Theo xu hướng phát triển của nên kinh tế thị trường, số lượng vụ án kinh doanh thương mại phát sinh ngày càng nhiều và rất phức tạp, đòi hỏi Luật sư phải nghiên cứu nhiều văn bản pháp luật liên quan, rút kinh nghiệm từ những sai lầm, thực tiễn đã kênh qua nhằm giảm bớt những thiệt hại không đáng có cho khách hàng trong quá trình tham gia tranh tụng và giải quyết vụ việc về kinh doanh thương mại. Từ đó, Công ty Luật HT Legal VN đưa ra những kinh nghiệm đúc kết như sau:
1. Kỹ năng Luật sư khi tham gia vụ án kinh doanh thương mại.
Trước hết phải kiểm tra trong hợp đồng hay thỏa thuận khác giữa các bên tham gia hợp đồng có thỏa thuận trọng tài giải quyết hay không? Xem xét thoả thuận trọng tài vô hiệu hoặc thoả thuận trọng tài không thể thực hiện được hay không? Nếu thuộc trường hợp có trọng tài giải quyết thì áp dụng Luật Trọng tài thương mại để giải quyết chứ không khởi kiện ra Tòa án giải quyết vụ án kinh doanh thương mại.
Khi áp dụng pháp luật để giải quyết vụ việc thì ưu tiên áp dụng Luật chuyên ngành: Luật Doanh nghiệp, Luật Thương mại, Luật các Tổ chức tín dụng, Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Hàng hải, Luật Xây dựng, Nghị quyết hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán hướng dẫn các vấn đề liên quan, Nghị định, Thông tư…Khi không có luật chuyên ngành áp dụng vào trường hợp cụ thể thì mới áp dụng Bộ luật dân sự. Nếu vụ việc có yếu tố nước ngoài, phải xem xét có Điều ước Quốc tế mà Việt Nam có thành viên hay không…
Thu thập tài liệu, chứng cứ, đây là kỹ năng cực kỳ quan trọng quyết định sự thành công hoặc thất bại của Luật sư khi bảo vệ cho khách hàng. Khi nghiên cứu thu thập tài liệu chứng cứ thì phải tìm hiểu những điểm mâu thuẫn có trong hồ sơ vụ án, những điểm chưa rõ ràng, những tài liệu nào còn thiếu mà các bên chưa cung cấp, những kết luận hay giám định, kiểm định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, các cơ quan có chuyên môn…Nói tóm lại là phải thu thập tài liệu một cách đầy đủ và toàn diện, đặc biệt những vụ việc liên quan đến mua bán, giao dịch hay vận chuyển hàng hóa Quốc tế.
2. Một số điểm cần lưu ý đối với vụ án kinh doanh thương mại.
2.1. Tranh chấp liên quan đến Chi nhánh, Văn phòng đại diện:
Theo quy định tại Điều 84 của Bộ Luật dân sự 2015 quy định:
“1. Chi nhánh, văn phòng đại diện là đơn vị phụ thuộc của pháp nhân, không phải là pháp nhân.
2. Chi nhánh có nhiệm vụ thực hiện toàn bộ hoặc một phần chức năng của pháp nhân.
3. Văn phòng đại diện có nhiệm vụ đại diện trong phạm vi do pháp nhân giao, bảo vệ lợi ích của pháp nhân.
4. Việc thành lập, chấm dứt chi nhánh, văn phòng đại diện của pháp nhân phải được đăng ký theo quy định của pháp luật và công bố công khai.
5. Người đứng đầu chi nhánh, văn phòng đại diện thực hiện nhiệm vụ theo uỷ quyền của pháp nhân trong phạm vi và thời hạn được uỷ quyền.
6. Pháp nhân có quyền, nghĩa vụ dân sự phát sinh từ giao dịch dân sự do chi nhánh, văn phòng đại diện xác lập, thực hiện.”
Như vậy, chi nhánh như chi nhánh các Ngân hàng hay Văn phòng đại diện, các Đội sản xuất, đơn vị sản xuất của một Doanh nghiệp nào đó không phải là Pháp nhân và không phải là nguyên đơn, bị đơn hay là người liên quan trong một vụ án, mà chỉ có Doanh nghiệp hoặc chính Ngân hàng, tổ chức tín dụng mới là đương sự thực sự trong 1 vụ án.
Ví dụ: Trong vụ án tranh chấp hợp đồng tín dụng giữa Ngân hàng Thương mại cổ phần Quốc tế Việt Nam (VIB), chi nhánh Đà Nẵng với Công ty TNHH B.
Tòa án lại xác định VIB chi nhánh Đà Nẵng là nguyên đơn, Giám đốc chi nhánh là người đại diện theo pháp luật của Ngân hàng là không đúng. Nếu xác định đúng thì nguyên phải là Ngân hàng Thương mại cổ phần Quốc tế Việt Nam (VIB), địa chỉ phải là địa chỉ trụ sở chính của Ngân hàng VIB, người đại diện theo pháp luật phải là Tổng giám đốc của VIB theo điều lệ Ngân hàng và mọi thủ tục ủy quyền tham gia tố tụng phải được cung cấp đầy đủ tại hồ sơ vụ án.
Trong trường hợp này, Luật sư bảo vệ cho phía bị đơn Công ty TNHH B phải cần phải nhìn nhận được sai sót này để bảo vệ theo hướng có lợi cho khách hàng.
2.2. Tranh chấp liên quan đến Doanh nghiệp tư nhân:
Tại khoản 3 Điều 190 Luật doanh nghiệp 2020 quy định: “Chủ doanh nghiệp tư nhân là người đại diện theo pháp luật, đại diện cho doanh nghiệp tư nhân với tư cách người yêu cầu giải quyết việc dân sự, nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước Trọng tài, Tòa án, đại diện cho doanh nghiệp tư nhân thực hiện quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.”
Như vậy, đối với Doanh nghiệp tư nhân thì khi tham gia tố tụng trong vụ án kinh doanh thương mại nói riêng thì Chủ doanh nghiệp mới là đương sự trong vụ án, chứ không phải doanh nghiệp tư nhân.
Ví dụ: Trong vụ án tranh chấp hợp đồng tín dụng giữa Ngân hàng Thương mại cổ phần Quốc tế Việt Nam (VIB) với Doanh nghiệp tư nhân B.
Cần xác định Chủ Doanh nghiệp tư nhân B là ông Hoàng Văn C, là người bị kiện chứ không phải Doanh nghiệp tư nhân B.
2.3. Xác định thiếu, không đúng người tham gia tố tụng:
Trong các vụ án kinh doanh thương mại thường xác định thiếu người tham gia tố tụng, đặc biệt các vụ án liên quan đến tranh chấp hợp đồng tín dụng thường xác định thiếu người tham gia tố tụng là người thứ ba như: người đang quản lý tài sản, người sở hữu chung tài sản, những người trong hộ gia đình, người thừa kế, người đang tranh chấp về quyền sở hữu chính tài sản đang thế chấp, cầm cố…
Ví dụ: Trong vụ án tranh chấp hợp đồng tín dụng giữa Ngân hàng Thương mại cổ phần Quốc tế Việt Nam (VIB) với Công ty TNHH B.
Để đảm bảo cho khoản vay của Công ty B, ông Nguyễn T đã thế chấp quyền sử dụng đất và nhà của ông Nguyễn T. Tuy nhiên, hiện nay anh Cao Văn N và vợ con (anh N là người thuê nhà của ông T, thời hạn thuê 01 năm với giá 50 triệu đồng/tháng, đến thời điểm tranh chấp còn thời hạn 6 tháng, giữa anh N và ông T cũng đang tranh chấp về hợp đồng thuê nhà do ông T cố tình tăng giá thuê lên 150 triệu/tháng) đang sống trong ngôi nhà và kinh doanh buôn bán. Nhưng xuyên suốt quá trình giải quyết lại không đưa vợ chồng anh N vào tham gia tố tụng.
Hoặc có trường hợp lại đưa thừa người tham gia tố tụng, trong quá trình giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa giữa cá doanh nghiệp thì nội bộ của các doanh nghiệp lại có sự tranh chấp giữa các thành viên trong công ty nên Tòa án lại đưa cả những thành viên trong công ty vào tham gia là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án .v..v. Trong trường hợp này, Luật sư cần phát hiện và đưa ra kiến nghị để vụ án được giải quyết nhanh chóng, tránh việc sai sót vụ án lại bị hủy nhiều lần, kéo dài, mất thời gian làm khách hàng mệt mỏi.
2.4. Tài sản bảo đảm trong tranh chấp hợp đồng tín dụng:
Có nhiều trường hợp tài sản dùng để thế chấp là quyền sử dụng đất thuộc sở hữu chung của vợ chồng hoặc là di sản chia thừa kế hoặc tài sản chung của hộ gia đình nhưng trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chỉ đứng tên 01 người, và người đó lại giấu đi việc sở hữu chung, đem tài sản đi thế chấp cho khoản vay ở Ngân hàng. Hoặc Tài sản bảo đảm đã chuyển nhượng, bán cho người khác nhưng vẫn đem đi thế chấp để đảm bảo cho khoản vay của hợp đồng tín dụng.
Ví dụ: Trong vụ án tranh chấp hợp đồng tín dụng giữa Ngân hàng Thương mại cổ phần Quốc tế Việt Nam (VIB), chi nhánh Đà Nẵng với Công ty TNHH B. Công ty TNHH B vay Ngân hàng số tiền 2 tỷ đồng. Bà Nguyễn Thị Thu T là đại diện theo pháp luật của Công ty, bà T tự ý lấy tài sản là nhà và đất tại huyện X, tỉnh Y thế chấp cho khoản vay của Công ty, đứng tên bà T. Hợp đồng thế chấp được công chứng và đăng ký giao dịch bảo đảm đầy đủ. Tuy nhiên, nhà và đất nêu trên là tài sản chung vợ chồng của bà T và anh Cao Văn Q. Anh Q không hề hay biết gì về việc bà T tự ý đem nhà và đất thế chấp cho Ngân hàng, anh Q vẫn đang sinh sống tại căn nhà trên. Như vậy, trong trường hợp này hợp đồng thế chấp bị vô hiệu toàn bộ.
Trên đây là một số ý kiến của chúng tôi liên quan đến các kỹ năng luật sư giải quyết vụ án kinh doanh thương mại. Quý khách hàng có thể liên hệ luật sư của Công ty Luật HT Legal VN, công ty luôn đề cao sự uy tín, tận tâm và trách nhiệm khi làm việc. Khách hàng có nhu cầu có thể tìm hiểu thêm thông tin và liên hệ với chúng tôi theo địa chỉ:
CÔNG TY LUẬT TNHH HT LEGAL VN
VP1: 207B Nguyễn Phúc Chu, P.15, quận Tân Bình, Tp. Hồ Chí Minh
VP2: 37/12 Hẻm 602 Điện Biên Phủ, P.22, quận Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh (Bên cạnh UBND phường 22)
Email: info@htlegalvn.com Hotline: 09 6161 4040 – 09 4517 4040