KHẢ NĂNG GIẢM NHẸ TRÁCH NHIỆM PHÁP LÝ THÔNG QUA HOẠT ĐỘNG TỪ THIỆN?
(CÔNG TY LUẬT UY TÍN TẠI TP HỒ CHÍ MINH, VIỆT NAM)
Trong quá trình Tòa án xét xử, việc giảm nhẹ trách nhiệm hình sự thường được xem xét một cách cẩn thận, đặc biệt là khi quyết định về hình phạt cho người phạm tội. Có ý kiến cho rằng, việc thực hiện các hoạt động từ thiện không chỉ mang lại lợi ích cộng đồng, mà còn có thể có tác động tốt nếu họ có trách nhiệm hình sự phải gánh chịu.
Vậy việc một người làm từ thiện nhiều có giúp họ giảm nhẹ trách nhiệm pháp lý khi phạm tội hay không? Trong phạm vi bài viết này, Công ty Luật TNHH HT Legal VN xin giải đáp thắc mắc của bạn đọc cũng như Quý khách hàng.
I – Cơ sở pháp lý
- Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017;
- Nghị quyết số 01/2018/NQ-HĐTP ngày 24 tháng 4 năm 2018 hướng dẫn áp dụng Điều 66 và Điều 106 của BLHS về tha tù trước thời hạn có điều kiện.
II – Nội dung
1. Quy định của pháp luật về các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự
- BLHS không đưa ra khái niệm về tình tiết giảm nhẹ TNHS mà chỉ liệt kê các tình tiết được xem là tình tiết giảm nhẹ. Có thể hiểu, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự được hiểu là một trong những căn cứ để Toà án quyết định mức hình phạt cụ thể cho người phạm tội hoặc cho pháp nhân thương mại có hành vi phạm tội. Các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự là biện pháp nhằm giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho cá nhân, pháp nhân bị buộc tội, bảo đảm sự công bằng và quyền, lợi ích hợp pháp cho họ.
- Các tình tiết giảm nhẹ TNHS được quy định tại Khoản 1 Điều 51 BLHS năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 như sau:
“1. Các tình tiết sau đây là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự:
a) Người phạm tội đã ngăn chặn hoặc làm giảm bớt tác hại của tội phạm;
b) Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả;
c) Phạm tội trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng;
d) Phạm tội trong trường hợp vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết;
đ) Phạm tội trong trường hợp vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội;
e) Phạm tội trong trường hợp bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của nạn nhân gây ra;
g) Phạm tội vì hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mà không phải do mình tự gây ra;
h) Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn;
i) Phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng;
k) Phạm tội vì bị người khác đe dọa hoặc cưỡng bức;
l) Phạm tội trong trường hợp bị hạn chế khả năng nhận thức mà không phải do lỗi của mình gây ra;
m) Phạm tội do lạc hậu;
n) Người phạm tội là phụ nữ có thai;
o) Người phạm tội là người đủ 70 tuổi trở lên;
p) Người phạm tội là người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng;
q) Người phạm tội là người có bệnh bị hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình;
r) Người phạm tội tự thú;
s) Người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải;
t) Người phạm tội tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong việc phát hiện tội phạm hoặc trong quá trình giải quyết vụ án;
u) Người phạm tội đã lập công chuộc tội;
v) Người phạm tội là người có thành tích xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu, học tập hoặc công tác;
x) Người phạm tội là người có công với cách mạng hoặc là cha, mẹ, vợ, chồng, con của liệt sĩ.”
Như vậy nếu có một trong các tình tiết nêu trên được coi là tình tiết giảm nhẹ, tuy nhiên để được xem xét tình tiết giảm nhẹ, người phạm tội cần chứng minh và làm đơn xin giảm nhẹ tội.
3. Làm từ thiện nhiều có được coi là một tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm pháp lý không?
- Các tình tiết giảm nhẹ TNHS được quy định tại khoản 1 Điều 51 BLHS năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 trong đó có một tình tiết liên quan đến việc làm từ thiện nhiều, đó là: “Người có thành tích xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu học tập hoặc công tác”. Tuy nhiên hiện nay chưa có văn bản nào hướng dẫn về tình tiết này.
- Trên tinh thần tại Khoản 2 Điều 6 Nghị quyết 01/2018/NQ-HĐTP quy định:“Một trong các điều kiện để người được tha tù trước thời hạn có điều kiện có thể được rút ngắn thời gian thử thách là: Lập thành tích trong lao động sản xuất, bảo vệ an ninh Tổ quốc... được cơ quan cấp tỉnh trở lên khen thưởng”.
- Dựa vào các quy định này, người phạm tội có thành tích xuất sắc trong việc làm từ thiện và được tặng các phần thưởng có thể được xem xét là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự trong quá trình xét xử. Tòa án sẽ căn cứ vào tính chất, mức độ của hành vi phạm tội, căn cứ vào nhân thân của người phạm tội, tính chất mức độ của hành vi vi phạm và tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng TNHS (nếu có) để quyết định hình phạt.
Tóm lại, với sự thấu hiểu và linh hoạt, việc xem xét hoạt động từ thiện có thể là một yếu tố quan trọng giúp định hình hình phạt phù hợp và xây dựng một hệ thống pháp luật nhân văn và công bằng hơn.
Trên đây là những chia sẻ của Công ty Luật TNHH HT Legal VN giải đáp về tiềm năng giảm nhẹ trách nhiệm pháp lý thông qua hoạt động từ thiện. Nếu Quý khách hàng còn thắc mắc hoặc cần liên hệ hỗ trợ thì vui lòng liên hệ:
Luật sư Nguyễn Thanh Trung hoặc CÔNG TY LUẬT TNHH HT LEGAL VN
VP1: 37/12 Hẻm 602 Điện Biên Phủ, P.22, Q. Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh
VP2: 207B Nguyễn Phúc Chu, P.15, Q. Tân Bình, Tp. Hồ Chí Minh
VP3: 5 Ngách 252/115 Tây Sơn, P. Trung Liệt, Q. Đống Đa, Tp. Hà Nội
Email: info@htlegalvn.com Hotline: 0961614040 - 0922224040 – 0945174040