LUẬT SƯ PHÂN TÍCH TÍNH HỢP PHÁP CỦA CÔNG VĂN 1685 BAN HÀNH BỞI SỞ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG THÀNH PHỐ HÀ NỘI (CÔNG TY LUẬT UY TÍN TẠI QUẬN BÌNH THẠNH, QUẬN TÂN BÌNH TP. HỒ CHÍ MINH)

12/08/2023 - 1104 lượt xem

Trong năm vừa qua để ngăn chặn việc sốt đất ảo, nhiễu loạn thị trường bất động sản thì Sở Tài nguyên và Môi trường các địa phương đã ban hành một số văn bản để dừng việc tách thửa đối với đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp không phải đất ở,…

Trong năm vừa qua để ngăn chặn việc sốt đất ảo, nhiễu loạn thị trường bất động sản thì Sở Tài nguyên và Môi trường các địa phương đã ban hành một số văn bản để dừng việc tách thửa đối với đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp không phải đất ở,… Tuy nhiên, việc ban hành nội dung văn bản của nhiều địa phương còn nhiều bất cập, đặc biệt là việc ban hành không đúng thẩm quyền. Trong đó, một trường hợp mà Bộ Tư pháp đã đề nghị UBND TP. Hà Nội chỉ đạo việc tự kiểm tra, xử lý theo quy định để đảm bảo tính hợp Hiến, hợp pháp, kỷ luật, kỷ cương chính là Công văn số 1685/STNMT-ĐKTKĐĐ do Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hà Nội ban hành ngày 22/03/2022. Công ty Luật TNHH HT Legal VN sau đây sẽ trình bày một số phân tích về vấn đề ban hành sai thẩm quyền của Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hà Nội đối với Công văn số 1685 về việc đẩy mạnh công tác quản lý Nhà nước trong thực hiện thủ tục tách thửa đất, hợp thửa là trường hợp ban hành sai thẩm quyền

I. Cơ sở pháp lý:

- Công văn số 1685/STNMT-ĐKTKĐĐ do Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hà Nội ban hành ngày 22/03/2022 (“Công văn số 1685”);

- Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020);

- Nghị định số 34/2016/NĐ-CP Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật (được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định số 154/2020/NĐ-CP);

- Nghị định 154/2020/NĐ-CP của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật;

- Thông tư 05/2021/TT-BTNMT chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Sở Tài nguyên Môi trường, Phòng Tài Nguyên Môi trường.

II. Phân tích điểm sai về thẩm quyền và cơ sở pháp lý trong việc ban hành công văn của Sở Tài nguyên và Môi trường

Có thể thấy rằng, Công văn số 1685 của Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hà Nội về việc đẩy mạnh công tác quản lý Nhà nước trong thực hiện thủ tục tách thửa đất, hợp thửa có những điểm bất hợp lý trong việc ban hành không đúng thẩm quyền. Cụ thể, trong công văn có nêu rằng:

"Đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã tạm dừng tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến việc chia tách thửa đất đối với đất nông nghiệp; thửa đất có đất ở và đất nông nghiệp trong cùng thửa đất, thửa đất phi nông nghiệp không phải là đất ở". Thời hạn tạm dừng cho đến khi UBND TP. Hà Nội thông báo quy định cụ thể.

- Về định nghĩa của việc tách thửa đất

Dựa trên các quy định về pháp luật đất đai hiện tại, chia tách thửa đất có thể hiểu một cách đơn giản là viêc phân chia quyền sử dụng đất của một mảnh đất lớn thành nhiều thủa đất nhỏ hơn. Theo đó, từ một giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sẽ được tách thành hai hay nhiều giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Việc tách thửa là quyền của người sử dụng đất khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện và được thực hiện theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định.

- Về hình thức ban hành, thẩm quyền ban hành:

Theo quy định tại Điều 3.1 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, “quy phạm pháp luật được định nghĩa như sau:

"1. Quy phạm pháp luật là quy tắc xử sự chung, có hiệu lực bắt buộc chung, được áp dụng lặp đi lặp lại nhiều lần đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phạm vi cả nước hoặc đơn vị hành chính nhất định, do cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền quy định trong Luật này ban hành và được Nhà nước bảo đảm thực hiện.

 thể thấy, trong Công văn số 1685, việc Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hà Nội “Đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã tạm dừng tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến việc chia tách thửa đất” là hành vi đưa ra một quy tắc xử sự áp dụng cho UBND các quận, huyện, thị xã.

Tuy nhiên, công văn không phải là một văn bản quy phạm pháp luật theo Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020). Theo đó, việc ban hành công văn có chưa quy phạm pháp luật là hành vi bị cấm theo quy định tại Điều 14.2 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020): “2. Ban hành văn bản không thuộc hệ thống văn bản quy phạm pháp luật quy định tại Điều 4 của Luật này nhưng có chứa quy phạm pháp luật.”

Đồng thời, về thẩm quyền, Điều 2 của Thông 05/2021/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về thẩm quyền của Sở Tài nguyên và Môi trường không bao gồm các quyền liên quan đến ban hành văn bản có chưa quy phạm pháp luật hay cho phép việc dừng tách thửa, hợp thửa.

Theo đó, việc thực hiện ban hành các văn bản quy phạm pháp luật các chính sách trong lĩnh vực đất đai (lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tài nguyên và Môi trường), cũng như các vấn đề liên quan đến việc tách thửa đất sẽ thuộc thẩm quyền của Bộ Tài nguyên và Môi trường theo Điều 2.5 và Điều 2.6(b) Nghị định 68/2022/NĐ-CP quy định thẩm quyền của Bộ Tài nguyên và Môi Trường như sau:

“5. Ban hành thông tư, quyết định và các văn bản khác về quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của bộ; chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện và kiểm tra, đánh giá việc thực hiện chiến lược, chính sách, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án, dự án, nhiệm vụ, các văn bản quy phạm pháp luật thuộc phạm vi quản lý của bộ sau khi được phê duyệt, ban hành; thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về tài nguyên và môi trường; xây dựng tiêu chuẩn quốc gia; xây dựng, ban hành chỉ tiêu quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, quy định kỹ thuật, chỉ tiêu thống kê, định mức kinh tế - kỹ thuật trong các ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ.

6. Về đất đai:

b) Hướng dẫn, kiểm tra việc điều tra khảo sát, đo đạc, lập bản đồ địa chính, bản đồ hiện trạng sử dụng đất và bản đồ quy hoạch sử dụng đất; việc lập, điều chỉnh và thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; việc giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất; việc đăng ký quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; việc lập và quản lý hồ sơ địa chính; việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất theo quy định của pháp luật;”

Việc ban hành Công văn số 1685 của Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hà Nội không chỉ vi phạm quy định của pháp luật mà còn ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất, tác động tiêu cực đến thị trường bất động sản vùng ven Thành phố Hà Nội. Hiện nay, văn bản này đã được bãi bỏ và đề nghị Ủy ban các quận huyện, thị xã, các cơ quan, các đơn vị liên quan xem xét tiếp tục giải quyết thủ tục tách thửa, hợp thửa cho người sử dụng đất. Do đó, người sử dụng đất đã có thể tiếp tục thực hiện các thủ tục hợp thửa, tách thửa như bình thường.

Trên đây là một số phân tích liên quan đến việc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội ban hành Công văn số 1685 về việc đẩy mạnh công tác quản lý Nhà nước trong thực hiện thủ tục tách thửa đất, hợp thửa là trường hợp ban hành sai thẩm quyền của Công ty Luật HT Legal VN. 

CÔNG TY LUẬT TNHH HT LEGAL VN

VP1: 37/12 Hẻm 602 Điện Biên Phủ, P.22, quận Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh (Bên cạnh UBND phường 22)

VP2: 207B Nguyễn Phúc Chu, P.15, quận Tân Bình, Tp. Hồ Chí Minh

Email: info@htlegalvn.com         Hotline: 09 6161 4040 – 09 0161 4040

Hồng Thanh - Xuân Hồng
Theo HT LEGAL VN