17 tội danh không còn thuộc thẩm quyền của Cơ Quan Cảnh Sát Điều Tra Công An Cấp Tỉnh

25/03/2021 - 3333 lượt xem

17 tội danh không còn thuộc thẩm quyền của

Cơ Quan Cảnh Sát Điều Tra Công An Cấp Tỉnh

Luật Tổ chức Cơ quan điều tra hình sự có hiệu lực từ 01/01/2018, đã có sửa đổi, bổ sung quan trọng về thẩm quyền điều tra, có 17 tội không còn thuộc thẩm quyền của cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp tỉnh.

1. Quy định cũ:

Theo quy định tại Pháp lệnh về tổ chức điều tra hình sự: Cơ quan An ninh điều tra Công an cấp tỉnh tiến hành điều tra các vụ án hình sự về tội phạm quy định tại Chương XI, Chương XXIV và các tội phạm quy định tại các điều: 180, 221, 222, 223, 230, 231, 232, 236, 264, 274, 275 của Bộ luật Hình sự 1999 khi các tội phạm đó thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân cấp tỉnh. Như vậy đối với những vụ án thuộc 11 tội phạm nói trên khi có khung hình phạt:

  • Từ 15 năm tù trở lên, sẽ thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan An ninh điều tra Công an cấp tỉnh.
  • Dưới 15 năm tù, sẽ do Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp huyện tiến hành điều tra.

Từ quy định như trên sẽ xảy ra trường hợp cùng một loại tội phạm nhưng cả hai cơ quan điều tra (Cảnh sát điều tra và An ninh điều tra) cùng có thẩm quyền điều tra, dẫn tới việc phân định thẩm quyền không được thống nhất, khi Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp huyện phát hiện vụ án thuộc 11 tội phạm nói trên nhưng vụ án thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân tỉnh thì Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp huyện vẫn có thẩm quyền ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can sau đó mới chuyển vụ án cho Cơ quan An ninh điều tra Công an cấp tỉnh và ngược lại.

2. Quy định mới:

Để khắc phục tình trạng này, khoản 2, Điều 17 Luật Tổ chức Cơ quan điều tra hình sự 2015 đã quy định rõ về nhiệm vụ, quyền hạn của Cơ quan điều tra Công an cấp tỉnh như sau:

2. Tiến hành Điều tra vụ án hình sự về các tội phạm quy định tại Chương XIII, Chương XXVI và các tội phạm quy định tại các Điều 207, 208, 282, 283, 284, 299, 300, 303, 304, 305, 309, 337, 338, 347, 348, 349 và 350 của Bộ luật hình sự khi các tội phạm đó thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân; tiến hành Điều tra vụ án hình sự về tội phạm khác liên quan đến an ninh quốc gia hoặc để bảo đảm khách quan theo sự phân công của Bộ trưởng Bộ Công an.”

Ngoài ra Cơ quan An ninh điều tra còn tiến hành điều tra vụ án hình sự về tội phạm khác liên quan đến an ninh quốc gia hoặc để đảm bảo khách quan theo sự phân công của Bộ trưởng Bộ Công an.

Như vậy, đối với 17 tội phạm quy định trong Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017, khi tội phạm đó thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân (không kể Tòa án nhân dân cấp tỉnh, hay Tòa án nhân dân cấp huyện) đều thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan An ninh điều tra Công an cấp tỉnh. Cụ thể 17 tội phạm trong Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) kể trên gồm:

  • Điều 207. Tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả;
  • Điều 208. Tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành công cụ chuyển nhượng giả hoặc các giấy tờ có giá giả khác;
  • Điều 282. Tội chiếm đoạt tàu bay, tàu thủy;
  • Điều 283. Tội điều khiển tàu bay vi phạm quy định về hàng không của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
  • Điều 284. Tội điều khiển phương tiện hàng hải vi phạm quy định về hàng hải của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
  • Điều 299.Tội khủng bố;
  • Điều 300. Tội tài trợ khủng bố;
  • Điều 303. Tội phá hủy công trình, cơ sở, phương tiện quan tọng về an ninh quốc gia;
  • Điều 304. Tội chế tạo, tàng trữ, vạn chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự;
  • Điều 305. Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ;
  • Điều 309. Tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, phát tán, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất phóng xạ, vật liệu hạt nhân.
  • Điều 337. Tội cố ý làm lộ bí mật nhà nước; tội chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu hủy vậy hoặc tài liệu bí mật nhà nước.
  • Điều 338. Tội vô ý làm lộ bí mật nhà nước; tội làm mất vật, tài liệu bí mật nhà nước;
  • Điều 347. Tội vi phạm quy định về xuất cảnh, nhập cảnh; tội ở lại Việt Nam trái phép;
  • Điều 348. Tội tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép;
  • Điều 349. Tội tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép;
  • Điều 350. Tội cưỡng ép người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép.

Vậy, cơ quan Cảnh sát điều tra sẽ không còn thẩm quyền tiến hành điều tra vụ án đối với 17 tội phạm đó nữa, trong trường hợp Cơ quan Cảnh sát điều tra tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố, hoặc tiếp nhận nguồn tin về tội phạm đối với 17 tội phạm kể trên thì phải chuyển ngay cho Cơ quan An ninh điều tra Công an cấp tỉnh để tiến hành giải quyết theo thẩm quyền.

Sau khi Cơ quan An ninh điều tra Công an cấp tỉnh kết thúc điều tra vụ án, đề nghị truy tố sẽ chuyển đến VKSND cấp tỉnh, khi đó VKSND dân cấp tỉnh căn cứ vào thẩm quyền xét xử của Tòa án để ra quyết định truy tố, nếu vụ án thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân cấp huyện, thì VKSND cấp tỉnh ra quyết định phân công cho Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử.

Trên đây thông tin pháp luật chúng tôi kính gửi đến quý bạn đọc./.

Công ty Luật TNHH HT Legal VN – Hotline 09.7117.404

Theo http://vienkiemsattinhphutho.gov.vn/tin-tuc/vb-rut-kinh-nghiem/29615/-tu-012018-17-toi-danh-khong-con-thuoc-tham-quyen-dieu-tra-cua-co-quan-canh-sat-dieu-tra

Cùng chuyên mục