Trường hợp nào không phải bồi thường thiệt hại
Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng được hiểu là loại trách nhiệm bồi thường không phát sinh từ quan hệ hợp đồng; người nào có hành vi xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.
Vậy, nói một cách đơn giản. Có ba yếu tố để hình thành nên trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng: (1) Có hành vi gây thiệt hại không phát sinh từ quan hệ hợp đồng;(2) Có thiệt hại xảy ra trên thực tế; (3) Có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi gây thiệt hại và thiệt hại trên thực tế. Hội đủ 3 yếu tố này thì người gây thiệt hại phải chịu trách nhiệm bồi thường. Nhưng có trường hợp nào hội đủ ba yếu tố trên nhưng vẫn được loại trừ trách nhiệm bồi thường thiệt hại này hay không?
Căn cứ pháp lý: Bộ luật Dân sự 2015
Giải đáp:
Khoản 2, Điều 584 Bộ luật dân sự 2015 quy định về Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng như sau:
“2. Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.”
Từ quy định trên, ta nhận thấy có hai trường hợp được loại trừ trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, đó là:
1. Thiệt hại phát sinh do sự kiện bất khả kháng:
Vậy “sự kiện bất khả kháng” là những sự kiện nào?
Trong phần bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, BLDS 2015 có quy định về sự kiện bất khả kháng nhưng không cho biết khái niệm này cần được hiểu như thế nào.
Tuy nhiên, trong phần quy định liên quan đến thời hiệu, BLDS 2015 có đưa ra khái niệm về bất khả kháng. Theo Khoản 1, Điều 156 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: “Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.”
Như vậy để xét hoàn cảnh gây ra thiệt hại có phải do sự kiện bất khả kháng hay không chúng ta phải xét ba yếu tố:
Thứ nhất, sự kiện xảy ra “một cách khách quan”, có nghĩa đây phải là sự kiện xảy ra ngoài sự tác động, không có chủ ý gây nên lỗi hay nói cách khác, người gây ra thiệt hại hoàn toàn bị động.
Thứ hai, sự kiện trên “không thể lường trước được”. Tại thời điểm gây thiệt hại thì chúng ta không biết viễn cảnh tương lai có những trường hợp xảy ra như vậy.
Thứ ba, thiệt hại đã xảy ra nhưng chúng ta “không thể khắc phục được mặc dù đã dùng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép”.
Trong sự kiện chúng ta xét thì phải có đầy đủ các yếu tố trên mới được xem là sự kiện bất khả kháng, nếu thiếu một yếu tố như “không thể khắc phục được” nhưng có thể lường trước được (hoặc ngược lại) thì không có sự kiện bất khả kháng.
2. Thiệt hại xảy ra, hoàn toàn do lỗi của bị hại:
Một trường hợp được loại trừ trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng nữa cho người gây ra thiệt hại là thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của bị hại. Như vậy, khi người bị thiệt hại hoàn toàn có lỗi, người gây ra thiệt hại không chịu trách nhiệm bồi thường và nội dung này tương đối rõ trong văn bản nên sẽ không phân tích thêm.
Hỏi: Thưa Luật sư, chị tôi điều khiển xe máy trên đường, thì có 02 thanh niên điều khiển xe Honda đi từ phía sau, thanh niên ngồi phía sau dùng tay phải giật sợi dây chuyền của chị tôi đồng thời dùng chân đạp vào xe máy của chị tôi nên dẫn đến việc chị tôi mất thăng bằng và lao xe lên lề đường bên phải đụng vào bà M đang tập thể dục trên lề đường.
Hiện bà M yêu cầu chị tôi phải bồi thường thì có đúng không ạ?
Đáp:
Để biết chị của bạn có phải chịu trách nhiệm bồi thường hay không, thì chị bạn phải thuộc một trong các trường hợp không phải bồi thường, như:
- Trường hợp do lỗi của người bị hại:
Theo thông tin bạn cung cấp, bà M đứng tập thể dục trên lề đường thì bà M không có lỗi.
Vậy tình huống này không thuộc trường hợp loại trừ trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài ngoài hợp đồng do lỗi của người bị hại.
- Vậy có thuộc trường hợp do sự kiện bất khả kháng hay không?
Theo quy định tại Khoản 3, Điều 601. Bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra: “....3. Chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại cả khi không có lỗi, trừ trường hợp sau đây: a) Thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại; b) Thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.”
Xét theo 3 yếu tố về sự kiện bất khả kháng đã phân tích nêu trên
Thứ nhất, “sự kiện xảy ra một cách khách quan”. Việc chị bạn bị mất thăng bằng lao xe lên lề đường xuất phát từ hành vi đạp xe của hai thanh niên đi cướp, sự việc xảy ra không phụ thuộc vào chị của bạn.
Thứ hai, “không thể lường trước được”. Tất nhiên việc bị cướp giật, bị đạp xe mất thăng bằng lao xe lên lề là việc không ai lường trước được và chị bạn cũng không nghĩ điều đó xảy ra với mình khi mình đang sống trong một xã hội an ninh trật tự được pháp luật lực lượng thực thi pháp luật bảo vệ.
Thứ ba, trong tình thế đó chị bạn hoàn toàn bị động và không thể khắc phục được.
Vậy từ những phân tích trên, xác định trường hợp của chị bạn thuộc trường hợp bất khả kháng nên được loại trừ trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng và không phải bồi thường theo pháp luật.
Trên đây là toàn bộ ý kiến của chúng tôi về vấn đề trên dựa vào các dữ kiện mà bạn cung cấp.
Công ty Luật TNHH HT Legal VN - hotline: 09 6161 4040 – 09 4517 4040