GIẾT NGƯỜI TRONG TRẠNG THÁI TINH THẦN BỊ KÍCH ĐỘNG MẠNH THEO QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT (CÔNG TY LUẬT TẠI QUẬN TÂN BÌNH, BÌNH THẠNH)

30/09/2022 - 1307 lượt xem

Trên thực tế đã xảy ra rất nhiều vụ án giết người nhưng xuất phát từ lỗi của nạn nhân, cụ thể nạn nhân thực hiện hành vi trái pháp luật nào đó, ví dụ như đánh đập, hành hạ, xỉ báng… chính người phạm tội hay nhân thân người phạm tội. Vì thế, hậu quả của việc gây ra những hành vi đó lại là chính cái chết của bản thân. Vậy pháp luật quy định như thế nào về “Tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh”, việc truy cứu trách nhiệm hình sự như thế nào, có khác gì so với tội giết người thông thường? …. Sau đây, Công ty Luật HT Legal VN sẽ phân tích về vấn đề này.

 

  • Cơ sở pháp lý:
  1. Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung bởi Luật số 12/2017/QH14 12/2017/QH14 ngày 20 tháng 6 năm 2017;
  2. Nghị quyết 04-HĐTPTANDTC/NQ ngày 29 tháng 11 năm 1986 do Tòa án nhân dân tối cao ban hành Hướng dẫn áp dụng một số quy định trong phần các tội phạm của Bộ luật hình sự.
  • Nội dung:

1. Tinh thần bị kích động mạnh là gì?

Hiện nay, pháp luật không quy định thế nào là trạng thái tinh thần bị kích động mạnh. Tuy nhiên, căn cứ vào điểm b mục 1 chương II Nghị quyết 04-HĐTPTANDTC/NQ ngày 29 tháng 11 năm 1986 do Tòa án nhân dân tối cao, Tình trạng tinh thần bị kích động là tình trạng người phạm tội không hoàn toàn tự chủ, tự kiềm chế được hành vi phạm tội của mình. Nói chung, sự kích động mạnh đó phải là tức thời do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân gây nên sự phản ứng dẫn tới hành vi giết người.

Ví dụ: Nguyễn Văn A ngoại tình với Lê Thị B, Chồng chị B là anh Trần C biết được, anh C đã hỏi chị B, nhưng cả chị B và anh A đều khiêu khích và thách thức C, làm C không kiềm chế được hành vi của mình, trong cơn nóng giận tức thời, C đã về nhà lấy dao bếp chém chị B, làm chị B chết tại chỗ.

Nhưng cá biệt có trường hợp do hành vi trái pháp luật của nạn nhân có tính chất đè nén, áp bức tương đối nặng nề, lặp đi lặp lại, sự kích động đó đã âm ỷ, kéo dài, đến thời điểm nào đó hành vi trái pháp luật của nạn nhân lại tiếp diễn làm cho người bị kích động không tự kiềm chế được; nếu tách riêng sự kích động này thì không coi là kích động mạnh, nhưng nếu xét cả quá trình phát triển của sự việc, thì lại được coi là mạnh hoặc rất mạnh.

Ví dụ: Nguyễn A là sinh viên, mỗi ngày đi học đều bị Cao Văn T ức hiếp, đánh bạt tai và chấn lột tiền, vì nhỏ con hơn nên A chấp nhận, sự việc lặp lại nhiều lần A vẫn nhẫn nhịn. Đến một ngày, A đang đi chơi với bạn gái, lại bị T bắt gặp và đánh A, trong cơn tức giận A đã nhặt viên gạch đánh 1 cái vào đầu T, làm T chết ngay tại chỗ. Thì hành vi của A cũng là hành vi bộc phát do quá trình tích tụ, dồn nén lâu ngày.

2. Tội Giết người trong trạng thái tinh thần kích động mạnh theo quy định của pháp luật hình sự.

Căn cứ Điều 125 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung 2017 về Tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh quy định: 

“1. Người nào giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân đối với người đó hoặc đối với người thân thích của người đó, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

2. Phạm tội đối với 02 người trở lên, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.”

3. Cấu thành Tội Giết người trong trạng thái tinh thần kích động mạnh.

- Khách thể của tội phạm

Khách thể của tội này là Quan hệ nhân thân, xâm phạm tính mạng, sức khỏe của con người.

- Chủ thể.

Bất kỳ người nào có năng lực pháp luật hình sự và đạt độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự, cụ thể, căn cứ Điều 12 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 về Tuổi chịu trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội thì Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà Bộ luật hình sự có quy định khác.

- Mặt khách quan của tội phạm

Hành vi: Là hành vi tước đoạt mạng sống của người khác, thể hiện quan hành động làm cho người khác chấm dứt sự sống. Ở đây, khi người phạm tội thực hiện hành vi giết người trong trạng thái tinh thần kích động mạnh, người phạm tội cố tình thực hiện hành vi trái pháp luật nhằm tước đoạt mạng sống của người khác.

Nguyên nhân: nạn nhân đã thực hiện hành vi trái pháp luật nghiêm trọng đối với chính người phạm tội hoặc người thân thích của người phạm tội. Người phạm tội trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh dẫn tới giết người. Trạng thái kích động phải là trạng thái mất hết kiểm soát, mất nhận thức trong nhất thời, một thời điểm nhất định, còn trường hợp vẫn có sự tỉnh táo đưa ra các lựa chọn khác thì không thuộc trường hợp này.

Ví dụ: Nguyễn A biết vợ là Trần Thị B và Lê C ngoại tình, Nguyễn A liền về nhà lấy dao đi tìm B và chém chết B. Vậy trong trường hợp này A còn nhiều lựa chọn khác là tìm gặp nói chuyện, hoặc ly hôn… Nhưng A đã lựa chọn chém chết B thì không thuộc Tội Giết người trong trạng thái tinh thần kích động mạnh.

Hậu quả: Nạn nhân chết.

Tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh không có giai đoạn chuẩn bị phạm tội và phạm tội chưa đạt.

- Mặt chủ quan của tội phạm:

Người phạm tội thực hiện hành vi với lỗi cố ý.

4. Phân biệt Tội giết người và Tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh

Căn cứ Điều 123 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung 2017 về Tội giết người:

“1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:

a) Giết 02 người trở lên;

b) Giết người dưới 16 tuổi;

c) Giết phụ nữ mà biết là có thai;

d) Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;

đ) Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;

e) Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại thực hiện một tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;

g) Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác;

h) Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;

i) Thực hiện tội phạm một cách man rợ;

k) Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp;

l) Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người;

m) Thuê giết người hoặc giết người thuê;

n) Có tính chất côn đồ;

o) Có tổ chức;

p) Tái phạm nguy hiểm;

q) Vì động cơ đê hèn.

2. Phạm tội không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 123 Bộ luật Hình sự, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.

3. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

4. Người phạm tội còn có thể bị cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm.”

So sánh Tội giết người (Điều 123 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017) và Tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh (Điều 125, sửa đổi bổ sung 2017)

Tiêu chí

Tội giết người (Điều 123)

Tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh (Điều 125)

Trạng thái tinh thần kích động mạnh

Bắt buộc phải có trạng thái tinh thần kích động mạnh do nạn nhân có hành vi trái pháp luật nghiêm trọng đối với người phạm tội hoặc đối với người thân thích của người phạm tội.

Không bắt buộc, nếu có thì có thể là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo quy định tại điểm e Khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự.

Hậu quả nạn nhân chết

Bắt buộc

Thực hiện hành vi giết người, dù nạn nhân chết hay không thì có thể cấu thành Tội giết người.

 Việc nạn nhân không chết thì sẽ thuộc trường hợp phạm tội chưa đạt.

 

Chủ thể

Chủ thể có năng lực trách nhiệm hình sự và đạt độ tuổi từ đủ 16 tuổi trở lên.

Chủ thể có năng lực trách nhiệm hình sự và đạt độ tuổi từ đủ 14 tuổi trở lên.

Hình phạt

  • Phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
  • Trong trường hợp phạm tội đối với 02 người trở lên, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.
  • Bị phạt tù từ 1 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình theo Điều 123 Bộ luật hình sự.
  • Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
  • Bên cạnh đó, Người phạm tội còn có thể bị cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm.

 

 

Trên đây là nội dung về Tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh theo quy định của pháp luật. Để được tư vấn về các vấn đề pháp lý thường xuyên gặp phải, vui lòng liên hệ:

CÔNG TY LUẬT TNHH HT LEGAL VN

VP1: 207B Nguyễn Phúc Chu, P.15, quận Tân Bình, Tp. Hồ Chí Minh

VP2: 37/12 Hẻm 602 Điện Biên Phủ, P.22, quận Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh (Bên cạnh UBND phường 22)

Email: info@htlegalvn.com       Hotline: 09 6161 4040 – 09 4517 4040

Hoàng Quyên
Theo HT LEGAL VN

Cùng chuyên mục