CÁCH XỬ LÝ NHÂN VIÊN LÀM VIỆC KÉM HIỆU QUẢ TRONG DOANH NGHIỆP (CÔNG TY LUẬT UY TÍN TẠI TP HỒ CHÍ MINH, VIỆT NAM)

10/09/2024 - 82 lượt xem

Tuỳ vào mức độ vi phạm mà xử lý theo một trong các hình thức sau: - Khiển trách. - Kéo dài thời hạn nâng lương: Thời gian tối đa không quá 06 tháng. - Cách chức: Áp dụng với người lao động đang giữ chức vụ trong doanh nghiệp. - Sa thải: Chỉ áp dụng với trường hợp người lao động đã bị xử lý kỷ luật kéo dài thời hạn nâng lương hoặc cách chức, chưa được xóa kỷ luật mà còn tái phạm.

CÁCH XỬ LÝ NHÂN VIÊN LÀM VIỆC KÉM HIỆU QUẢ TRONG DOANH NGHIỆP

(CÔNG TY LUẬT UY TÍN TẠI TP HỒ CHÍ MINH, VIỆT NAM)

 

Trong bất kỳ tổ chức doanh nghiệp nào, con người mới là yếu tố quyết định của thành công doanh nghiệp. Khi hiệu suất làm việc của nhân viên không đạt được như mong đợi của chủ doanh nghiệp thì việc phải có biện pháp, phương pháp xử lý nhân viên làm việc kém hiệu quả trở thành một thách thức không nhỏ đối với các doanh nghiệp.

Vậy khi nhân viên làm việc kém hiệu quả, doanh nghiệp được phép xử lý như thế nào? Trong phạm vi bài viết này, Công ty Luật TNHH HT Legal VN xin giải đáp thắc mắc của bạn đọc cũng như Quý khách hàng các quy định về cách xử lý nhân viên làm việc kém hiệu quả trong doanh nghiệp. 

I – Cơ sở pháp lý

- Bộ luật Lao động 2019 số 45/2019/QH14;

-  Nghị định 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính Phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của bộ luật lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động

- Nghị định 12/2022/NĐ-CP ngày 17/01/2022 của Chính Phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 

II – Nội dung

1. Nhân việc làm việc kém hiệu quả được hiểu như thế nào?

Nhân viên làm việc kém hiệu quả trong doanh nghiệp sẽ do doanh nghiệp đánh giá, nhìn nhận dựa trên những tiêu chí, nhiệm vụ được giao, thủ tục hoặc chính sách, quy định của công ty.

Nhìn chung, có thể hiểu rằng nhân viên làm việc kém hiệu quả là nhân viên không tập trung, năng suất làm việc không đạt chất lượng, thiếu sự chuyên nghiệp, có thái độ không tích cực, không cải thiện... và gây ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình hoạt động của người sử dụng lao động hoặc đồng nghiệp.

Vậy khi phải đối mặt với tình huống này, người sử dụng lao động cần tuân thủ pháp luật để tránh trường hợp vi phạm và bị xử phạt:

 

2. Nhắc nhở

Phường pháp này nhằm giúp cho người lao động cơ hội để cải thiện lại năng suất, khả năng lao động của mình, đồng thời giúp người sử dụng lao động tiết kiệm được cả về mặt thời gian, kinh tế trong việc tuyển dụng một người lao động mới, đào tạo lại..

 

3. Xử lý kỷ luật lao động  

a. Theo nội quy lao động: 

Công ty được quy định các hành vi vi phạm kỷ luật của người lao động và các hình thức xử lý kỷ luật lao động tương ứng trong nội quy lao động (Theo quy định tại điểm g khoản 2 Điều 118 BLLĐ 2019)

Vậy, khi trong nội quy lao động của công ty có quy định hành vi "người lao động không hoàn thành công việc được giao là hành vi vi phạm kỷ luật lao động" và quy định hình thức xử lý kỷ luật lao động cho hành vi này thì công ty có quyền căn cứ vào nội quy lao động để xử lý kỷ luật người lao động.

b. Theo hợp đồng lao động:

Trường hợp công ty và người lao động có thỏa thuận về nội dung về kỷ luật lao động trong hợp đồng lao động. Thì khi người lao động không hoàn thành công việc sẽ bị xử lý kỷ luật lao động, công ty có quyền căn cứ vào hợp đồng lao động để xử lý kỷ luật người lao động.

c. Theo quy định của pháp luật lao động: 

Căn cứ Điều 124 Bộ luật Lao động 2019 và Điều 125 Bộ luật Lao động 2019, người sử dụng lao động có thể xử lý kỷ luật đối với nhân viên có hiệu quả làm việc yếu kém. Tuỳ vào mức độ vi phạm mà xử lý theo một trong các hình thức sau:

- Khiển trách.

- Kéo dài thời hạn nâng lương: Thời gian tối đa không quá 06 tháng.

- Cách chức: Áp dụng với người lao động đang giữ chức vụ trong doanh nghiệp.

- Sa thải: Chỉ áp dụng với trường hợp người lao động đã bị xử lý kỷ luật kéo dài thời hạn nâng lương hoặc cách chức, chưa được xóa kỷ luật mà còn tái phạm.

 

4. Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động    

Theo điểm a khoản 1 Điều 36 Bộ luật Lao động 2018 quy định như sau: 

"1. Người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong trường hợp sau đây:

a) Người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động được xác định theo tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành công việc trong quy chế của người sử dụng lao động. Quy chế đánh giá mức độ hoàn thành công việc do người sử dụng lao động ban hành nhưng phải tham khảo ý kiến tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở..."

Như vậy, doanh nghiệp có quyền quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với nhân viên khi họ không hoàn thành công việc trong hợp đồng lao động, làm việc kém hiệu quả. 

Tuy nhiên, khi thực hiện quyền này, công ty phải đảm bảo các điều kiện sau đây:

- Công ty phải có Quy chế đánh giá mức độ hoàn thành công việc được ban hành đúng thủ tục pháp luật quy định;

- Công ty phải căn cứ vào Quy chế đánh giá mức độ hoàn thành công việc và thực tế thực hiện công việc của người lao động để chứng minh được người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động;

- Công ty phải báo trước cho người lao động và phải đảm bảo thời gian báo trước theo quy định tại khoản 2 của Điều 36 trong Bộ Luật Lao động năm 2019;

- Doanh nghiệp phải ra thông báo bằng văn bản cho người lao động biết về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với người đó theo Điều 45 Bộ luật Lao động 2019. 

Lưu ý: Để đánh giá, giải quyết vấn đề lỗi thường xuyên không hoàn thành công việc của nhân viên, công ty sẽ thiết lập quy chế đánh giá mức độ hoàn thành công việc. Trong quy định này, các tiêu chí đánh giá sẽ được xác định chi tiết và rõ ràng, từ đó tạo điều kiện để công bằng và minh bạch trong quá trình đánh giá và ra quyết định chấm dứt hợp đồng lao động. Quy chế này phải được quy định từ trước và phải tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại doanh nghiệp trước khi ban hành. Ngược lại, nếu doanh nghiệp không ban hành quy chế đánh giá thì người sử dụng lao động sẽ không có cơ sở để xác định người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc dù thực tế họ làm việc không hiệu quả.

Tóm lại, việc xử lý nhân viên làm việc kém hiệu quả là một phần quan trọng trong quản lý nhân sự của mỗi doanh nghiệp. Việc thực hiện những biện pháp này không chỉ là một cam kết đối với sự phát triển bền vững mà còn là một bước tiến trong việc xây dựng một cộng đồng làm việc đồng thuận và động viên, là chìa khóa để tạo ra một môi trường làm việc tích cực và hiệu quả.

 

Hân hạnh đón tiếp quý khách hàng theo địa chỉ sau:

Luật sư Nguyễn Thanh Trung hoặc CÔNG TY LUẬT TNHH HT LEGAL VN

VP1: 37/12 Hẻm 602 Điện Biên Phủ, P.22, quận Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh (Bên cạnh UBND phường 22)

VP2: 207B Nguyễn Phúc Chu, P.15, quận Tân Bình, Tp. Hồ Chí Minh

VP3: Số 5 Ngách 252/115, Phố Tây Sơn, P. Trung Liệt, quận Đống Đa, Tp. Hà Nội

Email: info@htlegalvn.com       Hotline: 09 6161 4040 – 09 4517 4040

Phương Uyên
Theo HT Legal VN