LUẬT SƯ TƯ VẤN VỀ TRÁCH NHIỆM PHÁP LÝ CỦA NGƯỜI CHỒNG KHI BẠO HÀNH VỢ ĐANG MANG THAI (CÔNG TY LUẬT UY TÍN TẠI QUẬN BÌNH THẠNH, TÂN BÌNH TP.HỒ CHÍ MINH)

11/06/2023 - 477 lượt xem

Trường hợp người chồng L đã thực hiện những hành vi bạo hành vợ mình khi chị đang mang thai thì sẽ phải chịu những trách nhiệm pháp lý gì?

Câu hỏi: Anh L và chị G đã kết hôn với nhau và sinh sống tại tỉnh Hải Dương. Sau một khoảng thời gian chung sống, do khó khăn về chuyện tiền bạc nên anh L đã thực hiện nhiều hành vi bạo hành chị G như lột quần áo và đánh chị L bằng dây nồi cơm điện, lấy cục sắt đập vào hai đầu gối và nướng cọng kẽm dí vào mặt chị L khi chị đang mang thai. Vậy trường hợp người chồng L đã thực hiện những hành vi như trên thì sẽ phải chịu những trách nhiệm pháp lý gì?

Đối với trường hợp trên, Công ty Luật TNHH HT Legal VN xin tư vấn như sau:

Trong trường hợp thực hiện những hành vi trên thì anh L đã vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ của người chồng theo Điều 19 Luật hôn nhân và gia đình là phải thương yêu, chung thủy, tôn trọng, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ người vợ. Ngoài ra, anh L có thể phải chịu những trách nhiệm pháp lý dưới đây:

1. Trách nhiệm hành chính

Theo khoản 2 Điều 49 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ thì mức phạt đối với hành vi xâm hại sức khỏe thành viên gia đình như sau:
“2. Phạt tiền từ 1.500.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Sử dụng các công cụ, phương tiện hoặc các vật dụng khác gây thương tích cho thành viên gia đình;”

Trong trường hợp trên, anh L đã sử dụng nhiều công cụ như dây nồi cơm điện, kẽm nóng, cục sắt để hành hạ chị G, do đó anh L phải chịu mức phạt từ 1.500.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi gây thương tích cho người vợ G như trên.

Việc xử phạt hành chính về hành vi xâm hại sức khỏe thành viên trong gia đình theo quy định trên chỉ áp dụng với trường hợp xảy ra 1-2 lần, hành vi đơn giản chưa đến mức xử lý trách nhiệm hình sự. Đối chiếu với mức độ hành vi của anh L như đã phản ánh trong thời gian vừa qua thì việc xử phạt hành chính đối với anh L là nhẹ, không tương xứng.

2. Trách nhiệm hình sự

Hành vi của anh L có thể cấu thành tội “Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác”:

“1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Dùng vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm hoặc thủ đoạn có khả năng gây nguy hại cho nhiều người;

b) Dùng a-xít nguy hiểm hoặc hóa chất nguy hiểm;

c) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;”

Do chị G chưa đến Cơ quan Công an trình báo, chưa có đơn yêu cầu khởi tố vụ án và cũng chưa có kết quả giám định tỷ lệ thương tích nên chưa có cơ sở để quy kết về tội danh này, cũng như điều khoản áp dụng. Tuy nhiên, khi kết quả giám định cho thấy chị G có tỷ lệ tổn thương cơ thể thấp hơn 11%, nhưng chị G là phụ nữ có thai nên theo đây là tình tiết định khung tăng nặng hình phạt do dó dù tỷ lệ thương tích được giám định dưới 11%, anh L vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 134 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017.

Ngoài ra, hành vi của anh L có thể cấu thành “Tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình” quy định tại Điều 185 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017:

“1. Người nào đối xử tồi tệ hoặc có hành vi bạo lực xâm phạm thân thể ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Thường xuyên làm cho nạn nhân bị đau đớn về thể xác, tinh thần;

b) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:

a) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu;

b) Đối với người khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng hoặc người mắc bệnh hiểm nghèo.”

Nếu Cơ quan tiến hành tố tụng xác định những trình bày của chị G là đúng sự thật, những vết thương trên người chị G là do anh L gây ra, hành vi bạo hành của anh L diễn ra trong thời gian dài, để lại hậu quả nghiêm trọng về thể chất và tinh thần đối với vợ của mình thì ngoài tội “Cố ý gây thương tích” mà anh L có thể sẽ bị quy kết thì anh L còn phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự thêm tội danh này, với mức hình phạt từ 02 đến 05 năm tù.

Trên đây là nội dung tư vấn cơ bản về trách nhiệm pháp lý của người chồng bạo hành vợ dựa trên thông tin do khách hàng cung cấp. Để được tư vấn cụ thể và hiệu quả hơn, vui lòng liên hệ Công ty Luật TNHH HT Legal VN theo thông tin sau:

CÔNG TY LUẬT TNHH HT LEGAL VN

VP1: 37/12 Hẻm 602 Điện Biên Phủ, P.22, quận Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh (Bên cạnh UBND phường 22)

VP2: 207B Nguyễn Phúc Chu, P.15, quận Tân Bình, Tp. Hồ Chí Minh

Email: info@htlegalvn.com         Hotline: 09 6161 4040 – 09 0161 4040

Nam Anh
Theo HT LEGAL VN