NGƯỜI LAO ĐỘNG CÓ NHỮNG QUYỀN GÌ KHI THỰC HIỆN KHIẾU NẠI VỀ LAO ĐỘNG? (CÔNG TY LUẬT UY TÍN TẠI TP. HỒ CHÍ MINH, VIỆT NAM)

11/12/2024 - 57 lượt xem

Người lao động theo thủ tục quy định tại Nghị định này yêu cầu người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại về lao động xem xét lại quyết định, hành vi về lao động của người sử dụng lao động khi có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó vi phạm pháp luật lao động, xâm phạm quyền và lợi ích hợp của của mình thì việc làm này được gọi là khiếu nại về lao động

NGƯỜI LAO ĐỘNG CÓ NHỮNG QUYỀN GÌ

KHI THỰC HIỆN KHIẾU NẠI VỀ LAO ĐỘNG?

(CÔNG TY LUẬT UY TÍN TẠI TP. HỒ CHÍ MINH, VIỆT NAM)

 

Việc người lao động được đối xử công bằng, tôn trọng và được đảm bảo quyền lợi chính đáng là chính sách và là mục tiêu mà pháp luật về lao động hướng đến, môi trường càng minh bạch, công bằng thì sẽ giúp cho doanh nghiệp, người lao động và xã hội phát triển bền vững. Đối với người lao động, khi quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm thì người lao động hoàn toàn có thể lên tiếng bảo vệ, khiếu kiện để đòi lại quyền lợi của chính mình. Nhưng trước hết, người lao động cần nắm rõ quy định pháp luật về quyền, nghĩa vụ, quyền lợi cơ bản của mình để có thể thực hiện khiếu nại về lao động đúng theo quy định pháp luật hiện hành.

Thông qua bài viết dưới đây, Công ty Luật TNHH HT Legal VN xin chia sẻ đến quý khách hàng, đặc biệt là người lao động, một số quyền cơ bản của người lao động, cũng như khi thực hiện việc khiếu nại về lao động, người người khiếu nại sẽ có những quyền nào, từ đó giúp bạn hiểu rõ hơn về việc khiếu nại và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của bản thân.

I. Căn cứ pháp lý

- Bộ luật Lao động số 45/2019/QH14;

- Nghị định số 24/2018/NĐ-CP ngày 27 tháng 02 năm 2018 của Chính phủ quy định về giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực lao động, giáo dục nghề nghiệp, hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, việc làm, an toàn, vệ sinh lao động.

II. Nội dung

1. Người lao động thực hiện khiếu nại về lao động khi nào?

Người lao động là người làm việc cho người sử dụng lao động theo thỏa thuận, được trả lương và chịu sự quản lý, điều hành, giám sát của người sử dụng lao động. Người sử dụng lao động là doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân có thuê mướn, sử dụng lao động làm việc cho mình theo thỏa thuận.

Khi tham gia lao động, người lao động có các quyền cơ bản theo quy định tại Điều 5 Bộ luật Lao động 2019 như sau:

- Làm việc; tự do lựa chọn việc làm, nơi làm việc, nghề nghiệp, học nghề, nâng cao trình độ nghề nghiệp; không bị phân biệt đối xử, cưỡng bức lao động, quấy rối tình dục tại nơi làm việc;

- Hưởng lương phù hợp với trình độ, kỹ năng nghề trên cơ sở thỏa thuận với người sử dụng lao động;

- Được bảo hộ lao động, làm việc trong điều kiện bảo đảm về an toàn, vệ sinh lao động; nghỉ theo chế độ, nghỉ hằng năm có hưởng lương và được hưởng phúc lợi tập thể;

- Thành lập, gia nhập, hoạt động trong tổ chức đại diện người lao động, tổ chức nghề nghiệp và tổ chức khác theo quy định của pháp luật; yêu cầu và tham gia đối thoại, thực hiện quy chế dân chủ, thương lượng tập thể với người sử dụng lao động và được tham vấn tại nơi làm việc để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình...

Ngoài các quyền trên, pháp luật cũng có quy định đảm bảo việc thực hiện quyền lợi của người lao động khi quyền lợi này bị xâm phạm. Cụ thể là khiếu nại về lao động:

Theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị định 24/2018/NĐ-CP, người lao động theo thủ tục quy định tại Nghị định này yêu cầu người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại về lao động xem xét lại quyết định, hành vi về lao động của người sử dụng lao động khi có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó vi phạm pháp luật lao động, xâm phạm quyền và lợi ích hợp của của mình thì việc làm này được gọi là khiếu nại về lao động. Nghị định cũng giải thích rõ:

- Quyết định về lao động là quyết định bằng văn bản của người sử dụng lao động được áp dụng đối với người lao động;

- Hành vi về lao động là hành vi của người sử dụng lao động, của người lao động thực hiện trong quan hệ xã hội phát sinh trong việc thuê mướn, sử dụng lao động, trả lương giữa người lao động và người sử dụng lao động.

Tóm lại, người lao động có quyền khiếu nại về lao động khi có căn cứ (có bằng chứng) chứng minh quyết định, hành vi của người sử dụng lao động vi phạm pháp luật lao động, xâm phạm quyền và lợi ích hợp của của mình, lúc này, người bị khiếu nại về lao động chính là người sử dụng lao động.

Trường hợp người lao động khiếu nại nhưng không có bằng chứng chứng minh các vi phạm trên thì có thể khiếu nại đó sẽ bị từ chối giải quyết. Do đó, khi muốn thực hiện quyền khiếu nại, người lao động cần có bằng chứng như chứng từ, tin nhắn, video... để đảm bảo quyền lợi được bảo vệ.

 

2. Quyền và nghĩa vụ của người lao động khi thực hiện khiếu nại về lao động

Người lao động khi cho rằng quyết định, hành vi về lao động của người sử dụng lao động là vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến quyền lợi trực tiếp của mình như thời hạn chậm thanh toán lương kéo dài, bị cưỡng bức lao động, bị chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật…

Lúc này, người lao động có thể lựa chọn giải quyết khiếu nại thông qua các biện pháp khắc phục nội bộ, bao gồm cơ chế đối thoại và khiếu nại của doanh nghiệp. Sau khi đã sử dụng hết các biện pháp khắc phục này và quyền lợi vẫn không được bảo vệ, người lao động có thể tiếp tục khiếu nại đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết (theo quy định tại Nghị định 24/2018/NĐ-CP). Theo khoản 1 Điều 10 Nghị định 24/2018/NĐ-CP quy định Người lao động, tức là người khiếu nại, có quyền sau đây:

a) Tự mình khiếu nại hoặc ủy quyền cho người khác khiếu nại;

b) Tham gia đối thoại hoặc ủy quyền cho người đại diện hợp pháp tham gia đối thoại;

c) Được biết, đọc, sao chụp, sao chép tài liệu, chứng cứ do người giải quyết khiếu nại thu thập để giải quyết khiếu nại; trừ thông tin, tài liệu thuộc bí mật nhà nước hoặc bí mật của người bị khiếu nại theo quy định của pháp luật;

d) Yêu cầu cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan đang lưu giữ, quản lý thông tin, tài liệu liên quan tới nội dung khiếu nại cung cấp nội dung thông tin, tài liệu đó cho mình trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày có yêu cầu và giao cho người giải quyết khiếu nại để giải quyết khiếu nại; trừ thông tin, tài liệu thuộc bí mật nhà nước hoặc bí mật của người bị khiếu nại theo quy định của pháp luật;

đ) Yêu cầu người giải quyết khiếu nại áp dụng biện pháp khẩn cấp để ngăn chặn hậu quả có thể xảy ra do việc thi hành quyết định, hành vi bị khiếu nại;

e) Đưa ra chứng cứ về việc khiếu nại và giải trình ý kiến của mình về chứng cứ đó;

g) Được khôi phục quyền, lợi ích hợp pháp đã bị xâm hại do việc thi hành quyết định, hành vi bị khiếu nại;

h) Được bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật;

i) Rút khiếu nại theo quy định tại Điều 8 Nghị định này;

k) Khiếu nại lần hai;

l) Khởi kiện vụ án tại Tòa án theo quy định tại khoản 2 Điều này.

Ngoài ra người lao động khiếu nại còn phải tuân thủ các nghĩa vụ sau đây để đảm bảo quyền lợi:

- Thực hiện khiếu nại theo đúng trình tự, thủ tục quy định pháp luật. Nghĩa là dù có vi phạm từ phía người sử dụng lao động nhưng người lao động không tuân thủ trình tự, thủ tục khiếu nại thì có thể sẽ không được giải quyết.

- Trình bày trung thực sự việc, đưa ra chứng cứ về việc khiếu nại; cung cấp thông tin, tài liệu liên quan cho người giải quyết khiếu nại; chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung trình bày và việc cung cấp thông tin, tài liệu đó;

- Chấp hành nghiêm chỉnh quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật.

Trên đây là một số chia sẻ của Công ty Luật TNHH HT Legal VN về vấn đề: Người lao động có những quyền gì khi thực hiện khiếu nại về lao động? Hy vọng có thể giúp cho quý khách hàng hiểu rõ hơn về quyền, nghĩa vụ của người lao động cũng như các quyền lợi ích khác khi thực hiện việc khiếu nại lao động nhằm đảm bảo lợi ích hợp pháp của mình. Tất nhiên, mọi tranh chấp hay xung đột đều có thể giải quyết một cách hài hòa, thỏa thuận trên cơ sở tin tưởng và thấu hiểu lẫn nhau giữa người lao động và người sử dụng lao động.

Mọi yêu cầu tư vấn pháp luật về lao động, tranh chấp lao động vui lòng liên hệ:

 

Hân hạnh đón tiếp quý khách hàng theo địa chỉ sau:

Luật sư Nguyễn Thanh Trung hoặc CÔNG TY LUẬT TNHH HT LEGAL VN

VP1: 37/12 Hẻm 602 Điện Biên Phủ, P.22, quận Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh (Bên cạnh UBND phường 22)

VP2: 207B Nguyễn Phúc Chu, P.15, quận Tân Bình, Tp. Hồ Chí Minh

VP3: Số 5 Ngách 252/115, Phố Tây Sơn, P. Trung Liệt, quận Đống Đa, Tp. Hà Nội

Email: info@htlegalvn.com              Hotline: 09 6161 4040 – 09 2222 4040

Ngọc Thảo
Theo HT Legal VN