THỰC TIỄN THI HÀNH BẢN ÁN HÀNH CHÍNH (CÔNG TY LUẬT UY TÍN TẠI QUẬN BÌNH THẠNH, TÂN BÌNH TP. HỒ CHÍ MINH)

30/12/2022 - 1014 lượt xem

Thi hành án là quá trình hiện thực hóa bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực trên thực tế. Thi hành án hành chính có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo đảm thực thi công lý. Vì vậy, việc xem xét thực tiễn thi hành bản án là cần thiết và nên được xem trọng. Hãy cùng Công ty Luật HT Legal VN tìm hiểu về thực tiễn thi hành bản án hành chính hiện nay.

Căn cứ pháp lý:

- Luật Tố tụng Hành chính 2015;

- Pháp lệnh Thủ tục giải quyết vụ án hành chính năm 1996;

- Nghị định số 71/2016/NĐ-CP Chính phủ ban hành ngày 01/7/2016 quy định thời hạn, trình tự, thủ tục thi hành án hành chính và xử lý trách nhiệm đối với người không thi hành bản án, quyết định của Tòa án;

- Chỉ thị số 26/CT-TTg Thủ Tướng ban hành ngày 15/11/2019 về việc tăng cường chấp hành pháp luật tố tụng hành chính và thi hành án hành chính;

- Nghị quyết số 388/NQ-UBTP15 Ủy ban Tư pháp của Quốc hội ban hành ngày 22/2/2022 về việc thành lập Đoàn giám sát và Kế hoạch số 389/KH-UBTP15 giám sát chuyên đề “Việc chấp hành pháp luật về tố tụng hành chính trong giải quyết các vụ án hành chính, thi hành các bản án, quyết định hành chính đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Ủy ban nhân dân.

Nội dung:

1. Quy định pháp luật về thi hành bản án hành chính.

Công tác thi hành án hành chính là lĩnh vực công tác còn mới so với thi hành án dân sự và thi hành án hình sự, được quy định duy nhất tại Điều 74 Pháp lệnh Thủ tục giải quyết vụ án hành chính năm 1996, Luật Tố tụng Hành chính 2015 hiện hành đã dành riêng một Chương (Chương XIX) quy định về trình tự, thủ tục thi hành bản án, quyết định của Toà án về vụ án hành chính.

Theo đó Chính phủ là cơ quan thống nhất quản lý nhà nước về công tác thi hành án hành chính trong phạm vi cả nước, Bộ Tư pháp là cơ quan chịu trách nhiệm tham mưu giúp Chính phủ về công tác này; hệ thống các cơ quan thi hành án dân sự được giao trách nhiệm theo dõi thi hành án hành chính. Trên cơ sở đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 71/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 quy định thời hạn, trình tự, thủ tục thi hành án hành chính và xử lý trách nhiệm đối với người không thi hành bản án, quyết định của Tòa án, trong đó, đã quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của Tổng cục thi hành án dân sự trong công tác thi hành án hành chính, tạo hành lang pháp lý cho Tổng cục thi hành án dân sự trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn liên quan đến công tác thi hành án hành chính, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý công tác thi hành án hành chính.

Đối tượng để thi hành án hành chính được quy định cụ thể tại Điều 309 Luật Tố tụng Hành chính 2015 gồm:

- Bản án, quyết định hoặc phần bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm đã có hiệu lực pháp luật;

- Bản án, quyết định của Tòa án cấp phúc thẩm;

- Quyết định giám đốc thẩm hoặc tái thẩm của Tòa án; Quyết định theo thủ tục đặc biệt của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao quy định tại Điều 296 của Luật Tố tụng Hành chính;

- Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của Tòa án mặc dù có khiếu nại, kiến nghị.

2. Thực tiễn việc thi hành bản án hành chính.

Trong những năm gần đây, số lượng các vụ án hành chính được thụ lý, giải quyết có xu hướng gia tăng, nhiều vụ việc có nội dung phức tạp khiến công tác xét xử và thi hành án hành chính được các cơ quan lập pháp, hành pháp đặc biệt quan tâm. Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 15/11/2019 về việc tăng cường chấp hành pháp luật tố tụng hành chính và thi hành án hành chính. Ngày 22/02/2022, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 388/NQ-UBTP15 về việc thành lập Đoàn giám sát và Kế hoạch số 389/KH-UBTP15 giám sát chuyên đề “Việc chấp hành pháp luật về tố tụng hành chính trong giải quyết các vụ án hành chính, thi hành các bản án, quyết định hành chính đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Ủy ban nhân dân”.

Theo báo cáo của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tổng số bản án, quyết định của Tòa án mà cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước là bên phải thi hành án trong 06 năm là 3.012 bản án, quyết định (năm 2017 là 361; năm 2018 là 363; năm 2019 là 637; năm 2020 là 830; năm 2021 là 944, năm 2022 là 992 (số liệu tính đến hết ngày 30/9/2022).

Kết quả thi hành từng năm cụ thể như sau: năm 2017 thi hành xong 276 bản án, còn phải thi hành 85 bản án; năm 2018 thi hành xong 139 bản án, còn phải thi hành 224 bản án; năm 2019 thi hành xong 298 bản án, còn phải thi hành 339 bản án; năm 2020 thi hành xong 363 bản án, còn phải thi hành 467 bản án; năm 2021 thi hành xong 455 bản án, còn phải thi hành 489 bản án; năm 2022 thi hành xong 429 bản án, còn phải thi hành 563 bản án.

Từ kết quả thi hành án hành chính nêu trên cho thấy, số bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính mà cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước là bên phải thi hành án ngày càng tăng qua các năm, cao nhất là năm 2022 với tổng số phải thi hành là 992 bản án, tăng gấp hơn 2,7 lần so với năm 2017. Kết quả thi hành xong trên tổng số bản án, quyết định phải thi hành về cơ bản có chiều hướng gia tăng qua các năm.

Tuy nhiên, vẫn còn 563 bản án hành chính đã có hiệu lực chưa được thi hành xong, trong đó, còn nhiều bản án, người phải thi hành án là Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và có những bản án tồn đọng nhiều năm nhưng chưa được tổ chức thi hành dứt điểm.

Trong số đó có những bản án tồn đọng rất nhiều năm nhưng đến nay vẫn chưa thi hành xong, ngay tại Chỉ thị 26 của Chính phủ cũng đã thống kê còn 21 bản án, quyết định hành chính có hiệu lực pháp luật trước ngày 01/7/2016 (ngày Luật Tố tụng Hành chính 2015 và Nghị định 71/2016/NĐ-CP có hiệu lực thi hành) chưa được thi hành. Tình trạng này dẫn đến người dân bức xúc, việc khiếu kiện kéo dài gây mất ổn định tình hình xã hội, đặc biệt là ảnh hưởng đến uy tín của các cơ quan nhà nước.

3. Nguyên nhân gây ra khó khăn trong việc thi hành bản án hành chính.

Việc còn tồn đọng nhiều bản án chưa được thi hành án hành chính xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có cả nguyên nhân chủ quan và khách quan. Cụ thể, hoạt động thi hành án hành chính theo Luật Tố tụng Hành chính 2015 và Nghị định 71/2016/NĐ-CP chưa có quy định cụ thể về cơ chế cưỡng chế thi hành án đối với các trường hợp không tự nguyện thi hành án hành chính, trong khi đây là lĩnh vực nhạy cảm, liên quan trực tiếp đến người phải thi hành án là cơ quan nhà nước và người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước và bên được thi hành án là người dân.

Hầu hết các bản án hành chính chưa thi hành xong đều thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước về đất đai, đây là lĩnh vực hết sức phức tạp, các vụ việc tranh chấp, khiếu kiện thường có lịch sử kéo dài nhiều năm, đã qua nhiều cấp, nhiều ngành giải quyết, hiện trạng quản lý, sử dụng đất theo đó đã có nhiều biến động, trong khi hệ thống các quy định của pháp luật đất đai thường xuyên thay đổi.

Một số quy định của pháp luật về thi hành án hành chính chưa được quy định rõ ràng, cụ thể dẫn đến phát sinh khó khăn, vướng mắc trong quá trình áp dụng trên thực tế, như quy định về thi hành án trong trường hợp bản án tuyên hủy quyết định hành chính, về phạm vi trách nhiệm theo dõi thi hành án hành chính, về xử lý trách nhiệm trong thi hành án hành chính… Một số cá nhân, cơ quan được giao trách nhiệm trong công tác thi hành án hành chính còn nể nang, né tránh việc kiến nghị cũng như xem xét, xử lý trách nhiệm của người phải thi hành án trong việc chậm, không chấp hành án hành chính.

4. Một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác thi hành án hành chính

Thứ nhất, Hoàn thiện và xây dựng đồng bộ, nhất quán giữa các quy định pháp luật về pháp Luật Tố tụng Hành chính 2015 và các luật, văn bản pháp luật khác để công tác xét xử và thi hành án hành chính được đảm bảo, nhanh chóng và hiệu quả.

Thứ hai, Tăng cường chỉ đạo, giám sát các cấp Tòa án, cơ quan thi hành án dân sự đối với công tác xét xử và thi hành án hành chính, đặc biệt tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các quy định của Luật Tố tụng Hành chính 2015, NĐ 71/2016/NĐ-CP và Chỉ thị 26/CT-TTg nhằm bảo đảm việc xét xử các vụ án hành chính được nhanh chóng, đúng quy định pháp luật. Ngoài ra, cần phải chú trọng nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu, cấp trên của các cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan thực hiện chức năng xét xử, quản lý, theo dõi thi hành án hành chính.

Thứ ba, Xây dựng nội dung và tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ cho các thẩm phán, chấp hành viên để nâng cao trình độ, đảm bảo công tác xét xử và thi hành án hành chính.

Thứ tư, Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về xét xử và thi hành án hành chính đến đội ngũ công chức và các tầng lớp nhân dân nhằm nâng cao trách nhiệm và nhận thức về công tác xét xử và thi hành án hành chính.

Thứ năm, Tăng cường công tác phối hợp giữa Bộ Tư pháp với Tòa án nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Tổng cục thi hành án dân sự và các bộ, ngành, địa phương có liên quan trong công tác quản lý nhà nước về xét xử và thi hành án hành chính.

Thứ sáu, Tập trung và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, thanh tra và giải quyết khiếu nại tố cáo theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, đặc biệt là kiểm tra việc thi hành án hành chính tại các cơ quan, địa phương có số lượng vụ việc thi hành án hành chính lớn, phức tạp, kéo dài nhằm kịp thời phát hiện các sai phạm để chấn chỉnh, xử lý theo quy định, tránh để tình trạng các bản án, quyết định hành chính có hiệu lực còn tồn đọng, ảnh hưởng đến quyền lợi của người bị thiệt hại và gây bức xúc dư luận xã hội.

Trên đây là một số thông tin về thực tiễn thi hành bản án hành chính. Để được tư vấn các vấn đề pháp lý liên quan, xin vui lòng liên hệ:

CÔNG TY LUẬT TNHH HT LEGAL VN

VP1: 37/12 Hẻm 602 Điện Biên Phủ, P.22, quận Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh (Cạnh UBND phường 22).

VP2: 207B Nguyễn Phúc Chu, P.15, quận Tân Bình, Tp. Hồ Chí Minh.

Email: info@htlegalvn.com Hotline: 09 6161 4040 - 09 4517 4040

 

 

Phượng Tường
Theo HT Legal VN

Cùng chuyên mục