Chuyện bị phạt vì chia sẻ bài báo trên mạng xã hội

09/06/2020 - 1308 lượt xem

(PL)- Khác với nghị định cũ, Nghị định 15/2020 (xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực công nghệ thông tin…) dành hẳn một điều để quy định rõ loại “vi phạm các quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội”. 

Theo đó, có nhiều hành vi không mới (như cung cấp, chia sẻ các thông tin giả mạo, sai sự thật…) và có cả hành vi trước giờ mọi người ít nghe.

Cụ thể, theo điểm đ khoản 1 Điều 101 nghị định này, hành vi “cung cấp, chia sẻ các tác phẩm báo chí, văn học, nghệ thuật, xuất bản ấn phẩm mà không được sự đồng ý của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ hoặc chưa được phép lưu hành hoặc đã có quyết định cấm lưu hành hoặc tịch thu” có thể bị phạt 5-10 triệu đồng (đối với cá nhân), 10-20 triệu đồng (đối với tổ chức).

Yếu tố “chưa được phép lưu hành hoặc đã có quyết định cấm lưu hành hoặc tịch thu” mà lại cung cấp, chia sẻ trên mạng xã hội thì đa số đều có thể nhận ra ngay đó là vi phạm. Song yếu tố nếu không được sự đồng ý của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ, cá nhân, tổ chức không được cho số đông biết nhiều hơn về các tác phẩm thì đang có nhiều thắc mắc, băn khoăn.

“Được đồng ý có nghĩa là phải xin phép hay sao?”. “Rất nhiều tờ báo, kênh truyền hình đang cài đặt sẵn các chế độ người đọc dễ dàng, nhanh chóng “share” tin, bài đến công chúng vào các địa điểm được chọn lựa. Vậy có thể cùng hiểu là báo chí đã mặc nhiên đồng ý cho người đọc thực hiện quyền chia sẻ miễn phí nên độc giả cứ tiếp tục chia sẻ theo ý muốn như trước giờ, được không”...

Có nhiều câu hỏi đại loại vậy do trước khi có Nghị định 15/2020 thì nhiều chủ tài khoản mạng xã hội vẫn tự nhiên cung cấp, chia sẻ các tin, bài đã được báo chí đăng tải mà theo họ là đáng quan tâm, cần được quảng bá, trao đổi, tranh luận… Hầu như chẳng có trường hợp cung cấp, chia sẻ nào như thế bị cơ quan báo chí hay cơ quan quản lý báo chí đòi hỏi điều kiện hay rầy rà gì.

Theo Luật Sở hữu trí tuệ và các văn bản hướng dẫn, tác phẩm báo chí là một trong những loại hình tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả. Đó là những tác phẩm báo chí có nội dung độc lập và cấu tạo hoàn chỉnh, bao gồm các thể loại như phóng sự, tường thuật, phỏng vấn, phản ánh, điều tra, bình luận… nhằm đăng, phát trên báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử hoặc các phương tiện khác. Trừ tin tức thời sự thuần túy, tức là các thông tin báo chí ngắn hằng ngày, chỉ mang tính chất đưa tin không có tính sáng tạo mới không thuộc phạm vi bảo hộ quyền tác giả.

Với việc được bảo hộ đó, cơ quan báo chí hay những tổ chức, cá nhân có tác phẩm khác được bảo hộ quyền tác giả có quyền truyền đạt tác phẩm đến công chúng bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào khác. Tương ứng với quyền tác giả, quyền liên quan, tổ chức, cá nhân khi khai thác, sử dụng một trong các quyền được bảo hộ đều phải xin phép và trả tiền nhuận bút, thù lao, các quyền lợi vật chất khác cho chủ sở hữu quyền tác giả.

Từ yêu cầu “phải xin phép đó”, các nghị định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả... đã đề ra hình thức chế tài hành vi truyền đạt tác phẩm trên mạng thông tin điện tử hoặc sao chép tác phẩm trên môi trường mạng… mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả. Giờ Nghị định 15/2020 quy định rõ địa điểm cung cấp, chia sẻ tác phẩm là mạng xã hội và có thêm cái khác là phải được sự đồng ý (chứ không phải là phải xin phép, phải được phép).

Về ngữ nghĩa, “được đồng ý” là được nhất trí; “phải xin phép”, “phải được phép” là phải được sự chấp thuận cho làm việc gì đó của người có thẩm quyền. Tính ra, “được đồng ý” có phần song hành, ít cách biệt hơn là “phải xin phép”, “phải được phép”.

Cùng với đó, so với các tác phẩm văn học, nghệ thuật, ấn phẩm thì việc truyền đạt, quảng bá các tác phẩm báo chí cũng có sự khác nhau về phương thức, kiểu cách.

Vì các lẽ này, khi chưa có hướng dẫn riêng dành cho tác phẩm báo chí, Bộ TT&TT cũng chưa chính thức giải thích thêm, trước mắt hãy nhìn nhận yêu cầu đã nêu của Nghị định 15/2020 theo hướng đơn giản hóa, sát hợp với xu thế phát triển mới của báo chí vậy.

Với việc chủ động cài đặt các biểu tượng “chia sẻ” hay “share” kèm theo tin, bài đã được đăng tải nhằm tăng hiệu quả truyền thông, các cơ quan báo chí đã đồng ý cho nhiều độc giả cùng tham gia truyền tải rộng rãi các tin, bài đó đến cộng đồng.

Riêng đối với những tin, bài mà báo chí quyết định không để các biểu tượng thể hiện sự ưng thuận ấy thì bạn đọc mới không được chia sẻ trên mạng xã hội. Trong trường hợp cá nhân/tổ chức nào đó vẫn bất chấp cung cấp, chia sẻ hay có những hành vi khác xâm hại quyền tác giả, quyền liên quan thì mới bị xem là vi phạm để phải bị xử phạt phù hợp.

THU TÂM
Theo https://plo.vn/phap-luat/chuyen-bi-phat-vi-chia-se-bai-bao-tren-mang-xa-hoi-910072.html