LUẬT SƯ VÀ ĐIỀU KIỆN ĐỂ TRỞ THÀNH LUẬT SƯ ( CÔNG TY LUẬT TẠI QUẬN BÌNH THẠNH, TÂN BÌNH TP. HỒ CHÍ MINH )

05/09/2022 - 1417 lượt xem

LUẬT SƯ VÀ ĐIỀU KIỆN ĐỂ TRỞ THÀNH LUẬT SƯ ( CÔNG TY LUẬT TẠI QUẬN BÌNH THẠNH, TÂN BÌNH TP. HỒ CHÍ MINH )

Người làm luật nói chung hay người luật sư nói riêng, có vị trí quan trọng, là cầu nối để gắn kết mọi người hiểu và nắm bắt pháp luật, xây dựng một xã hội văn minh. Nhưng để trở thành một Luật sư thì thực tế không hề đơn giản chút nào?  Công ty Luật HT LEGAL VN chia sẻ một số thông tin liên quan nghề nghiệp đặc biệt này qua bài viết sau đây.

I. Cơ sở pháp lý.

1. Luật luật sư 2006;

2. Luật số 20/2012/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật luật sư 2006.

(gọi tắt là Luật luật sư)

II. Nội dung

1. Luật sư là gì ?

Theo quy định tại Điều 2 Luật luật sư, Luật sư là người có đủ tiêu chuẩn, điều kiện hành nghề theo quy định của Luật Luật sư, thực hiện dịch vụ pháp lý theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức (sau đây gọi chung là khách hàng).

2. Các điều kiện hành nghề Luật sư ?

Theo quy định tại Điều 10, Điều 11 Luật luật sư, điều kiện để hành nghề luật sư:

  • Là công dân Việt Nam trung thành với Tổ Quốc, tuân thủ Hiến pháp và pháp luật;
  • Có phẩm chất đạo đức tốt;
  • Có bằng cử nhân Luật;
  • Đã được đào tạo nghề luật sư;
  • Đã qua thời gian tập sự tại Tổ chức hành nghề Luật sư;
  • Phải có Chứng chỉ hành nghề luật sư và gia nhập một Đoàn luật sư;
  • Có sức khỏe đảm bảo hành nghề luật sư thì có thể trở thành luật sư. 
  • 3. Quy trình để trở thành Luật sư ?

Quá trình 1:  Tốt nghiệp đại học với tấm bằng cử nhân Luật. Hiện nay rất nhiều trường đại học đào tạo ngành nghề luật.

Quá trình 2: Đào tạo nghề luật sư

Căn cứ Điều 12 Luật luật sư, Người có Bằng cử nhân luật được tham dự khóa đào tạo nghề luật sư tại cơ sở đào tạo nghề luật sư, hiện nay cơ sở đào tạo luật sư chỉ có ở Học viện tư pháp tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Thời gian đào tạo là 12 tháng, sau thời gian này bạn sẽ có giấy chứng nhận tốt nghiệp đào tạo Luật sư.

Căn cứ Điều 13 Luật luật sư, Người được miễn đào tạo nghề luật sư gồm:

  • Đã là thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên.
  • Giáo sư, phó giáo sư chuyên ngành luật; tiến sỹ luật.
  • Đã là thẩm tra viên cao cấp ngành Tòa án, kiểm tra viên cao cấp ngành Kiểm sát; chuyên viên cao cấp, nghiên cứu viên cao cấp, giảng viên cao cấp trong lĩnh vực pháp luật.
  • Đã là thẩm tra viên chính ngành Tòa án, kiểm tra viên chính ngành Kiểm sát; chuyên viên chính, nghiên cứu viên chính, giảng viên chính trong lĩnh vực pháp luật.

Quá trình 3: Tập sự hành nghề luật sư

Căn cứ Điều 14 Luật luật sư, Sau khi có giấy chứng nhận tốt nghiệp đào tạo luật sư, tham gia tập sự hành nghề tại tổ chức hành nghề luật sư. Tổ chức hành nghề luật sư tại địa phương nào thì người tập sự tham gia vào đoàn luật sư của địa phương đó. Thời gian tập sự là 12 tháng.

Trong lúc tham gia tập sự này, bạn sẽ có người hướng dẫn tập sự, yêu cầu:

  • Có ít nhất 03 năm kinh nghiệm hành nghề luật sư;
  • Không thuộc các trường hợp đang bị xử lý kỷ luật do vi phạm Luật luật sư, điều lệ và các quy tắc đạo đức, ứng xử nghề nghiệp luật sư và quy định khác của các tổ chức xã hội – nghề nghiệp luật sư.
  • Không được hướng dẫn quá 03 người tập sự.

Quá trình 4: Kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư

Căn cứ Điều 15 Luật luật sư, Sau thời gian tập sự hành nghề luật sư, ban chủ nhiệm Đoàn luật sư xem xét và lập danh sách những người tham gia kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư lên Liên đoàn luật sư Việt Nam. Hội đồng kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư sẽ tiến hành kiểm tra.

Căn cứ Điều 16 Luật luật sư, Người được miễn, giảm thời gian tập sự hành nghề luật sư gồm:

  • Người đã là thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên cao cấp, điều tra viên trung cấp, giáo sư, phó giáo sư chuyên ngành luật, tiến sỹ luật, thẩm tra viên cao cấp ngành Tòa án, kiểm tra viên cao cấp ngành Kiểm sát, chuyên viên cao cấp, nghiên cứu viên cao cấp, giảng viên cao cấp trong lĩnh vực pháp luật được miễn tập sự hành nghề luật sư.
  • Người đã là điều tra viên sơ cấp, thẩm tra viên chính ngành Tòa án, kiểm tra viên chính ngành Kiểm sát, chuyên viên chính, nghiên cứu viên chính, giảng viên chính trong lĩnh vực pháp luật được giảm hai phần ba thời gian tập sự hành nghề luật sư.
  • Người có thời gian công tác ở các ngạch chuyên viên, nghiên cứu viên, giảng viên trong lĩnh vực pháp luật, thẩm tra viên ngành Tòa án, kiểm tra viên ngành Kiểm sát từ mười năm trở lên thì được giảm một nửa thời gian tập sự hành nghề luật sư.

Quá trình 5:  Cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư

Căn cứ Điều 17 Luật luật sư, Những người đã qua quá trình kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư phải chuẩn bị một bộ hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề luật sư lên ban chủ nhiệm Đoàn luật sư. Hồ sơ gồm:

  • Đơn đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề tập sự hành nghề luật sư (theo mẫu);
  • Phiếu lý lịch tư pháp;
  • Giấy chứng nhận sức khỏe;
  • Bằng cử nhân luật hoặc bằng thạc sỹ luật (bản sao);
  • Giấy chứng nhận kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư (bản sao).

Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư chuyển hồ sơ cho Sở Tư pháp kèm theo bản xác nhận người đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư có đủ tiêu chuẩn luật sư theo quy định của Luật Luật sư.

Người được miễn tập sự hành nghề luật sư có hồ sơ đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư gửi Sở Tư pháp nơi người đó thường trú. Hồ sơ gồm:

  • Đơn đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề tập sự hành nghề luật sư (theo mẫu);
  • Phiếu lý lịch tư pháp;
  • Giấy chứng nhận sức khỏe;
  • Bằng cử nhân luật hoặc bằng thạc sỹ luật (bản sao),  trừ những người là giáo sư, phó giáo sư chuyên ngành luật, tiến sỹ luật;
  • Bản sao giấy tờ chứng minh là người được miễn tập sự hành nghề luật sư quy định tại khoản 1 Điều 16 của Luật Luật sư. Trong thời hạn bảy ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Tư pháp có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ, trong trường hợp cần thiết thì tiến hành xác minh tính hợp pháp của hồ sơ và có văn bản đề nghị kèm theo hồ sơ cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư gửi Bộ Tư pháp.

Trong thời hạn hai mươi ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp quyết định cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư; trong trường hợp từ chối phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do cho người đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư và Sở Tư pháp nơi gửi hồ sơ đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư.

 

Người bị từ chối cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư có quyền khiếu nại, khiếu kiện theo quy định của pháp luật.

Quá trình 6: Gia nhập Đoàn luật sư

Sau khi có Chứng chỉ hành nghề Luật sư, cá nhân có quyền lựa chọn gia nhập vào một Đoàn Luật sư bất kỳ để hành nghề theo quy định tại Điều 20 Luật luật sư, sau khi có quyết định gia nhập Đoàn Luật sư, Ban chủ nhiệm Đoàn Luật sư có trách nhiệm gửi văn bản đề nghị Liên đoàn Luật sư Việt Nam cấp Thẻ Luật sư cho người gia nhập Đoàn Luật sư.

Như vậy, kể từ thời điểm được cấp Thẻ Luật sư, người Luật sư phải thực hiện đúng tôn chỉ nghề nghiệp và tôn trọng pháp luật.

Để trở thành luật sư là cả một con đường dài nhiều khó khăn và thử thách, đòi hỏi người luật sư phải có lòng đam mê, tinh thần và ý chí vững vàng và tình yêu với nghề nghiệp. Nghề nào cũng có cái khó riêng, quan trọng là mỗi người có ước mơ và cố gắng hết sức để hoàn thành ước mơ của mình.

CÔNG TY LUẬT TNHH HT LEGAL VN

VP1: 207B Nguyễn Phúc Chu, P.15, quận Tân Bình, Tp. Hồ Chí Minh

VP2: 37/12 Hẻm 602 Điện Biên Phủ, P.22, quận Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh (Bên cạnh UBND phường 22)

Email: info@htlegalvn.com       Hotline: 09 6161 4040 – 09 4517 4040

Bích Thảo