NHỮNG TRƯỜNG HỢP ĐÒI NỢ SAI CÁCH, CHỦ NỢ CÓ THỂ TRỞ THÀNH BỊ CÁO (CÔNG TY LUẬT UY TÍN TẠI QUẬN BÌNH THẠNH, TÂN BÌNH, TP HỒ CHÍ MINH)

15/05/2023 - 2120 lượt xem

Mối quan hệ giữa “Chủ nợ - Con nợ” bắt nguồn từ giao dịch dân sự làm phát sinh quyền và nghĩa vụ giữa các bên. Như vậy, việc truy thu nợ khi đến hạn là quyền hợp pháp của Chủ nợ. Tuy nhiên, trong một số trường hợp chủ nợ trở thành bị cáo do thực hiện “quyền” sai cách.

Mối quan hệ giữa “Chủ nợ - Con nợ” bắt nguồn từ giao dịch dân sự làm phát sinh quyền và nghĩa vụ giữa các bên. Như vậy, việc truy thu nợ khi đến hạn là quyền hợp pháp của Chủ nợ. Tuy nhiên, trong một số trường hợp chủ nợ trở thành bị cáo do thực hiện “quyền” sai cách. Hãy cùng HT Legal VN tìm hiểu và phân tích vấn đề để tránh thực hiện “quyền” sai cách trong giao dịch dân sự trên.

Cơ sở pháp lý:

- Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017;

- Bộ luật Tố tụng hình sự 2015;

- Bộ luật Dân sự 2015;

- Thông tư 18/2019/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung Thông tư 43/2016/TT-NHNN quy định cho vay tiêu dùng của công ty tài chính.

1. Nghĩa vụ của người cho vay và người đi vay theo quy định của pháp luật:

- Nghĩa vụ của bên cho vay được quy định tại Khoản 1, 3 Điều 465 Bộ luật Dân sự 2015: “Giao tài sản cho bên vay đầy đủ, đúng chất lượng, số lượng vào thời điểm và địa điểm đã thỏa thuận; Không được yêu cầu bên vay trả lại tài sản trước thời hạn, trừ trường hợp quy định tại Điều 470 của Bộ luật này hoặc luật khác có liên quan quy định khác”

- Căn cứ theo Khoản 1, 3, 4 và 5 Điều 466 quy định về nghĩa vụ của bên vay:

+ Bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn; nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

+ Địa điểm trả nợ là nơi cư trú hoặc nơi đặt trụ sở của bên cho vay, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

+ Trường hợp vay không có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả nợ hoặc trả không đầy đủ thì bên cho vay có quyền yêu cầu trả tiền lãi với mức lãi suất theo quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này trên số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.

+ Trường hợp vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi như sau:

a) Lãi trên nợ gốc theo lãi suất thỏa thuận trong hợp đồng tương ứng với thời hạn vay mà đến hạn chưa trả; trường hợp chậm trả thì còn phải trả lãi theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này;

b) Lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả bằng 150% lãi suất vay theo hợp đồng tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Như vậy, nghĩa vụ cơ bản của bên vay là phải trả đủ tiền khi đến hạn và người cho vay có quyền truy thu nợ nếu bên vay quá hạn trả nợ.

Trong trường hợp người vay tiền cố tình trốn tránh, chây ì, chậm trễ trả nợ thì chủ nợ có thể khởi kiện ra Tòa án yêu cầu trả nợ hoặc nhờ người đại diện đứng ra thương thảo phương án trả nợ…một cách đúng luật. Tuy nhiên trong một số trường hợp, chủ nợ sử dụng cách thức đòi nợ trái pháp luật dẫn đến việc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

2. Các trường hợp đòi nợ sai cách

2.1. Sử dụng vũ lực dẫn đến thương vong

Để đòi lại khoản nợ quá hạn, chủ nợ đã sử dụng vũ lực nhằm ép con nợ phải trả tiền dẫn đến thương tích vượt quá 11% thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 quy định về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại đến sức khỏe của người khác thì tùy theo mức độ hành vi mà và mức độ thiệt hại mà người gây thương tích có thể chịu mức hình phạt tương ứng.

Trong một số trường hợp hành vi của chủ nợ như là cố ý tác động vào vùng trọng yếu của nạn nhân có thể bị truy cứ tội cố ý giết người theo Điều 123 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017.

2.2. Có hành vi Cưỡng đoạt tài sản hoặc Cướp tài sản từ con nợ

Một số chủ nợ do không thể đòi lại được khoản nợ thì có hành vi Cưỡng đoạt tài sản thậm chí là Cướp tài sản từ con nợ để trừ nợ. Tùy theo tội danh, mức độ hành vi mà chủ nợ có thể bị tuyên mức phạt theo Điều 170 và Điều 168 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017.

2.3. Bắt, giữ người trái pháp luật

Căn cứ theo Điều 157 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 quy định về việc bắt, người trái pháp luật. Trên thực tế nhiều vụ việc chủ nợ bắt, giữ con nợ hoặc người thân con nợ nhằm ép buộc con nợ hoặc người thân phải trả nợ.

2.4. Khủng bố tinh thần con nợ

Căn cứ theo Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 thì ngoài hành vi tác động thể chất thì hành vi “tác động tinh thần” cũng là đối tượng truy cứu trách nhiệm hình sự. Chủ nợ khủng bố tinh thần con nợ có thể trở thành bị cáo khi có hành vi như đe dọa giết người (Điều 133), làm nhục (Điều 155) hay là vu khống (Điều 156).

2.5. Đòi nợ người thân của con nợ

Căn cứ theo Điểm đ Điều 7 Thông tư 43/2016/TT-NHNN được sửa đổi, bổ sung bởi Khoản 7 Điều 1 Thông tư 18/2019/TT-NHNN quy định về biện pháp đôn đốc, thu hồi nợ có quy định như sau: “… không nhắc nợ, đòi nợ, gửi thông tin về việc thu hồi nợ của khách hàng đối với tổ chức, cá nhân không có nghĩa vụ trả nợ cho công ty tài chính, trừ trường hợp có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật; bảo mật thông tin khách hàng theo quy định của pháp luật;”. Vậy nên việc đòi nợ người thân của con nợ là vi phạm pháp luật vì những người này không có nghĩa vụ trả nợ.

2.6. Đòi nợ không đúng thời gian và vượt quá số lần đòi nợ cho phép

Vấn đề nghe có vẻ lạ nhưng chủ nợ chỉ được đòi nợ trong khung giờ quy định với số lần bị giới hạn. Căn cứ theo Điểm đ Điều 7 Thông tư 43/2016/TT-NHNN được sửa đổi, bổ sung bởi Khoản 7 Điều 1 Thông tư 18/2019/TT-NHNN quy định về “biện pháp đôn đốc, thu hồi nợ phù hợp với đặc thù của khách hàng, quy định của pháp luật và không bao gồm biện pháp đe dọa đối với khách hàng, trong đó số lần nhắc nợ tối đa 05 (năm) lần/01 (một) ngày, hình thức nhắc nợ, thời gian nhắc nợ do các bên thỏa thuận trong hợp đồng cho vay tiêu dùng nhưng phải trong khoảng thời gian từ 7 (bảy) giờ đến 21 (hai mươi mốt) giờ”.

2.7. Đòi nợ từ việc cho vay lãi nặng

Khác với hai trường hơp trên, thì bản chất của giao dịch dân sự này là đã vi phạm pháp luật. Căn cứ theo Điều 201 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 quy định về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự, tùy theo mức độ hành vi để xác định khung hình phạt:

“1. Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 05 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

2. Phạm tội mà thu lợi bất chính 100.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm”.

Cho nên việc truy thu nợ đối với món nợ lãi nặng là trái pháp luật và có thể bị khởi tố hình sự.

Hãy là người cho vay thông minh nếu bạn biết đòi nợ đúng pháp luật mà không vướng phải những vấn đề về trách nhiệm hình sự như đã kể trên.

Trên đây là bài phân tích các trường hợp hợp đòi nợ trái pháp luật của Công ty Luật HT Legal VN. Để được tư vấn rõ hơn về vấn đề này và các vấn đề khác có liên quan, vui lòng liên hệ:

CÔNG TY LUẬT TNHH HT LEGAL VN

VP1: 37/12 hẻm 602 Điện Biên Phủ, P.22, quận Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh (Cạnh UBND phường 22).

VP2: 207B Nguyễn Phúc Chu, P.15, quận Tân Bình, Tp. Hồ Chí Minh.

Email: info@htlegalvn.com         Hotline: 09 6161 4040 - 09 0161 4040

Thiện Trung
Theo HT Legal VN