​QUY ĐỊNH VỀ VIỆC NUÔI CON VÀ CẤP DƯỠNG TRONG VỤ ÁN LY HÔN (CÔNG TY LUẬT UY TÍN TẠI QUẬN BÌNH THẠNH, TÂN BÌNH TP.HCM)

08/12/2022 - 983 lượt xem

​QUY ĐỊNH VỀ VIỆC NUÔI CON VÀ CẤP DƯỠNG TRONG VỤ ÁN LY HÔN (CÔNG TY LUẬT UY TÍN TẠI QUẬN BÌNH THẠNH, TÂN BÌNH TP.HCM)

Khi ly hôn mà vợ chồng có con chung, để đảm bảo quyền lợi cho con, cần xác định ai là người nuôi con và cấp dưỡng cho con theo quy định của pháp luật. Nghĩa vụ cấp dưỡng cho con khi cha mẹ ly hôn là một nghĩa vụ pháp lý mà cha hoặc mẹ bắt buộc phải làm đối với con nếu con là người chưa thành niên hoặc đã thành niên mà không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình. Sau khi ly hôn, nếu không phải là người trực tiếp nuôi dưỡng con, cha hoặc mẹ phải cấp dưỡng cho con để đảm bảo về mặt vật chất cho con được phát triển đầy đủ khi con không được chung sống đồng thời với cha và mẹ. Sau đây, Công ty Luật TNHH HT Legal VN sẽ chia sẻ về Quy định về việc nuôi con và cấp dưỡng trong vụ án ly hôn.

Căn cứ pháp lý:

+ Bộ luật dân sự 2015

+ Luật hôn nhân và gia đình 2014

+ Nghị quyết số 02/2000/NQ-HĐTP Hướng dẫn áp dụng một số quy định của Luật hôn nhân và gia đình năm 2000

Nội dung:

1. Quyền nuôi con sau khi ly hôn

Theo quy định tại Điều 81 Luật Hôn nhân gia đình 2014 về Việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn:

- Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.

- Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.

- Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.

Điều kiện thay đổi quyền nuôi con sau khi ly hôn

Sau khi ly hôn, vợ chồng có thể thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con hoặc nếu không thoả thuận được thì nuôi con theo quyết định của Tòa án. Tuy nhiên, người trực tiếp nuôi con có thể được thay đổi khi có yêu cầu của cha, mẹ hoặc của người thân thích; Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình; Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em; Hội liên hiệp phụ nữ theo quy định tại Điều 84 Luật Hôn nhân gia đình 2014:

- Cha, mẹ có thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phù hợp với lợi ích của con;

- Người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.

- Đối với trường hợp xét thấy cả cha và mẹ đều không đủ điều kiện trực tiếp nuôi con: Tòa án quyết định giao con cho người giám hộ theo quy định của Bộ luật dân sự.

- Đối với con từ đủ 07 tuổi trở lên: việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phải xem xét nguyện vọng của con.

- Đối với trường hợp người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện: trên cơ sở lợi ích của con thì người thân thích; Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình; Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em; Hội liên hiệp phụ nữ có quyền yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con.

Các trường hợp xác định quyền nuôi con, cấp dưỡng:

- Con chưa thành niên;

- Con đã thành niên nhưng mất năng lực hành vi dân sự;

- Con đã thành niên nhưng không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.

2. Nghĩa vụ cấp dưỡng cho con sau khi ly hôn

a. Cấp dưỡng là gì?

Theo quy định tại Khoản 24 Điều 3 Luật hôn nhân và gia đình 2014, “Cấp dưỡng” là việc một người có nghĩa vụ đóng góp tiền hoặc tài sản khác để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người không sống chung với mình mà có quan hệ hôn nhân, huyết thống hoặc nuôi dưỡng trong trường hợp người đó là người chưa thành niên, người đã thành niên mà không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình hoặc người gặp khó khăn, túng thiếu theo quy định của Luật này.

b. Nghĩa vụ cấp dưỡng

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 82 Luật hôn nhân và gia đình 2014, cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.

Như vậy, người không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn có nghĩa vụ cấp dưỡng đến khi người con thành niên và có khả năng lao động hoặc có tài sản để tự nuôi mình.

Nghĩa vụ cấp dưỡng là nghĩa vụ của cha, mẹ; do đó, không phân biệt người trực tiếp nuôi con có khả năng kinh tế hay không, người không trực tiếp nuôi con vẫn phải có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con.

Trong trường hợp người trực tiếp nuôi con không yêu cầu người không trực tiếp nuôi con cấp dưỡng vì lý do nào đó thì Toà án cần giải thích cho họ hiểu rằng việc yêu cầu cấp dưỡng nuôi con là quyền lợi của con để họ biết nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của con. Nếu xét thấy việc họ không yêu cầu cấp dưỡng là tự nguyện, họ có đầy đủ khả năng, điều kiện nuôi dưỡng con thì Toà án không buộc bên kia phải cấp dưỡng nuôi con.

Ngoài ra, nghĩa vụ cấp dưỡng không thể thay thế bằng nghĩa vụ khác và không thể chuyển giao cho người khác.

c. Mức cấp dưỡng

Điều 116 Luật Hôn nhân gia đình 2014 quy định về mức cấp dưỡng:

- Mức cấp dưỡng do người có nghĩa vụ cấp dưỡng và người được cấp dưỡng hoặc người giám hộ của người đó thỏa thuận căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.

- Khi có lý do chính đáng, mức cấp dưỡng có thể thay đổi. Việc thay đổi mức cấp dưỡng do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.

Thực tế hiện nay chưa có văn bản quy định cụ thể mức cấp dưỡng cho con sau khi ly hôn nên để xác định mức cấp dưỡng cụ thể, Tòa án thường căn cứ vào chứng từ, hóa đơn liên quan đến chi phí hợp lý để nuôi dưỡng, chăm sóc con và thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng.

d. Phương thức cấp dưỡng

Điều 117 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định về Phương thức cấp dưỡng như sau:

- Việc cấp dưỡng có thể được thực hiện theo 2 phương thức:

+ Cấp dưỡng định kỳ (hàng tháng, hàng quý, nửa năm, hàng năm)

+ Cấp dưỡng một lần.

Trong trường hợp các bên không thoả thuận được: Toà án quyết định phương thức cấp dưỡng định kỳ hàng tháng. (Căn cứ Nghị quyết số 02/2000/NQ-HĐTP)

Các bên có thể thỏa thuận thay đổi phương thức cấp dưỡng, tạm ngừng cấp dưỡng trong trường hợp người có nghĩa vụ cấp dưỡng lâm vào tình trạng khó khăn về kinh tế mà không có khả năng thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.

3. Bảo đảm thực hiện việc cấp dưỡng trong vụ án ly hôn

Một số biện pháp và chế tài xử lý nhằm cưỡng chế, răn đe người có hành vi trốn tránh thực hiện nghĩa vụ, đảm bảo nghĩa vụ cấp dưỡng được thực thi hiệu quả hơn trên thực tế:

- Ghi nhận quyền yêu cầu Tòa án buộc người không tự nguyện thi hành án cấp dưỡng cho con phải thực hiện nghĩa vụ. Quyền này được quy định cụ thể tại Điều 119 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.

- Ghi nhận biện pháp trừ vào thu nhập của người có nghĩa vụ tại Điều 78 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 sửa đổi bổ sung năm 2014.

- Biện pháp xử phạt vi phạm hành chính, tại khoản 1 Điều 57 Nghị định Số: 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ  thì người có nghĩa vụ cấp dưỡng mà trốn tránh hoặc từ chối nghĩa vụ cấp dưỡng thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành, phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng

- Chế tài xử lý hình sự được cụ thể tại Điều 186 Bộ luật hình sự năm 2015 quy định “Tội từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng” với hình phạt tù cao nhất đến 02 năm tù.

Trên đây là những nội dung chia sẻ của Công ty Luật TNHH HT Legal VN về Quy định về việc nuôi con và cấp dưỡng trong vụ án ly hôn. Để được tư vấn về vấn đề này hoặc những vấn đề liên quan, vui lòng liên hệ:

CÔNG TY LUẬT TNHH HT LEGAL VN

VP1: 37/12 Hẻm 602 Điện Biên Phủ, P.22, quận Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh (Cạnh UBND phường 22).

VP2: 207B Nguyễn Phúc Chu, P.15, quận Tân Bình, Tp. Hồ Chí Minh.

Email: info@htlegalvn.com          Hotline: 09 6161 4040 - 09 4517 4040

Như Quỳnh
Theo HT Legal VN