TRÌNH TỰ, THỦ TỤC KHIẾU NẠI CỦA NGƯỜI LAO ĐỘNG VỚI HÀNH VI TRÁI PHÁP LUẬT CỦA CÔNG TY (CÔNG TY LUẬT UY TÍN TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH, VIỆT NAM)

19/11/2024 - 182 lượt xem

Khiếu nại về lao động là việc người lao động, người học nghề, tập nghề để làm việc cho người sử dụng lao động, người thử việc theo thủ tục quy định tại Nghị định 24/2018/NĐ-CP yêu cầu người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại về lao động xem xét lại quyết định, hành vi về lao động của người sử dụng lao động khi có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó vi phạm pháp luật lao động, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

TRÌNH TỰ, THỦ TỤC KHIẾU NẠI CỦA NGƯỜI LAO ĐỘNG

VỚI HÀNH VI TRÁI PHÁP LUẬT CỦA CÔNG TY 

(CÔNG TY LUẬT UY TÍN TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH, VIỆT NAM)

 

Trong quan hệ lao động, khi quyền lợi hợp pháp của Người lao động bị xâm phạm, họ cần biết cách thực hiện quyền khiếu nại đúng quy định pháp luật để bảo vệ mình trước những vi phạm từ phía công ty. Những tranh chấp phổ biến về lương thưởng, thu nhập, điều kiện làm việc, hay thậm chí các thủ tục như chấm dứt hợp đồng lao động vẫn thường diễn ra không đúng theo quy định pháp luật.

Đứng trước những tình huống này, người lao động thường là bên yếu thế hơn, việc nắm rõ quy trình khiếu nại, xử lý tranh chấp để đòi lại quyền và lợi ích hợp pháp của mình là điều cực kỳ quan trọng.

Quy định về trình tư, thủ tục khiếu nại không chỉ là công cụ pháp lý bảo vệ người lao động mà còn góp phần đảm bảo sự công bằng và minh bạch trong môi trường làm việc. Thông qua bài viết này, Công ty Luật TNHH HT Legal VN sẽ giúp Người lao động và Người sử dụng lao động (Công ty) nắm vững trình tự, thủ tục khiếu nại khi gặp phải hành vi vi phạm từ phía công ty, từ đó thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình.

I. Cơ sở pháp lý

- Bộ luật Lao động 2019 số 45/2019/QH14;

- Nghị định số 24/2018/NĐ-CP ngày 27 tháng 02 năm 2018 của Chính phủ quy định về việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực lao động, giáo dục nghề nghiệp, hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, việc làm, an toàn, vệ sinh lao động ("Nghị định 24/2018/NĐ-CP").

II. Nội dung

Thông thường khi phát sinh tranh chấp trong quan hệ lao động, các bên nên thương lượng, thoả thuận trong êm đẹp để mối quan hệ lao động được duy trì, các bên thấu hiểu nhau hơn. Tuy nhiên khi mối quan hệ đã trở nên căng thằng, quyền lợi của người lao động không còn được đảm bảo, họ có quyền thực hiện quyền khiếu nại mà pháp luật cho phép. Vậy khiếu nại là gì?

1. Khiếu nại về lao động là gì? 

Căn cứ vào khoản 1 Điều 3 Nghị định 24/2018/NĐ-CP, khái niệm khiếu nại về lao động được quy định như sau:

Khiếu nại về lao động là việc người lao động, người học nghề, tập nghề để làm việc cho người sử dụng lao động, người thử việc theo thủ tục quy định tại Nghị định 24/2018/NĐ-CP yêu cầu người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại về lao động xem xét lại quyết định, hành vi về lao động của người sử dụng lao động khi có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó vi phạm pháp luật lao động, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Dựa vào khái niệm trên, ta thấy khi người lao động phát hiện ra những hành vi vi phạm của công ty ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến quyền lợi của mình thì người lao động có thể trực tiếp thực hiện thủ tục khiếu nại hoặc ủy quyền cho người khác khiếu nại giúp mình.

 

2. Trình tự, thủ tục khiếu nại về lao động.

Căn cứ vào các quy định của Nghị định 24/2018/NĐ-CP, thủ tục khiếu nại có thể thực hiện hai lần. Thủ tục, thời hiệu và thẩm quyền cho từng lần thực hiện được quy định cụ thể như sau:

a. Thực hiện khiếu nại lần đầu:

- Khi có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi của người sử dụng lao động, công ty là trái pháp luật, xâm phạm trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình thì người bị xâm phạm thực hiện khiếu nại đến người giải quyết khiếu nại lần đầu. 

- Thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu: Người sử dụng lao động.

- Thời hiệu khiếu nại lần đầu: 

Trong thời hạn 180 ngày, kể từ ngày người khiếu nại nhận được hoặc biết được quyết định, hành vi của người sử dụng lao động bị khiếu nại

Trường hợp người khiếu nại không thực hiện được quyền khiếu nại theo đúng thời hiệu quy định vì ốm đau, thiên tai, địch họa, đi công tác, học tập ở nơi xa hoặc vì những trở ngại khách quan khác thì thời gian trở ngại đó không tính vào thời hiệu khiếu nại. 

- Thụ lý giải quyết khiếu nại lần đầu: 

Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được khiếu nại thuộc phạm vi, thẩm quyền giải quyết của mình, người giải quyết khiếu nại lần đầu phải thụ lý giải quyết và thông báo bằng văn bản về việc thụ lý giải quyết khiếu nại cho người khiếu nại và Chánh Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi người sử dụng lao động đặt trụ sở chính;

Thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu không quá 30 ngày, kể từ ngày thụ lý; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết không quá 45 ngày, kể từ ngày thụ lý. Ở vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn thì thời hạn giải quyết khiếu nại không quá 45 ngày, kể từ ngày thụ lý; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết không quá 60 ngày, kể từ ngày thụ lý. 

b. Thực hiện khiếu nại lần hai: 

- Trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc quá thời hạn giải quyết theo quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì người khiếu nại có quyền khởi kiện tại tòa án thực hiện khiếu nại lần hai.

- Thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai: Chánh Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, nơi người sử dụng lao động đặt trụ sở chính.

- Thời hiệu khiếu nại lần hai: 

Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày hết thời hạn giải quyết khiếu nại mà khiếu nại lần đầu không được giải quyết hoặc kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu mà người khiếu nại không đồng ý thì có quyền khiếu nại đến người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai; đối với vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn thì thời hạn có thể kéo dài hơn nhưng không quá 45 ngày.

- Thụ lý giải quyết khiếu nại lần hai:

Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn khiếu nại thuộc thẩm quyền giải quyết của mình, người giải quyết khiếu nại lần hai phải thụ lý giải quyết và thông báo bằng văn bản về việc thụ lý giải quyết khiếu nại cho người khiếu nại.

Thời hạn giải quyết khiếu nại lần hai không quá 45 ngày, kể từ ngày thụ lý; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết khiếu nại không quá 60 ngày, kể từ ngày thụ lý. Ở vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn thì thời hạn giải quyết khiếu nại không quá 60 ngày, kể từ ngày thụ lý; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết khiếu nại không quá 90 ngày, kể từ ngày thụ lý.

c. Khởi kiện:

Ngoài thực hiện khiếu nại như trên thì người lao động còn có thể khởi kiện vụ án tại Tòa án quy định ở khoản 2 Điều 10 Nghị định 24/2018/NĐ-CP như sau:

- Trường hợp khởi kiện theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự:

+ Có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi của người sử dụng lao động là trái pháp luật, xâm phạm trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình;

+ Không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu 

+Đã hết thời hạn quy định mà khiếu nại lần đầu không được giải quyết.

- Trường hợp khởi kiện theo quy định của pháp luật tố tụng hành chính:

+ Không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần hai.

+ Đã hết thời hạn quy định mà khiếu nại lần hai không được giải quyết.

3. Hình thức khiếu nại:

Căn cứ vào Điều 6 Nghị định 24/2018/NĐ-CP thì có hai hình thức thực hiện khiếu nại là gửi đơn khiếu nại hoặc khiếu nại trực tiếp, được quy định như sau: 

- Khiếu nại bằng hình thức gửi đơn 

+ Trong đơn khiếu nại ghi rõ nội dung sau đây: ngày, tháng, năm khiếu nại; tên, địa chỉ của người khiếu nại; tên, địa chỉ của cơ quan, tổ chức, cá nhân bị khiếu nại; nội dung, lý do khiếu nại, tài liệu liên quan đến nội dung khiếu nại (nếu có) và yêu cầu giải quyết khiếu nại. Đơn khiếu nại do người khiếu nại ký tên hoặc điểm chỉ;

+ Trong trường hợp nhiều người cùng khiếu nại về một nội dung thì trong đơn ghi đầy đủ nội dung quy định, có chữ ký của những người khiếu nại và cử người đại diện để trình bày khi có yêu cầu của người giải quyết khiếu nại;

- Khiếu nại trực tiếp 

+ Người tiếp nhận khiếu nại hướng dẫn người khiếu nại viết đơn khiếu nại hoặc người tiếp nhận khiếu nại ghi lại đầy đủ nội dung khiếu nại theo quy định tại điểm a khoản này và yêu cầu người khiếu nại ký tên hoặc điểm chỉ vào văn bản.

+Trong trường hợp nhiều người cùng khiếu nại về một nội dung thì cơ quan có thẩm quyền tổ chức tiếp và đề nghị cử người đại diện để trình bày nội dung khiếu nại; người tiếp nhận khiếu nại ghi lại đầy đủ nội dung khiếu nại theo quy định và yêu cầu người đại diện ký tên hoặc điểm chỉ vào văn bản.

- Trường hợp khiếu nại được thực hiện thông qua người đại diện thì người đại diện phải có giấy tờ chứng minh tính hợp pháp của việc đại diện và thực hiện khiếu nại theo quy định.

Trên đây là nội dung chia sẻ của Công ty Luật TNHH HT Legal VN về “Trình tự, thủ tục khiếu nại hành vi vi phạm pháp luật của công ty cho người lao động”. Hy vọng bài viết trên giúp bạn đọc và quý khách hàng dù là Người sử dụng lao động (công ty) hay Người lao động có cái nhìn tổng quan và rõ ràng hơn về quy trình, thủ tục khiếu nại về lao động và từ đó bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Hân hạnh đón tiếp quý khách hàng theo địa chỉ sau:

Luật sư Nguyễn Thanh Trung hoặc CÔNG TY LUẬT TNHH HT LEGAL VN

VP1: 37/12 Hẻm 602 Điện Biên Phủ, P.22, quận Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh (Bên cạnh UBND phường 22)

VP2: 207B Nguyễn Phúc Chu, P.15, quận Tân Bình, Tp. Hồ Chí Minh

VP3: Số 5 Ngách 252/115, Phố Tây Sơn, P. Trung Liệt, quận Đống Đa, Tp. Hà Nội

Email: info@htlegalvn.com              Hotline: 09 6161 4040 – 09 2222 4040

Lan Nhi
Theo HT Legal VN