CHIA TÀI SẢN CHUNG VỢ CHỒNG TRONG THỜI KỲ HÔN NHÂN (CÔNG TY LUẬT TẠI QUẬN BÌNH THẠNH VÀ QUẬN TÂN BÌNH)

07/11/2022 - 1286 lượt xem

Khi nói đến khái niệm “Chia tài sản chung vợ chồng” thông thường người ta sẽ nghĩ đến chia tài sản khi vợ chồng ly hôn hoặc chia tài sản sau khi ly hôn. Tuy nhiên, trong thời kỳ hôn nhân vợ chồng đang chung sống vẫn được chia tài sản chung. Bởi lẽ, trong quá trình chung sống vợ chồng, vì nhiều lý do khác nhau như: vợ chồng đã ly thân muốn tách bạch tài sản hoặc muốn đưa tài sản vào kinh doanh mà không làm ảnh hưởng đến quyền lợi của bên kia hoặc công ty hoặc một bên thứ ba nào đó…Nên Luật Hôn nhân và gia đình có những quy định về việc chia tài sản chung vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân, đây là chế định được dự báo sẽ được áp dụng nhiều khi ngày càng có nhiều người có xu hướng độc lập về tài sản trong quan hệ vợ chồng. Sau đây, Công ty Luật HT Legal VN sẽ phân tích những quy định pháp luật về việc chia tài sản trong thời kỳ hôn nhân.

1. Điều kiện đề việc tài sản chung vợ chồng có hiệu lực:

Căn cứ Điều 213 của Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định:

1. Sở hữu chung của vợ chồng là sở hữu chung hợp nhất có thể phân chia.

2. Vợ chồng cùng nhau tạo lập, phát triển khối tài sản chung; có quyền ngang nhau trong việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung.

3. Vợ chồng thoả thuận hoặc uỷ quyền cho nhau chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung.

4. Tài sản chung của vợ chồng có thể phân chia theo thoả thuận hoặc theo quyết định của Tòa án.

5. Trường hợp vợ chồng lựa chọn chế độ tài sản theo thỏa thuận theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình thì tài sản chung của vợ chồng được áp dụng theo chế độ tài sản này.

Như vậy, tài sản chung vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất và có thể phân chia được nhưng khi phân chia trong thời kỳ hôn nhân phải có điều kiện.

Theo quy định tại Điều 42 của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014: “Việc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân bị vô hiệu khi thuộc một trong các trường hợp sau đây: 1. Ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích của gia đình; quyền, lợi ích hợp pháp của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình;

2. Nhằm trốn tránh thực hiện các nghĩa vụ sau đây:

a) Nghĩa vụ nuôi dưỡng, cấp dưỡng;

b) Nghĩa vụ bồi thường thiệt hại;

c) Nghĩa vụ thanh toán khi bị Tòa án tuyên bố phá sản;

d) Nghĩa vụ trả nợ cho cá nhân, tổ chức;

đ) Nghĩa vụ nộp thuế hoặc nghĩa vụ tài chính khác đối với Nhà nước;

e) Nghĩa vụ khác về tài sản theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và quy định khác của pháp luật có liên quan.”

Pháp luật hôn nhân đặt ra quy định này nhằm giải quyết nhu cầu về chia tài sản chính đáng của vợ chồng và cũng đặt ra quy định nhằm phòng tránh những trường hợp né tránh nghĩa vụ với bên thứ ba hoặc tẩu tán tài sản. Việc chia tài sản cũng phải đảm bảo việc vợ chồng nuôi dưỡng, chăm sóc con cái chưa thành niên và duy trì những hoạt động tối thiểu phục vụ cuộc sống hoạt động chung gia đình, nếu không bảo đảm được những điều kiện trên thì pháp luật sẽ không thừa nhận việc chia tài sản chung này.

Ví dụ: A và B là vợ chồng. A nợ C số tiền 1 tỷ đồng. Để trốn tránh nghĩa vụ trả nợ cho C, A và B đã thống nhất chia tài sản chung vợ chồng giao cho B được sở hữu 02 căn nhà. Như vậy, thỏa thuận chia tài sản chung vợ chồng này bị vô hiệu vì đã vi phạm điểm d khoản 2 Điều 42 của Luật HN & GĐ 2014.

Theo quy định tại Điều 38 của Luật HN&GĐ thì vợ chồng có thể thỏa thuận chia một phần hoặc toàn bộ tài sản và việc chia tài sản chung phải được lập thành văn bản. Thông thường, để đảm bảo cho sự chặt chẽ về mặt pháp lý và sự rõ ràng thì Văn bản thỏa thuận sẽ có công chứng. Tuy nhiên không nhất thiết mọi thỏa thuận đều phải được công chứng.

Ví dụ: A và B là vợ chồng. Cả 2 thỏa thuận chia tài sản 2 căn nhà, 500 triệu đồng. Trong trường hợp này thỏa thuận chia 02 căn nhà bắt buộc phải công chứng, tuy nhiên thỏa thuận chia 500 triệu đồng chỉ cần lập thành văn bản, không bắt buộc phải công chứng.

2. Thời điểm có hiệu lực của việc chia tài sản chung của vợ chồng:

Việc xác định đúng thời điểm có hiệu lực của văn bản chia tài sản chung này là cực kỳ quan trọng, vì đây chính là cơ sở pháp lý để giải quyết những tranh chấp phát sinh từ tài sản đã phân chia của chính vợ chồng, hoặc tài sản vợ chồng với người thứ ba. Trường hợp văn bản đã có hiệu lực có nghĩa là việc phân chia tài sản đã hoàn thành, đồng nghĩa với việc khi xảy ra tranh chấp là tranh chấp riêng của từng người chứ không phải của vợ chồng.

Tại Điều 39 của Luật HN & GĐ 2014 thì Thời điểm có hiệu lực của việc chia tài sản chung của vợ chồng là những thời điểm sau:

- Thời điểm do vợ chồng thỏa thuận và được ghi trong văn bản; nếu trong văn bản không xác định thời điểm có hiệu lực thì thời điểm có hiệu lực được tính từ ngày lập văn bản.

Ví dụ: A và B là vợ chồng lập văn bản thỏa thuận chia tài sản ngày 12/9/2022 ra ký công chứng, nội dung thống nhất việc chia tài sản có hiệu lực từ ngày 15/10/2022. Trong trường hợp này, tài sản sẽ được chia riêng chính thức sẽ tính từ ngày 15/10/2022.

- Trong trường hợp tài sản được chia mà theo quy định của pháp luật, giao dịch liên quan đến tài sản đó phải tuân theo hình thức nhất định thì việc chia tài sản chung của vợ chồng có hiệu lực từ thời điểm việc thỏa thuận tuân thủ hình thức mà pháp luật quy định.

Ví dụ: A và B là vợ chồng thỏa thuận chia 2 thửa đất thì thời điểm có hiệu lực của việc phân chia sẽ tính từ thời điểm đăng ký tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất. Hoặc A và B thỏa thuận chia xe ô tô cho B thì thời điểm có hiệu lực của việc phân chia tính từ thời điểm công chứng thì chiếc xe ô tô thuộc quyền sở hữu của B.

- Trong trường hợp Tòa án chia tài sản chung của vợ chồng thì việc chia tài sản chung có hiệu lực kể từ ngày bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật. Đây là trường hợp vợ chồng làm đơn yêu cầu Tòa án phân chia tài sản chung vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân.

3. Phân biệt tài sản riêng vợ chồng và tài sản sau khi chia tài sản chung vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân:

Thứ nhất, trong trường hợp chia tài sản chung của vợ chồng thì phần tài sản được chia, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng của mỗi bên sau khi chia tài sản chung là tài sản riêng của vợ, chồng, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác. Phần tài sản còn lại không chia vẫn là tài sản chung của vợ chồng. Nhưng hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng có trước khi kết hôn hoặc được thừa kế riêng thì lại là tài sản chung vợ chồng.

Ví dụ: A và B thống nhất chia tài sản chung vợ chồng, A được chia 1 căn hộ chung cư, A cho thuê được 20 triệu đồng/tháng. B được chia nhà và đất tại huyện X, hiện tại A và B vẫn sinh sống trong căn nhà này. Như vậy, số tiền thuê nhà 20 triệu đồng/tháng là riêng của A.

Tuy nhiên, B có một căn hộ khác được cha mẹ cho riêng trước khi kết hôn, B đang cho thuê với giá 15 triệu/tháng, thì mặc dù đây là tài sản riêng nhưng 15 triệu tiền thuê nhà lại là tài sản chung.

Thứ hai, Thỏa thuận của vợ chồng về việc chia tài sản chung vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân chỉ có hiệu lực đối với tài sản được phân chia, không làm thay đổi quyền, nghĩa vụ về tài sản được xác lập trước đó giữa vợ, chồng với người thứ ba.

Ví dụ: A và B là vợ chồng đã thỏa thuận chia hết toàn bộ tài sản chung vợ chồng. Nhưng trước đó vợ chồng A, B vay tiền mẹ của B là bà C số tiền 500 triệu để mua nhà. Trường hợp này, A, B vẫn phải có nghĩa vụ cùng trả tiền cho C, C có thể đòi cả A và B trả tiền. Tuy nhiên, nếu sau khi chia tài sản xong B mới vay 500 triệu của C để sửa căn nhà mới được chia thì B phải có nghĩa vụ trả tiền cho C.

Lưu ý: Việc chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân không làm chấm dứt chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định. Từ thời điểm việc chia tài sản chung của vợ chồng có hiệu lực, nếu tài sản có được từ việc khai thác tài sản riêng của vợ, chồng mà không xác định được đó là thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh của vợ, chồng hay là hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng đó thì vẫn thuộc sở hữu chung của vợ chồng.

Khi vợ chồng đã thực hiện việc phân chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân rồi, nhưng sau đó có nguyện vọng khôi phục lại tình trạng tài sản như lúc ban đầu thì vẫn có thể thỏa thuận lại không phân chia tài sản nữa. Tuy nhiên, trước đây các bên thỏa thuận phân chia theo hình thức nào thì nay chấm dứt việc phân chia cũng theo hình thức đó.

Ví dụ: Trước đây phân chia tài sản chung vợ chồng được lập thành văn bản, có công chứng thì nay văn bản chấm dứt việc phân chia cũng phải được công chứng. Hoặc, trước đây vợ chồng yêu cầu Tòa án chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân và được Tòa án phán xử bằng bản án, quyết định có hiệu lực, thì nay vợ chồng cũng phải yêu cầu Tòa án giải quyết thỏa thuận chấm dứt hiệu lực của việc chia tài sản chung.

Tài sản sau khi chia tài sản chung vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân chỉ là một phần của Tài sản riêng của vợ hoặc chồng, vì tài sản riêng của vợ chồng bao gồm: Tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản được chia riêng cho vợ, chồng; tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng và tài sản khác mà theo quy định của pháp luật thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng.

Ví dụ: Son, phấn áo quần, giày dép của phụ nữ thì được xem là tài sản riêng của người vợ.

Mặc dù tài sản là tài sản riêng vợ, chồng và họ có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản riêng của mình; nhập hoặc không nhập tài sản riêng vào tài sản chung. Tuy nhiên, để đảm bảo cuộc sống vợ chồng, gia đình được duy trì cuộc sống chung thì pháp luật quy định trong trường hợp vợ hoặc chồng không thể tự mình quản lý tài sản riêng và cũng không ủy quyền cho người khác quản lý thì bên kia có quyền quản lý tài sản đó. Việc quản lý tài sản phải bảo đảm lợi ích của người có tài sản. Trong trường hợp vợ, chồng có tài sản riêng mà hoa lợi, lợi tức từ tài sản riêng đó là nguồn sống duy nhất của gia đình thì việc định đoạt tài sản này phải có sự đồng ý của chồng, vợ.

CÔNG TY LUẬT TNHH HT LEGAL VN

VP1: 37/12 hẻm 602 Điện Biên Phủ, P.22, quận Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh (Cạnh UBND phường 22).

VP2: 207B Nguyễn Phúc Chu, P.15, quận Tân Bình, Tp. Hồ Chí Minh.

Email: info@htlegalvn.com Hotline: 09 6161 4040 - 09 4517 4040

Thành An
Theo HT Legal VN