HỆ QUẢ CỦA VIỆC CHẤM DỨT HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG TRÁI PHÁP LUẬT (CÔNG TY LUẬT UY TÍN TẠI QUẬN BÌNH THẠNH, TÂN BÌNH TP. HỒ CHÍ MINH)
Chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật được hiểu theo điều 39 Bộ luật Lao động 2019 là trường hợp người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không đúng quy định tại Điều 35 Bộ luật Lao động 2019 và người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không đúng quy định tại Điều 36 và 37 của Bộ luật Lao động 2019.
HT Legal VN xin chia sẻ về hệ quả của việc chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật cụ thể như sau:
- Căn cứ pháp lý:
- Bộ luật Lao động số 45/2019/QH14 ngày 20/11/2019.
- Nghị định 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động.
- Nội dung:
- Đối với người lao động chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật:
Căn cứ Điều 40 Bộ luật Lao động 2019, hệ quả khi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật là:
- Không được trợ cấp thôi việc.
- Phải bồi thường cho người sử dụng lao động nửa tháng tiền lương theo hợp đồng lao động và một khoản tiền tương ứng với tiền lương theo hợp đồng lao động trong những ngày không báo trước.
- Phải hoàn trả cho người sử dụng lao động chi phí đào tạo.
Theo khoản 3 điều 62 Bộ luật Lao động 2019, chi phí đào tạo bao gồm các khoản chi có chứng từ hợp lệ về chi phí trả cho người dạy, tài liệu học tập, trường, lớp, máy, thiết bị, vật liệu thực hành, các chi phí khác hỗ trợ cho người học và tiền lương, tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người học trong thời gian đi học. Trường hợp người lao động được gửi đi đào tạo ở nước ngoài thì chi phí đào tạo còn bao gồm chi phí đi lại, chi phí sinh hoạt trong thời gian đào tạo.
- Đối với người sử dụng lao động chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật:
Căn cứ Điều 41 Bộ luật lao động 2019 hệ quả khi người sử dụng lao động chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật là:
- Phải nhận người lao động trở lại làm việc theo hợp đồng lao động đã giao kết; phải trả tiền lương, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trong những ngày người lao động không được làm việc và phải trả thêm cho người lao động một khoản tiền ít nhất bằng 02 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động.
Sau khi được nhận lại làm việc, người lao động hoàn trả cho người sử dụng lao động các khoản tiền trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm nếu đã nhận của người sử dụng lao động.
Trường hợp không còn vị trí, công việc đã giao kết trong hợp đồng lao động mà người lao động vẫn muốn làm việc thì người lao động và người sử dụng lao động thỏa thuận để sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động.
Trường hợp vi phạm quy định về thời hạn báo trước khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động thì phải trả một khoản tiền tương ứng với tiền lương theo hợp đồng lao động trong những ngày không báo trước.
- Trường hợp người lao động không muốn tiếp tục làm việc thì ngoài khoản tiền phải trả nêu tại điều a trên đây, người sử dụng lao động phải trả trợ cấp thôi việc theo quy định tại Điều 46 Bộ luật Lao động 2019 để chấm dứt hợp đồng lao động.
- Trường hợp người sử dụng lao động không muốn nhận lại người lao động và người lao động đồng ý thì ngoài khoản tiền người sử dụng lao động phải trả theo quy định tại khoản a trên đây và trợ cấp thôi việc theo quy định tại Điều 46 Bộ luật Lao động 2019, hai bên thỏa thuận khoản tiền bồi thường thêm cho người lao động nhưng ít nhất bằng 02 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động để chấm dứt hợp đồng lao động.
Căn cứ Điều 8 Nghị định 145/2020/NĐ-CP, khoản trợ cấp thôi việc theo quy định tại điều 46 Bộ luật Lao động 2019 được tính như sau:
- Đối tượng áp dụng: Người lao động đã làm việc thường xuyên từ đủ 12 tháng trở lên, trừ trường hợp:
- Người lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định pháp luật;
- Người lao động tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng từ 05 ngày làm việc liên tục trở lên.
- Phương thức tính: Trợ cấp thôi việc = ½ x Tiền lương để tính trợ cấp thôi việc x Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc
- Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc = (Tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động) - (Thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp) - (Thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm).
Trong đó:
- Tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động bao gồm:
- Thời gian trực tiếp làm việc;
- Thời gian thử việc;
- Thời gian được người sử dụng lao động cử đi học;
- Thời gian nghỉ chế độ ốm đau, thai sản theo quy định pháp luật về bảo hiểm xã hội;
- Thời gian nghỉ điều trị, phục hồi chức năng khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp mà được trả lương theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động;
- Thời gian nghỉ việc để thực hiện nghĩa vụ công dân theo quy định của pháp luật mà được người sử dụng lao động trả lương;
- Thời gian ngừng việc không do lỗi của phía người lao động;
- Thời gian nghỉ hằng tuần;
- Thời gian nghỉ việc hưởng nguyên lương;
- Thời gian thực hiện nhiệm vụ của tổ chức đại điện người lao động;
- Thời gian bị tạm đình chỉ công việc.
- Thời gian đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp bao gồm:
- Thời gian đã đóng bảo hiểm thất nghiệp;
- Thời gian thuộc diện không phải đóng bảo hiểm thất nghiệp nhưng được người sử dụng chi trả cùng tiền lương một khoản tiền bằng với mức đóng bảo hiểm thất nghiệp.
Thời gian làm việc được tính theo năm (đủ 12 tháng); trường hợp có tháng lẻ ít hơn hoặc bằng 06 tháng được tính bằng 1/2 năm, trên 06 tháng được tính bằng 01 năm làm việc.
- Tiền lương để tính trợ cấp thôi việc = Tiền lương bình quân của 06 tháng liền kề theo hợp đồng lao động trước khi thôi việc/ trước khi chấm dứt hợp đồng lao động cuối cùng.
Trường hợp hợp đồng lao động cuối cùng bị vô hiệu do tiền lương, tiền lương để tính trợ cấp thôi việc do các bên thỏa thuận nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng hoặc mức lương ghi trong thỏa ước lao động tập thể.
Công ty Luật TNHH HT Legal VN tự hào là Công ty Luật chuyên nghiệp giải quyết tranh chấp lao động, đồng hành cùng doanh nghiệp phát triển an toàn trong thời đại kinh tế thị trường. Nếu có nhu cầu tư vấn, vui lòng liên hệ:
CÔNG TY LUẬT TNHH HT LEGAL VN
VP1: 37/12 Hẻm 602 Điện Biên Phủ, P.22, quận Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh (Bên cạnh UBND phường 22)
VP2: 207B Nguyễn Phúc Chu, P.15, quận Tân Bình, Tp. Hồ Chí Minh
Email: info@htlegalvn.com Hotline: 09 6161 4040 – 09 4517 4040