Tại Việt Nam, nguyên tắc suy đoán vô tội đã được quy định trong Hiến pháp năm 2013 và Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. Sau những vụ án oan sai như vụ ông Nguyễn Thanh Chấn, Huỳnh Văn Nén... nguyên tắc này đặc biệt được chú ý trong xét xử hình sự nhằm hạn chế oan sai. Các bị cáo không bị buộc phải đưa ra lời khai chống lại mình, ngược lại cơ quan điều tra phải tìm ra bằng chứng để kết tội bị cáo. Hãy cùng Công ty Luật TNHH HT Legal VN nghiên cứu về vấn đề Nguyên tắc suy đoán vô tội đối với bị can/bị cáo trong tố tụng hình sự.
- Cơ sở pháp lý: Bộ luật Tố tụng hình sự 2015
- Nội dung:
1. Nội dung của nguyên tắc suy đoán vô tội.
Căn cứ Điều 13 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 về Suy đoán vô tội:
“Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do Bộ luật Tố tụng hình sự quy định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.
Khi không đủ và không thể làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội, kết tội theo trình tự, thủ tục do Bộ luật Tố tụng hình sự quy định thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kết luận người bị buộc tội không có tội.”
Theo đó, Nội dung của nguyên tắc suy đoán vô tội được khái quát như sau:
Thứ nhất, Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục theo quy định pháp luật và có bản án kết tội của tòa án đã có hiệu lực pháp luật.
Do đó, Nguyên tắc này khẳng định chỉ có Tòa án mới có thẩm quyền phán quyết, xác định một người có tội bằng bản án kết tội có hiệu lực pháp luật. Chừng nào chưa có bản án kết tội có hiệu lực pháp luật của Tòa án thì người bị buộc tội vẫn là người vô tội.
Thực tiễn cho thấy, khi bị khởi tố bị can, đã bị tạm giam…, ngay cả người tiến hành tố cũng cũng cho rằng họ đã có tội và đối xử họ như những người có tội. Cần phân biệt giữa hành vi phạm tội và tội phạm.
Thứ hai, Nghĩa vụ chứng minh thuộc về cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng.
Căn cứ Điều 15 Bộ Luật Tố tụng hình sự năm 2015 về nguyên tắc xác định sự thật vụ án: “Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan tiến hành tố tụng. Người bị buộc tội có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình có tội.”
Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 tuy không quy định quyền im lặng của người bị buộc tội thành một nguyên tắc riêng nhưng căn cứ điểm d khoản 1 Điều 58; điểm c khoản 2 Điều 59; điểm d khoản 2 Điều 60 và điểm h khoản 2 Điều 61 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo có quyền “Trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội”. Do đó, Bộ luật Tố tụng hình sự đã mặc nhiên thừa nhận quyền im lặng của những người này.
Để xác định một người là người phạm tội, trên cơ sở đó tiến hành truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người đó, các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải chứng minh được người đó là người thực hiện hành vi cấu thành tội danh trong Bộ luật hình sự. Nếu không chứng minh được một người đã thực hiện tội phạm thì không thể kết tội người đó. Bởi lẽ, về khách quan họ là người phạm tội nhưng nếu không chứng minh được người đó đã thực hiện hành vi được Bộ luật hình sự coi là tội phạm, thì các cơ quan tiến hành tố tụng cũng không thể truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người đó.
Chứng minh tội phạm là một quá trình diễn ra ở cả ba giai đoạn điều tra – truy tố – xét xử. Ba giai đoạn này độc lập nhưng lại có cơ chế giám sát, chế ước, bổ sung cho nhau nhằm bảo đảm việc kết tội được chính xác, không làm oan người không phạm tội. Từng cơ quan của giai đoạn tố tụng phải có nghĩa vụ chứng minh tội phạm ở giai đoạn của mình phụ trách và chịu trách nhiệm về việc chứng minh đó.
Thứ ba, Việc truy tố, xét xử phải tiến hành theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định.
Nội dung này nhấn mạnh yêu cầu về mặt thủ tục pháp lý, là dấu hiệu quan trọng nhất của chế độ pháp quyền, theo đó, thủ tục công khai, minh bạch là đòi hỏi số một cho việc bảo vệ quyền con người chống lại sự truy bức tùy tiện.
Căn cứ Điều 7 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, “Mọi hoạt động tố tụng hình sự phải được thực hiện theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Không được giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử ngoài những căn cứ và trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định”.
Do đó, Chứng cứ sẽ vô hiệu (Điều 87), hồ sơ phải được trả lại để điều tra bổ sung (Điều 236 và 280), bản án bị hủy để điều tra lại hoặc xét xử lại khi xét xử phúc thẩm (Điều 358) và trong thủ tục giám đốc thẩm (khoản 3 Điều 371, Điều 388) nếu phát hiện có vi phạm thủ tục tố tụng.
Trong giai đoạn điều tra, truy tố nếu không chứng minh được bị can đã thực hiện hành tội phạm mà thời hạn điều tra đã hết thì cơ quan có thẩm quyền phải ra quyết định đình chỉ vụ án theo quy định tại Điều 230 và Điều 248 của BLTTHS 2015. Trong giai đoạn xét xử nếu không đủ căn cứ để xác định bị cáo có tội thì Hội đồng xét xử ra bản án tuyên bố bị cáo vô tội.
Thứ tư, Phải đảm bảo xem xét các tình tiết vụ án 1 cách khách quan, đầy đủ.
- Cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án phải áp dụng mọi biện pháp hợp pháp để xác định sự thật vụ án một cách khách quan, toàn diện không bị chi phối bởi ý chí của người khác và không xem xét vụ án một cách phiến diện.
- Bất cứ vụ án nào cũng phải được chứng minh theo thủ tục đầy đủ theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự tránh tình trạng rút gọn nhằm đẩy nhanh quá trình điều tra làm bỏ sót tình tiết quan trọng vụ án làm vụ án sai lệch so với sự thật gây ảnh hưởng đến quyền và nghĩa vụ của người tham gia tố tụng.
- Nhằm xác định sự thật vụ án một cách đúng đắn chính xác nhất, từ đó xem xét bị cáo có tội hay không có tội để đưa ra một bản án xét xử đúng người đúng tội.
Trong thực tế hoạt động tố tụng hình sự có nhiều người bị buộc tội, bị truy tố trước Tòa án nhưng Tòa án không kết tội, bản án của Tòa án đã tuyên bố người bị buộc tội không phạm tội như cáo trạng đã truy tố. Có người bị buộc tội đã có bản án có hiệu lực pháp luật nhưng người bị kết án đó vẫn được quyền suy đoán là mình vô tội, đó là khi họ bị kết án oan.
2. Ý nghĩa của nguyên tắc suy đoán vô tội
Một là, Nếu chỉ chứng minh theo hướng suy đoán có tội thì rất dễ dẫn đến việc coi tố tụng hình sự chỉ đơn thuần là việc bắt người và ra bản án kết tội kèm theo những hình phạt cụ thể. Việc định kiến người bị buộc tội là người có tội là hết sức nguy hiểm.
Hai là, Nguyên tắc suy đoán vô tội bảo vệ được quyền của người bị buộc tội.
Bảo vệ xã hội chống lại hành vi xâm hại từ phía tội phạm và bảo vệ cá nhân người bị buộc tội chống lại sự xâm hại quyền con người từ phía công quyền. Một người luôn vô tội khi nhà nước không chỉ ra được những bằng chứng chống lại điều này và chứng minh được họ có tội. Nguyên tắc này bảo vệ chính sách nhân đạo của pháp luật hình sự và lợi ích của người bị truy cứu trách nhiệm hình sự là khi cơ quan tố tụng không chứng minh được hành vi phạm tội thì phải suy đoán theo hướng ngược lại.
Ba là, Nguyên tắc suy đoán vô tội có quan hệ chặt chẽ với nguyên tắc đảm bảo quyền bào chữa.
Nếu đã bị coi là có tội ngay từ khi chưa xét xử thì việc thực hiện quyền bào chữa của người bị buộc tội chỉ còn là hình thức. Người bào chữa là người được đào tạo chuyên nghiệp về nghiệp vụ bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của bị cáo. Họ được nghiên cứu hồ sơ vụ án trên cơ sở am hiểu các quy định của pháp luật và được bị cáo hoặc gia đình bị cáo ủy quyền để bảo vệ cho các quyền và lợi ích chính đáng của bị cáo. Sự có mặt của người bào chữa nhằm đưa ra các luận cứ chứng minh sự vô tội của bị cáo hoặc đưa ra các lập luận đồng ý hay không đồng ý với quan điểm truy tố của Viện kiểm sát về tội danh cũng như các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự mà Viện kiểm sát buộc tội. Đảm bảo quyền bào chữa là cơ sở quan trọng để bảo vệ quyền con người.
Suy đoán vô tội là một nguyên tắc tiến bộ. Nguyên tắc này bảo vệ chính sách nhân đạo của pháp luật hình sự và lợi ích của người bị truy cứu trách nhiệm hình sự là khi cơ quan tố tụng không chứng minh được hành vi phạm tội thì phải suy đoán theo hướng ngược lại. Ngoài ra, nguyên tắc suy đoán vô tội cũng đặt ra yêu cầu cao hơn cho những người tiến hành tố tụng trong việc chứng minh tội phạm. Vì vậy, việc bảo đảm nguyên tắc suy đoán vô tội trong pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam cần được coi là một trong những nguyên tắc trụ cột và là một nhu cầu cấp thiết nhằm thực hiện đúng đắn, kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về cải cách tư pháp trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Trên đây là những nội dung chia sẻ của Công ty Luật TNHH HT Legal VN về Nguyên tắc suy đoán vô tội đối với bị can / bị cáo trong tố tụng hình sự. Để được tư vấn về vấn đề này hoặc những vấn đề liên quan, vui lòng liên hệ:
CÔNG TY LUẬT TNHH HT LEGAL VN
VP1: 37/12 Hẻm 602 Điện Biên Phủ, P.22, quận Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh (Cạnh UBND phường 22).
VP2: 207B Nguyễn Phúc Chu, P.15, quận Tân Bình, Tp. Hồ Chí Minh.
Email: info@htlegalvn.com Hotline: 09 6161 4040 - 09 4517 4040