ĐÒI NỢ ĐỐI VỚI NGƯỜI THÂN CỦA CON NỢ, ĐÚNG HAY SAI? (CÔNG TY LUẬT UY TÍN TẠI QUẬN BÌNH THẠNH, TÂN BÌNH TP. HỒ CHÍ MINH)

08/12/2022 - 1919 lượt xem

Hoạt động cho vay là một hoạt động diễn ra phổ biến trong đời sống thường ngày. Các bên có thể giao kết hợp đồng cho vay hoặc cho vay qua hình thức thỏa thuận miệng. Tuy nhiên, dù thực hiện hoạt động này theo hình thức nào vẫn khó tránh khỏi rủi ro người vay tiền không hoàn trả lại số tiền đã vay. Người vay tiền có thể sử dụng nhiều cách thức để lẩn tránh nghĩa vụ trả nợ như bỏ trốn khỏi nơi cư trú, cắt liên lạc… Lúc này, đa phần những người cho vay sẽ đòi nợ người thân của người vay tiền. Nhưng liệu việc đòi nợ người thân của người vay tiền có hợp pháp? Hãy tìm hiểu cùng Công ty luật HT Legal VN về vấn đề này.

- Căn cứ pháp lý:

1. Bộ luật Dân sự 2015;

2. Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017;

3. Nghị định 144/2021/NĐ-CP  ngày 31 tháng 12 năm 2021 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình.

- Nội dung

1. Hoạt động cho vay theo quy định pháp luật.

Căn cứ Điều 463 Bộ luật Dân sự 2015, Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.

Về tài sản được sử dụng trong hoạt động cho vay, căn cứ khoản 1 Điều 105 Bộ luật Dân sự 2015 gồm:

- Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản;

- Tài sản bao gồm bất động sản và động sản. Bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai.

Như vậy, tiền là một loại tài sản nên hợp đồng vay tiền sẽ là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tiền cho bên vay; khi đến hạn bên vay tiền phải trả tiền và trả lãi nếu có thoả thuận hoặc pháp luật có quy định khác.

2. Có được truy đòi khoản nợ từ người thân của người vay tiền khi người vay tiền bỏ trốn.

Theo quy định pháp luật thì khi đến hạn trả nợ theo thỏa thuận của các bên, người vay tiền sẽ phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.

Theo đó, trách nhiệm trả nợ sẽ thuộc về người vay tiền. Người thân của người vay tiền nếu không tham gia giao kết hợp đồng vay thì không có trách nhiệm trả tiền nợ cho người vay tiền. Vì người thân của người vay tiền không có trách nhiệm trả nợ nên việc truy đòi và bắt buộc người này trả nợ sẽ bị xem là hành vi trái pháp luật.

Người cho vay chỉ được truy đòi người thân của người vay tiền khi người vay tiền bỏ trốn nếu người thân của người vay tiền bảo lãnh cho người vay tiền. Căn cứ Điều 335 Bộ luật Dân sự 2015 thì Bảo lãnh là việc người thứ ba (sau đây gọi là bên bảo lãnh) cam kết với bên có quyền (sau đây gọi là bên nhận bảo lãnh) sẽ thực hiện nghĩa vụ thay cho bên có nghĩa vụ (sau đây gọi là bên được bảo lãnh), nếu khi đến thời hạn thực hiện nghĩa vụ mà bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ.

Đối với quan hệ bảo lãnh, các bên có thể thỏa thuận về việc bên bảo lãnh chỉ phải thực hiện nghĩa vụ thay cho bên được bảo lãnh trong trường hợp bên được bảo lãnh không có khả năng thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh.

Như vậy, trừ trường hợp người thân của người vay tiền có bảo lãnh cho người vay tiền thì trong các trường hợp còn lại người cho vay không được truy đòi tiền từ người thân của người vay tiền.

3. Đòi nợ trái pháp luật thì bị xử lý thế nào?

Như trên đã đề cập, người thân bên vay không cam kết bảo lãnh thì sẽ không phải trả nợ thay người vay. Trường hợp người cho vay đến đòi nợ thì căn cứ vào từng mức độ đòi nợ như gây rối hay tự ý lấy tài sản để trừ nợ, người cho vay này sẽ bị xử lý như sau:

a. Xử phạt vi phạm hành chính.

Căn cứ theo Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định Vi phạm quy định trật tự công cộng, thì khi có hành vi cố ý làm loạn, gây mất trật tự, phá phách để đòi nợ, cá nhân thực hiện buộc phải dừng có hành vi trên và bị xử lý về hành vi gây rối trật tự công cộng mức phạt hành chính, tùy vào từng hành vi mà bị xử phạt lên đến 8.000.000 đồng.

Bên cạnh đó, còn có hình thức xử phạt bổ sung:

- Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định tại các điểm e và i khoản 4; các điểm a, b khoản 5 Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP.

- Trục xuất đối với người nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính quy định tại các điểm e khoản 4 Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP.

Và biện pháp khắc phục hậu quả như:

- Buộc cải chính thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 3 và điểm i khoản 4 Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP;

- Buộc xin lỗi công khai đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 3, các điểm đ khoản 5 Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP trừ trường hợp nạn nhân có đơn không yêu cầu;

- Buộc chi trả toàn bộ chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm d khoản 1, điểm b khoản 3 và điểm a khoản 5 Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP.

Nếu có hành vi đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc uy hiếp tinh thần bằng các thủ đoạn khác để buộc người thân của bên vay phải giao tài sản để trừ nợ thì căn cứ theo điểm b khoản 2 Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định về vi phạm gây thiệt hại đến tài sản của người khác, người cho vay sẽ bị phạt hành chính từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.

b. Truy cứu trách nhiệm hình sự.

Căn cứ Điều 318 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về tội gây rối trật tự công cộng, Người nào gây rối trật tự công cộng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

Hơn nữa, hành vi đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội cưỡng đoạt tài sản căn cứ theo Điều 170 Bộ luật Hình sự 2015, với mức phạt tù lên đến 20 năm.

Trên đây là một số thông tin về việc truy đòi người thân của người vay tiền khi người vay tiền bỏ trốn. Để được tư vấn thêm về các vấn đề pháp lý khác, xin vui lòng liên hệ:

CÔNG TY LUẬT TNHH HT LEGAL VN

VP1: 37/12 hẻm 602 Điện Biên Phủ, P.22, quận Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh (Cạnh UBND phường 22).

VP2: 207B Nguyễn Phúc Chu, P.15, quận Tân Bình, Tp. Hồ Chí Minh

Email: info@htlegalvn.com Hotline: 09 6161 4040 - 09 4517 4040

 

 

Phượng Tường
Theo HT Legal VN