Trong thời kỳ hội nhập quốc tế, việc trau dồi kiến thức cũng như văn hóa từ các quốc gia khác là vô cùng quan trọng. Điều này giúp các học sinh, sinh viên du học mở rộng vốn kiến thức, kỹ năng nhằm mục đích phát triển bản thân, thậm chí có thể đóng góp vào sự phát triển của nền kinh tế, văn hóa nước nhà. Do đó, việc lựa chọn du học tại các quốc gia khác đang trở thành lựa chọn phổ biến, giúp họ tiếp xúc và tiếp nhận một lượng lớn kiến thức mới và đa dạng.
Vậy khi nhận tấm bằng được cấp từ các cơ sở giáo dục nước ngoài, chúng ta cần làm gì để được công nhận tại Việt Nam? Để hiểu rõ các thủ tục này, Công ty Luật TNHH HT Legal VN sẽ gửi đến quý bạn đọc bài viết sau:
I. Cơ sở pháp lý
- Thông tư số 13/2021/TT-BGDĐT ngày 15/04/2021 của Bộ Giáo dục đào tạo quy định về Điều kiện, trình tự, thủ tục, thẩm quyền công nhận văn bằng do Cơ sở giáo dục nước ngoài cấp để sử dụng tại Việt Nam.
II. Nội dung
1. Điều kiện công nhận văn bằng
Theo Điều 4 Thông tư số 13/2021/TT-BGDĐT quy định về điều kiện công nhận văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp để sử dụng tại Việt Nam như sau:
“1. Văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp cho người học được công nhận khi chương trình giáo dục có thời gian học, nghiên cứu phù hợp với Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân của Việt Nam và đáp ứng một trong hai điều kiện sau:
a) Chương trình giáo dục được tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục của nước nơi cơ sở giáo dục nước ngoài đặt trụ sở chính kiểm định chất lượng tương ứng với hình thức đào tạo;
b) Cơ sở giáo dục nước ngoài được cơ quan có thẩm quyền về giáo dục của nước nơi cơ sở giáo dục đặt trụ sở chính cho phép đào tạo, cấp bằng hoặc đã được tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục của nước nơi cơ sở giáo dục nước ngoài đặt trụ sở chính kiểm định chất lượng.
2. Văn bằng được cấp bởi cơ sở giáo dục nước ngoài đang hoạt động tại nước khác nơi cơ sở giáo dục đặt trụ sở chính (bao gồm cả Việt Nam) được công nhận khi cơ sở giáo dục đó được cơ quan có thẩm quyền về giáo dục của hai nước cho phép mở phân hiệu, cho phép đào tạo hoặc phê duyệt việc hợp tác, liên kết đào tạo; thực hiện hoạt động đào tạo theo giấy phép đồng thời đáp ứng quy định tại khoản 1 Điều này.
3. Văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp cho người học theo hình thức đào tạo trực tuyến, đào tạo trực tiếp kết hợp trực tuyến được công nhận khi đáp ứng quy định tại điểm a khoản 1 Điều này và một trong hai điều kiện sau:
a) Chương trình đào tạo được Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp phép đào tạo tại Việt Nam khi người học lưu trú và học tập tại Việt Nam;
b) Chương trình đào tạo được cơ quan có thẩm quyền về giáo dục của nước nơi tổ chức đào tạo cấp phép khi người học lưu trú và học tập tại nước đó.”
2. Thủ tục công nhận văn bằng
Căn cứ khoản 1 Điều 7 Thông tư số 13/2021/TT-BGDĐT quy định về trình tự, thủ tục công nhận văn bằng như sau:
1/ Đơn đề nghị công nhận văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp. Tất cả các trường hợp hồ sơ công nhận văn bằng trước khi gửi hồ sơ phải kê khai tờ khai điện tử công nhận văn bằng trên trang: https://naric.edu.vn/ để có mã số hồ sơ.
2/ Một (01) bản dịch công chứng sang tiếng Việt văn bằng xin công nhận; (Nếu văn bằng do Trung Quốc cấp cần nộp 01 bản dịch công chứng học vị);
3/ Một (01) bản dịch công chứng sang tiếng Việt bảng điểm theo bằng hoặc phụ lục văn bằng;
4/ Trong trường hợp học liên thông hoặc chuyển tiếp vào trình độ đại học phải có minh chứng bằng và bảng điểm bậc dưới;
5/ Văn bản ủy quyền xác minh thông tin về văn bằng (nếu cơ sở giáo dục cấp bằng yêu cầu);
Ngoài ra đối với một số trường hợp cụ thể các bạn cần phải cung cấp thêm những hồ sơ như sau:
+ Đối với trường hợp học theo chương trình liên kết của trường Việt Nam với trường nước ngoài (học 100% tại Việt Nam) thì hồ sơ công nhận văn bằng bắt buộc phải có Chứng chỉ tiếng Anh IELTS hoặc TOEFL, còn cụ thể là trình độ bao nhiêu thì tùy thuộc vào từng chương trình liên kết do Bộ giáo dục và Đào tạo Việt Nam phê duyệt, nhưng thông thường là IELTS 5.5 hoặc 6.0 trở lên hoặc có thể quy đổi với trình độ TOEFL tương đương.
+ Đối với trường hợp học theo chương trình liên kết nhưng phân theo giai đoạn: giai đoạn 1 học tại Việt Nam, giai đoạn 2 học tại nước ngoài hoặc ngược lại thì không cần phải có chứng chỉ tiếng Anh nhưng phải có xác nhận của trường Việt Nam là đã hoàn thành khóa học tại Việt Nam.
3. Thời gian thực hiện
Theo khoản 2 Điều 7 Thông tư số 13/2021/TT-BGDĐT thì thời hạn trả kết quả công nhận văn bằng là từ 20 ngày đến 45 ngày làm việc. Tùy theo trường hợp có cần xác minh thông tin về văn bằng từ cơ sở giáo dục nước ngoài hoặc đơn vị xác thực nước ngoài.
4. Quy trình thực hiện thủ tục công nhận văn bằng
Bước 1: Khai tờ khai điện tử
Bước 2: Chuẩn bị hồ sơ
Bước 3: Nộp lệ phí
Bước 4: Nộp hồ sơ bản giấy, có thể nộp qua đường bưu điện hoặc nộp trực tiếp tại Trung tâm công nhận văn bằng
Bước 5: Nhận kết quả
5. Những văn bằng bị từ chối, không được công nhận tại Việt Nam
Căn cứ theo Theo Điều 4 Thông tư số 13/2021/TT-BGDĐT có các trường hợp văn bằng bị từ chối, không được công nhận cụ thể như sau:
1/ Trường hợp văn bằng được cấp bởi cơ sở giáo dục nước ngoài chưa được tổ chức kiểm định chất lượng tại nước sở tại kiểm định hoặc cơ sở giáo dục nước ngoài không có trong danh sách các cơ sở giáo dục nước ngoài được công nhận ở Việt Nam.
2/ Trường hợp văn bằng được cấp bởi cơ sở giáo dục nước ngoài đang hoạt động tại nước khác nơi cơ sở giáo dục đặt trụ sở chính nhưng không được hai nước cho phép mở phân hiệu, cho phép đào tạo hoặc phê duyệt việc hợp tác, liên kết đào tạo.
3/ Trường hợp văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp cho người học theo hình thức đào tạo trực tuyến, đào tạo trực tiếp kết hợp trực tuyến không thuộc trường hợp được Bộ Giáo dục cho phép thực hiện hoặc không thuộc trường hợp sự kiện bất khả kháng như thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh, …
Thông qua bài viết này, HT Legal VN hy vọng quý bạn đọc biết thêm thông tin về thủ tục công nhận văn bằng tại Việt Nam. Quý bạn đọc có bất ký thắc mắc hoặc nhu cầu sử dụng dịch vụ pháp lý xin liên hệ Công ty Luật TNHH HT Legal VN theo địa chỉ sau:
Luật sư Nguyễn Thanh Trung hoặc CÔNG TY LUẬT TNHH HT LEGAL VN
VP1: 37/12 Hẻm 602 Điện Biên Phủ, P.22, quận Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh (Bên cạnh UBND phường 22)
VP2: 207B Nguyễn Phúc Chu, P.15, quận Tân Bình, Tp. Hồ Chí Minh
VP3: Số 5 Ngách 252/115, Phố Tây Sơn, P. Trung Liệt, quận Đống Đa, Tp. Hà Nội
Email: [email protected] Hotline: 09 6161 4040 – 09 4517 4040