Thông qua bài viết này, Luật sư HT Legal VN xin chia sẻ một số lưu ý theo quy định pháp luật về việc lấy ý kiến của con chưa thành niên từ đủ bảy tuổi trở lên trong vụ việc ly hôn.
Căn cứ pháp lý:
- Bộ Luật tố tụng dân sự năm 2015;
- Luật Hòa giải đối thoại tại Tòa án năm 2020;
- Luật hôn nhân và gia đình năm 2014.
Nội dung:
1. Lấy ý kiến của con chưa thành niên từ đủ bảy tuổi trở lên khi giải quyết ly hôn
Căn cứ tại Khoản 3 Điều 208 Bộ Luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định rằng:
“Đối với vụ án tranh chấp về nuôi con khi ly hôn hoặc thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn, Thẩm phán phải lấy ý kiến của con chưa thành niên từ đủ bảy tuổi trở lên, trường hợp cần thiết có thể mời đại diện cơ quan quản lý nhà nước về gia đình, cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em chứng kiến, tham gia ý kiến. Việc lấy ý kiến của con chưa thành niên và các thủ tục tố tụng khác đối với người chưa thành niên phải bảo đảm thân thiện, phù hợp với tâm lý, lứa tuổi, mức độ trưởng thành, khả năng nhận thức của người chưa thành niên, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, giữ bí mật cá nhân của người chưa thành niên.”
Căn cứ vào Khoản 2 Điều 81 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn:
“ Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.”
Ngoài ra, Điều 55 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về việc thuận tình ly hôn:
“Trong trường hợp vợ chồng cùng yêu cầu ly hôn, nếu xét thấy hai bên thật sự tự nguyện ly hôn và đã thỏa thuận về việc chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con trên cơ sở bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án công nhận thuận tình ly hôn; nếu không thỏa thuận được hoặc có thỏa thuận nhưng không bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án giải quyết việc ly hôn.”
Như vậy, căn cứ tại các quy định trên, pháp luật quy định Thẩm phán giải quyết vụ án tranh chấp về nuôi con khi ly hôn hoặc thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn thì phải lấy ý kiến của con chưa thành niên từ đủ bảy tuổi trở lên. Phương pháp lấy ý kiến của con phải đảm bảo thân thiện với trẻ em.
Mặc dù pháp luật chưa có quy định chi tiết về quy trình lấy ý kiến. Vì vậy trên thực tế, việc lấy ý kiến có thể được thực hiện tại Tòa án hoặc bên ngoài trụ sở Tòa án dưới nhiều hình thức khác nhau như nói chuyện trực tiếp hoặc viết bản tự khai,…
2. Hòa giải tranh chấp về nuôi con khi ly hôn hoặc thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn
Căn cứ Khoản 9 Điều 3 của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án năm 2020 quy định: “Bảo đảm bình đẳng giới, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em trong hòa giải, đối thoại”.
Căn cứ Khoản 4 Điều 33 của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án năm 2020 quy định: “Trường hợp các bên thuận tình ly hôn thì thỏa thuận của các bên phải có đầy đủ nội dung về việc ly hôn, việc chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình trên cơ sở bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ, chồng, con theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình”.
Và dựa trên Công văn số 01/2021/GĐ-TANDTC ngày 01/07/2021 của Tòa án nhân dân tối cao giải đáp về vấn đề này thì không có quy định việc buộc phải lấy ý kiến của con chưa thành niên trong quá trình Hòa giải viên tiến hành hòa giải. Tuy nhiên, Hòa giải viên có thể lấy ý kiến của con chưa thành niên từ đủ bảy tuổi trở lên dựa trên tinh thần của Bộ Luật tố tụng dân sự năm 2015 và Luật hôn nhân và gia đình năm 2014.
Theo các quy định hiện hành này, việc Tòa án quyết định giao con cho vợ hoặc chồng nuôi không chỉ dựa vào nguyện vọng của con từ 07 tuổi trở lên, mà còn phải căn cứ vào quyền lợi mọi mặt của con như điều kiện ăn ở, học hành, đi lại. Trong những trường hợp điều kiện của vợ và chồng là tương đồng nhau hoặc ý kiến của vợ, chồng là con có nguyện vọng sống với ai thì người đó được quyền nuôi… nguyện vọng của con là căn cứ mang tính quyết định để Tòa án xem xét giao con cho người vợ hoặc người chồng nuôi.
Trên đây là toàn bộ nội dung chia sẻ đến Quý khách hàng đối với một số lưu ý về việc lấy ý kiến của con chưa thành niên từ đủ bảy tuổi trở lên trong vụ việc ly hôn.
CÔNG TY LUẬT TNHH HT LEGAL VN
Trụ sở: 207B Nguyễn Phúc Chu, P.15, quận Tân Bình, Tp. Hồ Chí Minh.
VP1: 37/12 Hẻm 602 Điện Biên Phủ, P.22, quận Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh (Bên cạnh UBND phường 22).
VP2: Số 5 Ngách 252/115, phố Tây Sơn, phường Trung Liệt, quận Đống Đa.
Email: [email protected] Hotline: 09 6161 4040 – 09 0161 4040