CƠ QUAN TIẾN HÀNH TỐ TỤNG, NGƯỜI TIẾN HÀNH TỐ TỤNG TRONG VỤ ÁN HÌNH SỰ LÀ AI? NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA THỦ TRƯỞNG, PHÓ THỦ TRƯỞNG CƠ QUAN ĐIỀU TRA?
(CÔNG TY LUẬT UY TÍN TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH, VIỆT NAM)
Trong hệ thống tư pháp hình sự, cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng đóng vai trò vô cùng quan trọng. Họ là những người trực tiếp thực hiện các hoạt động tố tụng nhằm đảm bảo việc điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự được tiến hành một cách khách quan, chính xác và đúng pháp luật.
Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra là những người tiến hành tố tụng cho cơ quan tiến hành tố tụng. Vậy thì Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra có nhiệm vụ và quyền hạn như thế nào trong cơ quan tiến hành tố tụng Hình sự của Pháp luật Việt Nam. Hãy cùng Công ty Luật TNHH HT Legal VN tìm hiểu nhé.
I. Cơ sở pháp lý
- Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 số 101/2015/QH13;
- Luật Tổ chức Cơ quan điều tra hình sự 2015 số 99/2015/QH13;
- Luật Tổ chức Viện Kiểm Sát nhân dân 2014 số 63/2014/QH13;
- Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 số 62/2014/QH13.
II. Nội dung
1. Cơ quan tiến hành tố tụng
Cơ quan tiến hành tố tụng trong vụ án hình là các cơ quan có chức năng tiến hành các hoạt động tố tụng để giải quyết một vụ án bao gồm:
a. Cơ quan điều tra
Có nhiệm vụ tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố; Tiếp nhận hồ sơ vụ án do cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động Điều tra chuyển giao. Tiến hành Điều tra các tội phạm, áp dụng mọi biện pháp do luật định để phát hiện, xác định tội phạm và người thực hiện hành vi phạm tội; lập hồ sơ, đề nghị truy tố. (được quy định tại Điều 8 Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự 2015).
b. Viện kiểm sát
Là cơ quan thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Viện kiểm sát nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ Hiến pháp và pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, góp phần bảo đảm pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất (căn cứ theo Điều 2 Luật Tổ chức Viện Kiểm Sát nhân dân 2014).
c. Tòa án nhân dân
Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp. Tòa án nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Bằng hoạt động của mình, Tòa án góp phần giáo dục công dân trung thành với Tổ quốc, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, tôn trọng những quy tắc của cuộc sống xã hội, ý thức đấu tranh phòng, chống tội phạm, các vi phạm pháp luật khác.
Tòa án nhân danh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam xét xử các vụ án hình sự, dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, hành chính và giải quyết các việc khác theo quy định của pháp luật; xem xét đầy đủ, khách quan, toàn diện các tài liệu, chứng cứ đã được thu thập trong quá trình tố tụng; căn cứ vào kết quả tranh tụng ra bản án, quyết định việc có tội hoặc không có tội, áp dụng hoặc không áp dụng hình phạt, biện pháp tư pháp, quyết định về quyền và nghĩa vụ về tài sản, quyền nhân thân.
Bản án, quyết định của Tòa án nhân dân có hiệu lực pháp luật phải được cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng; cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan phải nghiêm chỉnh chấp hành (căn cứ Điều 2 Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014).
2. Nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của thủ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan điều tra.
a. Thủ trưởng Cơ quan điều tra
Theo Điều 36 BLTTHS 2015 thì nhiệm vụ quyền hạn của Thủ trưởng cơ quan điều tra được phân công thành 2 nhóm:
- Về nhiệm vụ quyền hạn khi thực hiện chức năng quản lý hoạt động tố tụng của CQĐT cụ thể:
- Trực tiếp tổ chức và chỉ đạo việc thụ lý, giải quyết nguồn tin về tội phạm, việc khởi tố, điều tra của Cơ quan điều tra.
- Quyết định phân công hoặc thay đổi Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra, thụ lý, giải quyết nguồn tin về tội phạm, kiểm tra việc khởi tố, điều tra vụ án hình sự của Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra; quyết định thay đổi hoặc hủy bỏ các quyết định không có căn cứ và trái pháp luật của Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra.
- Quyết định phân công hoặc thay đổi Điều tra viên, Cán bộ điều tra; kiểm tra các hoạt động thụ lý, giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra vụ án hình sự của Điều tra viên, Cán bộ điều tra; quyết định thay đổi hoặc hủy bỏ các quyết định không có căn cứ và trái pháp luật của Điều tra viên.
- Giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền của Cơ quan điều tra.
- Khi vắng mặt, Thủ trưởng Cơ quan điều tra ủy quyền cho một Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ trưởng Cơ quan điều tra. Phó Thủ trưởng chịu trách nhiệm trước Thủ trưởng về nhiệm vụ được ủy quyền.
- Nhiệm vụ, quyền hạn khi tiến hành tố tụng hình sự, cụ thể:
- Quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố; quyết định khởi tố, không khởi tố, bổ sung hoặc thay đổi quyết định khởi tố vụ án; quyết định khởi tố, bổ sung hoặc thay đổi quyết định khởi tố bị can; quyết định nhập hoặc tách vụ án; quyết định ủy thác điều tra;
- Quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế, biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt theo quy định của Bộ luật này;
- Quyết định truy nã, đình nã bị can, khám xét, thu giữ, tạm giữ, xử lý vật chứng;
- Quyết định trưng cầu giám định, giám định bổ sung hoặc giám định lại, khai quật tử thi, thực nghiệm điều tra, thay đổi hoặc yêu cầu thay đổi người giám định. Yêu cầu định giá, định giá lại tài sản, yêu cầu thay đổi người định giá tài sản.
- Trực tiếp kiểm tra, xác minh nguồn tin về tội phạm và tiến hành các biện pháp điều tra;
- Kết luận điều tra vụ án;
- Quyết định tạm đình chỉ điều tra, đình chỉ điều tra, phục hồi điều tra vụ án, bị can;
- Ra các lệnh, quyết định và tiến hành các hoạt động tố tụng khác thuộc thẩm quyền của Cơ quan điều tra.
b. Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra
Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra là người giúp việc cho Thủ trưởng Cơ quan điều tra làm việc dưới sự chỉ đạo của Thủ trưởng Cơ quan điều tra. Khi vắng mặt, Thủ trưởng Cơ quan điều tra ủy quyền cho một Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ trưởng Cơ quan điều tra. Phó Thủ trưởng chịu trách nhiệm trước Thủ trưởng về nhiệm vụ được ủy quyền. Ngoài ra, Phó Thủ trưởng cơ quan điều tra khi được phân công tiến hành việc khởi tố, điều tra hình sự sẽ có những nhiệm vụ và quyền hạn quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 36 BLTTHS 2015, trừ quy định tại điểm b khoản 1 Điều này. Và Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra không được giải quyết khiếu nại, tố cáo về hành vi, quyết định của mình.
Lưu ý: Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi, quyết định của mình. Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra không được ủy quyền cho Điều tra viên thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình.
Trên đây là những chia sẻ của Công ty Luật TNHH HT Legal VN quy định pháp luật về “Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng trong vụ án hình sự là ai? Nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của thủ Trưởng, phó Thủ trưởng cơ quan điều tra? Cảm ơn Quý khách hàng đã quna tâm và theo dõi.
Hân hạnh đón tiếp quý khách hàng theo địa chỉ sau:
Luật sư Nguyễn Thanh Trung hoặc CÔNG TY LUẬT TNHH HT LEGAL VN
VP1: 37/12 Hẻm 602 Điện Biên Phủ, P.22, quận Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh (Bên cạnh UBND phường 22)
VP2: 207B Nguyễn Phúc Chu, P.15, quận Tân Bình, Tp. Hồ Chí Minh
VP3: Số 5 Ngách 252/115, Phố Tây Sơn, P. Trung Liệt, quận Đống Đa, Tp. Hà Nội
Email: [email protected] Hotline: 09 6161 4040 – 09 4517 4040