Bản án sơ thẩm có hiệu lực khi nào?
Hỏi:
Thưa Luật sư. Vừa qua, tôi có tham gia vụ án tranh chấp về thừa kế và vụ việc đã được giải quyết xong, trong nội dung Bản án sơ thẩm có tuyên như sau: “Kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật, hoặc kể từ ngày ông L, ông M, ông C, ông P có đơn yêu cầu thi hành án cho đến khi thi hành án xong tất cả các khoản tiền, hàng tháng ông M1, bà H còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật Dân sự.”
Vậy xin cho tôi được biết Bản án có hiệu lực khi nào?
Đáp:
Căn cứ Khoản 2 Điều 282 Bộ Luật Tố tụng dân sự 2015 quy định:
“Điều 282. Hậu quả của việc kháng cáo, kháng nghị
[…]
2. Bản án sơ thẩm, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm hoặc những phần bản án sơ thẩm, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm thì có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.”
Như vậy, để biết khi nào Bản án sơ thẩm có hiệu lực thì chúng ta cần biết thời hạn kháng cáo, kháng nghị chấm dứt vào thời điểm nào thì tại thời điểm đó Bản án sơ thẩm sẽ có hiệu lực pháp luật.
I. Thời hạn kháng cáo của đương sự
Tại Điều 273 Bộ Luật Tố tụng dân sự 2015 quy định về thời hạn kháng cáo như sau:
“Điều 273. Thời hạn kháng cáo
1. Thời hạn kháng cáo đối với bản án của Tòa án cấp sơ thẩm là 15 ngày, kể từ ngày tuyên án; đối với đương sự, đại diện cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân khởi kiện không có mặt tại phiên tòa hoặc không có mặt khi tuyên án mà có lý do chính đáng thì thời hạn kháng cáo được tính từ ngày họ nhận được bản án hoặc bản án được niêm yết.
Đối với trường hợp đương sự, đại diện cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân khởi kiện đã tham gia phiên tòa nhưng vắng mặt khi Tòa án tuyên án mà không có lý do chính đáng thì thời hạn kháng cáo được tính từ ngày tuyên án.
2. Thời hạn kháng cáo đối với quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ giải quyết vụ án của Tòa án cấp sơ thẩm là 07 ngày, kể từ ngày đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện nhận được quyết định hoặc kể từ ngày quyết định được niêm yết theo quy định của Bộ luật này.
3. Trường hợp đơn kháng cáo được gửi qua dịch vụ bưu chính thì ngày kháng cáo được xác định căn cứ vào ngày tổ chức dịch vụ bưu chính nơi gửi đóng dấu ở phong bì. Trường hợp người kháng cáo đang bị tạm giam thì ngày kháng cáo là ngày đơn kháng cáo được giám thị trại giam xác nhận.”
(1) Như vậy, trong trường hợp thông thường tất cả đương sự đều có mặt tham gia phiên tòa hoặc có măt khi tuyên án thì thời hạn kháng cáo là 15 ngày kể từ ngày tuyên án.
II. Thời hạn kháng nghị của Viện kiểm sát
Tại Khoản 1 Điều 280 Bộ Luật Tố tụng dân sự 2015 quy định về thời hạn kháng nghị như sau:
“Điều 280. Thời hạn kháng nghị
1. Thời hạn kháng nghị đối với bản án của Tòa án cấp sơ thẩm của Viện kiểm sát cùng cấp là 15 ngày, của Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp là 01 tháng, kể từ ngày tuyên án. Trường hợp Kiểm sát viên không tham gia phiên tòa thì thời hạn kháng nghị tính từ ngày Viện kiểm sát cùng cấp nhận được bản án.”
(2) Như vậy, trong trường hợp thông thường Viện kiểm sát có tham gia phiên tòa thì thời hạn kháng nghị của Viện kiểm sát cùng cấp với cấp Tòa xử án sơ thẩm là 15 ngày.
Quyền kháng nghị của Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp với cấp Tòa xử án sơ thẩm là 01 tháng.
Từ (1), (2) trong trường hợp thông thường Bản án sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị sẽ có hiệu lực sau 01 tháng kể từ ngày tuyên án.
III. Cần Lưu ý 2 trường hợp
1. Về trường hợp kháng cáo quá hạn tại Điều 275 Bộ Luật Tố tụng dân sự 2015:
“Điều 275. Kháng cáo quá hạn và xem xét kháng cáo quá hạn
1. Kháng cáo quá thời hạn quy định tại Điều 273 của Bộ luật này là kháng cáo quá hạn. Sau khi nhận được đơn kháng cáo quá hạn, Tòa án cấp sơ thẩm phải gửi đơn kháng cáo, bản tường trình của người kháng cáo về lý do kháng cáo quá hạn và tài liệu, chứng cứ (nếu có) cho Tòa án cấp phúc thẩm.
2. Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được đơn kháng cáo quá hạn và tài liệu, chứng cứ kèm theo, Tòa án cấp phúc thẩm thành lập Hội đồng gồm ba Thẩm phán để xem xét kháng cáo quá hạn. Phiên họp xem xét kháng cáo quá hạn phải có sự tham gia của đại diện Viện kiểm sát cùng cấp và người kháng cáo quá hạn. Trường hợp người kháng cáo, Kiểm sát viên vắng mặt thì Tòa án vẫn tiến hành phiên họp.
3. Căn cứ vào tài liệu, chứng cứ có liên quan đến việc kháng cáo quá hạn, ý kiến của người kháng cáo quá hạn, đại diện Viện kiểm sát tại phiên họp, Hội đồng xét kháng cáo quá hạn quyết định theo đa số về việc chấp nhận hoặc không chấp nhận việc kháng cáo quá hạn và phải ghi rõ lý do của việc chấp nhận hoặc không chấp nhận trong quyết định. Tòa án cấp phúc thẩm phải gửi quyết định cho người kháng cáo quá hạn, Tòa án cấp sơ thẩm và Viện kiểm sát cùng cấp; nếu Tòa án cấp phúc thẩm chấp nhận việc kháng cáo quá hạn thì Tòa án cấp sơ thẩm phải tiến hành các thủ tục do Bộ luật này quy định.”
2. Về trường hợp kháng nghị quá hạn tại Điều 280, Bộ luật tố tụng dân sự 2015:
“Điều 280. Thời hạn kháng nghị
1. Thời hạn kháng nghị đối với bản án của Tòa án cấp sơ thẩm của Viện kiểm sát cùng cấp là 15 ngày, của Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp là 01 tháng, kể từ ngày tuyên án. Trường hợp Kiểm sát viên không tham gia phiên tòa thì thời hạn kháng nghị tính từ ngày Viện kiểm sát cùng cấp nhận được bản án.
2. Thời hạn kháng nghị của Viện kiểm sát cùng cấp đối với quyết định tạm đình chỉ, quyết định đình chỉ giải quyết vụ án của Tòa án cấp sơ thẩm là 07 ngày, của Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp là 10 ngày, kể từ ngày Viện kiểm sát cùng cấp nhận được quyết định.
3. Khi Tòa án nhận được quyết định kháng nghị của Viện kiểm sát mà quyết định kháng nghị đó đã quá thời hạn quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này thì Tòa án cấp sơ thẩm yêu cầu Viện kiểm sát giải thích bằng văn bản và nêu rõ lý do.”
Để biết thông tin chính xác nhất thì bạn cần đến Tòa án đã xét xử sơ thẩm để xin Trích lục bản án sơ thẩm sẽ có thông tin cụ thể về tình trạng của Bản án đã tuyên.
Trên đây là nội dung giải đáp của chúng tôi trong phạm vi thông tin mà bạn đã cung cấp.
Công ty Luật TNHH HT Legal VN - Hotline: 09.7117.4040