khai sinh bạn có thể xin bản sao trích lục hộ tịch (trường hợp sổ hộ tịch vẫn còn) hoặc đăng ký lại việc khai sinh (trường hợp sổ hộ tích bị mất).
1. Trích lục bản sao giấy khai sinh
Trích lục bản sao giấy khai sinh là văn bản do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp nhằm chứng minh sự kiện hộ tịch của cá nhân đã đăng ký tại cơ quan đăng ký hộ tịch theo quy định Khoản 9 Điều 4 Luật Hộ tịch 2014
Vậy làm thế nào để xin trích lục bản sao giấy khai sinh?
Thủ tục để xin trích lục bản sao giấy khai sinh được quy định tại điều 64 Luật hộ tịch 2014 như sau:
“1. Người yêu cầu cấp bản sao trích lục hộ tịch trực tiếp hoặc thông qua người đại diện gửi tờ khai theo mẫu quy định cho Cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu hộ tịch.
Trường hợp cơ quan, tổ chức có thẩm quyền đề nghị cấp bản sao trích lục hộ tịch của cá nhân thì gửi văn bản yêu cầu nêu rõ lý do cho Cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu hộ tịch.
2. Ngay sau khi nhận được yêu cầu, nếu đủ điều kiện thì Cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu hộ tịch cấp bản sao trích lục hộ tịch cho người yêu cầu."
Ngoài ra theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Nghị định 123/2015/NĐ-CP:
“1. Người yêu cầu đăng ký hộ tịch, cấp bản sao trích lục hộ tịch xuất trình bản chính một trong các giấy tờ là hộ chiếu, chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân hoặc giấy tờ khác có dán ảnh và thông tin cá nhân do cơ quan có thẩm quyền cấp, còn giá trị sử dụng (sau đây gọi là giấy tờ tùy thân) để chứng minh về nhân thân.”
Nghĩa là ngoài tờ khai theo mẫu quy định thì người yêu cầu trích lục cần chuẩn bị một trong những giấy tờ pháp lý như là: CMND/CCCD/hộ chiếu hoặc giấy tờ khác có dán ảnh và thông tin cá nhân do cơ quan có thẩm quyền cấp.
Về thẩm quyền cấp bản sao trích lục hộ tịch về sự kiện hộ tịch đã đăng ký: sẽ thuộc về Cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu hộ tịch theo điều 63 Luật hộ tịch 2014
Căn cứ theo khoản 4 Điều 4 Luật Hộ tịch quy định về cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu hộ tịch gồm:
Cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu hộ tịch gồm:
- Cơ quan đăng ký hộ tịch;
- Bộ Tư pháp;
- Bộ Ngoại giao;
- Cơ quan khác được giao thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
2. Đăng ký lại khai sinh
Hiện nay chỉ có một trường hợp được đăng ký lại khai sinh là khai sinh trước năm 2016 nhưng sổ hộ tịch và bản chính giấy tờ hộ tịch mất thì được đăng ký lại theo Điều 24 Nghị định 123/2015/NĐ-CP.
Theo đó, người yêu cầu đăng ký lại khai sinh phải có trách nhiệm cung cấp đầy đủ tài liệu cần thiết và việc đăng ký chỉ được thực hiện khi người yêu cầu còn sống vào thời điểm nhận hồ sơ.
Khi đủ các điều kiện trên người yêu cầu có thể nộp hồ sơ tại Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi đã đăng ký khai sinh trước đây hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người yêu cầu thường trú, thực hiện đăng ký lại khai sinh theo quy định về thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ tại Điều 35 Nghị định 123/2015/NĐ-CP. Căn cứ theo khoản 1 Điều 26 Nghị định 123/2015/NĐ-CP hồ sơ để thực hiện việc đăng ký lại khai sinh bao gồm:
a) Tờ khai theo mẫu quy định, trong đó có cam đoan của người yêu cầu về việc đã đăng ký khai sinh nhưng người đó không lưu giữ được bản chính Giấy khai sinh;
b) Bản sao toàn bộ hồ sơ, giấy tờ của người yêu cầu hoặc hồ sơ, giấy tờ, tài liệu khác trong đó có các thông tin liên quan đến nội dung khai sinh của người đó;
c) Trường hợp người yêu cầu đăng ký lại khai sinh là cán bộ, công chức, viên chức, người đang công tác trong lực lượng vũ trang thì ngoài các giấy tờ theo quy định tại Điểm a và Điểm b Khoản này phải có văn bản xác nhận của Thủ trưởng cơ quan, đơn vị về việc những nội dung khai sinh của người đó gồm họ, chữ đệm, tên; giới tính; ngày, tháng, năm sinh; dân tộc; quốc tịch; quê quán; quan hệ cha - con, mẹ - con phù hợp với hồ sơ do cơ quan, đơn vị đang quản lý.
Sau khi thực hiện các bước trên bạn chỉ cần chờ kết quả từ cơ quan có thẩm quyền.
Trên đây là những chia sẻ của Công ty Luật TNHH HT Legal VN về vấn đề trích lục bản sao giấy khai sinh và đăng ký lại giấy khai sinh. Hy vọng bài viết sẽ mang lại thông tin hữu ích, giúp bạn nắm rõ các bước thực hiện thủ tục hành chính một cách nhanh chóng, thuận tiện. Chúc bạn hoàn thành quá trình này một cách suôn sẻ và thành công.
Luật sư gia đình của riêng bạn và người thân, liên hệ:
Luật sư Nguyễn Thanh Trung hoặc CÔNG TY LUẬT TNHH HT LEGAL VN
VP1: 37/12 Hẻm 602 Điện Biên Phủ, P.22, quận Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh (Bên cạnh UBND phường 22)
VP2: 207B Nguyễn Phúc Chu, P.15, quận Tân Bình, Tp. Hồ Chí Minh
VP3: Số 5 Ngách 252/115, Phố Tây Sơn, P. Trung Liệt, quận Đống Đa, Tp. Hà Nội
Email: [email protected] Hotline: 09 6161 4040 – 09 2222 4040