Khi nền kinh tế bị suy thoái, doanh nghiệp không còn khả năng cạnh tranh trên thị trường hay việc kinh doanh bị thua lỗ dẫn đến nhiều doanh nghiệp phải đối mặt với tình trạng mất khả năng thanh toán. Mất khả năng thanh toán đối với các hợp đồng kinh doanh của công ty, mất khả năng chi trả đối với các khoản nợ lương của người lao động. Mặt khác, nhiều công ty giữ lương của người lao động trong suốt thời gian liên tục mấy tháng liền, dẫn đến tình trạng, đối với doanh nghiệp thì như ngồi trong đống lửa, bởi không chịu được sức ép từ người lao động, đối với người lao động thì cũng trong tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”. Bởi lẽ, người lao động làm việc để kiếm thu nhập trang trải cuộc sống, để chăm lo cho những người lệ thuộc nên việc công ty không trả lương gây ảnh hưởng trực tiếp rất lớn đến cuộc sống gia đình của người lao động. Chính vì vậy, để bảo đảm quyền lợi cho mình, khi doanh nghiệp nhiều tháng không trả lương thì người lao động có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản để được trả tiền lương.
I - Cơ sở pháp lý
Luật Phá sản năm 2014.
II - Nội dung
1. Phá sản là gì?
Căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 4 Luật Phá sản năm 2014 quy định: “Phá sản là tình trạng của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán và bị Tòa án nhân dân ra quyết định tuyên bố phá sản.”
2. Thế nào là doanh nghiệp mất khả năng thanh toán?
Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 4 Luật Phá sản năm 2014 quy định: “Doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán là doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày đến hạn thanh toán.”
3. Ai có quyền và nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản?
Căn cứ quy định tại Điều 5 Luật Phá sản năm 2014 quy định:
“1. Chủ nợ không có bảo đảm, chủ nợ có bảo đảm một phần có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi hết thời hạn 03 tháng kể từ ngày khoản nợ đến hạn mà doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán.
2. Người lao động, công đoàn cơ sở, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở ở những nơi chưa thành lập công đoàn cơ sở có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi hết thời hạn 03 tháng kể từ ngày phải thực hiện nghĩa vụ trả lương, các khoản nợ khác đến hạn đối với người lao động mà doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán.
3. Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, hợp tác xã có nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán.
4. Chủ doanh nghiệp tư nhân, Chủ tịch Hội đồng quản trị của công ty cổ phần, Chủ tịch Hội đồng thành viên của công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, chủ sở hữu công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, thành viên hợp danh của công ty hợp danh có nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi doanh nghiệp mất khả năng thanh toán.
5. Cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 20% số cổ phần phổ thông trở lên trong thời gian liên tục ít nhất 06 tháng có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi công ty cổ phần mất khả năng thanh toán. Cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu dưới 20% số cổ phần phổ thông trong thời gian liên tục ít nhất 06 tháng có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi công ty cổ phần mất khả năng thanh toán trong trường hợp Điều lệ công ty quy định.
6. Thành viên hợp tác xã hoặc người đại diện theo pháp luật của hợp tác xã thành viên của liên hiệp hợp tác xã có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã mất khả năng thanh toán.”
Những chủ thể trên có quyền, nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản.
4. Người lao động nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản thì có phải nộp lệ phí không?
Căn cứ Điều 22 Luật Phá sản năm 2014 quy định: “Người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản phải nộp lệ phí phá sản theo quy định của pháp luật về án phí, lệ phí Tòa án nhân dân. Trường hợp người nộp đơn quy định tại khoản 2 Điều 5 và điểm a khoản 1 Điều 105 của Luật này không phải nộp lệ phí phá sản.”
Căn cứ khoản 2 Điều 5 Luật Phá sản năm 2014 thì những chủ thể sau đây không cần phải nộp lệ phí khi yêu cầu mở thủ tục phá sản: Người nộp đơn là Người lao động, công đoàn cơ sở, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở ở những nơi chưa thành lập công đoàn cơ sở có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi hết thời hạn 03 tháng kể từ ngày phải thực hiện nghĩa vụ trả lương, các khoản nợ khác đến hạn đối với người lao động mà doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán.
Như vậy, trường hợp người lao động nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản do quá thời hạn 03 tháng kể từ ngày doanh nghiệp phải thực hiện nghĩa vụ trả lương, các khoản nợ khác đến hạn đối với người lao động mà doanh nghiệp không thực hiện nghĩa vụ thanh toán, thì Người lao động không phải nộp lệ phí phá sản. Theo quan điểm của Công ty Luật TNHH HT Legal VN thì việc quy định người lao động không phải nộp lệ phí phá sản là rất văn minh và thực tế. Bởi vì người lao động đang ở vị trí “thế yếu”, khi trong hoàn cảnh không được doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ trả lương đã ảnh hưởng rất lớn đối với tài chính, đời sống của người lao động. Khi nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản thì họ đã mong muốn nhận số tiền lương đã làm trong thời gian doanh nghiệp còn thiếu. Trường hợp khi Tòa án đã thụ lý và đang trong tiến trình phân chia tài sản mà doanh nghiệp không còn tài sản thì người lao động cũng đã phải chịu thiệt và nếu phải chịu một khoản chi phí khi nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản thì đó là điều khó khăn.
Trên đây là những chia sẻ pháp lý của Công ty Luật TNHH HT Legal VN đến Quý khách hàng, nếu anh/chị còn thắc mắc nào liên quan đến thủ tục phá sản; soạn đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản hoặc những vấn đề pháp lý khác thì có thể liên hệ đến:
Luật sư Nguyễn Thanh Trung hoặc CÔNG TY LUẬT TNHH HT LEGAL VN
VP1: 37/12 Hẻm 602 Điện Biên Phủ, P.22, Q. Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh
VP2: 207B Nguyễn Phúc Chu, P.15, Q. Tân Bình, Tp. Hồ Chí Minh
VP3: 5 Ngách 252/115 Tây Sơn, P. Trung Liệt, Q. Đống Đa, Tp. Hà Nội
Email: [email protected] Hotline: 0961614040 - 0922224040 – 0945174040