[ HỎI - ĐÁP] Quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại do xâm phạm đến tính mạng có phải là di sản của người có tính mạng bị xâm phạm để lại hay không?

21/12/2020 - 2118 lượt xem

Quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại do xâm phạm đến tính mạng có phải là di sản của người có tính mạng bị xâm phạm để lại hay không?

Mỗi cá nhân được sinh ra và sẽ chết đi đó chính là quy luật tự nhiên, có người để lại di sản có người thì không.

Trong trường hợp phổ biến chúng ta thường gặp đó là yêu cầu bồi thường thiệt hại do xâm phạm tính mạng sau vụ tai nạn đã xảy ra. Vậy câu hỏi đặt ra rằng quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại do xâm phạm đến tính mạng có phải là là di sản của người chết để lại để chia thừa kế hay không?

Điều 612, Bộ Luật Dân sự 2015 quy định: “Di sản bao gồm tài sản riêng của người chết, phần tài sản của người chết trong tài sản chung với người khác”

Để chứng minh quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm là Di sản thì trước hết nó phải là tài sản.

Tài sản được xác định theo Khoản 1, Điều 105, BLDS 2015: “Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản. Nên quyền được bồi thường thiệt hại là tài sản khi nó là quyền tài sản (đương nhiên không phải vật, tiền hay giấy tờ có giá)."

Trong khi đóĐiều 115, BLDS 2015: Quyền tài sản là quyền trị giá được bằng tiền, bao gồm quyền tài sản đối với đối tượng quyền sở hữu trí tuệ, quyền sử dụng đất và các quyền tài sản khác”

Theo quan điểm của những người soạn thảo Bộ luật Dân sự năm 2015, quyền tài sản chỉ còn mang một đặc điểm duy nhất “có thể trị giá được bằng tiền” so với quy định của BLDS 2005 - tức là bất kỳ quyền nào đem lại giá trị kinh tế cho con người sẽ được coi là quyền tài sản.

Quay lại quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm liên quan đến yếu tố nhân thân không thể đem ra cân đo đong đếm về mặt kinh tế. Vì vậy, bản chất quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm không phải là quyền tài sản.

Như vậy, quyền yêu cầu bồi thường do tính mạng bị xâm phạm không phải là quyền tài sản và cũng không phải là di sản do người chết để lại.

Vậy chủ thể nào có quyền yêu cầu bồi thường các khoản thiệt hại trong trường hợp này?

Căn cứ Điều 591, BLDS 2015: “Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm

1. Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm bao gồm: a) Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm theo quy định tại Điều 590 của Bộ luật này; b) Chi phí hợp lý cho việc mai táng; c) Tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng; d) Thiệt hại khác do luật quy định.

2. Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp tính mạng của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại, nếu không có những người này thì người mà người bị thiệt hại đã trực tiếp nuôi dưỡng, người đã trực tiếp nuôi dưỡng người bị thiệt hại được hưởng khoản tiền này. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có tính mạng bị xâm phạm không quá một trăm lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.”

Chúng ta nhận thấy sẽ có 3 nhóm đối tượng được quyền yêu cầu bồi thường liên quan đến các khoản thiệt hại trong trường hợp này đó là:

  1. Người đã bỏ chi phí cho việc mai táng người chết

  2. Những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng

  3. Những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại, nếu không có những người này thì người mà người bị thiệt hại đã trực tiếp nuôi dưỡng, người đã trực tiếp nuôi dưỡng người bị thiệt hại được hưởng khoản tiền này

Trên đây là nội dung pháp lý liên quan đến quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm mà chúng tôi muốn chia sẻ đến bạn đọc.

Công ty Luật TNHH HT Legal VN - Hotline: 09 6161 4040 – 09 4517 4040

HT LEGAL VN