Trong tranh chấp dân sự, việc thu thập chứng cứ là rất quan trọng, bởi Tòa án chỉ căn cứ vào tài liệu, chứng cứ đã được kiểm tra, xem xét là thu thập theo đúng trình tự theo quy định của pháp luật để làm cơ sở giải quyết tranh chấp. Lời khai của đương sự cũng là một trong những nguồn chứng cứ quan trọng, cơ bản nhất trong tranh chấp dân sự.
- Căn cứ pháp lý:
- Bộ luật tố tụng dân sự 2015.
- Nghị quyết 04/2012/NQ-GĐTP ngày 03/12/2012 của Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định về “Chứng minh và chứng cứ”.
- Nội dung:
Lời khai là chứng cứ giải quyết tranh chấp dân sự
Căn cứ theo quy định tại khoản 3, 4 Điều 94 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 thì lời khai của đương sự và lời khai của người làm chứng được xem là một trong những nguồn chứng cứ.
Pháp luật quy định về việc lấy lời khai của đương sự, cụ thể tại Điều 98 Bộ luật tố tụng dân sự 2015:
1. Thẩm phán chỉ tiến hành lấy lời khai của đương sự khi đương sự chưa có bản khai hoặc nội dung bản khai chưa đầy đủ, rõ ràng. Đương sự phải tự viết bản khai và ký tên của mình. Trường hợp đương sự không thể tự viết được thì Thẩm phán lấy lời khai của đương sự. Việc lấy lời khai của đương sự chỉ tập trung vào những tình tiết mà đương sự khai chưa đầy đủ, rõ ràng. Thẩm phán tự mình hoặc Thư ký Tòa án ghi lại lời khai của đương sự vào biên bản. Thẩm phán lấy lời khai của đương sự tại trụ sở Tòa án; trường hợp cần thiết có thể lấy lời khai của đương sự ngoài trụ sở Tòa án.
2. Biên bản ghi lời khai của đương sự phải được người khai tự đọc lại hay nghe đọc lại và ký tên hoặc điểm chỉ. Đương sự có quyền yêu cầu ghi những sửa đổi, bổ sung vào biên bản ghi lời khai và ký tên hoặc điểm chỉ xác nhận. Biên bản phải có chữ ký của người lấy lời khai, người ghi biên bản và đóng dấu của Tòa án; nếu biên bản được ghi thành nhiều trang rời nhau thì phải ký vào từng trang và đóng dấu giáp lai. Trường hợp biên bản ghi lời khai của đương sự được lập ngoài trụ sở Tòa án thì phải có người làm chứng hoặc xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Công an xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan, tổ chức nơi lập biên bản.
3. Việc lấy lời khai của đương sự thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 4 và khoản 5 Điều 69 của Bộ luật này phải được tiến hành với sự có mặt của người đại diện hợp pháp của đương sự đó.
Bên cạnh đó, căn cứ theo quy định tại Điều 99 Bộ luật tố tụng dân sự 2015, cũng đã quy định về việc lấy lời của người làm chứng, cụ thể:
1. Theo yêu cầu của đương sự hoặc khi xét thấy cần thiết, Thẩm phán tiến hành lấy lời khai của người làm chứng tại trụ sở Tòa án hoặc ngoài trụ sở Tòa án.
Trước khi lấy lời khai của người làm chứng, Thẩm phán phải giải thích quyền, nghĩa vụ của người làm chứng và yêu cầu người làm chứng cam đoan về lời khai của mình.
2. Thủ tục lấy lời khai của người làm chứng được tiến hành như thủ tục lấy lời khai của đương sự quy định tại khoản 2 Điều 98 của Bộ luật này.
3. Việc lấy lời khai của người làm chứng chưa đủ mười tám tuổi, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi phải được tiến hành với sự có mặt của người đại diện theo pháp luật hoặc người đang thực hiện việc quản lý, trông nom người đó.
Ngoài ra, việc lấy lời khai của đương sự, lời khai của người làm chứng được công nhận là chứng cứ được quy định tại khoản 5, 9 Điều 95 Bộ luật tố tụng dân sự 2015:
- Lời khai của đương sự, lời khai của người làm chứng được coi là chứng cứ nếu được ghi bằng văn bản, băng ghi âm, đĩa ghi âm, băng ghi hình, đĩa ghi hình, thiết bị khác chứa âm thanh, hình ảnh theo quy định tại khoản 2 Điều này hoặc khai bằng lời tại phiên tòa.
- Văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi pháp lý do người có chức năng lập tại chỗ được coi là chứng cứ nếu việc lập văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi pháp lý được tiến hành theo đúng thủ tục do pháp luật quy định.
Vụ án thực tế chứng minh cho vấn đề này:
Tại huyện A, vợ chồng ông H, bà O đã vay bà L số tiền 3 tỉ đồng, hẹn sau 1 tuần thì trả. Tuy nhiên, bà O nhiều lần hứa hẹn nhưng không trả. Đến tháng 6-2021, bà O đến viết giấy nợ cho bà L nhưng không đồng ý sang nhượng nhà đất để trừ bớt một phần nợ. Sau đó bà L khởi kiện vợ chồng bà O ra tòa. Trong buổi hòa giải cho vấn đề này, vì Thẩm phán bận công tác khác nên đã giao lại cho Thư ký tổ chức buổi hòa giải. Tuy nhiên, Thư ký tòa án khi lấy lời khai, ghi bổ sung thêm nội dung ngoài lời khai và mà không có sự chứng kiến của Thẩm phán và các đương sự. Như vậy, biên bản ghi lời khai trên đã được bổ sung mà không có sự chứng kiến của các bên đương sự, không do người có thẩm quyền thu thập theo đúng trình tự quy định tại Điều 95 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 thì không được xem là chứng cứ.
Ngoài ra, theo điểm b khoản 2 Điều 3 Nghị quyết 04/2012/NQ-GĐTP thì lời khai đương sự không thể thành chứng cứ khi: “Các tài liệu nghe được, nhìn được phải được xuất trình kèm theo văn bản xác nhận xuất xứ của tài liệu đó hoặc văn bản về sự việc liên quan tới việc thu âm, thu hình đó. Các tài liệu này có thể là băng ghi âm, đĩa ghi âm, băng ghi hình, đĩa ghi hình, phim, ảnh,… Nếu đương sự không xuất trình các văn bản nêu trên, thì tài liệu nghe được, nhìn được mà đương sự giao nộp không được coi là chứng cứ.”
Vụ án giả định chứng minh cho vấn đề này:
Ông H cho bà N vay 10 triệu đồng với thời hạn 1 tháng. Việc vay tài sản không lập thành văn bản, nhưng được ông A ghi âm lại toàn bộ nội dung thoả thuận về việc vay tài sản, việc giao nhận tiền và thời điểm thanh toán nợ giữa ông H và bà N để làm bằng chứng cho việc vay tài sản của ông H. Đến hạn trả nợ, bà N không trả số tiền đó cho ông H. Ông H khởi kiện bà N ra Toà án. Như vậy, trong trường hợp này, cùng với việc giao nộp băng ghi âm, ông A phải gửi văn bản trình bày về sự việc liên quan tới việc thu âm đó.
Xác minh chứng cứ
Vì chứng cứ là yếu trọng trong quá trình giải quyết tranh chấp nên việc xác minh lời khai đó có chính xác, khách quan hay không cũng là một thủ tục cần thiết.
Tại Điều 100 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định:
1. Theo yêu cầu của đương sự hoặc khi xét thấy có mâu thuẫn trong lời khai của các đương sự, người làm chứng, Thẩm phán tiến hành đối chất giữa các đương sự với nhau, giữa đương sự với người làm chứng hoặc giữa những người làm chứng với nhau.
2. Việc đối chất phải được lập thành biên bản, có chữ ký hoặc điểm chỉ của những người tham gia đối chất.
Xử lý trường hợp đưa tin sai sự thật
Trong một tranh chấp dân sự, việc đưa ra thông tin không chính xác sẽ gây cản trở rất lớn trong quá trình giải quyết vụ việc, dẫn đến tốn quá nhiều thời gian, công sức của nhiều người khi tham gia giải quyết tranh chấp. Vì vậy pháp luật cũng đã đưa ra các chế tài để xử phạt phù hợp đối với người có hành vi này.
Theo quy định tại Điều 495 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định:
1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân không thi hành quyết định của Tòa án về việc cung cấp tài liệu, chứng cứ mà cơ quan, tổ chức, cá nhân đó đang quản lý, lưu giữ thì có thể bị Tòa án xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật.
2. Người có hành vi đưa tin sai sự thật nhằm cản trở Tòa án giải quyết vụ án thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.”
Mọi thông tin chi tiết xin liên hệ:
Công ty Luật TNHH HT Legal VN - Hotline: 09 6161 4040