GIÁM ĐỐC THẨM VỤ ÁN HÀNH CHÍNH ( CÔNG TY LUẬT TẠI QUẬN BÌNH THẠNH, TÂN BÌNH TP. HỒ CHÍ MINH)

02/09/2022 - 1314 lượt xem

GIÁM ĐỐC THẨM VỤ ÁN HÀNH CHÍNH ( CÔNG TY LUẬT TẠI QUẬN BÌNH THẠNH, TÂN BÌNH TP. HỒ CHÍ MINH)

Quy trình xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm vụ án hành chính đã được quy định trong Luật tố tụng hành chính, tuy nhiên không phải ai cũng biết để thực hiện quyền của mình khi cho rằng bản án, quyết định sơ thẩm, phúc thẩm đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án tuyên không khách quan, vi phạm pháp luật gây thiệt hại nghiêm trọng đến quyền và lợi ích của công dân, lợi ích công cộng và của Nhà nước. Sau đây là một số nội dung cơ bản cần biết khi làm đơn đề nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm vụ án hành chính.

  1. Đơn đề nghị xem xét bản án, quyết định theo thủ tục giám đốc thẩm:

Theo quy định tại Điều 257 của Luật tố tụng hành chính năm 2015 quy định những nội dung cơ bản của Đơn đề nghị giám đốc thẩm bắt buộc phải có những nội dung sau:

Điều 257. Đơn đề nghị xem xét bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật theo thủ tục giám đốc thẩm

1. Đơn đề nghị phải có các nội dung chính sau đây:

a) Ngày, tháng, năm làm đơn đề nghị;

b) Tên, địa chỉ của người đề nghị;

c) Tên bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật đề nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm;

d) Lý do và căn cứ đề nghị, yêu cầu của người đề nghị;

đ) Người đề nghị là cá nhân phải ký tên hoặc điểm chỉ; người đề nghị là cơ quan, tổ chức thì người đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức đó phải ký tên và đóng dấu vào phần cuối đơn. Trường hợp tổ chức đề nghị là doanh nghiệp thì việc sử dụng con dấu được thực hiện theo quy định của Luật doanh nghiệp.”.

Kèm theo đơn đề nghị là những tài liệu để làm căn cứ Tòa án có thẩm quyền xác nhận đơn như sau: Bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật (bản sao); tài liệu, chứng cứ (nếu có) để chứng minh cho những yêu cầu của mình là có căn cứ.

Vì ở giai đoạn này, đương sự có thể hoặc hoàn toàn không được mời tham gia vào quá trình tố tụng, không giống như giai đoạn sơ thẩm và phúc thẩm được tham gia để trình bày những lý lẽ, lập luận của mình tại Tòa, nên phần lý do và căn cứ đề nghị người viết đơn cần ghi chi tiết, cụ thể những chứng cứ, chứng minh cho đề nghị của mình một cách chặt chẽ, thuyết phục nhất.

2. Căn cứ để kháng nghị giám đốc thẩm:

“Điều 255. Căn cứ, điều kiện để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm

1. Bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm khi có một trong những căn cứ sau đây:

a) Kết luận trong bản án, quyết định không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự;

b) Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng làm cho đương sự không thực hiện được quyền, nghĩa vụ tố tụng của mình, dẫn đến quyền, lợi ích hợp pháp của họ không được bảo vệ theo đúng quy định của pháp luật;

c) Có sai lầm trong việc áp dụng pháp luật dẫn đến việc ra bản án, quyết định không đúng gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự, lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của người thứ ba.”

Người có thẩm quyền kháng nghị xem xét nếu bản án, quyết định sơ thẩm thuộc 1 trong 3 trường hợp trên thì mới Quyết định kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm. Do đó, đương sự khi làm đơn đề nghị theo thủ tục giám đốc thẩm cần bám sát những căn cứ này để đưa ra lý do, lập luận của mình để được người có thẩm quyền ra quyết định kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm.

3. Đơn đề nghị và tài liệu, chứng cứ được gửi cho ai?

Đơn đề nghị phải gửi đúng người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm và trong thời hạn quy định mới được thụ lý giải quyết.

Tại Điều 260 của Luật tố tụng hành chính quy định:

Điều 260. Người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm

1. Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp cao; những bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án khác khi xét thấy cần thiết, trừ quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

2. Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án cấp tỉnh, Tòa án cấp huyện thuộc phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ.

Có các điểm cần lưu ý khi gửi đơn đề nghị giám đốc thẩm sau:

  • Đơn gửi cho ông Chánh án hoặc ông Viện trưởng là người đứng đầu các cơ quan tư pháp Tòa án hoặc Viện kiểm sát nhân dân tối cao/cấp cao. Nhiều người lầm tưởng đơn gửi cho các Cơ quan là không đúng.
  • Đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực của Tòa án cấp huyện, tỉnh giải quyết thì gửi đơn cho Chánh án hoặc ông Viện trưởng Tòa án nhân dân cấp cao (thẩm quyền theo vùng Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh).
  • Đối với bản án phúc thẩm do Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh xét xử thì gửi đơn cho ông Chánh án nhân dân tối cao hoặc ông Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
  • Riêng đối với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của bất kỳ cấp nào trừ trừ quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

Về thời hạn nộp đơn thì công dân lưu ý phải nộp đơn đúng hạn mới được thụ lý giải quyết, theo Điều 256 của Luật tố tụng hành chính quy định: “1. Trong thời hạn 01 năm kể từ ngày bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật, nếu phát hiện có một trong các căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 255 của Luật này thì đương sự có quyền đề nghị bằng văn bản với những người có thẩm quyền kháng nghị quy định tại Điều 260 của Luật này để xem xét kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm.

         

4. Thời hạn để người có thẩm quyền ban hành quyết định kháng nghị giám đốc thẩm.

Điều 263. Thời hạn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩmThời hạn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm vụ án hành chính được quy định như sau: “

1. Người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm được quyền kháng nghị trong thời hạn 03 năm kể từ ngày bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật.

2. Thời hạn kháng nghị phần dân sự trong bản án, quyết định hành chính của Tòa án được thực hiện theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.

Như vậy, trong thời hạn 3 năm kể từ ngày bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật nếu người có thẩm quyền không ban hành quyết định kháng nghị thì bản án, quyết định đó không bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm cho dù có sai phạm, không phù hợp thực tế khách quan hay áp dụng sai quy định pháp luật.v.v.

          Hoãn, tạm đình chỉ thi hành bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật. Người có thẩm quyền kháng nghị bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án có quyền hoãn/tạm đình chỉ thi hành bản án, quyết định để xem xét việc kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm. Thời hạn hoãn không quá 3 tháng. Đối với quyết định về phần dân sự trong bản án, quyết định hành chính của Tòa án thì người có thẩm quyền kháng nghị có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự hoãn thi hành án theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự.

          5. Thẩm quyền xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm vụ án hành chính

           Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày nhận được kháng nghị kèm theo hồ sơ vụ án, Tòa án có thẩm quyền giám đốc thẩm phải mở phiên tòa. Sau khi bản án bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bởi người có thẩm quyền thì Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp cao/Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao sẽ  xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị.

          Tại Điều 272 của Luật tố tụng hành chính quy định Hội đồng giám đốc thẩm có quyền sau: Điều 272. Thẩm quyền của Hội đồng giám đốc thẩm

1. Không chấp nhận kháng nghị và giữ nguyên bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật.

2. Hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị và giữ nguyên bản án, quyết định đúng pháp luật của Tòa án cấp dưới đã bị hủy hoặc bị sửa.

3. Hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị để xét xử sơ thẩm hoặc phúc thẩm lại.

4. Hủy bản án, quyết định của Tòa án đã giải quyết vụ án và đình chỉ việc giải quyết vụ án.

5. Sửa một phần hoặc toàn bộ bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.”

           Quyết định giám đốc thẩm vụ án hành chính có hiệu lực pháp luật kể từ ngày Hội đồng xét xử giám đốc thẩm ra quyết định.

CÔNG TY LUẬT TNHH HT LEGAL VN

VP1: 207B Nguyễn Phúc Chu, P.15, quận Tân Bình, Tp. Hồ Chí Minh

VP2: 37/12 Hẻm 602 Điện Biên Phủ, P.22, quận Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh (Bên cạnh UBND phường 22)

Email: info@htlegalvn.com Hotline: 09 6161 4040 – 09 4517 4040

 

Thanh An
Theo HT Legal VN