Đối thoại tại Tòa án là hoạt động đối thoại do Hòa giải viên tiến hành trước khi Tòa án thụ lý vụ án hành chính, nhằm hỗ trợ các bên tham gia đối thoại thống nhất giải quyết khiếu kiện hành chính theo quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Khi tham gia bất cứ buổi đối thoại hay hòa giải nào, Quý công dân đều phải tuân thủ theo nội quy, quy định tại Tòa án nơi tham gia đối thoại, hòa giải nhằm đảm bảo trật tự và tránh xảy ra hậu quả không mong muốn. Bài viết dưới đây, HT Legal VN sẽ chia sẻ rõ hơn về các quy định khi tham gia phiên đối thoại, hòa giải tại Tòa án.
I - Cơ sở pháp lý:
- Luật hòa giải, đối thoại tại Tòa án số 58/2020/QH14 do Quốc hội ban hành ngày 16/06/2020.
II - Nội dung:
1. Quyền và Nghĩa vụ của cá nhân, tổ chức khi tham gia đối thoại, hòa giải
Trước tiên, khi tham gia các phiên đối thoại - hòa giải các cá nhân, tổ chức có các quyền cụ thể như sau:
- Các Bên tham gia hòa giải đối thoại có quyền lựa chọn hòa giải viên theo quy định. Việc hòa giải có thể thành hoặc không thành, các bên không được xem Hòa giải viên là người làm chứng, không được yêu cầu Hòa giải viên tham gia quá trình tố tụng tại Tòa án hoặc khiếu nại hành chính để giải quyết tranh chấp, khiếu kiện.
- Các bên tham gia hòa giải, đối thoại phải tự nguyện hòa giải, đối thoại; tôn trọng sự tự nguyện, thống nhất của các bên; không được ép buộc các bên thỏa thuận, thống nhất trái với ý chí của họ, nội dung thỏa thuận không được trái với quy định pháp luật, đạo đức xã hội.
- Nếu các bên hòa giải, đối thoại thành, những nội dung hòa giải, đối thoại sẽ được lưu trong hồ sơ của Tòa án, các bên có quyền yêu cầu Tòa án ra Quyết định công nhận sự thỏa thuận và Quyết định của Tòa án được thi hành theo quy định pháp luật.
- Các bên tham gia hòa giải, đối thoại không phải trả phí thù lao cho Hòa giải viên chỉ phải chịu chi phí trong các trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều 9 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.
“2. Các bên tham gia hòa giải, đối thoại tại Tòa án phải chịu chi phí trong các trường hợp sau đây:
a) Chi phí hòa giải đối với tranh chấp về kinh doanh, thương mại có giá ngạch;
b) Chi phí khi các bên thống nhất lựa chọn địa điểm hòa giải, đối thoại ngoài trụ sở Tòa án; chi phí khi Hòa giải viên xem xét hiện trạng tài sản liên quan đến vụ việc dân sự, khiếu kiện hành chính mà tài sản đó nằm ngoài phạm vi địa giới hành chính của tỉnh nơi Tòa án có thẩm quyền giải quyết có trụ sở;
c) Chi phí phiên dịch tiếng nước ngoài.”
2. Về nghĩa vụ của cá nhân, tổ chức khi tham gia hòa giải, đối thoại
- Công dân mặc trang phục lịch sự; xuất trình giấy tờ tùy thân; thái độ đúng mực, tôn trọng người thi hành công vụ. Tham gia hòa giải, đối thoại với tinh thần thiện chí, hợp tác; trình bày chính xác nội dung vụ việc, cung cấp đầy đủ thông tin, tài liệu, chứng cứ và chịu trách nhiệm về tính xác thực của các thông tin, chứng cứ, tài liệu cung cấp.
- Không mang, sử dụng: vũ khí, hung khí, chất gây cháy nổ, độc hại, đồ vật cấm lưu hành, chất cấm khác theo quy định, điện thoại di động, máy tính, đồ ăn, thức uống vào phòng Hòa giải, đối thoại; không hút thuốc, quay phim, chụp ảnh, ghi âm, ghi hình tại các buổi làm việc hoặc phiên hòa giải, đối thoại. Hết giờ làm việc, công dân không được lưu lại phòng hòa giải, đối thoại.
3. Trách nhiệm của Hòa giải viên
Tại buổi Hòa giải, đối thoại còn có sự có mặt của Hòa giải viên đại diện cho Bên thứ ba được các bên tranh chấp thỏa thuận chọn làm trung gian giải quyết tranh chấp của họ trong quá trình hòa giải. Theo đó, Hòa giải viên phải có trách nhiệm cụ thể như sau:
1. Trang phục chỉnh tề, đeo thẻ Hòa giải viên; có thái độ đúng mực, tôn trọng, lắng nghe, ghi chép, đầy đủ chính xác nội dung mà các bên trình bày.
2. Tuân thủ pháp luật, độc lập, vô tư, khách quan; bảo đảm bí mật thông, tài liệu theo quy định của Luật hòa giải, đối thoại tại Tòa án; không ép buộc các bên hòa giải, đối thoại trái với ý chí của họ; không được nhận tiền, lợi ích từ các bên.
3. Yêu cầu người tham gia hòa giải, đối thoại xuất trình giấy tờ tùy thân; giấy ủy quyền (trường hợp được ủy quyền); yêu cầu các bên cung cấp thông tin, tài liệu, chứng cứ liên quan đến nội dung vụ việc; các thông tin, tài liệu liên quan khác cần thiết cho việc hòa giải, đối thoại.
4. Tôn trọng sự thỏa thuận, thống nhất của các bên; từ chối việc lập biên bản ghi nhận kết quả hòa giải, đối thoại nếu có đủ căn cứ xác định thỏa thuận đó vi phạm điều cấm của Luật, trái đạo đức xã hội, trốn tránh nghĩa vụ với nhà nước hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khác.
5. Yêu cầu người vi phạm Nội quy hòa giải, đối thoại tại Tòa án chấm dứt hành vi vi phạm; kịp thời báo cáo Lãnh đạo Tòa án để phối hợp với cơ quan chức năng có biện pháp ngăn chặn và xử lý.
4. Không tiến hành hòa giải, đối thoại trong các trường hợp
Khi cá nhân, cơ quan, tổ chức tham gia hòa giải, đối thoại thuộc một số các trường hợp như sau sẽ không được tiến hành hòa giải:
1. Người tham gia hòa giải, đối thoại đang trong tình trạng say do dùng chất kích thích; người mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình.
2. Người có hành vi đe dọa, xúc phạm cơ quan, tổ chức, đơn vị, hòa giải viên, người thi hành công vụ hoặc có hành vi khác vi phạm nội quy phòng hòa giải, đối thoại.
3. Những trường hợp khác theo quy định của pháp luật
5. Xử lý vi phạm
Người vi phạm nội quy phòng hòa giải, đối thoại và có các vi phạm pháp luật khác tại khu vực hòa giải, đối thoại, tùy từng trường hợp bị buộc rời khỏi khu vực hòa giải, đối thoại; có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
CÔNG TY LUẬT TNHH HT LEGAL VN
Trụ sở chính: 207B Nguyễn Phúc Chu, Phường 15, quận Tân Bình, Tp. Hồ Chí Minh.
VP1: 37/12 Hẻm 602 Điện Biên Phủ, Phường 22, quận Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh (Bên cạnh UBND phường 22).
VP2: Số 5 Ngách 252/115 phố Tây Sơn, phường Trung Liệt, quận Đống Đa, Tp. Hà Nội
Email: [email protected] Hotline: 0961614040 – 0901614040