Mặc dù quy trình giải quyết tố giác về tội phạm được quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự và các văn bản dưới luật nhưng nhiều cá nhân vẫn còn lúng túng, chưa biết cách tự mình tố giác hành vi phạm tội cũng như chưa hiểu rõ về quy trình giải quyết tố giác tội phạm của Cơ quan có thẩm quyền.
Việc tố giác tội phạm không phải là quyền mà là nghĩa vụ của mỗi công dân, do đó hiểu rõ được quy trình giải quyết tố giác về tội phạm sẽ góp phần đẩy mạnh công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm của Nhà nước.
Chính vì vậy, Công ty Luật TNHH HT Legal VN sẽ chia sẻ về quy trình giải quyết tố giác về tội phạm để công dân có thể biết và gửi đơn tố giác trực tiếp, đúng cơ quan có thẩm quyền và theo dõi việc giải quyết đơn tố giác của Cơ quan có thẩm quyền đúng thời hạn luật định.
Cơ sở pháp lý:
- Bộ luật Tố tụng hình sự số 101/2015/QH13 được sửa đổi, bổ sung năm 2021;
- Thông tư số 28/2020/TT-BCA ngày 26/3/2020 của Bộ Công an quy định trình tự, thủ tục tiếp nhận, phân loại, xử lý, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố của lực lượng Công an nhân dân;
- Thông tư liên tịch số 01/2017/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC ngày 29/12/2017 của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Viện kiểm sát nhân dân tối cao liên tịch quy định việc phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền trong việc thực hiện một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố.
Nội dung:
1. Tố giác về tội phạm là gì?
Căn cứ theo khoản 1 Điều 144 Bộ luật Tố tụng hình sự, tố giác về tội phạm được quy định là: “việc cá nhân phát hiện và tố cáo hành vi có dấu hiệu tội phạm với cơ quan có thẩm quyền”.
Tuy nhiên người tố giác tội phạm cần lưu ý: Người nào cố ý tố giác, báo tin về tội phạm sai sự thật thì tuỳ tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của luật.
2. Trách nhiệm tiếp nhận tố giác về tội phạm
Tại khoản 1 Điều 5 Thông tư liên tịch 01/2017/TTLT-BCA-BQP-BNN&PTNT-VKSNDTC quy định về các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tiếp nhận tố giác về tội phạm bao gồm:
“a) Cơ quan điều tra;
b) Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra;
c) Viện kiểm sát các cấp;
d) Các cơ quan, tổ chức quy định tại điểm b khoản 2 Điều 145 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 gồm: Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an, Trạm Công an; Tòa án các cấp; Cơ quan báo chí và các cơ quan, tổ chức khác.”.
Viện kiểm sát giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm trong trường hợp phát hiện Cơ quan điều tra, Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong hoạt động kiểm tra, xác minh tố giác, tin báo về tội phạm hoặc có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm mà Viện kiểm sát đã yêu cầu bằng văn bản nhưng sau 15 ngày kể từ ngày cơ quan đang thụ lý, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm nhận văn bản yêu cầu mà không được khắc phục.
3. Quy trình giải quyết tố giác về tội phạm
Theo Thông tư 28/2020/TT-BCA, quy trình giải quyết tố giác về tội phạm được quy định gồm có 6 bước. Cụ thể như sau:
Bước 1: Tiếp nhận tin tố giác về tội phạm
Cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận thông tin tố giác tội phạm qua các phương thức sau:
- Tiếp nhận tố giác trực tiếp bằng lời;
- Tiếp nhận tố giác trực tiếp bằng văn bản tố giác tội phạm;
- Tiếp nhận tố giác thông qua điện thoại;
- Tiếp nhận đơn, thư tố giác thông qua bưu điện, giao liên;
- Tiếp nhận tố giác thông qua phương tiện thông tin đại chúng, qua hòm thư điện tử, báo nói và báo hình.
Bước 2: Phân loại, xử lý tố giác về tội phạm
Sau khi tiếp nhận, cơ quan tiếp nhận sẽ tiến hành phân loại và xử lý thông tin tố giác tội phạm. Nếu tin tố giác thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan tiếp nhận thì trong vòng 24 giờ kể từ khi tiếp nhận, cán bộ tiếp nhận giao tố giác cho đơn vị có thẩm quyền để giải quyết. Trường hợp tin tố giác không thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan tiếp nhận thì trong vòng 24 giờ kể từ khi có căn cứ xác định cơ quan có thẩm quyền, cán bộ tiếp nhận chuyển ngay tin tố giác đó đến cơ quan điều tra có thẩm quyền để giải quyết.
Bước 3: Thông báo tiếp nhận tố giác về tội phạm
Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận tố giác về tội phạm, cơ quan có thẩm quyền phải thông báo bằng văn bản về kết quả tiếp nhận cho Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện kiểm sát nhân dân có thẩm quyền, cơ quan, tổ chức, cá nhân đã tố giác, báo tin về tội phạm, kiến nghị khởi tố biết (trừ trường hợp người tố giác, báo tin từ chối cung cấp thông tin cá nhân).
Bước 4: Giải quyết tố giác về tội phạm
Cơ quan có thẩm quyền sẽ tiến hành thu thập thông tin, tài liệu, đồ vật từ cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để kiểm tra, xác minh nguồn tin về tội phạm phục vụ cho việc giải quyết tin tố giác.
Thời hạn giải quyết tin tố giác từ 20 ngày đến 04 tháng kể từ ngày nhận được thông tin tố giác tùy theo từng vụ việc cụ thể (Điều 11 Thông tư liên tịch 01/2017/TTLT-BCA-BQP-BNN&PTNT-VKSNDTC).
Bước 5: Ra một trong các Quyết định
Sau khi kết thúc quá trình giải quyết tố giác, cơ quan có thẩm quyền phải ra một trong các quyết định sau đây:
- Quyết định khởi tố vụ án hình sự;
- Quyết định không khởi tố vụ án hình sự;
- Quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết nguồn tin về tội phạm.
Bước 6: Thông báo kết quả giải quyết tố giác về tội phạm
Trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày kết thúc việc giải quyết tố giác về tội phạm (trừ trường hợp ra Quyết định tạm đình chỉ giải quyết nguồn tin về tội phạm), cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho cá nhân, cơ quan, tổ chức đã tố giác, báo tin về tội phạm, kiến nghị khởi tố biết kết quả giải quyết (trừ trường hợp người tố giác, báo tin từ chối cung cấp thông tin cá nhân).
Người tố giác về tội phạm sau khi nhận được kết quả giải quyết về tội phạm nếu không đồng ý và cho rằng kết quả giải quyết không khách quan thì có thể tiếp tục khiếu nại đối với kết quả đó theo đúng thời hạn và thẩm quyền quy định của pháp luật tố tụng hình sự.
Trên đây là những chia sẻ của Công ty Luật TNHH HT Legal VN về quy trình giải quyết tố giác tội phạm. Để được tư vấn rõ hơn về vấn đề này và các vấn đề pháp lý khác, vui lòng liên hệ:
CÔNG TY LUẬT TNHH HT LEGAL VN
VP1: 37/12 Hẻm 602 Điện Biên Phủ, P.22, quận Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh (Bên cạnh UBND phường 22)
VP2: 207B Nguyễn Phúc Chu, P.15, quận Tân Bình, Tp. Hồ Chí Minh
Email: info@htlegalvn.com Hotline: 09 6161 4040 – 09 4517 4040