BỊ CAN, BỊ CÁO MUỐN ĐƯỢC TẠI NGOẠI CẦN PHẢI NỘP SỐ TIỀN BAO NHIÊU? (CÔNG TY LUẬT UY TÍN TẠI TP HỒ CHÍ MINH, VIỆT NAM)

03/10/2024 - 279 lượt xem

Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án quyết định mức tiền cụ thể mà bị can, bị cáo phải đặt để bảo đảm, nhưng không dưới: a. Ba mươi triệu đồng đối với tội phạm ít nghiêm trọng; b. Một trăm triệu đồng đối với tội phạm nghiêm trọng; c. Hai trăm triệu đồng đối với tội phạm rất nghiêm trọng; d. Ba trăm triệu đồng đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

BỊ CAN, BỊ CÁO MUỐN ĐƯỢC TẠI NGOẠI CẦN PHẢI NỘP SỐ TIỀN BAO NHIÊU?

(CÔNG TY LUẬT UY TÍN TẠI TP HỒ CHÍ MINH, VIỆT NAM)

 

Chị Bình đang có con 2 tuổi, bị cơ quan điều tra truy tố vì chiếm đoạt tiền bảo hiểm y tế với giá trị lên đến 100.000.000 đồng. Gia đình chị Bình muốn xin cho chị được tại ngoại với lí do con của chị còn nhỏ, chưa đủ 36 tháng tuổi. Hỏi trường hợp này, chị Bình có được tại ngoại hay không và để được tại ngoại chị cần phải nộp số tiền bao nhiêu. Hãy cùng Luật sư HT Legal VN giải quyết trường hợp này của chị Bình nhé.

I. Cơ sở pháp lý    

- Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017;

- Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 số 101/2015/QH13;

- Thông tư liên tịch 06/2018/TTLT-BCA-BQP-BTC-VKSNDTC-TANDTC ngày 07/8/2018 quy định chi tiết trình tự, thủ tục, mức tiền đặt, việc tạm giữ, hoàn trả, tịch thu, nộp ngân sách nhà nước số tiền đã đặt để bảo đảm

II. Nội dung:

1. Tại ngoại là gì

Tại ngoại là hình thức áp dụng đối với đối tượng đang bị điều tra, truy tố và xét xử được Cơ quan tiến hành tố tụng cho ở ngoài, không bị áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giam. Có 3 loại biện pháp ngăn chặn mà bị can, bị cáo có thể được áp dụng như sau:

Căn cứ khoản 1 Điều 121 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 có quy định: “Bảo lĩnh là biện pháp ngăn chặn thay thế tạm giam. Căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi và nhân thân của bị can, bị cáo, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án có thể quyết định cho họ được bảo lĩnh.”

Căn cứ khoản 1 Điều 122 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 có quy định: “Đặt tiền bảo đảm là biện pháp ngăn chặn thay thế tạm giam. Căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi, nhân thân và tình trạng tài sản của bị can, bị cáo. Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án có thể quyết định cho họ hoặc người thân thích của họ đặt tiền để bảo đảm.”

Căn cứ khoản 1 Điều 123 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định: “Cấm đi khỏi nơi cư trú là biện pháp ngăn chặn có thể áp dụng đối với bị can, bị cáo có nơi cư trú, lý lịch rõ ràng nhằm bảo đảm sự có mặt của họ theo giấy triệu tập của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án.”

2. Trường hợp bị can, bị cáo được tại ngoại

Căn cứ khoản 4 Điều 119 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 quy định bị can, bị cáo trong các trường hợp sau sẽ không tạm giam mà được áp dụng một biện pháp khác:

- Phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi. 

- Người già yếu, người bị bệnh nặng mà có nơi cư trú và lý lịch rõ ràng.

Tuy nhiên, quy định trên không áp dụng khi bị can, bị cáo thuộc các trường hợp sau:

- Bỏ trốn và bị bắt theo quyết định truy nã;

- Tiếp tục phạm tội;

- Có hành vi mua chuộc, cưỡng ép, xúi giục người khác khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thât; tiêu hủy, giả mạo chứng cứ, tài liệu, đồ vật của vụ án, tẩu tán tài sản liên quan đến vụ án; đe dọa, khống chế, trả thủ người làm chứng, bị hại, người tố giác tội phạm hoặc người thân thích của những người này;

- Bị điều tra, xử lý về Tội xâm phạm an ninh quốc gia và có đủ căn cứ xác định nếu không tạm giam đối với họ thì sẽ gây nguy hại đến an ninh quốc gia.

Với trường hợp của chị Bình đang có con 2 tuổi, tức 24 tháng (vẫn chưa đủ 36 tháng tuổi). Vậy nên, theo Luật sư HT chị Bình đủ điều kiện để có thể được Cơ quan tiến hành tố tụng cho tại ngoại trong quá trình điều tra.

3. Cần nộp bao nhiêu tiền để được tại ngoại

Mức tiền bảo đảm để tại ngoại được quy định tại khoản 1 Điều 4 Thông tư liên tịch 06/2018/TTLT-BCA-BQP-BTC-VKSNDTC-TANDTC 

“1. Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án quyết định mức tiền cụ thể mà bị can, bị cáo phải đặt để bảo đảm, nhưng không dưới:

a. Ba mươi triệu đồng đối với tội phạm ít nghiêm trọng;

b. Một trăm triệu đồng đối với tội phạm nghiêm trọng;

c. Hai trăm triệu đồng đối với tội phạm rất nghiêm trọng;

d. Ba trăm triệu đồng đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

Đối với hành vi phạm tội chiếm đoạt tiền bảo hiểm y tế lên đến 100.000.000 đồng: 

Căn cứ điểm c khoản 2 Điều 215 Bộ luật hình sự 2015: “Tội gian lận bảo hiểm y tế: 

“2. Phạm tội một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm

c) Chiếm đoạt tiền bảo hiểm y tế từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng”

Căn cứ điểm b khoản 1 Điều 9 Bộ luật hình sự 2015: “Tội phạm nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 03 năm tù đến 07 năm tù”.

Đối chiếu với các quy định trên thì Tội gian lận tiền bảo hiểm y tế được quy định tại khoản 2 Điều 215 của Bộ luật hình sự năm 2015 thuộc loại tội phạm nghiêm trọng. 

Theo quy định trên, chị Bình sẽ phải nộp tối thiểu 100 triệu đồng đối với hành vi phạm tội của mình nếu áp dụng biện pháp ngăn chặn “Đặt tiền bảo đảm”. Trường hợp áp dụng 2 biện pháp ngăn chặn còn lại để được tại ngoại thì không phải đặt tiền mà cần điều kiện tương ứng khác.

Trên đây là những chia sẻ của Công ty Luật TNHH HT Legal VN về trường hợp của chị Bình. Nếu các bạn còn có vướng mắc về vấn đề pháp lý nào khác thì liên hệ  Công ty Luật TNHH HT Legal VN chuyên cung cấp các dịch vụ tư vấn, bảo vệ thân chủ và các dịch vụ pháp lý khác.

Hân hạnh đón tiếp quý khách hàng theo địa chỉ sau:

Luật sư Nguyễn Thanh Trung hoặc CÔNG TY LUẬT TNHH HT LEGAL VN

VP1: 37/12 Hẻm 602 Điện Biên Phủ, P.22, quận Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh (Bên cạnh UBND phường 22)

VP2: 207B Nguyễn Phúc Chu, P.15, quận Tân Bình, Tp. Hồ Chí Minh

VP3: Số 5 Ngách 252/115, Phố Tây Sơn, P. Trung Liệt, quận Đống Đa, Tp. Hà Nội

Email: info@htlegalvn.com       Hotline: 09 6161 4040 – 09 2222 4040

Bích Trân
Theo HT Legal VN

Cùng chuyên mục