Thế nào là cho vay nặng lãi, hình phạt đối với tội cho vay nặng lãi?

21/12/2020 - 1507 lượt xem

Thế nào là cho vay nặng lãi, hình phạt đối với tội cho vay nặng lãi?

Căn cứ pháp lý:

  • Bộ luật dân sự năm 2015;
  • Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017;

Công văn 4688/VKSTC-V14 ngày 09/10/2020 V/v hướng dẫn, giải đáp vướng mắc trong quá trình áp dụng Điều 201 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017)

1. Mức lãi suất được cho vay theo quy định của pháp luật.

Căn cứ Khoản 1, Điều 468 BLDS năm 2015 cho phép các bên thỏa thuận nhưng không vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay

1. Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất

Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.

2. Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 Điều này tại thời điểm trả nợ.”

Như vậy, mức lãi suất mà pháp luật quy định tối đa là 20%/năm tương đương lãi suất 1 tháng không quá 1,666%/tháng

2. Vậy khoản tiền lãi vượt quá không có hiệu lực và phải được coi là thu lợi bất chính để xác định trách nhiệm hình sự?

Căn cứ Điều 201, Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định như sau:

“1. Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 05 lần mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật dân sự, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

2. Phạm tội thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”

Đối chiếu theo quy định trên, để được xem có cho vay nặng lãi phải đáp ứng các điều kiện sau:

  • Cho vay với lãi suất gấp 5 lần mức lãi suất quy định tại Điều 468 BLDS 2015 (20%/năm)
  • Ngoài việc cho vay với lãi suất gấp 5 lần thì người cho vay đã thu lợi bất chính trên 30.000.000 đồng

Chỉ khi đáp ứng được những điều kiện trên thì mới được xem là cho vay nặng lãi.

3. Có phải chịu tội cho vay nặng lãi hay không?

Hỏi: Thưa Luật sư. Vào khoảng ngày 01/01/2018 tôi có cho bạn tôi vay 40 triệu đồng và trả lãi 5 triệu/tháng vay từ ngày 01/01/2018 -01/01/2021. Bạn tôi đã trả lãi từ tháng 01/2018 đến nay 12/2020 với số tiền ước tính khoảng 175 triệu đồng, nay bạn tôi không đồng ý trả gốc và lãi nữa và còn dọa kiện tôi tội cho vay nặng lãi. Vậy tôi có phạm tội cho vay nặng lại hay không?

Đáp: Căn cứ Khoản 1, Điều 468 BLDS năm 2015 cho phép các bên thỏa thuận nhưng không vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay.

  • Tiền lãi mà bạn của bạn phải trả hàng tháng (theo quy định của pháp luật) = 40.000.000 đồng x 1,666%/tháng = 666.666 đồng/tháng.
  • Việc bạn lấy lãi suất 5 triệu đồng/tháng (tương đương 12,5%/tháng) là trái quy định của pháp luật vì vượt quá 20%/năm. So với mức lãi suất theo quy định gấp 9,8 lần.
  • Thời gian đóng lãi từ 01/01/2018 – 12/2020 là khoảng 35 tháng; Số tiền lãi mà bạn của bạn đáng lẽ ra chỉ cần đóng theo quy định pháp luật là 666.666 đồng/tháng. Nhưng trên thực tế bạn của bạn phải đóng lãi 5 triệu/ tháng, vậy mỗi tháng bạn đã thu lợi bất chính số tiền là 4.333.334 đồng/tháng.

Như vậy, tính đến 12/2020 bạn đã thu lợi bất chính khoảng 151.666.690 đồng.

Căn cứ Điều 468 BLDS năm 2015, Căn cứ Khoản 2,3 Điều 201 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ, bổ sung năm 2017.

Khung hình phạt mà bạn có thể phải đối mặt là “Bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm”

Ngoài ra người phạm tội còn có thể bị “cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm”

LƯU Ý: Không được nhầm lẫn giữa lãi suất giao dịch dân sự (không phải là hợp đồng tín dụng) với lãi suất cho vay giữa tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài với cơ quan, tổ chức, cá nhân (hợp đồng tín dụng).

Đối với trường hợp này, không áp dụng mức lãi suất cho vay theo quy định tại điều 468 Bộ luật dân sự năm 2015 và Điều 476 Bộ luật dân sự năm 2015. Trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác. Đối với trường hợp này, chúng tôi sẽ giành một bài viết để đi sâu và phân tích rõ hơn về áp dụng lãi suất, cũng như lãi đối với nợ gốc quá hạn và lãi với nợ lãi quá hạn trong trong hợp đồng tín dụng.

Trên đây là nội dung trao đổi, giải đáp pháp lý của chúng tôi về tội vay nặng lãi.

Công ty Luật TNHH HT Legal VN - Hotline: 09 6161 4040 – 09 4517 4040

HT LEGAL VN

Cùng chuyên mục